Hai nền điện ảnh Nga

Không thể coi tôi là một khán giả châu Âu bình thường. Trong khuôn khổ công tác chuẩn bị Liên hoan điện ảnh Canne tôi đã xem toàn bộ phim Nga, vì vậy tôi biết rõ điện ảnh Nga và có ý kiến riêng của mình, khác với ý kiến của một người châu Âu thường thường bậc trung - bởi anh ta được xem ít phim Nga.

(TGĐA) - Trước hết chúng tôi quan tâm tới những người kế tục của các đạo diễn mà chúng tôi đã quen biết, và sự chú ý tập trung vào điện ảnh tác giả. Vì vậy sự khác biệt trong việc nhận thức điện ảnh Nga của người Nga và người châu Âu vẫn giữ nguyên.


Một nền điện ảnh Nga khác

Có thể nói rằng khán giả châu Âu – không riêng gì khán giả Pháp - ở vào độ tuổi 60 hiện nay, thực sự trưởng thành trên phim Nga. Nhưng sau những phim như “Đàn sếu bay qua” hay “Bài ca người lính” chúng tôi hoàn toàn không được xem phim thương mại (nói một cách ước lệ) của các bạn. Chúng tôi không biết Gayday lẫn Ryazanov, không biết những bộ phim hài của các bạn mà từ đó các bạn đã lớn lên . Kết quả là đã tạo nên một hình ảnh nhất định về điện ảnh Nga như là điện ảnh tác giả. Ngay từ giữa những năm 1970 chúng tôi bắt đầu xem phim của Tarkovsky và Paradzhanov, đó là thứ điện ảnh mà ở Liên Xô người ta không xem. Và chính vì vậy mà ở trên những đất nước của chúng tôi đã hình thành nên ý kiến khác nhau về điện ảnh Nga. Có thể nói rằng điện ảnh Nga của các bạn không phải là điện ảnh Nga của chúng tôi.

Thật khó xua tan hình ảnh đó, vì rằng hiện nay chúng tôi, cũng như các bạn, đang sống trong một nước tư bản chủ nghĩa, nghĩa là để làm điều đó cần phải có tiền. Sau cuộc cải tổ, khi người ta công bố các kho lưu trữ phim, trên màn ảnh của chúng tôi bắt đầu xuất hiện những bộ phim bị cấm (German, Muratova, Askoldov, v.v…), được quay trong những năm 1960 – 1970, và chúng tôi có ấn tượng rằng nước Nga là đất nước của những thiên tài. Trong vòng chừng hai năm chúng tôi đã xem toàn những bộ phim xuất chúng. Nhưng sau đó, đương nhiên, số lượng phim giảm xuống, đơn giản là vì không có những bộ phim khác, còn những bộ phim mới có chất lượng như vậy thì chưa ra đời. Trong khoảng thời gian từ 1980 – 1990, ở nước các bạn hoàn toàn không có điện ảnh: rất ít bộ phim được quay, hơn nữa, chúng có thể được xếp vào điện ảnh loại B, thậm chí loại C, vì vậy không ai nghĩ tới việc xuất khẩu chúng.

Ai sẽ xem“Tuần tra”?

Còn khi nền sản xuất điện ảnh Nga lại bắt đầu phát triển thì các nhà phát hành phim phương Tây lại quan tâm nhiều hơn tới những bộ phim mà họ đã quen thuộc. Trước hết chúng tôi quan tâm tới những người kế tục của các đạo diễn mà chúng tôi đã quen biết, và sự chú ý tập trung vào điện ảnh tác giả. Vì vậy sự khác biệt trong việc nhận thức điện ảnh Nga của người Nga và người châu Âu vẫn giữ nguyên: trong mấy năm gần đây chúng tôi hoàn toàn không xem các bộ phim bom tấn của các bạn. Không hề có những “Nước thí Thổ Nhĩ Kỳ”, “Trung đội 9”, “Cuộc chiến với bóng tối”…Vì vậy chúng tôi không hình dung được nền điện ảnh mới của Nga.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng điện ảnh Nga không được trọng dụng. Tất cả được cắt nghĩa bởi quan điểm kinh tế của chính các nhà phát hành. Đương nhiên, họ thích phát hành hơn những bộ phim đã biết rõ và những gì chắc chắn hấp dẫn khán giả. Và xét về mặt này thì phát hành phim của Sokurov ở châu Âu dễ dàng hơn ngàn lần so với “Trung đội 9”, bởi vì về khán giả của Sokurov chúng tôi đã biết từ lâu, chúng tôi biết rõ tiềm nằng của đối tượng này. Chúng tôi có thể phát hành Muratova, mặc dù tạm thời, tất nhiên, nó vẫn còn hạn chế. Những khán giả tới xem phim của bà, đã được chúng tôi tìm hiểu kỹ. Các nhà phát hành và phân phối phim phương Tây sợ đầu tư những khoản tiền lớn vào các chiến dịch quảng cáo dài hạn các bộ phim lớn của Nga, bởi vì họ không biết ai sẽ đến xem bộ phim đó.

Có thể nói rằng có hai loại điện ảnh Nga: điện ảnh mới, ít nổi tiếng, gọi là “điện ảnh Âu hoá”, hay thậm chí “điện ảnh Mỹ hoá” cũng không sai. Những khán giả thường xuyên xem phim của Sokurov, chưa chắc đã xem “Tuần tra đêm”. Còn giới thanh niên mà xét về mặt tư tưởng cần phải xem “Tuần tra”, không xem phim của Sokurov. Kết quả là, chúng tôi không biết được rốt cuộc ai sẽ xem “Tuần tra”.

Tôi rất hy vọng vào thành công của “Tuần tra đêm” ở châu Âu. Tôi hy vọng rằng điều đó cho phép tạo ra một hình ảnh mới nào đó về điện ảnh Nga, mở rộng quan niệm của người châu Âu về nó. Tôi hy vọng rằng hãng Fox hiện đang phát hành phim này, sẽ đầu tư đủ số tiền cần thiết để tạo ta một chiến dịch quảng cáo tốt, thu hút được khán giả. Nhưng mặc dù với tất cả những nỗ lực của họ và với số lượng bản sao khá lớn (chỉ riêng ở Pháp đã có 130 bản), kết quả thu được chỉ ở mức trung bình.

Và sau “Tuần tra đêm” trên màn ảnh của chúng tôi không có một bộ phim lớn nào của Nga nữa, trừ một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi (ở Pháp nói chung không có những ngoại lệ như vậy). Năm 2007, ở Pháp xuất hiện hai bộ phim của Nga “Người Ý” của đạo diễn Andrey Kravchuk (đây không hoàn toàn là điện ảnh tác giả, nhưng có thể coi nó là sự kế tục khuynh hướng này trong nghệ thuật điện ảnh) và bộ phim mới của Aleksandr Sokurov “Aleksandra”.

Năm lần khởi chiếu

Nhưng vào đầu năm 2008, ở Pháp xuất hiện 5 bộ phim Nga trong vòng một tháng – có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày 9 tháng 1, “Hải đảo” của Pavel Lungin được khởi chiếu - bộ phim đầu tiên của đạo diễn này được thực hiện không có sự giúp đỡ của các đạo diễn Pháp, và đây là điều quan trọng. Ngày 16 tháng 1, trên toàn bộ lãnh thổ châu Âu bắt đầu phát hành bộ phim “Tuần tra ngày’. Cũng vào ngày này xuất hiện bộ phim về Litvinenko mà chúng tôi đã giới thiệu tại liên hoan phim Canne. Một tuần sau, ngày 23 tháng 1, xuất hiện bộ phim “Người Mông Cổ” của đạo diễn Sergey Bodrov, cũng được quay thiếu sự hợp tác với Pháp. Ngày 6 tháng 2, xuất hiện bộ phim “Đi đày’ của Zvyagintsev, mà Zvyagintsev đối với khán giả Pháp là sự kế tục tự nhiên khuynh hướng được bắt đầu bởi Tarkovsky và Paradzhanov…

Vai trò của Nhà nước

Kinh nghiệm công tác của tôi ở Unifrance (đây là hãng chuyên quảng bá điện ảnh Pháp ở nước ngoài) cho thấy rằng nhà nước cần phải đầu tư tiền vào việc quảng bá điện ảnh dân tộc ở nước ngoài, bởi vì nếu không đầu tư tiền thì chính các nhà phát hành phim nước ngoài không bảo đảm được mức độ nổi tiếng cần thiết của bộ phim đó. Năm nay, ở Nga chúng tôi đã thu hút được 6 triệu khán giả - lần đầu tiên kể từ thời cải tổ. Với sự giúp đỡ của các nhà phân phối địa phương chúng tôi phát hành từ 20 đến 30 phim mới mỗi năm.

Tất nhiên, chúng tôi không tài trợ cho các nhà phát hành địa phương. Nhưng họ có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của chúng tôi, chúng tôi chia sẻ thông tin với họ về những bộ phim đang sản xuất, chúng tôi uỷ nhiệm họ tại các liên hoan phim – đây chính là điều mà các nhà nước cần làm. Chỉ có các nhà nước mới có khả năng bảo đảm tính khách quan đối với nền điện ảnh của mình. Một hãng tư nhân khi làm công việc quảng bá phim không tránh khỏi sự chủ quan, và điều đó ảnh hưởng tới công việc. Chỉ có nhà nước mới có thể quảng bá “Taxi-4” hay phim của Gođar trên những điều kiện bình đẳng.

Joel Chapron- Phó giám đốc hãng Unifrance

Trần Hậu (Dịch)