Hollywood: Làm phim đâu phải để giải sầu

Hồi chuông cảnh báo

(TGĐA) - Theo suy nghĩ của một bộ phận lớn khán giả Mỹ hiện nay thì xem phim là để giải sầu và để quên bớt những lo lắng trong tình hình kinh tế khó khăn. Nhưng đối với Hollywood, làm phim không phải chỉ để giải sầu mà còn để làm giàu.


Vì vậy công nghiệp điện ảnh Mỹ rất lo lắng khi thấy khán giả đang có xu hướng giải sầu trên TH cáp và thuê phim về nhà coi thay vì cất công đến rạp và bỏ tiền mua vé.

Nhà sản xuất Hal Wallis

Cuộc hành trình tăng giá vé sắp ngừng. Việc đăng ký vé trước và bán thức ăn tại rạp cũng sẽ giảm. Số phim mới sẽ ít hơn và thời gian phim trụ lại trong rạp trước khi chuyển sang DVD, cable, và TH vệ tinh cũng ngắn hơn. Ảnh hưởng domino cuộc khủng hoảng kinh tế đã chạm đến Phố Wall, sau đó là các cửa hiệu bán hàng tiêu dùng Mỹ và nay là Hollywood.

Nhà sản xuất Irving Thalberg

Tại Mỹ, người ta thường nói: kỹ nghệ giải trí là “lá chắn cuối cùng” trong thời kỳ suy thoái vì khi làm ăn thất bát người ta thích đến sân khấu và rạp hát để giải sầu và để quên bớt sự lo lắng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ khác. Giống như năm 1932, khi các studio và các rạp chiếu phim khuyến mãi tặng đồ sứ và đồ cắt móng tay để “chiêu” khán giả đến rạp, các hãng phim hiện nay cũng đang nghiên cứu các phương án tương tự. Thống kê mới nhất cho thấy doanh thu tiền vé tháng 9 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và số khán giả xem phim giảm 4%. Có ít nhất 3 hãng phim độc lập chính bị ảnh hưởng phải sa thải đến 90% nhân viên. Đó là Paramount Picturehouse, NewLine, Warner Independent.

Hollywood Highland

Dự báo các studio sẽ giảm lượng phim sản xuất, giảm chi phí quảng cáo để tiết kiệm trong tình hình vay mượn làm phim khó khăn. Hãng Paramount là ông lớn đầu tiên trong các ông lớn sản xuất phim Hollywood tuyên bố sẽ giảm 20% lượng phim sản xuất trong thời gian tới theo yêu cầu của công ty mẹ Viacom (VIA). Nếu năm 1978 có 191 phim được công chiếu với giá vé trung bình 2,34 USD thì năm ngoái có 680 phim xuất xưởng với giá vé trung bình 6,88 USD (số liệu của Hội Điện ảnh Mỹ-MPAA). Chỉ riêng cuối tuần qua có 7 bộ phim lớn được công chiếu để tranh nhau số khán giả ngày càng giảm. “Số phim công chiếu vẫn tăng và đây là vấn đề vì nó sát hại lẫn nhau – Chris Lanier, Chủ tịch công ty Motion Picture Intelligencer chuyên theo dõi và phân tích doanh thu tiền vé nhận xét – Giành nhau sản xuất nên chi phí cho một bộ phim cũng tăng. Trong 5 năm qua, số phim phát hành đã tăng gấp đôi. Giá vé tăng nhưng số lượt người xem giảm nên doanh thu tổng cộng vẫn giảm”.

Cảnh trong phim Mắt đại bàng

Tự cứu

Theo Lanier, giải pháp duy nhất để biến phim ảnh thành công cụ hái ra tiền chứ không chỉ là phương tiện giải sầu như hiện nay là phải tăng yếu tố giải trí cho phim, một khía cạnh mà theo ông đang giậm chân tại chỗ trong 4 năm qua với những ý tưởng cũ mèm và xào đi xào lại. “Chúng ta cần có những phù thủy như Irving Thalberg (nhà sản xuất phim đoạt Oscar trong những năm sơ sinh của Nghệ thuật thứ Bảy) hay Hal Wallis (nhà sản xuất huyền thoại của Warner Bros). Những gã này có tài năng tạo ra các bộ phim có sức thu hút khán giả như cây đũa thần của phù thủy” – ông nói. Tuy nhiên, theo Paul Dergarabedian, chủ tịch của công ty thống kê điện ảnh Media By Numbers thì sau hai tháng thoái trào doanh thu tiền vé, hai tuần qua, tình hình đã khả quan hơn khi hai bộ phim Beverly Hills Chihuahua do Walt Disney sản xuất và Mắt đại bàng (Eagle Eye) đều thu được hơn 29 triệu USD trong tuần đầu công chiếu.

Theo các nhà phân tích tài chính, trong vài năm qua, Hollywood đã huy động được tổng số vốn từ 10 đến 15 tỉ USD cho phim nhựa và phim TH. Có nhiều phim hưởng nguồn vốn này đang được thực hiện hoặc sắp thực hiện nên trước mắt Hollywood chưa phải lo lắng lắm về kinh phí.

Poster phim Beverly Hills Chihuahua

Để tự cứu, nhiều bộ phim Hollywood được chuyển sang sản xuất tại những nước có đồng nội tệ mất giá so với USD, mà gần nhất là người hàng xóm Canada. Theo Peter Leitch, Chủ tịch Hội Công nghiệp sản xuất Phim ảnh tỉnh B.C (Motion Picture Production Industry Association of BC) thì việc đồng đô la Canada giảm giá so với USD đã thu hút nhiều nhà sản xuất phim Mỹ đến Canada làm phim. “Khi đồng đôla Canada ăn 1,1 USD chúng tôi khá căng thẳng, nhưng khi nó chỉ còn đổi được 90 xu, công nghiệp điện ảnh có dấu hiệu hồi phục. Số phim nước ngoài sản xuất tại Canada để tận dụng đồng đôla Canada rẻ sẽ tăng” – ông nhận xét. Tuy nhiên, trong tình hình xiết chặt tín dụng như hiện nay, việc tìm kinh phí sản xuất phim sẽ khó hơn nhiều cho dù là phim bom tấn đến từ Hollywood.

Minh Đăng