Hollywood thịnh vượng khi kinh tế suy thoái

 

“Hollywood thịnh vượng khi kinh tế suy thoái” (Hollywood thrives when the economy pes). Đó là câu nói thường được nghe tại kinh đô điện ảnh nước Mỹ vào thời điểm này. Không khí Hollywood vui như một ngày hội, khi các nhà sản xuất chứng kiến khán giả rồng rắn kéo nhau đến rạp để trốn chạy những mối lo toan đời thường.


Xem phim thời suy thoái

Các chủ rạp và hãng phim ăn mừng

Nhận xét trên là có cơ sở và được các nhà quan sát Hollywood đồng tình. Sự thật là trong thời kỳ nước Mỹ rơi vào tình trạng Đại trì trệ thập niên 1930, khi giới doanh nhân và nền công nghiệp Mỹ phải bỏ ra nhiều công sức để khỏi bị phá sản và những quan chức chính phủ lo đến bạc tóc để tìm cách cứu nguy cho nền kinh tế, thì người Mỹ tìm quên bằng cách trốn vào các rạp chiếu phim. Họ xem phim như một cách giải tỏa căng thẳng và điện ảnh cũng là thứ rẻ nhất để hưởng thụ trong thời điểm chật vật vì cái ăn. Vì vậy, khi nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc suy thoái khác, các nhà sản xuất phim ảnh Mỹ lập tức nhận ra rằng, họ đang ở trong cơ hội bằng vàng.

Thậm chí ngay cả khi người dân Mỹ phải xiết chặt các khoản chi tiêu khác, thì phần dành ra cho việc xem phim cũng không giảm, thậm chí còn tăng ở tầng lớp trung lưu, nếu so với thu nhập. Bằng chứng là trong những tháng đầu năm nay, thống kê cho thấy số người xem phim tại rạp cao hơn cùng thời kỳ năm ngoái. Vì vậy, người ta không ngạc nhiên khi thấy không khí rất vui vẻ và phấn kích tại ShoWest, hội nghị hàng năm của các chủ rạp chiếu phim, diễn ra từ ngày 25.3 tại Los Angeles. Theo số liệu của National Association of Theatre Owners thì trong 7 lần kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng trì trệ từ thập niên 1960 thì có đến 5 năm lần doanh thu tiền vé tăng thấy rõ. “Trong khi người dân Mỹ cẩn trọng hơn trong tiêu dùng, họ rất đắn đo khi chọn thay chiếc TV mới với công nghệ mới, thì lại không hề ngại ngần khi bỏ tiền ra xem phim. Việc bỏ ra số USD xem phim có vẻ đơn giản hơn việc bỏ ra hàng trăm USD để mang một thứ gì đó về nhà” - Leonard Maltin, sử gia kiêm nhà phê bình điện ảnh nói.

Các nhà kinh tế vẫn còn đang tranh luận về việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái hay không, nhưng các dấu hiệu dễ thấy nhất về sức khỏe của nền kinh tế, như giá nhiên liệu tăng mạnh, số công việc làm giảm đáng kể, việc cho vay được xiết chặt... cho thấy nguy cơ đang đến gần. Nhưng Hollywood không có gì phải lo lắng khi doanh thu những tháng đầu năm nay tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu của công ty chuyên theo dõi doanh thu Media By Numbers). Số khán giả đến rạp tăng thêm 7% trong năm 2007, nay vẫn tiếp tục tăng dù giá vé nhỉnh hơn một chút. Giá tăng nhưng chưa đến 7 USD, rẻ hơn nhiều so với vé xem thể thao, hòa nhạc và chơi bowling. “Trong lĩnh vực tâm lý, chui vào một rạp hát tối om để xa lánh thế giới và con người trong vài tiếng đồng hồ là cách trị liệu tâm lý rất tốt, đặc biệt là vào thời điểm nhiều thứ bên ngoài đang chống lại bạn, từ công việc đến tiền bạc” – Dan Glickman, Chủ tịch Hội Phim ảnh Mỹ (MPAA), một tổ chức thương mại hàng đầu ở Hollywood nói.

Bên trong một rạp chiếu phim Mỹ


Suy thoái kinh tế là... người bạn thân thiết của điện ảnh

Từ thời kỳ Đại trì trệ những năm 1930, khi chỉ có 1/4 người dân có đủ tiền mua vé vào xem kịch, thì điện ảnh đã trở thành nơi ẩn náu tốt nhất cho những kẻ bần cùng và đang gặp căng thẳng. “Chúng tôi không cầu mong suy thoái xảy ra, nhưng những trải nghiệm quá khứ cho thấy, suy thoái kinh tế bao giờ cũng là người bạn thân thiềt của điện ảnh” – John Fithian, Chủ tịch ShoWest nói như thế trong bài phát biểu đi sâu phân tích mối tương quan giữa suy thoái kinh tế và sự phất lên của điện ảnh. Trong năm đầu của cuộc suy thoái kinh tế dài nhất và đen tối nhất của những năm 1930, do số phim sản xuất giảm vì thiếu kinh phí, nên số người xem phim không tăng.

Nhưng vài năm sau đó, khi người ta phát hiện ra đầu tư vào phim là đầu tư có lời nhất, số phim sản xuất tăng, lượng khán giả cũng kéo ùn ùn đến rạp. Dù số liệu thống kê điện ảnh không được lưu vào thời điểm đó, nhưng người ta ước tính có đến 4,6 tỉ vé xem phim được bán mỗi năm trong gần hết thập niên 1930, tức cao gấp 3 lần năm 2002, năm có số vé bán ra nhiều nhất của thời hiện đại. Cần biết là dân số Mỹ vào thời kỳ Đại trì trệ chưa bằng phân nửa dân số 300 triệu hiện nay. “Bạn sẽ chọn lựa gì giữa radio, sách và phim? Nếu bạn không có iPod, không có video games để tự cách ly với thế giới, thì đến rạp là cách hay nhất để tự giải thoát mình” - Paul Dergarabedian, Chủ tịch Media By Numbers nói.

Vào thời điểm này, máy chiếu phim tại các rạp ở Mỹ hầu như chạy không ngừng. Trong khi chờ xuất chiếu khác, các bộ phim hoạt hình sẽ được trám vào giúp vui khán giả. Rồi còn tin thời sự và phim ngắn. Những bộ phim hài và phim giúp người xem giải tỏa tinh thần được chọn ưu tiên. Ví dụ A Night at the Opera của anh em đạo diễn Marx hoặc Top Hat do Fred Astaire và Ginger Rogers đóng vai chính. Dan Fellman, phụ trách phát hành phim của Warner Bros cũng đồng ý rằng, điện ảnh đi lên khi kinh tế suy thoái. Theo Fellman, thì phim chiếu rạp đã thắng lớn radio trong thời kỳ Đại trì trệ, thắng TV trong những năm suy thoái 1950 và thắng home video trong những năm suy thoái 1980. “TV luôn bị phim chiếu rạp hạ gục vào những thời điểm khó khăn này” – ông nói.

Ngoài tình hình kinh tế ảm đạm, còn có những yếu tố khác thu hút khán giả đến rạp, như khán giả có thể mua vé trước trên mạng nên không sợ hết vé. Những bộ phim 3-D mới đây như Hannah Montana & Miley Cyrus: Best of Both Worlds Concert cũng chứng tỏ sức thu hút của nó. Nhưng yếu tố chi phối mạnh nhất vẫn là tìm nơi lánh nạn, quên những lo toan và duy trì hạnh phúc giống như lời nhạc “Forget your troubles, come on get happy” trong một bài hát.

Thế Châu