Hollywood cũng khủng hoảng kinh tế

Oscar đi trước…

Những chấn động tài chính toàn cầu không dừng chân trước cửa “nhà máy sản xuất các giấc mơ”.


“Hollywood cũng phải tiết kiệm” - người dẫn chương trình, tài tử Hugh Jackman, mở đầu đêm trao giải Oscar 2009 bằng lời “thú nhận” chân thành - “Thậm chí Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ thiếu cả tiền cho tiết mục mở màn... Đêm qua tôi đã thức trắng trong garage của mình để viết những lời ca ngợi các bộ phim năm nay”. Lẻ tẻ vài tiếng vỗ tay cho câu bông đùa duyên dáng nhưng chứa dư vị đắng ngắt. Khi kinh tế đi xuống, thường là văn hóa bị “cắt xén” trước tiên.

Hugh Jackman trên sân khấu "tiết kiệm" của Oscar lần thứ 81

“Ở Hollywood người ta không cần tiền, chỉ tay không cũng dựng lên được một giấc mơ”, Jackman châm chọc tiếp và ngồi phịch xuống chiếc ghế nhựa rẻ tiền dưới tấm biển bằng bìa “Ai muốn trở thành triệu phú?” để dẫn chương trình. Tràng vỗ tay tiếp theo cũng không rộn rã hơn lắm.

Thực ra thì ở Hollywood, nếu không có gì trong túi thì ngay cả giấc mơ cũng kém tính hiện thực. Công nghiệp điện ảnh ngày càng thấm “định lý” này khi khó dỗ dành các nhà đầu tư dốc hầu bao ra làm phim. Thu nhập lớn nhất là bán DVD phim cũng sụt thê thảm. Nhà băng trở nên cẩn trọng khi cho vay tín dụng, các hãng phim sa thải hàng loạt nhân viên...

“Người khổng lồ” Sony Pictures là ví dụ gần đây nhất. Hãng này vừa cho 250 nhân viên ra đường và gạch luôn 100 công việc còn trống - 4 % nhân lực hiện tại. “Chỉ có thế chúng ta mới làm ăn có lãi”, hai giám đốc Michael Lynton và Amy Pascal giải thích trong một E-mail gửi tới người lao động. Universal Pictures (thuộc General Electrics), Paramount Pictures (thuộc Viacom), Disney và Lionsgate cũng sa thải nhân công hàng loạt. Warner Brothers chia tay 600 cộng tác viên và xóa thêm 200 chỗ làm - tương đương 10 % số nhân viên của công ty.

“Những bà diễn viên tuyệt vọng”

Không hiểu vì lý do gì, khi sang Việt Nam serie phim truyền hình Mỹ Desperate Housewives (Những bà nội trợ tuyệt vọng) lại được dịch là Những bà nội trợ kiểu Mỹ. Hay dịch giả đã lường trước việc đất Mỹ là nơi khởi đầu cho cuộc tuyệt vọng tập thể lớn nhất thời hậu chiến? Nói gì thì nói, từ khi ra mắt khán giả trên kênh ABC cách đây gần 5 năm, bộ phim này đã gây xôn xao trong giới phê bình, vì không ai ngờ đề tài “buôn dưa lê kiểu Mỹ” lại tạo được nhiều chú ý như vậy. Nhờ đó mà serie này đoạt được một loạt giải thưởng danh tiếng như Emmy, Địa cầu Vàng, Screen Actors Guild... Chỉ sau một năm rưỡi được phát trên màn ảnh nhỏ, nó thường xuyên thu hút khoảng 120 triệu người theo dõi những trò cãi cọ, mưu mô, tiền bạc, thậm chí cả giết người.

Nữ diễn viên Nicollette Sheridan (ngoài cùng bên phải) bị gạt ra khỏi phim
Desperate Housewives vì chính sách cắt giảm chi phí thời khủng hoảng

Trong số các nhân vật bị tử nạn, nay đã có thêm nữ diễn viên Nicollette Sheridan. Dĩ nhiên chỉ chết trên màn bạc, và không bởi tay một người tình ghen tuông hay tình địch tóc dài. Nhà mối lái bất động sản Edie Britt ở Wisteria Lane chỉ là nạn nhân của làn sóng tiết kiệm nay cũng tràn đến Hollywood. Cách đây mấy hôm, nhà sản xuất Marc Cherry tuyên bố khai tử nhân vật tóc vàng khêu gợi này vì lý do cạn kinh phí. Việc gạt Nicollette Sheridan khỏi phim trường sẽ giảm chi phí tới 0,2 triệu USD/tập, và kênh ABC không cho Marc Cherry lựa chọn nào khác.

Cũng chẳng phải để an ủi Nicollette Sheridan, nhưng quả thực nữ diễn viên này không hề là kẻ bất hạnh duy nhất, bởi bên cạnh cô còn có một đội quân đông đảo hàng chục nghìn người mất việc trong thời khốn khó của công nghiệp giải trí Mỹ. Riêng trong tháng Một năm nay, tờ Los Angeles Times cho biết ở thủ phủ bang California, người ta đã xóa sổ 22.000 chỗ làm - tức 10% số nhân công của Hollywood. Nơi nào cũng hết vốn, phải tiết kiệm chi tiêu và mất nguồn thu từ quảng cáo.

Nhân lực tại California ấm áp đang rủ nhau chạy khỏi đây như bầy chuột nhảy khỏi tàu đắm, đến tìm may mắn mới ở các tiểu bang hàng xóm, Canada hay thậm chí bên trời Âu, nơi đang hí hửng tăng trợ cấp và giảm thuế cho ngành phim ảnh để hút nhân tài.

Siêu sao cũng xuống thang

Tỷ phú nhà đất Nicolas Cage phải "cắn răng" rao bán các biệt thự trong thời khủng hoảng

Cả những minh tinh ngoại hạng như Julia Roberts, Russell Crowe và Nicolas Cage cũng phải siết thắt lưng chặt hơn một chút. “Đã qua rồi thời các siêu sao đặt mức cát-sê tùy hứng và cũng tự khắc được phê chuẩn không cần bàn cãi”, nhà sản xuất Eric Gold kiêm đại diện cho các tên tuổi như Jim Carrey và Ellen DeGeneres buồn bã than thở. “Người ta có thể “hot” đến mấy ở Hollywood đi chăng nữa, nếu hết tiền là hết tình, đừng mong ký được hợp đồng trong thời buổi khó khăn này”, ông tiết lộ với tờ Wall Street Journal.

Nhớ lại ngày nào Eddie Murphy chỉ cần tham gia vào một phim hài pha giả tưởng loại Meet Dave là đủ xài suốt đời: 20 triệu USD cộng phần trăm tiền vé, mặc cho phim lỗ chỏng gọng và suýt đẩy nhà sản xuất David T. Friendly đến bờ vực vỡ nợ. Lập tức Paramount và Universal rút kinh nghiệm, lót lá dắt tay các “Eric Gold” ra cửa. Đến cả các siêu sao như Harrison Ford (đang quay Morning Glory) hay Russell Crowe (hiện tham gia đóng trong Robin Hood) cũng phải cắn răng ký loại hợp đồng “Back end”: chỉ được thêm phần trăm khi phim có lãi và hãng phim thanh lý hết phí tổn.

Không khí khủng hoảng lan rộng như một cơn địa chấn, chẳng tha các cơ sở sản xuất phim nhựa và phim truyền hình đã đành, mà còn nhấn chìm một loạt những dịch vụ ăn theo. Nhà hàng cao cấp, quán bar, khách sạn, thậm chí cả tài xế xe limousine và cửa hiệu thời trang cũng phải run rẩy. Như một giám đốc hãng Lionsgate thổ lộ với tờ báo trong ngành Variety, từ giờ trở đi, những buổi liên hoan ra mắt phim mới cũng phải đong đếm cho kỹ. Người ta chỉ tuyển nửa số phục vụ viên so với ngày xưa - một chủ nhà hàng chuyên tổ chức những bữa tiệc đình đám - công khai “vạch áo cho người xem lưng”.

Đủ kiểu kiếm tiền

Một trong những doanh nghiệp còn khá lạc quan là Central Casting, ngày nào cũng có ứng viên rồng rắn xếp hàng.

Chẳng thiếu người muốn nối gót Brad Pitt, Eva Longoria hay Ava Gardner - những minh tinh từng bắt đầu sự nghiệp tại đây. “Tài chính đi xuống thì hy vọng càng vút lên, như tâm lý người chơi xổ số vậy” - phụ trách tuyển chọn năng khiếu Allen Kennamer nói với tờ Los Angeles Times. Từ đầu năm đến giờ, mỗi tuần có chừng 300 người đến đăng ký, gấp đôi con số cùng kỳ năm ngoái. Bất động sản đóng băng hóa ra lại là thời làm ăn của các mối lái cho “sao”. Tất nhiên không VIP nào thú nhận là túng tiền phải bán nhà, nhưng báo chí nhận ra sự trùng hợp dễ hiểu khi hàng loạt villa hoành tráng được đem rao bán. Chủ báo Playboy đầu tiên, Hugh Hefner, đang đăng báo tìm người mua lại biệt thự của mình ở khu triệu phú Holmby Hills. Hefner viện cớ hai con trai lớn đi học đại học nên thừa diện tích, và “chỉ” đòi 28 triệu USD cho villa mà ông ta mua cách đây 10 năm.

Ngôi biệt thự tại Hollywood đã được Nicolas Cage rao bán

Diane Keaton tìm người nối hợp đồng thuê biệt thự của mình ở khu thượng lưu Beverly Hills, hoặc bán với giá 12 triệu USD. Leonardo DiCaprio, sau khi từng đóng phim về vụ chìm tàu Titanic nên có vẻ không muốn nhìn ra biển nữa, rao bán villa ở Malibu lấy 9 triệu USD. Ashton Kutcher khiêm tốn hơn, chỉ mong nhận 4 triệu USD cho một căn hộ trên đồi. Chỉ mình Nicolas Cage thật thà thông báo vì sao mới đây phải cắn răng chia tay với lâu đài cổ Neidstein ở Bavaria (Đức). Siêu sao Mỹ này cho tờ Daily Mail biết nguyên nhân: “Vì khó khăn kinh tế nên không thể chịu “nhiệt” được lâu hơn”. Fan của Nicolas Cage chớ vội rơi lệ thương hại thần tượng: Cage còn một lâu đài cổ nữa, có tên là Midford, ở gần thành phố Bath(Anh).

Theo Thể thao & văn hoá