Hòa nhạc - Múa nghệ thuật Tổ quốc

(TGĐA Online) - Chương trình Hòa nhạc – Múa nghệ thuật Tổ Quốcvừa được biểu diễn chính thức vào ngày 23 / 4 /2016 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Đây là dự án kết hợp giữa trường Múa TP.Hồ Chí Minh, sân khấu thể nghiệm trường Múa TP.HCM cùng với sự tổ chức và phát hành của công ty CP Công nghệ Giải trí Hồng Hạc. Bên cạnh đó, dự án còn có sự phối hợp tham gia tổ chức và quảng bá của Nhà văn hóa Sinh viên Tp.HCM và Trung tâm Văn hóa Quận 1, Tp.HCM. Buổi ra mắt có sự tham dự của rất nhiều nghệ sỹ.

tổ khúc mua 1

Đây là dự án nghệ thuật được tổ chức với mục đích mang âm nhạc & nghệ thuật “hàn lâm“ đến gần hơn với đông đảo khán giả yêu nghệ thuật với sức chứa 1.100 chỗ ngồi của nhà hát Bến Thành và một không gian gần gũi và phổ thông hơn. Đây còn là cách để Ban tổ chức múa đưa các tác phẩm cách mạng và đề tài chiến tranh được các nghệ sỹ biểu diễn tinh tế, nhẹ nhàng và dễ đi vào lòng người;

Là một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa chào mừng 41 năm Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, chương trình được dàn dựng làm hai phần với chủ đề và nghệ thuật trình diễn khác nhau nhưng vẫn bao trùm được tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

Phần 1 - Hòa nhạc & Opera với chủ đề: KHÚC TRÁNG CA

Do dàn nhạc giao hưởng 99% Orchestra đến từ Nhạc viện Tp.HCM kết hợp với các ca sỹ Khánh Ngọc, Võ Hạ Trâm, Đào Mác, nhóm Tuxedo lần lượt trình diễn các ca khúc: Chào Việt Nam (lời Việt: Vũ Phúc Ân), Tình ca (Hoàng Việt), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Lá đỏ (Hoàng Hiệp), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Đất nước tình yêu (Lệ Giang), Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu). Phần âm nhạc do các nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, Vũ Phúc Ân, Đăng Tiến Đạt phối khí. Nhạc trưởng Vũ Phúc Ân chỉ huy dàn nhạc.

Kết nối giữa phần 1 & phần 2 của chương trình là phần giao lưu giữa các nghệ sỹ (Khánh Ngọc, Võ Hạ Trâm, Tạ Thùy Chi) với khán giả về tình yêu nghệ thuật và tâm huyết của người nghệ sỹ với dòng nhạc hàn lâm - cách mạng.

Phần 2 - Tổ khúc múa Tổ Quốc

Được dàn dựng và biểu diễn theo kịch bản của NSND Hà Thế Dũng, biên đạo NSND Hà Thế Dũng, NSUT Tạ Thùy Chi và Lương Xuân Thành, gồm 4 phần kể về những giai đoạn đấu tranh hào hùng của dân tộc: Dấu ấn thời gian, Bên kia vĩ tuyến, Cuộc chiến nội đô, Khúc khải hoàn, với sự tham gia biểu diễn của 40 diễn viên múa trẻ HBSO, học sinh – sinh viên trường Múa TPHCM.

Chương trình đã đưa khán giả đi qua tất cả các cung bậc cảm xúc trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, không chỉ thuần những cuộc đấu tranh, những trận đánh, những cuộc biểu tình mà còn là tình yêu, sự hy sinh, những đau đớn không thể nói bằng lời của một người mẹ...

tổ khúc múa 3

Trước giờ diễn, những người tổ chức đã có chút e ngại rằng "chính thống" của chương trình sẽ mang đến sự nặng nề và uể oải cho khán giả đến xem nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Từ các bác lớn tuổi đến các bạn sinh viên, từ giới văn nghệ sỹ cho đến dân văn phòng, từ người yêu múa & hòa nhạc giao hưởng cho đến những bạn trẻ chỉ quen với âm nhạc thị trường đều có chung một cảm giác "đã" và "thèm".

"Đã" vì một chương trình gọn ghẽ gói ghém trong 90 phút với hai phần Hòa nhạc và Múa tưởng chừng tách biệt nhưng lại vô cùng gắn kết - nhịp nhàng và bổ trợ cảm xúc, đưa khán giả từ cung bậc trầm lắng đến cao trào, từ rưng rưng cho đến vỡ òa và cảm giác một chút quyến luyến tự hào về một chặng đường mà dân tộc đã đi qua. Nói như một khán giả đã chia sẻ cùng BTC rằng "chương trình hay từ đầu cho đến cuối, và có những đoạn khán giả này đã rơi nước mắt vì bùi ngùi cảm động". Một số khán giả chia sẻ về sự vất vả của các nghệ sỹ khi đầu tư một chương trình chỉnh chu và nghiêm túc và luyến tiếc tại sao chỉ có một đêm diễn duy nhất vì chương trình quá hay. Nhiều nghệ sĩ đã đến thưởng thức chương trình và cổ vũ cho các bạn đồng nghiệp như ca sĩ Thu Minh, diễn viên Thanh Mai...

Minh Tuyền