Gương mặt LHPVN: NSND Trần Văn Thủy

(TGĐA Online) -...Với phim Phản bội và Hà Nội trong mắt ai.


Tôi có may mắn được tham dự một số LHP Quốc gia với tư cách là tác giả của các phim dự giải kể từ năm 1973. Đó là bộ phim tôi làm ở chiến trường miền Nam có tên Những người dân quê tôi (năm 1968) đã đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 2. Tiếp đó là phim Phản bội (năm 1979) đã đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 5, 1980; phim Hà Nội trong mắt ai (năm 1982) đã đoạt giải Bông sen Vàng, Đạo diễn xuất sắc, Biên kịch xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ VIII, 1988; phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai đã đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam năm 1999 tại Huế. Trong số đó có hai bộ phim Phản bội Hà Nội trong mắt ai đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm về việc làm nghề.

P1210842

Phản bội là bộ phim được làm khi Trung Quốc đang gây hấn ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Thời kỳ đó, tôi vừa ở Nga về và duyên phận thế nào tôi phải thực hiện một bộ phim về chiến tranh quá tầm hiểu biết và sức lực của tôi. Bộ phim dài 9 cuốn, tương ứng với dung lượng của một phim truyện và trong nghề ai cũng biết rằng với một bộ phim tài liệu dài như thế thì không dễ làm và không dễ gì hấp dẫn được người xem. Thời kỳ đó, tôi đã may mắn được ông Nguyễn Cơ Thạch – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cung cấp cho những tài liệu rất quan trọng. Tôi đã nghiên cứu để thực hiện bộ phim Phản bội với nội dung chính là sự xung đột chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra. Tất cả những gì trong phim tôi đều căn cứ vào sự hiểu biết và những tài liệu lịch sử mà tôi đã có trong tay. Sau khi phim hoàn thành Ban Giám đốc Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cũng chưa đưa ra một quyết định và đánh giá gì cụ thể. Khi đó, Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định mời Bộ trưởng và những chuyên gia của Bộ Ngoại giao sang xem để thẩm định. Xem xong, ông Nguyễn Cơ Thạch rất hài lòng vì đây là một bộ phim khó làm nhưng hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế cho đến bây giờ nhiều người vẫn không muốn nhắc lại bộ phim này vì nhiều lý do. Về mặt hình thức thể hiện, có người cho rằng Phản bội bắt chước cách làm phim của Phi công mặc quần áo ngủ - một bộ phim đồ sộ 4 tập của hai đạo diễn Hai-Nop-Ski và Soi-Man. Nhưng chính hai đạo diễn này khi xem Phản bội đã phát biểu rằng “Phản bội không hề bắt chước thủ pháp của Phi công mặc quần áo ngủ. Phản bội có cách làm rất thích hợp với đề tài, hơn nữa, tôi muốn nói một điều quan trọng rằng thủ pháp không phải là tài sản của riêng ai”.

Sau đó, Phản bội tham gia LHP Việt Nam lần thứ V, 1980. Thời điểm đó và cho đến tận bây giờ vẫn có quy định rất chặt chẽ là từng hạng mục phim chỉ có một giải Vàng. Năm đó, đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng có phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin tham gia LHP. Hầu hết, ai cũng nghĩ Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin sẽ đoạt giải Bông sen Vàng vì thường phim làm về lãnh tụ là sẽ có giải. Nhưng không ngờ khi xem xong Phản bội mọi người đều thốt lên rằng bộ phim này xứng đáng được giải Vàng. Cuối cùng năm đó, Ban Giám khảo bàn đi bàn lại phải chấp nhận 2 giải Vàng cho hai bộ phim trong cùng một LHP đó là Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin Phản bội. Đó là một kỷ niệm khá thú vị ngoài dự kiến của tôi và nhiều người khác. Nhưng đúng vào thời điểm này tôi lại đi nước ngoài nên cũng không nhớ chính xác LHP Việt Nam lần thứ V tổ chức ở đâu. Hôm trao giải, tôi được một đồng nghiệp nhận hộ giải thưởng nên cụ thể buổi lễ trao giải như thế nào thì tôi cũng không được biết.

tranvanthuy

Chẳng hiểu sao, tôi là người làm phim luôn bị đứng trước sự nghi ngờ. Phản bội trước đó bị nghi đạo phim, còn Hà Nội trong mắt ai trong ký ức của nhiều người trước đây là bộ phim tài liệu "có vấn đề". Ngay từ khi ra đời, bộ phim không chỉ gây chấn động dư luận thời bấy giờ về tính ẩn dụ và cái nhìn trực diện về những vấn đề nóng của xã hội mà còn bị quy kết là phim chống Đảng, dạy Đảng cầm quyền, phim kêu gọi mọi người xuống đường. Bộ phim đã bị cấm chiếu một cách gắt gao cho đến khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp xem và nhận xét. Khi đó, ông đã ra lệnh tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt và chiếu ngay lập tức. Tuy nhiên, chỉ sau vài ba tháng, Hà Nội trong mắt ai lại không được chiếu nữa và tôi có lệnh gặp rất nhiều các nhân vật cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó có ông Lê Đức Thọ, ông Trường Chinh... Nhưng một lần nữa, bộ phim lại nhận được chỉ thị tuyệt đối không được chiếu. Sau tất cả những gian nan, chìm nổi mà bộ phim và người làm nên nó đã phải gánh chịu, nếu không có sự đổi thay từ trong cách nghĩ của Đại hội VI (cuối năm 1986), với ý kiến kiên quyết chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì chưa chắc mọi chuyện đã được sáng tỏ. Đích thân Tổng Bí thư đã trực tiếp xem bộ phim này vào tháng 5/1987 và hỏi tôi "Bộ phim chỉ có thế này thôi à?" và tôi đáp rằng "Vâng, thưa Tổng Bí thư, bộ phim chỉ có thế thôi". Ông ngạc nhiên "Chỉ thế này thôi tại sao lại cấm?". Sau đó, Tổng Bí thư ra chỉ thị triệu tập những người có trọng trách về quản lý văn hóa văn nghệ, chủ tịch, tổng thư ký các hội văn học nghệ thuật cùng xem phim để bỏ phiếu "Thuận" hay "Chống" và 100% những ai có mặt đã bỏ phiếu "Thuận". Ngày 26/9/1987, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản chính thức "giải phóng" cho Hà Nội trong mắt ai theo tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI. Đến tháng 3/1988, bộ phim này tham dự LHP Quốc gia lần thứ VIII được tổ chức ở Đà Nẵng. Trong không khí đổi mới của đất nước, Hà Nội trong mắt ai đã xuất sắc đoạt giải Bông sen Vàng kèm theo ba giải Biên kịch xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Quay phim xuất sắc.

-Kim Anh (ghi)-