Hà Nội tháng 10/1954 qua góc nhìn của Roman Karmen

(TGĐA) - Năm 1954 , một đoàn làm phim tài liệu từ Liên Xô đã đến nước ta. Đoàn gồm đạo diễn Roman Karmen cùng các nhà quay phim Evghenhi Mukhin và Vladimia Eshurin. Với sự cộng tác của các nhà làm phim Việt Nam, ba người đã đi ba hướng khác nhau để quay những cảnh của bộ phim Việt Nam mà chúng ta quen gọi là Việt Nam trên đường thắng lợi. 

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen Nghệ sỹ và kỷ niệm làm phim Điện Biên

Năm 1954 , một đoàn làm phim tài liệu từ Liên Xô đã đến nước ta. Đoàn gồm đạo diễn Roman Karmen cùng các nhà quay phim Evghenhi Mukhin và Vladimia Eshurin. Với sự cộng tác của các nhà làm phim Việt Nam, ba người đã đi ba hướng khác nhau để quay những cảnh của bộ phim Việt Nam mà chúng ta quen gọi là Việt Nam trên đường thắng lợi. Sau khi về nước, cảm xúc về đất nước Việt Nam còn dào dạt trong trái tim người nghệ sỹ, đạo diễn Romam Karmem còn xuất bản hai tập sách về Việt Nam nhan đề Ánh sáng trong rừng thẳm (1957) và Việt Nam chiến đấu (1958). Bài viết dưới đây trích từ lời kể của R. Karmen về những ấn tượng của ông khi tiếp xúc với người Hà Nội trong ngày đầu giải phóng.

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen
Cảnh trong phim Việt Nam của Roman Karmen

Đầu tháng 10 -1954, R. Karmen về đến thị xã Hà Đông, nơi ông hẹn gặp đồng nghiệp V. Eshurin đang ở khu Bốn. Nhưng ông vẫn chưa được vào Hà Nội vì chính quyền Pháp vẫn không cấp giấy phép. R. Karmen buộc phải thỉnh cầu đến ông Chủ tịch Ủy ban quốc tế kiểm soát ở Việt Nam. Đoàn phim mong chờ được vào Hà Nội để, theo kế hoạch, vào lúc 16h30 ngày 9-10 sẽ quay cảnh tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Nội qua cây cầu bắc ngang sông Hồng. R.Karmen kể: “Trước cái ngày lớn lao đó, các nhà điện ảnh Xô Viết và Việt Nam đã tề tựu cả. Mai Lộc có đôi gò má cao, tính tình sôi nổi; Hồng Nghi kín đáo; Tiến Lợi – con người không biết mệt, đã quay trận Điện Biên Phủ từ ngày đầu cho đến giờ chót; nhà quay phim Quang Huy – tác giả của đoạn phim đoàn tầu hỏa của Pháp bị nổ vì mìn…Chúng tôi kiểm tra nhiều lần các máy móc, thiết bị của mình. Chúng tôi chờ đợi. Buổi tối ngày 7 tháng Mười, cuối cùng chúng tôi được báo tin rằng, chúng tôi, ba nhà điện ảnh Xô Viết và các đồng nghiệp Việt Nam đã được đặc cách ở bên cạnh Ủy ban Quốc tế. Ủy ban này yêu cầu chính quyền Pháp cho chúng tôi vào Hà Nội. Khoa (đạo diễn Phạm Văn Khoa) trao cho chúng tôi mỗi người một giấy chứng nhận của Ủy ban Quốc tế. Đến khuya, Khoa lại từ Ủy ban hỗn hợp trở về - đã nhận được giấy phép vào Hà Nội của Bộ Chỉ huy Quân sự Pháp. Một tờ giấy trắng “Laisser paser’’ do đại tá De Vinter chỉ huy vùng chiến thuật Hà Nội ký, cho phép vượt tuyến ngăn cách quân đội hai bên và tự do đi lại trong Hà Nội trong tình trạng thiết quân luật của người Pháp’’.

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen
Hà Nội năm 1954. Phố Hàng Đào vắng lặng vì lệnh giới nghiêm trước khi bộ đội Việt Minh tiếp quản Thủ đô

Khi vào Hà Nội, các thành viên của Ủy ban Quốc tế và các phóng viên nước ngoài được ở trong hai khách sạn lớn là Metropol và Splendide (nay là khách sạn Dân Chủ). R. Karmen kể tiếp: “Chúng tôi tiến vào Hà Nội dưới cơn mưa rào. Thành phố tưởng như hoang vắng. Trên đường phố, những chiếc xe Jeep phóng như điên dại, những đoàn xe tải ầm ầm, các đội tuần tra lính Pháp vũ trang đi qua. Các đường phố ở trung tâm thành phố được mưa rào rửa sạch hầu như không một bóng người. Nhưng ở các vùng ngoại vi, khu lao động thợ thuyền thì không khí lại tấp nập khác thường. Tại đây, ngày hội giải phóng đã bắt đầu. Bên cổng và cửa nhà, từng tốp người tụ tập. Các quầy hàng nhỏ cửa hé mở, có thể thấy rõ trên quầy bày cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi tiếng nói tiếng cười vui vẻ. Tiếng ồn ào chỉ lặng đi giây phút khi chiếc xe bọc thép của Pháp với cần ăng-ten cao ngất nghểu ầm ầm lăn xích qua. Người ta vào nhà đóng sập cửa lại. Anh lính Pháp, mặt đầy tàn nhang, nhai kẹo cao su Mỹ co ro giữa trời mưa giữa ngã tư đường, trông thật ảo não. Xế vị trí của anh ta một quãng, những cỗ máy trong một xưởng nhỏ hối hả may. Người chủ xưởng không kịp phục vụ cờ cho mọi người. Ngày mai hàng ngàn lá cờ sẽ tung bay trên đường phố Thủ đô giải phóng...’’

Đoàn phim Xô Viết ở khách sạn Splendide. Những phút đầu làm quen với khách sạn sau mấy tháng ở rừng: “Trong căn phòng lớn có chiếc giường rộng mắc màn. Tôi tiến đến công tắc, bấm công tắc – ánh sáng điện bật lên. Thận trọng đi trên nền sàn gỗ ghép, tôi và Mukhin đi vào phòng tắm. Dường như sợ bỏng, Gieenhia khẽ mở vòi nước. Nước từ trong vòi chảy ra! Bật cười, chúng tôi nhìn nhau. Chúng tôi đã không thấy điều này trong mấy tháng trời’’.

Sáng hôm sau, ngày 8 tháng Mười, họ đi quay phim ngay. Ông kể: “Chúng tôi quyết định phân tán đi các địa điểm khác nhau của thành phố, tận dụng một ngày duy nhất Pháp còn chiếm đóng Hà Nội. Volodia đi về phía cầu sông Hồng, ở đó có cuộc di cư đang diễn ra. Tôi cùng Mukhin đi vào trung tâm thành phố...

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen
Ngày tiếp quản Hà Nội năm 1954

“Chúng tôi dừng lại để quay những cảnh những chiếc xe tải chở đầy tủ và két, tủ lạnh, giường, đồ sứ từ trong cổng một nhà đi ra. Những chiếc xe con chất đầy va ly chạy rối rít. Từ trong thành cổ, những chiếc xe bọc thép bò ra. Chúng tôi quay...Tin rằng binh lính và sỹ quan Pháp không để ý đến máy quay , tôi bắt đầu hoạt động mạnh dạn hơn. Đây, một viên đại tá Pháp đứng tuổi đi tới. Tôi đưa máy nhằm quay cận cảnh. Ông ta quay về phía ống kính và vừa đi vừa đưa tay ra hiệu: Dừng lại! Hay ho gì mà quay lúc này! Thế là cả động tác của ông ta tôi cũng thu vào ống kính. Ông ta buồn bã quay lưng lại.’’

Đoàn phim gặp Ủy ban Quốc tế. Ông Chủ tịch là Murti, người Ấn Độ. Ông này rất thích vũ ba lê của Liên Xô. Ông đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở London, đó là đề tài luận án Phó tiến sỹ của ông. Và ông cho phép đoàn phim quay tất cả những gì họ thích.

Đạo diễn R. Karmen kể tiếp: “Ngày 9 tháng Mười! Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử của nhân dân Việt Nam như một trong những ngày tươi sáng nhất. Ngày bọn thực dân ra đi! Suốt đêm, chúng tôi không ngủ, thảo luận từng chi tiết nhỏ nhất về kế hoạch quay phim Ngày giải phóng Thủ đô…Sáng ra, trời u ám, mưa phùn rải rác. Người Pháp tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Dân chúng cấm không được ra khỏi nhà, cấm tất cả các loại giao thông công cộng…Tại Hà Nội có rất nhiều phóng viên và các nhà làm phim nước ngoài. Xe của họ từ sáng sớm đã phóng đi khắp thành phố…Những chiếc xe sơn trắng của Ủy ban Quốc tế chạy đi chạy lại trên các phố. Trên xe là các sỹ quan Ấn Độ râu ria xồm xoàm, đội khăn đóng, các sỹ quan Canada gầy gầy, các sỹ quan Ba Lan vui tươi, cặp mắt trong trẻo – các đại diện quân sự của ba nước trung lập chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện hiệp định hòa bình.

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen
Nhà làm phim Roman Karmen (phải) tại Việt Nam năm 1954

6 giờ 30 phút sáng. Theo phố Duy Tân (phố Huế bây giờ), đi từ trung tâm thành phố về phía nam, xe chúng tôi tới địa điểm gặp gỡ của sỹ quan hai bên. Giữa phố là những chiếc xe mang hai cờ - cờ Việt Nam và cờ Pháp… Hai sỹ quan nhìn đồng hồ. 6 giờ 55 phút, viên sỹ quan đoàn xe bọc thép Pháp, nói gì vào máy bộ đàm. Đưa bàn tay đi găng da cầm loa lên, ông ta ra lệnh cho đoàn xe bọc thép của mình. Tiếng máy rồ lên, đoàn xe chuyển bánh và dần tăng tốc độ, nhằm về hướng Bắc. Qua mấy phút, đúng 7 giờ, đoàn xe chở bộ đội Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc thép. Tiếp theo sau đoàn xe là bộ đội Việt Nam đi thành hàng giữa lòng đường. Và lúc này đã diễn ra một điều kỳ lạ: Phố xá hoang vắng hầu như đang chết đi bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Tiếng động cơ của những chiếc xe bọc thép ra di còn chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Và lập tức, các đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người vui tươi, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ em lên đầu, vỗ tay, khóc vì sung sướng, ca hát, cười. Chiếc xe chở các sỹ quan Việt Nam tươi cười và viên thiếu tá Pháp đứng tuổi cúi gục đầu khó khăn lách đi mãi mới đến trung tâm, bám theo những chiếc xe bọc thép đã ra đi.

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen

Trong niềm hân hoan hạnh phúc giải phóng, tôi nhìn thấy bộ mặt tư lự của nhà điện ảnh Mỹ. Ông ta đứng cạnh chiếc xe của mình, buông thõng máy quay. Ông ta không quay…Các đơn vị lính Maroc hạ trại bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Bọn sỹ quan vội vã chụp ảnh cho nhau lấy cảnh Tháp Rùa. Một sỹ quan Pháp đội bê-rê đỏ chậm chạp bước đi, tay chắp sau lưng, tư lự nhìn xuống đất. Mệnh lệnh vang lên, binh lính leo lên những chiếc xe tải…Tôi quay phim đoàn xe tải. Trên xe là binh lính đội quân lê dương đội kê-pi trắng. Tôi chú ý đến một hạ sỹ quan Pháp béo mập, vui vẻ. Nhìn thấy người quay phim, anh ta giơ cao chai sampanh rồi ngửa cổ uống. Binh lính cười vui vẻ, vẫy người quay phim. Họ rời bỏ thành phố mà không phải đánh nhau. Hôm nay, bên cửa sổ Hà Nội, Hà Nội trở về với nhân dân Việt Nam.

Vào giây phút này, nhà điện ảnh Mai Lộc đã thu vào ống kính một cảnh đầy tính tượng trưng: Ở cận cảnh là anh bộ đội Việt Nam gác trên cầu, còn đằng sau, xa xa là ba người lính Pháp đang lùi lũi ra đi không ngoái lại. Những người lính Pháp cuối cùng rời Hà Nội sau 80 năm chiếm đóng. Họ ra đi mãi mãi.

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen
Hồ Gươm Hà Nội

Hà Nội tự do! Những người dân hiền lành giờ đây có thể hít thở nhẹ nhàng, tự do ca hát và mỉm cười với hạnh phúc của mình! Cho tới đêm khuya, những đám người nhộn nhịp, tươi vui không rời các quảng trường, đường phố tràn ngạp trong ánh điện trang trí ngày hội.

ha noi thang 101954 qua goc nhin cua roman karmen Nghệ sỹ và kỷ niệm làm phim Điện Biên

Phụng Công