“Hạnh phúc khi đã gặp nhau”

Năm 1975 mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Hầu hết đạo diễn, biên kịch, quay phim loại khá của Xưởng phim truyện Việt Nam đều được chia thành nhóm đi quay chiến dịch lịch sử. Tất cả ngồi trên 4 chiếc xe nhãn hiệu Bắc Kinh và rời khỏi Hà Nội dưới sự đưa tiễn của toàn bộ anh chị em Xưởng phim. Tôi không được ở trong các nhóm ấy, vì đang phải viết và chuẩn bị làm Sao tháng 8 . Đây là cơ hội ngàn năm có một mà tôi đành bỏ lỡ! Nhất là cha tôi, gia đình tôi lại ở trong Sài Gòn, từ sau 1954.

(TGĐA) - LTS: Nghệ sỹ Trần Đắc là đạo diễn nổi tiếng với bộ phim Sao tháng Tám. Ngoài những bộ phim, ông còn để lại cuốn hồi ký nhan đề Giọt nước trong biển điện ảnh ghi lại tiểu sử nghệ thuật của ông. Chúng tôi xin trích giới thiệu một đoạn dưới đây. Đầu đề do Toà soạn đặt.


Đạo diễn Trần Đắc

Cho tới Liên hoan phim toàn quốc lần thứ tư, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 – 1977, tôi mới được mang phim Sao tháng 8 vào dự thi, nhờ đó, mới gặp lại được cha tôi! Ông đã 77 tuổi, tóc bạc trắng, đi lại đã chậm chạp, vì thời trẻ, đã có lúc, ông bị tai nạn ô tô … Cha tôi ôm tôi hôn, cười đấy, nhưng nước mắt vẫn ứa ra:

- Không ngờ… con khoẻ quá!... Kể ra… còn nhiều cái không ngờ…

Nhưng cha con tôi không hề bao giờ nhắc với nhau về tất cả những đảo lộn chính trị, xã hội, vĩ đại có, đau thương có, xẩy ra triền miên trên khắp đất nước Việt Nam, trong suốt trên một phần tư thế kỷ … Cha con tôi cũng không hề đả động với nhau về thảm hoạ chia cắt đất nước, cũng như về những năm tháng triền miên, bặt tin nhau, đau xót nhớ tới nhau, hay đã có lúc quên mất nhau. Cha con tôi cũng không hề nhắc đến những người anh em ruột thịt ngã xuống trên chiến trường thuộc phía này, hay phía kia, mà đôi lúc, chỉ âm thầm ngồi cạnh nhau, không hề thôi thúc nhau, nhưng đều ứa nước mắt khóc họ trong bóng chạng vạng của trời chiều thành phố Sài Gòn cũ… Cả hai cha con tôi, cùng các chị em còn sống sau chiến tranh đều cố giữ lấy những gì thiêng liêng, đầm ấm nhất mà một gia đình bị chia cắt mới có lại được. Chúng tôi ôn với nhau rất nhiều về dĩ vãng và cảm thấm thương nhau hơn. Chúng tôi cũng bàn nhau về tương lai, mà cuộc sống chung của toàn dân tộc sẽ tác động đến từng gia đình bé nhỏ, chẳng dám mong giầu sang, mà chỉ mong ước có sự ổn định. Cha tôi vào Sài Gòn năm 1954 thì về hưu năm 1958. Bà vợ cả của ông cũng mất khoảng năm đó. Mấy người con trai theo cha tôi vào Nam, kể cả em Mễ của tôi, lớn dần lên và đều trở thành sĩ quan cấp uý, hãn hữu lắm, mới có người được đeo lon thiếu tá. Cuộc sống cả gia đình lớn, trông vào lương tháng, ngoài ra không còn nguồn nào khác. Khi tôi vào thăm, thì các em tôi đi học tập cải tạo cả. Còn các chị em thì bắt đầu tập chạy chợ, kiếm sống qua ngày, chỉ mong sao chút vàng dành dụm được, không đến nỗi phải bán dần đi mà ăn …Chúng tôi không có gì cho nhau, ngoài những săn sóc bằng tình cảm chân thành … Có những đêm nổi gió, mưa to, sấm chớp đầy trời, tự nhiên cha tôi thức dậy, sang buồng tôi, ngồi vào giường tôi và gục đầu im lặng. Mãi sau, cha tôi mới nghẹn ngào hỏi: ở ngoài kia, những đêm như thế này, con sống ra sao? Nhìn thấy các con như ngày nay, đứa thành người chiến thắng, đứa thì đi cải tạo… cha thấy lẽ ra, cha cứ ở lại Hà Nội có khi tất cả các con đều đỡ đau khổ về tinh thần hơn!... Nói xong, cha tôi thở dài, nhưng chẳng cần chờ tôi trả lời, cha tôi đã vội đứng dậy, trở lại buồng mình … Cha tôi không muốn cho tôi biết ông đang khóc.

Năm tháng trôi đi, dần dần, các anh em tôi đi cải tạo về, trừ một người bị ốm, mất tại bệnh viện Biên Hoà. Thỉnh thoảng tôi có công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đều thăm tất cả. Em Mễ của tôi rất thương tôi, nhưng rồi vì kiếm sống, em sang Campuchia làm ăn, sau khi chính phủ Hêng Somrin và Hunxen đã đánh đuổi bọn Pôn Pốt và thiết lập được trật tự trên toàn Campuchia. Mấy anh chị em khác, tìm đường đi Mỹ … Gia đình lớn của tôi lại thất tán một lần nữa … Cha tôi chín mươi tuổi. Cụ không ra khỏi nhà bao giờ nữa. Ngày ngày, cụ ngồi mong từng bức thư của các con từ Hà Nội, từ tứ phương gửi về, cụ đọc, rồi im lặng suy ngẫm về số phận của từng đứa con trong cái thế giới đầy biến động này … Cha tôi mất khi 93 tuổi.

Tôi vào miền Nam, với gia đình thì như vậy. Nhưng với công việc và bạn bè điện ảnh, lại mở ra cho cuộc đời tôi nhiều hình ảnh mới, mà ngay khi học điện ảnh ở Liên Xô, đã nhiều lúc tôi mơ ước tới.

Tôi hay đến đọc sách báo, báo tiếng Pháp ở thư viện ngoại văn Matxcơva. Có buổi, đang đọc Cahier du Cinéma, thì có một thanh niên, vẻ mặt hiền lành, dễ thương, đến bên bàn tôi, đưa ra tờ Ciné-Miroir, trong đó có ảnh chị Thẩm Thúy Hằng. Anh bắt tay tôi mà nói:

Xem ra, anh là người Việt Nam? Tôi thành thật có cảm tình với ngôi sao điện ảnh “Tham Thuy Hang” của đất nước các anh!

Xin cảm ơn! Vâng, chính tôi là người Việt Nam … Chỉ xin thành thật nói với anh, nước Việt Nam còn đang bị chia cắt, nên chính tôi là người Hà Nội cũng chưa có dịp được thưởng thức tài năng của ngôi sao điện ảnh Sài Gòn này … Mong anh thông cảm với tấn bi kịch, có lẫn cả máu và nước mắt, mà từng người Việt Nam chúng tôi đang phải gánh chịu…

Anh ta lặng đi, thở dài, rồi bắt tay tôi thật chặt:

Chẳng giấu gì anh, tôi là người Mỹ. Nhưng tôi thành thật mong những ngôi sao điện ảnh Việt Nam sớm hợp nhất được với nhau…

Một buổi khác, đã khá khuya, tôi ngồi trên tầu điện ngầm vắng vẻ, thì có một người á Đông đứng tuổi nhìn tôi bằng một đôi mắt cảm tình, ngồi xuống bên cạnh, nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt rất lưu loát:

- Thời Pháp thuộc, tôi mở cửa hàng tạp hóa ở phố Khâm Thiên … vậy, bây giờ, cái phố Khâm Thiên ấy thế nào? Có còn … cô đầu không? Cánh con cháu bà Đốc sao ấy mà…

Tôi bật cười, vui vẻ, kinh ngạc, kể cho ông ta nghe về mấy chục năm Việt Nam đổi thay dưới chế độ mới … Ông ta rút từ trong cặp ra mấy tờ tạp chí bằng Hán văn, chỉ cho tôi xem mấy tấm ảnh chị Kiều Chinh, tại Liên Hoan Phim Đài Bắc (Đài Loan):

- Nữ minh tinh màn bạc Sài Gòn này đoạt giải lớn ở Liên Hoan Phim chúng tôi…nhưng chị là người gốc Hà Nội của các ông đấy! Tôi đã sống nửa đời người ở Việt Nam. Tôi thành thật mong Việt Nam sớm xoá được cái nghịch cảnh chia cắt…

Cảnh trong phim Hồi chuông thiên mụ

Cũng ở Matxcơva, nhiều lúc đọc bản tin AFP, tôi được biết gần như toàn bộ cuộc đời sáng tạo điện ảnh của các đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Lê Dân… Càng ngày, tôi càng hiểu: đất nước và con người bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với nhau. Và qua những sợi dây vô hình, nhưng thiêng liêng về lịch sử dân tộc, về danh dự, về bản sắc riêng cũng như về những đặc điểm chung …những con người cùng chung một tổ tiên sinh ra bao giờ cũng có những mối đồng cảm, cho dù sống trong hoàn cảnh xa lạ. Do đó, không một ai được phép, hoặc tự thấy là có quyền phân biệt hoặc phủ nhận lẫn nhau, trong cuộc đời, cũng như trong nghệ thuật … Tôi vẫn nhớ, tại Liên Hoan Phim 3 ở Hải Phòng, khi còn chưa thống nhất đất nước, anh Mai Lộc có kể cho tôi nghe những buổi anh bí mật làm việc với các anh, chị điện ảnh trong Sài Gòn tạm bị chiếm, trong đó có Thẩm Thúy Hằng, Lê Hoàng Hoa … Và anh Mai Lộc kết luận: Cần chuẩn bị thật tốt cho những cuộc tiếp xúc sau này.

Từ Liên Hoan Phim toàn quốc lần thứ tư, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã được quen hầu hết các anh chị điện ảnh miền Nam, hoạt động trong xưởng phim Giải Phóng ở rừng về, như các anh Lê Văn Duy, Nguyễn Ngọc Hiến, Ngọc Quang, Vũ Sơn. Các anh làm điện ảnh trong chính Sài Gòn như Lê Mộng Hoàng, Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Lý Huỳnh, Lưu Bạch Đàn, các chị Thuỳ Liên, Thẩm Thúy Hằng … Hai tháng sau, tôi được may mắn đi cùng anh Nguyễn Ngọc Hiến tới Liên Hoan Phim quốc tế Matxcơva…

Từ 1975 tới nay, tôi vào làm việc trong thành phố Hồ Chí Minh không nhiều, nhưng tình cảm của tôi đối với các anh, chị điện ảnh trong đó vẫn trân trọng, thắm thiết như trong ngày đầu mới gặp … Có lẽ, tôi là cây bút điện ảnh Hà Nội viết đều và nhiều nhất cho tờ Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng từng được đóng góp với điện ảnh thành phố khi tham gia vào Ban giám khảo Liên Hoan Phim thành phố lần thứ nhất …Trong các Liên Hoan Phim toàn quốc, mà thường khi tôi có tham gia ban giám khảo, chưa hề bao giờ tôi có ý kiến phân biệt phim phía Bắc, phim phía Nam …Và cũng chưa bao giờ tôi tỏ ý ưu ái vô lối cho bất kỳ diễn viên của một miền nào… Gần đây, nhìn sang nước Trung Hoa láng giềng, thấy các đạo diễn điện ảnh của họ có quyền hoạt động ở bất kỳ Hãng phim nào trên toàn quốc, tôi hy vọng ở nước ta rồi cũng sẽ có điều kiện được làm việc như thế. Những đại hội điện ảnh, diễn ra vài năm một lần ở nước ta, rồi cũng sẽ êm đẹp như vậy…

Đạo diễnTrần Đắc