Hãng phim truyện Việt Nam bị Ban quản lý Hồ Tây chiếm đất

(TGĐA Online) - Trước sự việc Hãng phim truyện Việt Nam (PTVN) bị Ban quản lý (BQL) Hồ Tây ngang nhiên chiếm đất, ngày 1/12/2012 nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam – nguyên Giám đốc Hãng PTVN đã gửi tới TGĐA online bài viết bày tỏ ý kiến của mình.

Tôi vừa đi công tác ở Đà Nẵng ra chưa kịp nghỉ ngơi đã "được" đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, phó Giám đốc Hãng PTVN hiện nay - đạo diễn phim Đời cát mà ai cũng biết mời lên Hãng "chiêm ngưỡng" cảnh BQL Hồ Tây ngang nhiên chiếm ngôi nhà Thủy Tạ của Hãng để làm cầu cảng cứu hộ hồ Tây và ghi hình lời phát biểu của tôi cùng với nguyên Giám đốc Hải Ninh, Nguyễn Kim Cương, Lê Đức Tiến nhằm góp thêm tiếng nói gửi lên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước kêu cứu.

PTxp1

Trời ơi, đúng là Hãng PTVN đang lâm vào hồi bĩ cực. Phim không có để làm, lương không có để trả, đất đai ngụ trên số 4 Thụy Khuê đã hơn 50 năm, có đóng thuế đất đàng hoàng mà không được nhận sổ đỏ. Cơ ngơi ngày càng xập xệ tan hoang… lúc nào cũng ở tình trạng nơm nớp với lời dọa sẽ lấy để "qui hoach" dự án làm vườn hoa.

Vấn đề không chỉ dừng ở đó, mà số 4 Thụy Khuê là mảnh đất lịch sử của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Nơi khai sinh ra ngành phim truyện điện ảnh. Nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đến để xem cảnh quay một bộ phim như thế nào và động viên các nghệ sĩ từ thời khởi thủy của ngành điện ảnh. Nơi mà các vị lãnh đạo cao cấp đồng thời cũng là các nhà văn hóa (Nguyên Phó Thủ tướng Nguyên Khánh, Nguyên cố Bộ trưởng - nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm...) trước đây liên tục quan tâm xuống tận cơ sở của Hãng nhằm tạo điều kiện cho điện ảnh nước nhà ngày một phát triển. Nhưng chao ôi, thời ấy đã qua rồi... Bây giờ là thời của kinh tế thị trường... người ta nhìn cái gì cũng chỉ để "quy ra thóc" - mét đất mấy cây vàng... Từ cái nhìn vô cảm đó họ có thể dẫm đạp lên tất cả.

Hàng trăm chiếc cọc đã được BQL Hồ Tây đóng xuống vây quanh nhà Thủy Tạ - nơi ghi dấu tích các vở diễn tập của Kịch đoàn điện ảnh ngày xưa và các diễn viên tập vai trước khi quay mỗi bộ phim. (Chỉ vì không có tiền trả lương nên cực chẳng đã những năm gần đây Hãng PTVN đành cho thuê mở nhà hàng để kiếm thêm chút đỉnh). Hàng trăm bao đất cát đã được BQL Hồ Tây ném xuống bên cạnh những chiếc cọc nhằm lấn chiếm mặt hồ - mở rộng thêm diện tích quanh ngôi nhà Thủy Tạ. Thiết nghĩ quanh Hồ Tây thiếu gì vị trí thích hợp nếu muốn, để cho BQL lấy làm cầu cảng cứu hộ mà phải "cướp" của Hãng PTVN? Nếu muốn lấy, tại sao không thỏa thuận hợp tình hợp lý với Hãng mà lại tự động thuê người làm ào đi như thế như đẩy vụ việc vào sự đã rồi? BQL Hồ Tây là một cơ quan của Nhà Nước mà lại làm ăn thiếu nguyên tắc sơ đẳng vậy sao?

PTxp3

Hơn nữa, Hồ Tây có thật sự cần cứu hộ đến thế không? Khi quanh hồ cơ man là du thuyền mọc lên như nấm sau mưa để làm nhà hàng? Những con thiên nga đạp nước chiều chiều cho từng đôi tình nhân thuê đi thư giãn ngoài mặt hồ có đôi nào dại dột nhảy xuống hồ cho BQL đi "cứu hộ" không mà phải lập cái dự án "cầu cảng cứu hộ " hoành tráng đến vậy? Bảng sơ đồ cầu cảng khá chi tiết cắm ở cạnh nhà Thủy Tạ cho thấy họ đã có ý đồ thôn tính ngôi nhà này từ lâu. BQL Hồ Tây lập ra để bảo vệ cảnh quan và môi trường của Hồ Tây. Nhưng họ đã bảo vệ như thế nào và vì sao lại đi làm cái việc lấn chiếm kỳ quái kia. Trong khi đó ai đã cho phép mà ngày càng nhiều các nhà hàng nổi kinh doanh ăn uống trên mặt hồ? Đã ai - những người có trách nhiệm ấy - ngó nhìn xuống mặt nước đen kịt, bốc mùi hôi thối - nơi xả các chất thải của các nhà hàng này xuống làm ô nhiễm nước Hồ Tây chưa? Cá chết phơi trắng lườn nổi lều bều quanh đó, đã ai có ý kiến gì để bảo vệ Hồ Tây chưa?

Nhìn những người đồng nghiệp cũ đã khốn khổ vì chống chọi với sự khó khăn để tồn tại rồi, nay lại phải gác tất cả mọi công việc sáng tạo lại, dàn quân ra canh gác ngày đêm ngôi nhà Thủy Tạ, canh gác từng mét đất của cơ quan không để cho họ lấy đi mà nao lòng. Tôi là người gần 30 năm gắn bó với nơi này. Từng đi lên từ một tác giả kịch bản, rồi từng làm Giám đốc Hãng PTVN những năm 1999 - 2000 của Thế kỷ trước - nên cầm lòng không đặng buộc phải viết những dòng này. NSND, đạo diễn Hải Ninh phong độ là thế mà mấy năm nay bị bệnh hiểm nghèo - giờ gầy rộc chỉ còn hơn 40 ký cũng phải lật đật lên Hãng để động viên chia sẻ với anh em nghệ sĩ, lính cũ của mình. Hà Nội hết tất cả đất rồi sao mà cứ nhăm nhăm nhằm vào Hãng PTVN như thế??? Đẩy anh em cán bộ nghệ sĩ của Hãng luôn vào tình cảnh ăn không ngon ngủ không yên vậy mà bên cạnh đó vẫn cứ đòi hỏi họ phải có những bộ phim "xứng tầm thời đại", hay tính nhân văn sâu sắc...

Lòng dạ nào mà nghĩ và làm được như thế bây giờ. Thật mỉa mai thay!

Nguyễn Thị Hồng Ngát