Hãng phim truyện Việt Nam 2014: Tiếp tục tỏa sáng với đề tài Cách mạng

(TGĐA) - Năm 2014, Hãng phim truyện Việt Nam đã thu được khá nhiều thành quả lao động nghệ thuật của những dự án phim gối từ năm trước. Điều đó giúp Hãng tin tưởng vào hướng đi của mình, phát huy thế mạnh và tìm cách khắc phục những vấn đề khó khăn còn đang tồn tại để tìm ra con đường phù hợp trong bối cảnh hiện nay, giúp cho các nghệ sỹ an tâm lao động nghệ thuật.

Năm 2014, Hãng Phim truyện Việt Nam (HPTVN) đã hoàn thành xuất sắc bộ phim truyện nhựa Sống cùng lịch sử (biên kịch Đoàn Tuấn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Bộ phim là hành trình 3D của quá khứ - hiện tại – tương lai giữa thời gian và không gian đồng đại ở thế kỷ 21, lòng yêu nước, khí phách dân tộc và sự hiến dâng có trong mỗi thế hệ không xác minh bằng lời suông sáo, tẻ nhàm, giáo điều mà chính là ý thức về trách nhiệm, nghĩa khí Việt Nam trong thế hệ thanh niên và lớp người hôm nay, phụ thuộc vào sức mạnh đồng tâm của những người biết sống cùng lịch sử để bảo vệ, gìn giữ và làm nên lịch sử bằng tráng ca thời đại mới. Phối hợp với Cục Điện ảnh, HPTVN cũng đã tổ chức chiếu phim Sống cùng lịch sử tại Điện Biên, một số đơn vị bộ đội tại Điện Biên, trong đợt phim Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.

Cuc_hi_ng_ca_ngh_s_cc_th_h_trong_ngy_k_nim_55_nm

Cuộc hội ngộ của nghệ sỹ các thế hệ trong ngày kỷ niệm 55 năm

Cũng trong năm 2014, HPTVN đã triển khai bộ phim Nhà tiên tri (biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Vương Đức) để kỷ niệm 125 năm sinh nhật Hồ Chủ Tịch 19/5/2015. Hiện bộ phim đã xong giai đoạn quay và đang tiến hành hậu kỳ. Dự kiến đến tháng 4/2015, phim sẽ hoàn thành. Bộ phim tái hiện lại những năm tháng đầy cam go, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Khi cuộc đàm phán với Pháp không thành, Bác Hồ đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến và rời Hà Nội lên Việt Bắc lãnh đạo đất nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Bối cảnh phim chủ yếu là tái hiện lại giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà trọng tâm là những năm 1947, 1948 ở chiến khu Việt Bắc.

Ngoài ra, hãng đã hoàn tất thủ tục và kịch bản phân cảnh cho phim Vàng đá dự kiến khởi quay tháng 1/2015. Tác phẩm Vàng đá, tác giả Hồ Hải Quỳnh được đưa vào sản xuất phim truyện nhựa (90-100 phút) với kế hoạch dự tính hoàn thành trước 30/4/2015.

Về kế hoạch sản xuất phim năm 2015 -2016, phòng Biên kịch của HPTVN đã chuẩn bị 05 kịch bản phim gửi Cục Điện Ảnh.

Ngoài việc thực hiện những bộ phim của kế hoạch năm 2014, HPTVN cũng đạt được những thành tích từ những phim đã sản xuất năm 2013:

Hai bộ phim sản xuất trong năm 2013 là Những người viết huyền thoại (biên kịch Nguyễn Anh Dũng – đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và Lạc lối (biên kịch – đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) tham gia các liên hoan phim cũng thu được nhiều giải thưởng quan trọng. Phim Những người viết huyền thoại đạt Bông sen vàng LHP Việt Nam 18, giải Biên kịch xuất sắc nhất LHPVN 18 cho biên kịch Nguyễn Anh Dũng, giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất LHPVN 18 cho họa sỹ Nguyễn Nguyên Vũ, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất LHPVN18 cho diễn viên Trương Minh Quốc Thái, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất LHPVN 18 cho diễn viên Tăng Bảo Quyên, giải Khán giả bình chọn tại LHPVN 18, giải Đặc biệt của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh Cách mạng; phim Lạc lối đạt Bông sen bạc LHP Việt Nam 18, giải Quay phim xuất sắc nhất LHPV18 cho quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, Cánh diều bạc LHP Hội điện ảnh 2013. Hai bộ phim này cũng tham dự LHP Quốc tế Hà nội lần thứ 3 và thu nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Năm 2013 – Năm 2014, Hãng có 02 phim đặt hàng của Nhà nước là phim Sống cùng lịch sử và phim Nhà tiên tri. Do vậy đã tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động của Hãng và cụ thể là thu nhập bình quân đầu người năm 2014 tăng hơn năm 2013 từ 2.500.000 đ lên 2.800.000 đ.

Song song với những hoạt động nghề nghiệp, HPTVN cũng đang tiến hành các bước Cổ phần hóa theo Quyết định số: 926/QĐ-BVHTTDL, ngày 31/3/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo lộ trình Cổ phần hóa, thời gian xác định giá trị doanh nghiệp là 30/9/2014. Hãng đã thuê Công ty Kiểm toán Quốc gia VIA xác định giá trị doanh nghiệp; Công ty APEC tư vấn cổ phần hóa. Ngày 21/10/2014 Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính Hà Nội đã xuống kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của Hãng tại 3 địa điểm số 4 Thụy Khuê, Số 46 - Ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Xã Uy Nỗ - Huyện Đông Anh. Hãng đã đề nghị Phương án sử dụng đất tại 3 địa điểm trên trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để Hãng Thực hiện các bước tiếp theo của quá trình cổ phần hóa.

Th_trng_Vng_Duy_Bin_pht_biu_ti_L_k_nim_55_nm_thnh_lp_Hng_PTVN

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hãng PTVN

Vào ngày 7/12/2014, một hoạt động đặc biệt đã diễn ra tại HPTVN số 4 Thụy Khuê. Hãng tổ chức kỷ niệm 55 năm bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông ra đời (1959 - 2014) với sự góp mặt của ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, NSƯT Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh, NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng ban lãnh đạo và đông đảo nghệ sỹ, nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam. Trong buổi lễ kỷ niệm, sự hình thành và phát triển của HPTVN đã được tái hiện với nhiều cung bậc cảm xúc Khởi nguồn từ bộ phim Chung một dòng sông, cho tới ngày hôm nay, nhiều gương mặt, trái tim, tâm hồn đã góp phần xây dựng nên Ngôi đền thiêng của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam nằm bên Hồ Tây lộng gió. 55 năm qua với Hãng phim truyện Việt Nam là một chặng đường – một chặng đường có lúc thuận buồm xuôi gió, có lúc gập ghềnh bão tố - song các nghệ sỹ Điện ảnh tại số 4 Thụy Khuê vẫn nắm chặt tay nhau và vững bước tiến lên trên con đường ấy. Trong buổi lễ, các đại biểu và các nghệ sỹ cùng đóp góp những ý kiến để xây dựng Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng khởi sắc hơn, đặc biệt là nỗi lo lắng cho sự xuống cấp của cơ sở vật chất HPTVN tại số 4 Thụy Khuê và mong mỏi nơi đây sẽ sớm được xây dựng lại để các nghệ sỹ điện ảnh có thể yên tâm lao động nghệ thuật. Các nghệ sỹ của nhiều thế hệ cũng như Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, chủ tịch Hội Điện ảnh Đặng Xuân Hải cũng bày tỏ những tình cảm sâu đậm của mình với Hãng phim truyện Việt Nam. Buổi lễ đã diễn ra xúc động cùng với những giây phút lắng đọng tưởng nhớ những nghệ sỹ đã khuất và sự hồ hởi cho ngày hội ngộ.

Trong năm 2014, HPTVN cũng thực hiện kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hãng đã phổ biến Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính Phủ đến các đối tượng được xét tặng trong Hãng. Theo kế hoạch Hội đồng xét tặng của Hãng sẽ hoàn tất hồ sơ và gửi lên Hội đồng Bộ vào tháng 1/2015.

Năm 2015, kế hoạch của HPTVN là hoàn thành bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh Nhà tiên tri đảm bảo chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật, đúng thời hạn kịp chiếu vào dịp Kỷ niệm 125 năm sinh nhật của Người 19/5/2015. Dự án phim Vàng đá cũng sẽ được triển khai đúng hạn trong năm 2015. Các bước Cổ phần hóa Hãng cũng phải khẩn trương thực hiện trước ngày 30/9/2015. Hãng tiếp tục chuẩn bị kịch bản tốt để trình Cục Điện ảnh nhằm tìm kiếm dự án phim cho Hãng, công ăn việc làm cho người lao động trong Hãng. Kế hoạch của HPTVN cũng chú trọng mở rộng hợp tác liên doanh với các Công ty truyền thông nhằm phổ biến những phim truyện nhựa của Hãng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để thực hiện được kế hoạch đã đề ra, ban Lãnh đạo HPTVN vẫn tích cực tìm kiếm thêm việc làm, tìm kiếm dự án phim với các Đài truyền hình, làm dịch vụ hỗ trợ trong sản xuất phim. Và Hãng cũng cần sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ Hãng về việc hoàn tất hồ sơ về quyền sử dụng đất của các cơ sở nhà đất mà Hãng đang quản lý và sử dụng để quá trình cổ phần hóa được thực hiện theo đúng kế hoạch. Cùng với mong mỏi được làm nghề, HPTVN mong muốn được sự quan tâm của Cục điện ảnh, giao cho Hãng dự án phim do Nhà nước đặt hàng mà Hãng có truyền thống và năng lực thực hiện: chiến tranh cách mạng, các anh hùng trên mọi lĩnh vực… để tiếp tục phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Thúy Phương

Nghệ sỹ chia sẻ cảm xúc nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam

NSND Đặng Nhật Minh

Trong 55 năm tồn tại của Hãng, tôi có 20 năm gắn bó với nơi này, để lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Đó là quãng thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi luôn hãnh diện là mình đã từng làm việc tại đây, trưởng thành trong nghề điện ảnh tại đây. Cũng chính nơi đây đã khai sinh ra con người điện ảnh của tôi với tư cách là đạo diễn. Người ta thường nói điện ảnh là sản phẩm của nhãn quan cá nhân, mang dấu ấn của cá nhân, nhưng điện ảnh cũng là sản phẩm của tập thể đoàn làm phim. Đây cũng là dịp tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả anh chị em đã từng cộng tác với tôi trong các đoàn làm phim. Trong số đó, đến nay có những người đã đi xa mãi mãi và có những người vì hoàn cảnh công việc ít có dịp gặp nhau, nhưng tôi tự hứa không quên bất cứ một ai. Những ngày tháng được đi làm phim với mọi người là những kỷ niệm hạnh phúc nhất trong đời tôi. Làm sao để điện ảnh Việt có nhiều phim hay hơn nữa, đời sống của anh em được cải thiện, đó là những điều tôi chỉ biết chia sẻ với các bạn đồng nghiệp, bởi tôi đã nghỉ hưu khá lâu rồi nên cũng không đóng góp được nhiều.

N_ci_ngy_gp_mt

Nụ cười ngày gặp lại

NSND Thế Anh

Tôi có nghe tin được mời ra dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hãng phim truyện Việt Nam từ hồi ra Hà Nội dự Đại hội Hội Sân khấu nên hồi hộp từ đó đến nay. Nhờ có cái nôi điện ảnh này mà cái tên Thế Anh mới được nhiều người biết đến qua bộ phim Nổi gió. Người Việt Nam có câu “uống nước nhớ nguồn” và tôi luôn ghi nhớ. Có những giai đoạn điện ảnh đầy sóng gió, nhất là vào thời mở cửa nhiều khi làm cho số 4 Thụy Khuê bị lu mờ đi. Điều đó bản thân Thế Anh cũng hết sức đau đáu trong lòng. Hơn nữa, cơ sở vật chất nơi đây đang ngày càng sập xệ. Nếu như điện ảnh Việt Nam không có số 4 Thụy Khuê, không có nền điện ảnh chính thống thì gay. Vì tất cả những bộ phim của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đều ra đời từ đây. Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác đều rất xúc động quay trở về mái nhà xưa nhưng chỉ tiếc rằng ngay lúc này giá thay sự xúc động đó bằng lời “kêu cứu” cấp trên hãy quan tâm đến đời sống của nghệ sĩ, đến số 4 Thụy Khuê làm sao để có một cơ ngơi tươi sáng hơn.

NSND Lê Khanh

Nghĩ tới 55 năm tuổi của Hãng, tôi lại thấy mình may mắn vì đã có mặt để góp sức trong thành tựu của nền điện ảnh, xúc động về một thời gian khổ, khó khăn nhưng lại làm nên được những tác phẩm tuyệt vời làm lay động tâm can của thế giới, ghi lại những dấu ấn trên trường quốc tế. Sau những vinh quang, niềm xúc cảm tràn đầy, nhiều người chỉ khóc mà không nói nên lời, tôi nghĩ có nhiều sự pha trộn, xen lẫn vừa nhớ, vừa tiếc, để rồi hy vọng ngày mai lại vinh quang và xán lạn hơn ngày hôm qua.

NSƯT Diệu Thuần

Về Hãng từ năm 1977, thuộc thế hệ diễn viên khóa II, bao nhiêu năm qua đi là bấy nhiêu kỷ niệm gắn bó với Hãng nhưng tình yêu với nghề trong tôi không bao giờ thay đổi, tình yêu với Hãng và những con người nơi đây vẫn như thuở ban đầu và ngày càng sâu đậm hơn. Nghỉ hưu đã được 7 năm, trở về Hãng lần này được gặp lại tất cả mọi người tôi rất vui và cảm động. Nhưng cũng canh cánh trong lòng một nỗi buồn khi thấy Hãng vẫn còn nghèo quá. Điện ảnh là một nghề sang trọng vinh quang, là tiếng nói không thể thiếu của một đất nước. Vì vậy, Nhà nước cũng nên quan tâm đến điện ảnh nhiều hơn.

NSƯT Thu Hiền

Về cơ sở vật chất của Hãng ngẫm mà thấy buồn. Trong khi các nơi được đầu tư xây dựng hoành tráng thì số 4 Thụy Khuê vẫn vậy. Tôi rất mong Nhà nước quan tâm đến số 4 Thụy Khuê, đầu tư cho cơ sở vật chất khang trang hơn để thế hệ sau có thêm động lực phát triển thêm nhiều hơn nữa trong nghề.

Nh_bin_kch_HNC_hoi_nim

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm hoài niệm về một thời

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm

55 năm là cả một chặng đường vô cùng gian lao nhưng cũng rất vinh quang, anh em văn nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam đã xiết thành một khối để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm xứng đáng là “Ngôi đền thiêng” của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Chúng tôi nguyện sẽ giữ vững ngọn lửa thiêng đó mãi mãi trên màn ảnh.

Trải qua 55 năm, Hãng cũng có lúc thăng lúc trầm, có lúc êm ả nhưng cũng có lúc đầy bão tố. Tuy nhiên, anh em vẫn giữ quyết tâm với ngọn lửa sáng tạo không bao giờ tắt, ngọn lửa của sự tự giác, cháy lên từ đáy lòng của các nghệ sĩ, bắt đầu từ Chung một dòng sông và bây giờ mọi người vẫn cùng nhau đi trên dòng sông ấy – dòng sông điện ảnh, để góp phần đưa nền điện ảnh Việt Nam tiến xa hơn.

NSƯT Thanh Quý

Nơi đây đã đi qua những tháng năm tuổi trẻ của tôi. Cũng chính nơi đây, tôi thấy mình trưởng thành hơn trong nghề và cuộc sống. Nhất là lại được tiếp nối, kế cận những anh chị em nghệ sĩ khóa I - những người đã lát những viên gạch đầu tiên cho lớp diễn viên khóa hai của chúng tôi. Đó là thành quả may mắn. Cũng biết cuộc sống bây giờ kinh tế khó khăn, điện ảnh cũng nằm trong khó khăn đó, nhưng đây là cái nôi đã đạt được những thành công rất lớn, vậy mà mỗi lần bước chân về đây, cảm xúc trong tôi rất bồi hồi, xúc động và đượm một nỗi buồn đau đớn đến xót xa.

Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn

Điện ảnh nói cho cùng là một nghề. Có ai từng nói rằng xung quanh hồ Tây có nhiều làng nghề thì số 4 Thụy Khuê chính là một làng nghề. Tôi thấy rất hay. Nghề thì phải truyền đạt kinh nghiệm, còn nếu chỉ học lý thuyết thì chỉ là phần nhỏ. Tôi chỉ tiếc, thế hệ trước không truyền đạt được nhiều kinh nghiệm cho thế hệ sau. Bởi thế hệ sau phải vững nền tảng của Hãng thì tương lai mới có đà nhảy vọt. Số 4 Thụy Khuê của giai đoạn trước đây đã hoàn thành tốt sứ mạng của nó và bây giờ đang chuyển sang giai đoạn mới. Tất nhiên, nếu từ bỏ hay phủ nhận những đóng góp thành công của các thế hệ giai đoạn trước là sai mà chúng ta phải có sự hòa nhập với hiện nay. Tức là kế thừa trên nền tảng cơ bản nhưng phải có tư duy mới, tư duy về kinh tế rồi mới đến tư duy về nghệ thuật. Đó là điều tôi mong muốn chứ không hoài niệm nhiều về dĩ vãng của Hãng phim truyện Việt Nam, mặc dù nơi đây tôi đã từng gắn bó 35 năm rồi.

Cng_nh_v_s_4_Thy_Kh

Cùng nhớ về số 4 Thụy Khê

NSƯT Hồng Ánh

Gần 20 năm hoạt động trong nghề, với 14 bộ phim điện ảnh, trong đó có 5 phim được gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam, đều là những tác phẩm gắn với từng chặng đường làm nghề của tôi. Những thành quả và những ghi nhận về sự đóng góp của Hãng đã được nhắc đến nhiều. Khó khăn thì giai đoạn nào cũng có, nhưng Hãng vẫn luôn có những bộ phim rất đáng để tự hào. Ở giai đoạn này cũng vậy, tôi mong muốn Hãng vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mang hơi hướng hiện đại, trẻ trung và phản ánh những câu chuyện của Việt Nam ở giai đoạn đương đại. Với tư cách là một diễn viên, tôi vẫn mong được đó