Hai ông Đại sứ Pháp mê phim

(TGĐA) - Trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V tổ chức vào tháng 10/2018 sẽ có bộ phim tài liệu Hà Nội của tôi do ông cựu Đại sứ Cộng hòa Pháp Jean Noel Poirier thực hiện. Công chúng Việt Nam thực sự ngạc nhiên trước góc nhìn đầy mới mẻ của ngài Đại sứ trước một Hà Nội cũ kỹ đang thay đổi. Trước đó, cũng có một ông Đại sứ Pháp viết hồi ký về Việt Nam. Đó là ông Claude Blanchemaison.  Ông làm Đại sứ của Pháp tại Việt Nam từ 1989 đến 1993. Nhưng mãi đến năm 2016 ông mới hoàn thành  cuốn sách này. Điều đặc biệt trong nhiệm kỳ của mình, ông đã giúp người Pháp làm được ba bộ phim truyện. Điều này được kể trong Hồi ký Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam của ông do NXB Chính trị Quốc gia phát hành.

hai ong dai su phap me phim Một số chương trình nổi bật tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V
hai ong dai su phap me phim Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ V: Ngày hội để điện ảnh Việt 'chiêu đãi' bạn bè quốc tế

Tôi còn nhớ mãi ấn tượng khi xem bộ phim Hà Nội của tôi trên truyền hình. Đã có bao nhiêu người viết, vẽ, nói và làm phim về Hà Nội. Nhưng Hà Nội của ông Jean Noel Poirier lại có rất nhiều những nét riêng mà những người yêu Hà Nội không thể nhìn thấy. Ngay cái ngõ Văn Chương, một ngõ mà đa số chỉ nhìn thấy “những điều cần phải làm cho nó tốt hơn”, thì ông lại phát hiện vẻ đẹp của một đoạn ngõ không kém gì Venice ! Và những hình ảnh trong phim đã chứng minh điều này. Một đoạn phim khác về khu tái định cư Định Công. Đó là một khu dân cư mới. Báo chí chỉ than phiền về sự lộn xộn, xuống cấp về mọi mặt của khu này. Nhưng ông lại thấy, ở đây, có hàng bán bánh cuốn của một người phụ nữ trung niên “ngon nhất nhì Hà Nội’’. Và cảnh quay bà tráng bánh, ông ngồi ăn thật ấm áp, truyền cảm hứng tình yêu thành phố.

hai ong dai su phap me phim
Một cảnh trong phim tài liệu Hà Nội của tôi Blanchemaison

Đặc biệt, những chung cư cũ Hà Nội, nơi mà bao nhà báo về Thủ đô sinh cơ lập nghiệp, làm phóng sự dè bỉu là “căn bệnh ngoài da” của thành phố, thì ông lại thấy những bức tường lở loét bong tróc đó “đẹp như những bức tranh trừu tượng”. Để có được sự so sánh đầy chất nhân văn này, hẳn ông là một người am hiểu lịch sử các trường phái hội họa. Và ông biến những kiến thức cao đẹp đó thành cái nhìn về Hà Nội trong những năm tháng chuyển mình. Nói như một người đồng hương của ông, nhà nghiên cứu Tây Nguyên Jacques Dournes, “cần phải có đủ tình yêu để hiểu biết và đủ sự hiểu biết để yêu”.

Còn đối với ông Claude Blanchemaison, ông đến Việt Nam khi nước ta bắt đầu thời kỳ Đổi mới. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng và tình yêu chân thành dành cho Việt Nam, ông đã góp phần kiến tạo làm cho gương mặt Việt Nam dần sáng trong trở lại. Trong thời gian làm đại sứ tại Việt Nam, ông đã giúp ba đoàn phim của Pháp đến Việt Nam. Trong Hồi ký, ông kể khá chi tiết về những kỷ niệm với các nghệ sỹ và các đoàn phim Pháp.

hai ong dai su phap me phim
Cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier trong phim Hà Nội của tôi

Ông viết về đạo diễn phim Điện Biên Phủ: “Nội dung chủ yếu của phim là diễn đạt luân phiên các cảnh chiến trường và cuộc sống ở hậu cứ. Hậu cứ ở đây là một thủ đô đã hơi cổ kính, vượt thời gian. Pierre Schoendoerffer giải thích rằng ông muốn dựng thành một màn orato thực sự tại Hà Nội với màn biểu diễn xen kẽ giữa dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và một nữ công độc tấu vỹ cầm người Pháp – do minh tinh màn bạc Ludmila Mikael thủ vai. Và trên chiến trường được dựng cách đó gần 70 km, có rất nhiều binh lính của cả hai bên tham trận. Rất đông trong số họ sẽ phải chia tay cuộc sống trong các trận chiến đấu’’.

Trong quá trình làm phim, ông cũng kể nhiều chi tiết thú vị. “Trước khi khởi quay bộ phim, tôi tổ chức một bữa tiệc tối tại Đại sứ quán. Các vị khách mời đã được một phen ngạc nhiên khi Tổng Giám đốc của Hãng phim Việt Nam, ông Nguyễn Thụ, người cũng từng là cameramen (người quay phim) trong quân đội, vào cuối bữa tiệc, đã đứng lên phát biểu vài lời cảm ơn, khen ngợi, và bằng một động tác rất kịch tính, ông vớ một con dao để cạnh đĩa thức ăn rồi cắm phập vào ngay bắp chân trái của mình! Động tác của ông ấy gây hiệu ứng tức thì! Tất cả mọi người đều sững sờ trong khoảnh khắc. Ông ấy phá lên cười, kéo ống quần để lộ ra một cẳng chân bằng gỗ: Điện Biên Phủ đó!- ông ấy nói trong lúc chỉ vào cái chân giả của mình.

hai ong dai su phap me phim
Bìa cuốn Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam

Một chi tiết nữa cũng đáng nhớ. Khi ông lên Xuân Mai: “Tại đó Ban chủ nhiệm sản xuất phim đã cho dựng hẳn một base-vie (nơi có cuộc sống thực đang diễn ra) với các đường phố, những lán trại có điều hòa nhiệt độ, và buổi tối, những dãy đèn chiếu cực mạnh rọi sáng địa điểm a giorno hệt như trong một sân vận động…Đám quân nhân chế thuốc nổ cho các cảnh phim rất vui vẻ, nhưng phàn nàn rằng nhiều kilomet dây đồng cứ đều đặn biến mất… Rồi tôi được người ta chỉ cho xem một container vừa chuyển từ Paris tới, họ mở cửa thùng và một núi những xác người, ruột gan tung tóe, rất thật, đổ dồn xuống đất. Thì phải tái dựng hiện trường trận chiến mà!’’

Và đây là đoạn ông kể về đoàn phim Đông Dương khi quay tại Việt Nam, “một đất nước đã chẳng đề nghị được ưu đãi nhiều đến thế’’. Ông viết: “Regis Wargnier, một hôm đã ghé Đại sứ quán để ăn trưa. Ông ấy giải thích đang tìm địa điểm để quay một bộ phim truyện mà nội dung diễn ra vào khoảng những năm 1930, với các diễn viên chính là Cathrrine Deneuve, Vincent Perez và một thiếu nữ Pháp gốc Việt, hiện đang sống tại châu Âu. Ông sẽ lồng sự nhạy cảm, tinh tế vào một kịch bản tuyệt vời, với những diễn viên hết sức đặc biệt.

hai ong dai su phap me phim
Cảnh trong phim Đông dương

Mấy tháng sau ông quay lại, vẫn luôn mê đắm trước ánh sáng của những vùng xung quanh Hà Nội, trước cảnh sơn thủy hữu tình của vịnh Hạ Long, những hang động ở Hoa Lư – một Vịnh Hạ Long trên cạn giữa cánh đồng lúa hay trước những cung điện và các đền đài ở Huế. Một cuộc phiêu lưu khác, nhưng lần này sự tham gia của tôi có phần giảm hơn khi quay bộ phim Điện Biên Phủ, có lẽ do họ không còn cẩn thận thăm dò thái độ của các cơ quan Việt Nam nữa.

Nhân một chuyến thăm hiện trường quay phim ở Huế, cùng với Eric Orsena, một trong các đồng tác giả kịch bản, tôi đã tham dự một buổi tập dượt của Catherrine Deneuve khi bà diễn tả các cách khác nhau thể hiện thái độ và cử chỉ biểu thị sự ngạc nhiên khi bước vào gian phòng, mà chính tại đây, bà ý thức được rằng cô con gái nuôi của mình đã trở thành một người đàn bà. Buổi tối, tôi dẫn họ đi ăn tại một gia đình mà chủ nhân là một “con quan’’, còn phu nhân của ông ta từng là một ca sỹ. Họ chế biến những món ăn chay, và trang trí hệt như món gà và các món quay theo kiểu Huế. Vào lúc tráng miệng, nữ diễn viên và cô đầu bếp bắt đầu hát. Đúng là khoảnh khắc thần tiên thật!’’

hai ong dai su phap me phim
Cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier trong quá trình thực hiện phim Hà Nội của tôi

Đối với đoàn phim Người Tình, ông Đại sứ Pháp cũng những lời kể thật đẹp: “Phần lớn quá trình quay phim diễn ra trên vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí minh, Cần Thơ và các vùng lân cận thành phố, với những phương tiện kỹ thuật mà người Việt Nam khi ấy còn chưa biết. Nữ diễn viên trẻ Jane March mình hạc xương mai vô cùng quyến rũ. Một hôm, tôi được Jean- Jacques Annaud mời đến và được chứng kiến cảnh cô ấy có mặt trên một chiếc phà ở giữa sông.

Vị đạo diễn khi ấy đang dùng loa ra lệnh cho chuyến phà phải qua sông trong điều kiện đầy khó khăn, nguy hiểm. Trên phà ta thấy đủ cả: chiếc xe buýt cũ kỹ, thiếu nữ, chàng trai Trung Hoa hào hoa đẹp trai cùng chiếc xe hơi tuyệt mỹ của anh ta. Những chiếc xe đã được nhóm thợ địa phương tái tạo một cách tỉ mỉ. Đoàn phim đã thực sự mê ly trước sự khéo léo của người Việt Nam khi tái tạo y hệt một chiếc xe hơi, một chiếc xe buýt hay tất cả những yếu tố ngoại cảnh khác để làm nền cho bộ phim”.

hai ong dai su phap me phim
Cựu đại sứ Pháp Claude Blanchemaison

Ông còn kể rất nhiều chuyện ấn tượng trong Hồi ký của mình. Bài viết này chỉ tập trung phần ông viết về chuyện làm phim. Ông nhận xét: “Việt Nam qua những sự kiện này đã trở thành một hình ảnh đẹp trong dư luận Pháp và nhất là trong dư luận các nước phương Tây, uy tín được hồi sinh và đây có thể cũng là ý muốn phát triển điện ảnh của Việt Nam’’.

hai ong dai su phap me phim 'Mon Hanoi' của cựu đại sứ Pháp được chiếu giới thiệu tại Việt Nam
hai ong dai su phap me phim Cơ hội thăm khuôn viên Tòa Đại sứ Pháp tại Hà Nội

Đoàn Tuấn