Hành trình trên phim - Chạm vào những khát khao thầm kín

(TGĐA) - Có bao giờ bạn tự hỏi, bằng cách này hay cách khác, bạn vẫn bắt đầu một hành trình của riêng mình trong cuộc sống hiện đại mỗi lúc một bộn bề này. Ám ảnh cần có một chuyến đi để hiện thực hóa một khao khát nào đó đã có thể bắt đầu từ lúc thơ bé ta háo hức chờ xem từng tập Tây Du Ký. Nhưng trên màn ảnh, còn có nhiều hơn một hành trình như thế. Những cuộc hành trình đi qua những khoảng cách không gian và cả thời gian.

Hành trình tìm mẹ – ký ức ngày hè

Bộ phim Kikujiro sản xuất năm 1999 được đánh giá là một trong những thành công độc đáo nhất của Takeshi Kitano, đạo diễn Nhật Bản vốn nổi tiếng với những bộ phim về đề tài bạo lực. Thế nhưng, với Kikujiro, vị đạo diễn kỳ cựu đã thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp với một lối kể chuyện hóm hỉnh đầy chất thơ, tràn ngập phong vị thiên nhiên đời sống Nhật Bản về hành trình của chú bé Masao đi tìm mẹ khi bắt đầu kỳ nghỉ hè cô đơn của mình. Người bạn đồng hành kỳ cục của cậu bé là Kikujiro, gã lưu manh hết thời nghe lời vợ miễn cưỡng tháp tùng Masao đi tìm mẹ. Một già một trẻ, lúc đầu chẳng mấy thân thuộc đi cùng nhau trên một quãng đường dài với rất nhiều tình huống cười ra nước mắt.

kikujiro_2

Thoạt xem, sẽ cảm thấy đây là một bộ phim hành trình điển hình khi hai nhân vật cùng tham gia vào một hành trình để đạt được mục đích của mình: tìm lại người mẹ đã bỏ rơi bé Masao từ bé. Theo đó, phim có thể kết thúc khi hoàn thành mục đích như nhiều bộ phim khác có mô-tip như vậy. Nhưng điểm thú vị của Kikujiro chính là bước chuyển rất nhanh, thậm chí hơi đột ngột trong tâm lý nhân vật. Nửa sau của bộ phim là hàng loạt những trò nhí nhố mà Kikujiro bày ra để mang lại niềm vui cho cậu bé đang cô đơn và thất vọng. Đó không còn đơn thuần là những chi tiết gây cười đặc trưng trong phong cách kể chuyện của cây hài Takesi Kitano: chuyển cảnh đột ngột để mở cảnh mới với những tư thế kỳ quặc, cảnh tĩnh khi nhân vật bất động rất lâu, dùng đạo cụ hóa trang để thay đổi tạo hình..., mà còn là nỗ lực thể hiện sự đồng cảm với nỗi cô đơn của cậu bé trong một thế giới người lớn thực dụng và tàn nhẫn. Mục đích cuối cùng của bộ phim không trọn vẹn khi Masao không tiến đến gặp mẹ, người đã có một gia đình mới hạnh phúc, nhưng những nhân vật của bộ phim đã hoàn thành trọn vẹn hành trình của mình. Buồn đấy, khóc đấy, rồi nhận được chiếc chuông an ủi từ “thần hộ mệnh kỳ quặc” Kikujiro, bé Masao lại chạy tung tăng trong tiếng nhạc tràn ngập, trên môi cậu bé thấp thoáng một nụ cười.

Kikujiro_1

Hành trình kiếm sự thật: từ mùa thu héo hắt đến mùa đông lạnh giá

Một bộ phim khác về hành trình gây tranh luận không kém là Into the Wind, phim của đạo diễn Sean Pen chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng toàn cầu cùng tên. Bộ phim là một hành trình kỳ lạ của Alex, người đã từ bỏ tất cả các tiện nghi của xã hội văn minh, thậm chí là những đồng xu cuối cùng và cả tên họ khai sinh của mình để lên đường chinh phục thiên nhiên. Trong hành trình đơn độc ấy, Alex đã khám phá tự nhiên bằng cách nguyên sơ nhất. Anh đi bộ, đi nhờ đến những bãi biển hoang vu sóng lớn, các đỉnh núi cao trơ trọi, dòng sông to lớn và giận dữ…Trong suốt hành trình ấy, anh cũng tiếp xúc với những con người chân thật, còn sót lại đâu đó trong thế giới xô bồ này: cô chú Rainy, cô bé Tracy, ông già Ron… Họ sống bằng bản năng nhưng không phải thứ bản năng tàn nhẫn của cạnh tranh sinh tồn mà là sự nghị lực, tinh thần tự do và tình yêu thương. Alex đã bỏ lại sau lưng gia đình và những hơi ấm để lên đường, để đắm mình sâu hơn nữa vào thiên nhiên rộng lớn...

Into_the_Wind_1

Với những góc máy rộng khoáng đạt, phần nhạc nền mang âm hưởng của du mục sẽ khiến bạn như đang đắm mình trong cuộc phiêu lưu bất tận của Alex. Thiên nhiên trong phim qua con mắt của Alex là sự dung hoà giữa sự sâu sắc và biết ơn của con người và vẻ đẹp thô mộc nhất của đất mẹ, là sự sẻ chia và hoà quyện lẫn nhau, và cả những xúc cảm mãnh liệt của nỗi cô đơn và sự cuồng nộ. Khoảnh khắc giao mùa từ những rừng cây rụng lá vào thu hay những cánh rừng phủ đầy tuyết trắng đã làm tăng đến vô cùng sự rợn ngợp của nỗi cô đơn.

Into_the_Wind_3

Theo nguyên tác Into the Wind, có một cuốn sổ được tìm thấy trong số vật dụng còn lại tại chiếc xe buýt sau khi Alex qua đời, phía trên đầu trang, anh tự viết lại bằng chữ in hoa chỉ một từ: TRUTH – sự thật. Đó phải chăng là điều mà Alex tìm kiếm suốt cuộc hành trình cho dù cái giá phải trả quá đắt? Một hành trình đầy cô đơn đi tìm nguồn gốc của sự cô đơn

Hành trình tìm lại tình yêu

Eat, Pray, Love là câu chuyện về người phụ nữ thành đạt Elizabeth Gilbert luôn cảm thấy bị mất phương hướng và ngay chính bản thân cô cũng không biết mình thực sự muốn gì trong cuộc sống. Khi cuộc hôn nhân của mình đi vào ngõ cụt, người tình mới không mang lại cho cô niềm vui thực sự, niềm đam mê với công việc cũng dần phai nhạt. Người phụ nữ mệt mỏi, sút cân và mất phương hướng ấy đã lên lịch trình cho mình tới Italy, Ấn Độ và Indonesia. Ba địa danh gắn liền với ba động từ ở tên phim hàm ý rằng nhân vật Elizabeth khám phá ra niềm đam mê ẩm thực – niềm vui sống thường ngày của mình ở Italy, tìm thấy sự thanh thản khi thiền nguyện trong những ngôi chùa linh thiêng ở Ấn Độ và có được tình yêu thực sự, niềm hạnh phúc khi giúp đỡ người khác ở hòn đảo Bali thơ mộng. Hành trình của Eliz qua những ngày hè rực rỡ đến những ngày chớm thu rực rỡ đã cho thấy một triết lý nhân sinh đầy tích cực: tình yêu luôn ở xung quanh chúng ta.

Eat_Pray_Love_1

Không thực sự có nhiều đột phá trong cách kể về góc máy, âm nhạc hay dựng phim nhưng khá gọn gàng và thuyết phục với diễn xuất có nghề của Julia Roberts và những khung cảnh đẹp như mơ trên hành trình của nhân vật chính. Thông điệp của bộ phim cũng được truyền tải giản dị mà thấm thía: Hành trình nhận biết chính mình sẽ giúp người ta vượt qua cảm giác tẻ nhạt cố hữu, sống tích cực và bao dung hơn.

Eat_Pray_Love_3

Ba tác phẩm điện ảnh với phong cách khác nhau nói về hành trình của những nhân vật khác nhau về lứa tuổi, quan điểm sống nhưng vẫn khiến người xem cuốn theo những nỗ lực của nhân vật. Ngoài những yếu tố về kỹ thuật điện ảnh, sức hút của những bộ phim hành trình chính là chạm đến những khát khao luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta. Có lẽ sau nhiều năm nữa, hành trình vẫn luôn là một nhu cầu tự thân mãnh liệt của mỗi cá nhân và sẽ mãi là đề tài muôn thuở của những tác phẩm điện ảnh.

Việt An