Hàn Quốc và trào lưu làm phim từ truyện tranh

Vấn đề thiếu kịch bản

(TGĐA) - Khi quyết định đưa một nguyên tác truyện tranh lên màn ảnh, yếu tố kịch bản, đạo diễn và diễn viên ngôi sao luôn gắn chặt với nhau. Tuy nhiên, chỉ có những yếu tố này, đôi khi đường đi cũng không bằng phẳng như ý muốn.


Một trong những yếu tố để phim làm từ truyện tranh gây chú ý, đó là hình tượng vai diễn.

Mới đến Hàn Quốc, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy không ít hành khách chăm chú đọc truyện tranh trên xe buýt hay tàu điện ngầm. Trên các tờ báo lớn, cũng có phần truyện tranh dài kỳ, thu hút sự quan tâm của rất đông độc giả. Nhiều cuộc khảo sát đã chứng minh rằng, có tới 70% dân số Hàn Quốc say mê đọc truyện tranh.

Từ khoảng thập niên 80, sau những cú huých chuyển mình đầy tích cực, điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc không bỏ sót bất cứ mảng đề tài nào trong cuộc sống, để có thể khai thác tối đa những câu chuyện hay, những số phận lôi cuốn lên màn ảnh. Trong số những phim ăn khách, kịch bản chuyển thể từ nguyên tác truyện tranh chiếm một phần không nhỏ. Những tác phẩm tiếng tăm như Ngôi nhà hạnh phúc, Được làm Hoàng hậu, Cuộc chiến đồng tiền…đều thực hiện từ nguyên tác truyện tranh.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, làm phim từ nguyên tác truyện tranh dễ khắc họa nhân vật hơn dựa theo tiểu thuyết.

Tại xứ sở kim chi, trung bình mỗi năm các hãng chế tác và đài truyền hình nhận được khoảng trên dưới 100 kịch bản từ những tác giả trẻ. Tuy nhiên, những “tác gia tập sự” này gửi kịch bản nhiều khi chỉ để thỏa mãn mơ ước sáng tác. Họ gửi tác phẩm đi trong trạng thái… cho đi nhưng không mong ngày quay lại.

Hàn Quốc làm phim với tốc độ hối hả. Trung bình một tuần có đến 20 phim bấm máy nhưng số tác giả nổi tiếng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tên tuổi như Kim Soo Hyun, Song Ji Na, Choi Wan Kyu, Jung Hyung Soo… là những nhân vật uy tín nhất trong giới sáng tác. Có người trong số họ bảo đảm sự ăn khách qua ngòi bút của mình suốt hơn 20 năm. Tuy nhiên, để bảo chứng sự ăn khách từ tên tuổi, nhiều khi cả 5 năm, hay hơn nữa, những tác giả danh tiếng này mới đồng ý đưa “đứa con tinh thần” của mình cho một đạo diễn hay một hãng chế tác. Vì vậy, kịch bản vẫn luôn là vấn đề làm các hãng chế tác đau đầu.

Họa sỹ Lee Hyun Se

Khai thác truyện tranh

Từ năm 1983, bộ phim Gongpoui ueinkudan dựa theo nguyên tác truyện tranh của Lee Hyun Sae đã được đưa lên màn ảnh, giúp diễn viên trẻ Choi Ji Sung trở thành ngôi sao. Năm 2008, đài MBC quyết định thực hiện lại tác phẩm lừng danh này. Nam diễn viên Yoon Tae Young, người mới gây chú ý trong Thái vương tứ thần ký kỳ vọng sẽ tạo nên nét mới lạ cho Ueinkudan phiên bản 2009.

Trong số những phim ăn khách nhất hiện nay có Thực khách và Tajja của họa sĩ Huh Young Man trên sóng MBC và SBS, Vương quốc của gió của họa sĩ Kim Jin trên sóng KBS..cũng đang rất được quan tâm.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, làm phim từ nguyên tác truyện tranh dễ khắc họa nhân vật hơn dựa theo tiểu thuyết. Nhân vật trong tiểu thuyết mơ hồ, có thể mường tượng thế này, thế khác theo cách hiểu của từng người. Còn nhân vật trong truyện tranh, đã được xây dựng rõ nét theo tư duy của tác giả, có hình dáng, tính cách, kể cả nét mặt, phong thái.. đều cụ thể. Khi diễn tả nhân vật này, các diễn viên chỉ cần nỗ lực thể hiện mình, xem nhân vật trên phim có lôi cuốn bằng hoặc hơn những nhân vật đã được yêu thích trong truyện tranh hay không.

Truyện tranh Ngôi nhà hạnh phúc

Phim từ truyện tranh - có phải cứ nói làm là được

Không thể phủ nhận các tác phẩm truyện tranh khi được đưa lên màn ảnh hầu hết đều thành công. Bằng chứng từ Ngôi nhà hạnh phúc, Được làm Hoàng hậu… tạo niềm tin cho những nhà đầu tư. Trong bối cảnh cả Hàn Quốc đang giảm từ 30 – 50 % lượng phim sản xuất, sự tin tưởng kịch bản hay, phim sẽ ăn khách đã khiến những ông chủ mạnh tay này sẵn sàng kêu gọi nguồn vốn, đưa ra mức kinh phí chế tác đến 200 triệu USD cho một phim truyền hình từ 16 – 24 tập. Nhà đầu tư yên tâm với các tác phẩm truyện tranh vì vốn dĩ những bộ truyện nổi tiếng này đã có số lượng fan đáng kể. Khi chúng được đưa lên màn ảnh, ai từng hâm mộ nguyên tác chắc chắn phải xem phim để còn so sánh và gặp lại thần tượng nhân vật của mình… bằng xương bằng thịt.

Khi quyết định đưa một nguyên tác truyện tranh lên màn ảnh, yếu tố kịch bản, đạo diễn và diễn viên ngôi sao luôn gắn chặt với nhau. Tuy nhiên, chỉ có những yếu tố này, đôi khi đường đi cũng không bằng phẳng như ý muốn. Bằng chứng là tác phẩm Daemul của tác giả Park In Kwon, mặc dù đã mời được hai ngôi sao lớn là Go Hyun Jung và Kwon Sang Woo nhưng vẫn thất bại, không thể đưa vào sản xuất. Đài SBS cũng đang phải bỏ dở dự án làm Cain và Abel của tác giả Lee Hyun Sae, cho dù rầm rộ thông tin So Ji Sub đã nhận lời đóng chính, sau này là thông báo “đại nhân” Ji Jin Hee sẽ đảm trách vị trí này.

Làm phim từ truyện tranh, không phải cứ yên tâm về cốt truyện và có nhiều tiền là có thể thành công, một nhân vật nổi tiếng trong giới làm phim truyền hình tại Hàn Quốc đã nói như vậy. Điều quan trọng là tác phẩm đó, đạo diễn đó, diễn viên đó phải có được sự sắp xếp, hỗ trợ từ một công ty chế tác giỏi. Kịch bản hay nhưng sản xuất không tốt, từ khâu đầu đến khâu cuối không có sự phối hợp thì thất bại sẽ là điều dễ hiểu.

Truyện tranh Vương quốc của gió

Trào lưu phim từ truyện tranh

Trước bối cảnh ngày càng nhiều hơn nữa những tác phẩm truyện tranh đươc đưa lên màn ảnh, giới chuyên môn đặt ra câu hỏi, có phải hiện nay kịch bản từ nguyên tác truyện tranh đã trở thành hướng đi mới của phim truyền hình Hàn Quốc? Nhận định này đang được xem là đúng vì trong năm 2008 và 2009, những phim được xem là nặng ký nhất đều xây dựng từ truyện tranh.

Từ Giọt nước của thần, với sự bảo đảm bởi tên tuổi của Bae Yong Joon và công ty BOF đến Ueinkudan 2009 của Lee Hyun Sae, Nhất chi mai của Go Woo Young, Buddy của Lee Hyun Sae và Beat của Huh Young Man, Chàng trai được gọi là thần của Park Bong Seon… đều là những bộ truyện ăn khách, được khán giả Hàn Quốc và Nhật Bản say mê. Phim Hàn Quốc hiện nay làm ra với mục đích “toàn cầu hóa”. Khán giả nước ngoài nói quá nhiều đến tai nạn xe, máu trắng, chia ly đau xót trong phim Hàn Quốc. Giờ đây, những người làm phim ở xứ Hàn quyết định “làm mới làn sóng Hàn Quốc” bằng những tác phẩm có sự mô phỏng rất cao.

Poster phim Vương quốc của gió

Xem Vương quốc của gió hay Tajja, khán giả sẽ mê mẩn sự hào hoa, cá tính đàn ông của Song Il Gook và Jang Hyuk. Cũng như mới đây, nhiều khán giả nước ngoài hồi hộp chờ đón Kim Rae Won trong Thực khách vì cư dân mạng Hàn Quốc tuyên bố rầm rầm rằng, nhân vật Sung Chan của Kim Rae Won không hề khác nhân vật trong nguyên tác. Nam diễn viên này đã khéo léo hòa mình với nhân vật vốn đã quen thuộc với nhiều độc giả, đưa nụ cười, ánh mắt, lời nói… của mình vào vai diễn, khiến Sung Chan trở nên lôi cuốn vì quá thật, thật như chính Kim Rae Won.

Một trong những yếu tố để phim làm từ truyện tranh gây chú ý, đó là hình tượng vai diễn. Các diễn viên sáng tạo hình ảnh mình theo nguyên mẫu có sẵn nhưng đa phần không tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, trong Vương quốc của gió, Song Il Gook đã mạnh dạn thay đổi hình ảnh, giảm cân để nhân vật Mu Hyul không chỉ là một “mỹ nam” như nguyên tác mà thay vào đó, là một người đàn ông quyến rũ, một thanh niên cá tính, ngang tàng. Cũng để mình khác với nhân vật trong truyện tranh, Jang Hyuk khi vào vai Goni của Tajja đã diễn theo một phong cách hoàn toàn mới. Ở bản phim điện ảnh, Jo Seung Woo diễn rất xuất sắc, dường như đã tạo nên một Goni quá hoàn hảo nên Jang Hyuk đứng trước thử thách lớn, phải làm sao để Goni của Tajja trên phim truyền hình hấp dẫn, lôi cuốn hơn cả hai anh chàng Goni của phim điện ảnh và trong nguyên tác của Huh Young Man.

Trên đây là những dự án phim đã quyết định đưa vào sản xuất. Hiện còn rất nhiều tác phẩm nữa đang tiếp tục được lựa chọn, hy vọng gây tiếng vang. Có thể nói, 5 năm trở lại đây, phim truyền hình làm từ truyện tranh đã gây chú ý nhưng bắt đầu từ năm 2008, cuộc cạnh tranh giữa các bộ truyện tranh trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc mới bắt đầu đi vào giai đoạn cam go…

Trí Ân