Hai bộ phim tài liệu rất hay của VTV Đà Nẵng

(TGĐA) - Chiếc chiếu của bà Bứa (tên khác: Xóm Mới). Ngay cái tên phim đã gợi sự tò mò của người xem. Nó kích thích trí tưởng tượng. Khi chưa xem, người ta cứ tưởng tượng về một làng hay một người làm chiếu thủ công. Nhưng khi được nhìn thấy câu chuyện, khán giả nhận ra, không phải như vậy.

Phim Chiếc chiếu của bà Bứa

Phim Chiếc chiếu của bà Bứa

Tại sao phim có tên đó? Đạo diễn Dương Mộng Thu không cần giải thích. Cô đã bước qua được một căn bệnh rất nặng của phim Việt Nam (cả truyện và tài liệu) là sợ người xem không hiểu nên giải thích rất lan man). Chỉ cần hình ảnh bà Bứa giặt chiếu và lời một người hàng xóm :Ngày trước, cứ mỗi khi sắp lên cơn là bà ấy lại mang chiếu ra giặt’’. Người xem liên tưởng đến hình ảnh những người mắc bệnh về thần kinh thường có thói quen ở rất sạch sẽ. Họ có cảm giác rất mạnh về sự trong sạch. Hoặc nhớ về những người từng phải sống trong tù. Họ rất có nhu cầu về việc giặt giũ, giao hòa với nước. Nhà thơ Phùng Quán kể, khi ông Nguyễn Hữu Đang, mãn hạn tù, về sống ở Thái Bình. Lần nào ông Quán từ Hà Nội về thăm, cũng đều thấy ông Đang ngồi cầu ao, giặt đi giặt lại một cái áo. Cái hành động giặt đó như dấu vết của sự suy nghĩ làm trong sạch lại quá khứ. Một nhà thơ Trung Quốc viết về những người thợ giặt Trung Hoa khi vừa thoát khỏi ách thống trị của Nhật với những điệp ngữ mạnh: “Chúng ta giặt/ Chúng ta giặt/ Chúng ta giặt/ Cho sạch những ngày nô lệ… (Bản dịch của Hoàng Trung Thông). Khoảng hơn mười năm trước, Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội có chiếu bộ phim tài liệu Phápnhan đềLiệu nước có rửa sạch được ký ức? của một nhà làm phim Pháp. Ông đạo diễn có Người Mẹ bị phát xít Đức bắt làm “nô lệ tình dục’’ trong Đại Chiến II. Sau chiến tranh, chính phủ Đức bồi thường bằng cách, hàng năm, vào dịp hè, đưa những phụ nữ này sang Đức, nghỉ ở những khu an dưỡng tốt nhất. Mẹ ông cùng những người bạn của mình thường thích thả mình dưới và trong những làn nước.

MThu

Đạo diễn Dương Mộng Thu và giải thưởng Ogawa Shinsuke - giải cao nhất trong hạng mục Phim tài liệu châu Á tại LHPQT Yamagata 2013 tại Nhật Bản

Khi bà Bứa đi phơi chiếu, có cảnh bà không nhấc nổi chân lên cái bậc vỉa hè,(chỉ khoảng hơn chục cm), đạo diễn cũng cứ để nhân vật tự nhiên. Đạo diễn tôn trọng nhân vật. Không “xía vô’’ những việc họ làm. Đặc biệt, đạo diễn không cần sử sụng tư liệu một cách dễ dãi. Những hình ảnh phụ nữ trong tù không thiếu, nhưng đạo diễn đã dũng cảm, nói “không’’ với tư liệu. Đây có thể là cách làm phim tài liệu theo “kiểu Varan’’. Nhưng hiện nay, ngôn ngữ phim tài liệu mở rất rộng. Người làm phim có thể sử dụng cả phim hoạt hình để trình bày câu chuyện. Việc sử dụng phim tư liệu cũng cần hết sức thận trọng, dễ bị “râu ông nọ cắm cằm bà kia’’. Tự thân câu chuyện của bà Bứa vốn đã đủ sức mạnh nên không cần đến tư liệu cũ.

Một điểm yếu trong phim tài liệu của chúng ta là hầu như rất khan hiếm những hình ảnh ẩn dụ. Hình ảnh ẩn dụ mang lại cho bộ phim rất nhiều vẻ đẹp, rất nhiều sự gợi cảm, quyến rũ. Trong phim này, đạo diễn đã dàn dựng được rất nhiều những vẻ đẹp này và dàn dựng đạt đễn mức độ nhuần nhuyễn. Trong phim có cảnh những người hàng xóm nghe bà Bứa ca bài chòi binh vận, máy quay đặt ở góc tĩnh, quay khung cảnh rất đầm ấm thời hiện tại. Nhưng khi giọng ca của bà Bứa ngân về cuối, máy quay dịch một chút, hướng về phía con đường vàng ánh đèn, sâu hun hút, vắng vẻ trong đêm. Hình ảnh đó đã gợi lên trong lòng người xem cảm giác đó là quá khứ xa vời. Hay như cảnh bà Bứa ru cháu ngủ. Thằng bé đã ngủ say, đã trở mình nhưng giọng hat của bà Bứa vẫn ngân nga đâu đó trong căn phòng. Người xem có cảm tưởng, bà đang tự ru mình, ru thời trẻ của mình. Không cần một lời bình nào mà hình ảnh và âm thanh thấm sâu bao nhiêu. Hình ảnh chiếc xe đẩy bán mì quảng đi qua đi lại trước cửa nhà bà Bứa, không biết hữu ý hay vô tình, gợi cho người xem cảm giác về dòng thời gian đang trôi.

Những hình ảnh đối xứng mang tính đối lập tác động mạnh đến người xem. Đó là khi bà Bứa kể cho người con gái nghe về những ngày bà bị bắt vào tù. Bọn địch túm tóc bà, đập đầu vào tường, bắt khai báo. Hoặc khi chúng cắt đầu vú của bà, để lại di chứng sau này, khi bà mang thai, sữa không chảy mà chỉ ứa ra toàn máu! Câu chuyện này được kể lúc nào? Đó là lúc, con gái ngồi chải tóc cho mẹ. Một hình ảnh đẹp nhất, dịu dàng nhất được đặt song song với những ký ức đau đớn nhất. Những cách dàn dựng tương tự như vậy còn thấy nhiều chỗ khác trong phim.

Bộ phim đã được giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất trong hạng mục Phim tài liệu châu Á tại LHPQT Yamagata 2013 tại Nhật Bản. Bộ phim còn có một tên khác là Xóm Mới. Chính điều này lý giải sự lúng túng của đạo diễn khi kể chuyện. Bởi đạo diễn còn muốn kể một câu chuyện khác. Vì vậy có đoạn bị thừa, như đoạn bắt còng trong đêm. Có thể do đạo diễn và bộ phim bị phân thân giữa hai con đường: làm phim tài liệu nghệ thuật và phim tài liệu tuyên truyền.

Phim Trong quên lãng

Cảnh trong phim Trong quên lãng – Đạo diễn Đoàn Hồng Lê

Trong quên lãng. Đây là bộ phim ngỡ như đơn giản nhưng rất độc đáo. Đặc biệt, nó để lại nhiều suy nghĩ cho người xem.

Tại sao nói phim đơn giản? Trọng tâm câu chuyện chỉ là vấn đề làng mới và làng cũ. Làng mới cách làng cũ 4 km. Nhà cửa đơn sơ, không còn chút gì bản sắc của đồng bào Banah. Trong khi đó, làng cũ hiện ra với những nếp nhà sàn uy nghi, dầm mưa dãi nắng, tuy có nhiều nhà đã bị nghiêng ngả. Và làng mới, có những người Banah trẻ tuổi, có điện, có TV, có xe máy, có những dụng cụ lao động bằng máy v.v…Còn làng cũ, chỉ có những người già ốm yếu với khung cảnh buồn mênh mang. Kể lại nội dung phim là một việc khó bởi ngôn ngữ hình ảnh trong phim rất cô đọng. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã chọn cách kể kiệm lời. Tất cả để cho những hình ảnh đối lập cất lên tiếng nói của mình.

Đường dây câu chuyện nối giữa hai làng là bà cụ Apơi, tuổi ngoài 70. Đạo diễn đã chọn chính xác nhân vật. Hình ảnh bà vừa đi vừa kể chuyện, đến thăm con trai nhưng không thể ngủ lại đêm nào. Bà về với làng cũ, nơi có những người bạn già, nơi có những ký ức về phong tục, về lối sống. Đạo diễn rất yêu câu chuyện và nhân vật của mình nên dành cho họ những hình ảnh chân thực nhất. Người con trai của bà say mê với những cái mới. Còn bà như chỉ sống với kỷ niệm. Hai người đi hai hướng ngược nhau như thời gian hai chiều.

Trong quên lãng ĐHL

Cảnh phim Trong quên lãng

Cao trào của bộ phim là trường đoạn những thanh niên về làng cũ bắn được con lợn rừng. Đây thật sự là trường đoạn rất thành công. Bởi phim tài liệu, phần lớn là các cảnh được dựng bên nhau, rất hiếm khi có trường đoạn. Đạo diễn rất công phu khi xây dựng trường đoạn này. Quá trình khảo sát, quá trình quay và dàn dựng, đòi hỏi người làm phim luôn chăm sóc câu chuyện với cả trái tim, với lòng kiên trì của người làm phim chuyên nghiệp. Cao trào này làm bùng nổ những xung đột vốn tồn tại từ lâu giữa hai thế hệ.

Bộ phim không dài, chỉ khoảng 20 phút. Nó gợi cho người xem bao suy tưởng về Tây Nguyên. Cái làng mới sơ sài thế kia làm sao có tâm hồn Banah? Những nếp nhà sàn mang hồn vía Tây Nguyên kia đang suy tàn, mục ruỗng. Lối sống, cách ứng xử với vạn vật của lớp trẻ qua việc “ăn chia’’ con heo rừng khiến người xem lo âu về một Tây Nguyên đang bị phá vỡ dù có đủ “điện-đường-trường-trạm” nhưng sẽ không còn núi, không còn rừng, không còn sông suối cùng với những luật tục đã gìn giữ Tây Nguyên ngàn năm nay. Những người làm phim không đứng từ ngoài nói vào mà họ đứng từ trong, đứng ở bên trong Banah, bên trong Tây Nguyên kể chuyện cho chúng ta nghe. Họ kể bằng những hình ảnh đầy mâu thuẫn, đầy xung đột nhưng vẫn mang giọng điệu trầm lắng, suy tư.

Câu chuyện họ kể không chỉ tượng trưng cho một gia đình Banah, một xã ở Tây Nguyên mà còn thấy ở nhiều nơi, nhiều nước. Những hình ảnh giàu tính biểu cảm với chút ít lời bình đã giữ cho bộ phim thật sự mang nhiều tính nghệ thuật. Chỉ dễ dãi một chút là bộ phim sẽ lạc sang lĩnh vực truyền thông. Sự khéo léo và tay nghề cao đã dàn dựng thành công một câu chuyện nhỏ nhưng mang tầm khái quát.

Đoàn Tuấn