Hồ sơ phim lật lại: "Giải cứu binh nhì Ryan" và "Định mệnh" - Cái nhìn chiến tranh của Spielberg và Tarantino

(TGĐA Online) - Dưới con mắt của mỗi đạo diễn, đề tài chiến tranh được phản ánh trong tác phẩm của họ lại mang những màu sắc và góc độ khác nhau, đặc biệt là những tên tuổi lớn đã ghi lại dấu ấn trên thế giới như Steven Spielberg hay Quentin Taratino. Hai vị đạo diễn này đã thể hiện quan điểm nhìn nhận của mình về chiến tranh thế giới thứ II trong hai bộ phim Giải cứu binh nhì Ryan (Saving Private Ryan, đạo diễn Spielberg,1998) và Định mệnh (Inglourious Basterds, đạo diễn Taratino, 2009). Cho dù thời điểm ra mắt cách nhau khá xa, nhưng việc đặt chúng cạnh nhau để so sánh làm nổi bật cái nhìn của đạo diễn về chiến tranh là một đề tài thú vị.

Cnh_giao_tranh_c_lit_c_lm_theo_phong_cch_ti_liu_trong_Saving_Private_Ryan

Thông qua trường đoạn quân đồng minh đổ bộ vào bãi biển Normandie, phim Giải cứu binh nhì Ryan miêu tả một cuộc chiến đẫm máu ác liệt gây thương vong cho cả hai bên, cùng với đó là cái nhìn thực sự nghiêm túc về chiến tranh của đạo diễn Spielberg. Còn trường đoạn gia đình người Do Thái trong Định mệnh bị tàn sát thì lại thể hiện một cái nhìn có phần hài hước và chế giễu về chiến tranh, trong đó đặc biệt là hình ảnh sĩ quan Hans Landa. Bằng cách đi sâu phân tích các đặc điểm hình thức của hai trường đoạn trên, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt quan điểm giữa hai đạo diễn tài ba này.

Việc đầu tiên cần khẳng định đó là hai trường đoạn trích trong hai bộ phim này đều tạo nên những ấn tượng đặc biệt, gieo vào lòng người xem cảm xúc khác nhau về hình ảnh chiến tranh cũng như con người trong chiến tranh. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của hai bộ phim. Đầu tiên là trường đoạn cuộc đổ bộ của phe đồng minh lên bãi biển Normandie trong Giải cứu binh nhì Ryan: bắt đầu với cảnh một ông già cùng gia đình đến thăm nghĩa trang quân đội, cảnh phim chuyển về quá khứ khi trận đánh tại Normandie diễn ra và kết thúc khi quân đồng minh chiến thắng. Đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy trong trường đoạn kéo dài 20 phút này đó là việc đạo diễn lựa chọn cách sử dụng máy quay cầm tay, đặt các góc quay có dụng ý để phục vụ cho ý đồ làm “tôn” điểm nhìn chủ quan.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc đổ bộ, những góc máy chao đảo với góc nhìn ngang bằng nhân vật, cú máy lia nhanh cận vào các chi tiết như người lính nôn trên tàu hay khuôn mặt lo âu của những người lính khác luôn tạo cho người xem có cảm giác như đang có mặt tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Tuy có nhiều cảnh sử dụng ống kính góc hẹp nhưng việc cố gắng đưa nhân vật vào giữa khuôn hình góp phần thể hiện điểm nhìn chủ quan của người trong cuộc. Rõ ràng không khí giao tranh của cuộc chiến Normandie trở nên ác liệt và gấp gáp nhờ phần lớn vào phong cách quay như một đoạn phim tài liệu chiến tranh thực sự. Không chỉ dừng ở điểm nhìn của quân đồng minh, sự luân chuyển sang điểm nhìn của những người bắn súng phe phát xít đã cho người xem thấy được sự dữ dội của chiến tranh ở cả hai chiến tuyến. Chuyển động của máy quay dường như cũng gắn kết chặt chẽ với chiến trường ác liệt bởi những lần bom nổ, súng xả đạn là máy quay lại giật liên hồi đầy dụng ý. Tất cả những kĩ thuật đó đều nhằm mục đích chứng minh cho tính hiện thực của trường đoạn này trong phim.

Poster_phim_Saving_Private_Ryan

Bên cạnh cách khai thác điểm nhìn thông qua máy quay, âm thanh trong trường đoạn này cũng đóng một vai trò rất lớn nhằm làm tăng tính hiện thực. Âm nhạc dừng hẳn sau khi chuyển cảnh từ đôi mắt người đàn ông trong nghĩa trang sang cảnh chiến trường. Kể từ đó, âm thanh trong phim chỉ còn là sự dồn dập của không khí gấp gáp trong chiến tranh: tiếng súng, đạn, bom, người la hét... Cảnh quân đồng minh từ trên tàu nhảy xuống biển, góc quay lấy cảnh từ dưới biển nhìn lên cộng thêm âm thanh đột ngột thay đổi như đang ở dưới nước tạo ra những khoảng lặng đắt giá. Những khoảng lặng này được tiếp tục với điểm nhìn chủ quan của nhân vật John Miller. Trong một thoáng chốc giữa chiến trường sinh tử, anh ta chỉ còn nghe thấy tiếng ù ù bên tai. Chỉ cần chi tiết đó, trường đoạn này cũng hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu một phần con người Miller cũng như điểm yếu của anh bằng sự thay đổi bất ngờ trong âm thanh. Cùng với tiếng súng đạn, bom nổ thì sự thay đổi từ màu sắc trang trọng trong nghĩa trang (màu trắng của những ngôi mộ, màu xanh mướt của bãi cỏ) sang màu xám tro ảm đạm đóng vai trò thể hiện không khí ác liệt, tàn khốc của cuộc chiến. Nhờ có màu nền như xo trám mà cảnh cuối cùng của trường đoạn khi những vệt máu dài hòa quyện với sóng biển cùng với xác những người lính đã biến thành bức tranh “kinh hoàng” đầy chết chóc.

Đối lập với cố gắng tạo nên tính hiện thực của Spielberg, Quentin Taratino lại tạo dựng cho bộ phim về chiến tranh của mình một câu chuyện rất hài hước ẩn chứa tiếng cười chế nhạo. Tính hiện thực trong trường đoạn mở đầu của Định mệnh gần như được làm giảm nhẹ đi ngay từ lời dẫn đầu phim “Ngày xửa ngày xưa tại một ngôi làng Do Thái ở Pháp”. Đáng chú ý nhất cũng như chiếm nhiều thời lượng nhất trường đoạn được đưa ra phân tích đó là đoạn đối thoại giữa hai nhân vật sỹ quan Landa và ông nông dân Lapadite trong căn nhà nhỏ. Ban đầu, Taratino sử dụng nhiều góc máy tĩnh để có thể ghi lại cuộc đối thoại này. Qua đó, nhân vật Landa được làm nổi bật bằng những câu thoại và hành động rất cá tính. Con người thật của hắn bị che giấu đằng sau một bộ trang phục rất chỉn chu, hành động bắt tay thân thiện hay vài câu xã giao lịch thiệp. Những góc máy tĩnh khiến người xem không còn cách nào khác là phải tập trung vào thoại cùng diễn xuất của hai nhân vật chính, cho dù máy quay vẫn giữ nguyên trục 1800 trong cuộc đối thoại, người xem vẫn cảm thấy sự lấn át của Landa lên người đối diện. Tuy nhiên, những góc máy tĩnh không tồn tại vĩnh viễn mà bị phá vỡ bởi một cú lia máy từ trên bàn xuống dưới sàn nhà để thấy rõ gia đình người Do Thái đang ẩn nấp tại đó. Sự hé lộ bằng một cú lia máy này phục vụ đắc lực cho cách kể chuyện toàn tri, tạo nên cảm giác lo lắng nơi người xem bởi một phần thông tin đã được hé lộ rồi lại chuyển về ngay về điểm nhìn ban đầu.

i_lp_vi_khng_kh_c_lit_l_phong_cch_tng_tng_y_ch_giu_trong_Inglourious_Basterds

Không gian căn nhà nơi diễn ra cuộc đối thoại bị làm “nhỏ bé” đi bởi cách bố trí vật dụng rất đơn giản, những khuôn hình luôn lấy chiếc bàn làm trục và xoay theo nó. Cho dù không gian bên ngoài tràn ngập ánh sáng tự nhiên thì khi vào bên trong, chỉ có duy nhất bề mặt chiếc bàn được chiếu sáng. Nhân vật Landa ngồi gần như lẫn hoàn toàn vào góc khuất đen tối, còn ánh sáng chỉ làm nổi bật những vật dụng sơ sài trên mặt bàn. Cách chiếu sáng này phần nào ngầm ẩn báo hiệu một con người với những mặt trái khó đoán biết không được phơi bày trong ánh sáng. Nếu như trường đoạn Normandie của phim Giải cứu binh nhì Ryan không dùng âm nhạc trong đoạn giao chiến giữa hai bên thì với Định mệnh, dụng ý sử dụng bản nhạc For Elise mở đầu phim nhưng pha trộn thêm tiếng guitar mang hơi hướng Tây Ban Nha lại mơ hồ “khởi đầu” cho một câu chuyện hài hước, hỗn tạp và đầy sự mỉa mai. Đoạn hội thoại quan trọng giữa hai nhân vật không dùng đến âm nhạc, sự câm lặng còn lại nhường chỗ cho lời thoại của nhân vật - thêm một dấu hiệu hướng sự chú ý của người xem đến lời thoại trong phim. Tuy nhiên, tiếng nhạc cứ to dần lên rồi dồn dập theo hành động của Landa khi hắn ra lệnh tàn sát gia đình người Do Thái đã đánh dấu thời điểm “bùng nổ” - kết thúc một cách ấn tượng trường đoạn dường như khá tẻ nhạt chỉ có thoại ban đầu.

Hai trường đoạn tiêu biểu trên trong Giải cứu binh nhì RyanĐịnh mệnh cho dù còn rất nhiều điều để phân tích, nhưng chỉ với một vài động tác “đào sâu” chi tiết cũng đã đủ để nhận thấy sự khác biệt cơ bản giữa hai bộ phim này. Rõ ràng ở tác phẩm của Steven Spielberg, người xem dễ bị choáng ngợp bởi phong cách làm phim đề cao tính hiện thực trong những cảnh chiến tranh ác liệt và tàn khốc. Tính hiện thực đó là nền tảng vững chắc để truyền tải thông điệp về tư tưởng, cái nhìn chiến tranh của đạo diễn Spielberg: một cái nhìn phản ý thức hệ sâu sắc về chiến tranh, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết hay tư tưởng người lính đặt trong các mối quan hệ khác nhau… Không đề cao tính hiện thực mà lại cố tình tạo ra những câu chuyện hư cấu chứa đầy sự hoài nghi, bộ phim của Quentin Taratino là bức tranh về những kẻ điên cuồng tìm cách tàn sát lẫn nhau - một cái nhìn hoàn toàn mang tính giễu nhại về chủ nghĩa anh hùng thời chiến: kẻ xấu mang dáng vẻ của một con người lịch lãm, hài hước và quyến rũ còn anh hùng diệt Phát xít lại là những kẻ điên thích cuồng sát…/

Minh Đạo