Hợp tác sản xuất và phát hành phim – Chuyện cũ mà vẫn mới

(TGĐA Online) - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tiếp tục các hoạt động thu hút sự quan tâm của nhiều người bằng cuộc hội thảo Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim được tổ trong chiều ngày 15/10.

Điều hành buổi hội thảo là Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và ông Đỗ Duy Anh – thành viên ban tổ chức LHP Việt Nam 18. Ngoài ông Trịnh Đăng Thanh, PGĐ Sở VH – TT – DL tỉnh Quảng Ninh, hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà quản lý điện ảnh trong và ngoài nước cùng đông đảo những người làm nghề. Bàn về việc hợp tác và phát hành phim, theo ông Đỗ Duy Anh, đây là vấn đề không mới nhưng luôn nóng bỏng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Bởi theo ông, trong các năm từ 2011, mỗi năm điện ảnh Việt Nam sản xuất được 17 – 20 bộ phim chiếu rạp. Riêng phim tài liệu, hoạt hình có số lượng lớn hơn rất nhiều. Chính vì thế, công tác phát hành lại càng quan trọng hơn bao giờ hết vì đó chính là động lực để hoạt động sản xuất phim phát triển hơn. Với mong muốn đó, Ban tổ chức LHP lần thứ 18 tổ chức hội thảo mang tính thiết thực về nghề hy vọng cùng tìm ra những vấn đề hạn chế, nguyên nhân và hướng khắc phục. Hơn thế, trong tương lai gần sẽ thúc đẩy việc hợp tác và sản xuất phát hành phim ra nước ngoài, vốn là ước mơ của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua.

PGS_Tien_sy_Tran_Luan_Kim_gop_y_tai_hoi_thao

PGS, TS Trần Luân Kim góp ý tại Hội thảo

Về vấn đề hợp tác và phát hành phim, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nhấn mạnh tới vai trò của nhà nước đối với điện ảnh với bản tham luận có tựa đề: Nhà nước vẫn là chỗ dựa cho điện ảnh Việt Nam. Trong đó, bà vẫn “tha thiết đề nghị” nhà nước giữ các hãng phim nhà nước, cổ phần hóa, hoạt động kinh tế thị trường theo cơ chế riêng. Bởi kinh tế thị trường không có nghĩa là xóa sổ ngang bằng tất cả. Bên cạnh đó, bà cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn chất lượng phim đồng nghĩa với số lượng để phim Việt không “chết” trên phim nhà. Theo đó, bà đề xuất nên xốc lại đội ngũ phát hành, liên doanh liên kết với nhau và cần có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng từ phía nhà nước. Nhưng theo bà thì quan trọng và cần nhất vẫn là mong tình yêu và sự đam mê của các nghệ sỹ không bao giờ tắt vì có như thế mới “đủ sức đưa nhau ra khỏi khó khăn này, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra cách”.

Với bài phát biểu ngắn gọn, PGS, TS Trần Luân Kim nhận định đây là việc đã nói nhiều nhưng rất tiếc là tình hình không thay đổi, càng kéo dài lại càng khó khăn hơn. Phát hành và sản xuất là hai lĩnh vực gắn bó với nhau, ở nhiều nước có sự gắn kết chặt chẽ còn tại Việt Nam lại tách bạch nên đã tự giết lẫn nhau. Cùng chung ý kiến, đạo diễn NSND Hà Bắc và bà Nguyễn Thị Tuyết đưa ra những dẫn chứng sinh động về sự hợp tác sản xuất và phát hành ở hai thể loại phim hoạt hình và tài liệu. Hai đại biểu tập trung vào việc nâng cao chất lượng tác phẩm và hình thành thói quen xem phim của khán giả đối với hai thể loại này.

Dai_dien_tap_doan_CJ_phat_bieu

Đại diện Tập đoàn CJ phát biểu

Với tư cách là khách mời quốc tế tham dự hội thảo, đại diện tập đoàn CJ giới thiệu sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc và đưa ra các gợi ý về cấu trúc phân chia lợi nhuận theo phương thức của nước bạn để Việt Nam có thể tham khảo. Đại diện công ty CJ tin tưởng rằng với thiết bị công nghệ mới ngày càng phát triển và các tài năng làm phim ở Việt Nam, Hàn Quốc tin rằng trong tương lai điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh. CJ cũng thông báo sắp tới sẽ hợp tác với Việt Nam làm 3 bộ phim mới. Đóng góp ý kiến cho hội thảo, tùy viên Nghe nhìn đại sứ quán Pháp giới thiệu các chính sách mà chính phủ Pháo đã sử dụng để giúp các nhà làm phim quảng bá phim như tỷ lệ chiếu, hạn định thời gian chiếu trên truyền hình, các đài TH ở Pháp muốn hoạt động phải có giấy phép và trong giấy phép có cam kết chiếu phim tài liệu, phim truyện và hoạt hình... Một số đài phải chiếu 60% phim của châu Âu, và trong số 60 % đó phải có 40% phim của Pháp. Với các kênh thu tiền, phải chi 60 – 80% tiền thu được để tái sản xuất các chương trình trong đó 3,2 % số tiền làm phim để chiếu rạp trước, sau đó chiếu trên TH... Pháp cũng có một số ký kết về các hoạt động tài trợ cho điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2014, năm Việt Nam tại Pháp sẽ có tuần phim Việt Nam được tổ chức tại đây.

Cùng với ý kiến của Tiến sỹ Lưu Trọng Hồng, tham luận của đại biểu Philippines, hội thảo Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim dường như đã từng bước gợi mở những vướng mắc hiện có để tìm ra phương hướng trong tương lai. Nói như ông Đỗ Duy Anh thì hi vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và sẽ có phim hợp tác với các nước Asean và được chiếu trong Asean.

Thảo Nguyên