Hợp tác và phát hành phim: Nhiều vấn đề cần gỡ rối

(TGĐA) - Vào buổi chiều cùng ngày diễn ra Hội thảo Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá Du lịch qua điện ảnh, Ban Tổ chức LHP Việt Nam 18 đã tiến hành tổ chức Hội thảo Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim. Hội thảo do Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam và ông Đỗ Duy Anh (đại diện của Cục Điện ảnh) điều hành với sự tham gia của các nhà quản lý, các nghệ sỹ và đại diện công ty sản xuất, phát hành phim trên cả nước.

Dai_dien_tap_doan_CJ_phat_bieu

Đại diện tập đoàn CJ

9 tháng đầu năm 2013, đã có thêm 22 công ty, hãng sản xuất phim được cấp giấy phép tham gia vào lĩnh vực sản xuất và phát hành phim. Từ năm 2011, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 17 đến 20 bộ phim điện ảnh, phủ sóng rạp chiếu ở các thời điểm trong năm. Nhiều cụm rạp chiếu phim mới được khánh thành… Số liệu này cho thấy thị trường phim ảnh nước ta càng ngày càng trở nên sôi động và một khi đã có nhiều sản phẩm điện ảnh như vậy thì công tác phát hành, đặc biệt là với những bộ phim được nhà nước tài trợ, càng cần phải chú trọng hơn nữa. Thực tế, đã có không ít các công ty, hãng sản xuất phim năng động đã tìm cách liên kết hợp tác sản xuất và phát hành các tác phẩm của mình tới đông đảo công chúng, nhưng hoạt động này vẫn mang tính nhỏ lẻ. Đây chính là lý do để Ban tổ chức LHP lần thứ 18 tổ chức hội thảo mang tính chuyên môn nghề nghiệp về vấn đề hợp tác sản xuất và phát hành phim nhằm tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục. Hơn thế nữa còn hướng tới thúc đẩy việc hợp tác và sản xuất phát hành phim ra nước ngòai, cụ thể là trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á ASEAN.

Phát hành phim bối rối trong buổi kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường đã có những tác động rõ rệt đối với điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là số phận của các hãng phim Nhà nước lâu nay rơi vào tình trạng bỏ thì thương mà vương thì… nặng gánh cơ chế, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – PCT Thường trực Hội Điện ảnh thì “Nhà nước vẫn là chỗ dựa cho điện ảnh Việt Nam”. Đây cũng chính là tiêu đề bài tham luận mà bà Ngát trình bày tại Hội thảo chiều ngày 15/10. Trong đó, bà có nói về thị trường điện ảnh trong nước hiện nay rất ngổn ngang, cả ở khâu sản xuất và phát hành đồng thời xem đó như là giai đoạn mờ chồng để đi đến sự thay đổi. Với nhiều năm gắn bó với hãng phim Truyện Việt Nam, bà Ngát thay mặt những nghệ sỹ tâm huyết với Hãng tha thiết đề nghị nhà nước giữ hai hãng phim này theo cơ chế riêng. Đề cập đến sự bùng nổ của dòng phim do các hãng phim tư nhân sản xuất trong đó có không ít phim tuy đa dạng về đề tài nhiều về số lượng nhưng không tỷ lệ thuận với chất lượng, nhiều phim bị kêu là thảm họa, tham luận nêu vấn đề: Làm sao để phim kéo người xem đến rạp? Mong chất lượng đồng nghĩa với số lượng đồng thời cũng phải làm thế nào để phim việt không bị thua thiệt trên sân nhà. Muốn như thế chúng ta phải đoàn kết nhau lại, giành được thị trường, tránh thua thiệt và vẫn cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Cuối tham luận, bà Ngát chia sẻ: Điều quan trọng của người viết là mong cho tình yêu và sự đam mê của các nghệ sỹ đừng tắt đối với điện ảnh. Có như thế mới nhanh chóng đưa nhau ra khỏi khó khăn này!

PGS_Tien_sy_Tran_Luan_Kim_gop_y_tai_hoi_thao

PGS- Tiến sĩ Trần Luân Kim góp ý tại hội thảo

Tiếp tục bàn về những hạn chế của công tác sản xuất và phát hành phim, PGS Ts. Trần Luân Kim nêu ra mối quan tâm làm thế nào để sản xuất nhiều phim có giá trị nội dung tư tưởng cao. Theo ông, nếu không giải quyết được rất khó khi liên quan đến khâu phát hành bởi “chúng ta đã đổ vỡ cả hệ thống phát hành”. Theo ý kiến của ông thì nguyên do bởi kinh tế điện ảnh không được quan tâm đúng mức mà không có phát hành thì sẽ không phát triển được sản xuất. Phát hành và sản xuất là hai lĩnh vực gắn bó với nhau, nhưng ở nước ta lại bị tách biệt nên dẫn đến tình trạng sản xuất không sống nổi và phát phát hành cũng thoi thóp.

Những việc nên làm

Trong câu chuyện gian nan về phát hành phim thì mảng Hoạt hình và Tài liệu là thấu cảm hơn cả. Đại diện cho các nhà làm phim Hoạt hình, đạo diễn, NSND Hà Bắc đem đến Hội thảo hai vấn đề rõ ràng. Thứ nhất là con đường đưa tác phẩm đến với công chúng và thứ hai là công tác đào tạo nguồn nhân lực làm nghề. Từ ví dụ thực tế, công ty đầu tư sản xuất phim hoạt hình 3D về đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng cho đài truyền hình để phát sóng miễn phí, đạo diễn Hà Bắc cho biết, có rất nhiều hãng phim Tư nhân muốn đầu tư ở lĩnh vực Hoạt hình nhưng vì khâu phát hành chưa tốt nên họ đã không dám mạo hiểm. Bộ phim rõ ràng đã đến với công chúng nhưng nhà đầu tư không chắc có tiếp tục làm tiếp. Ngoài ra, đạo diễn Hà Bắc cũng đề cập đến thói quen xem phim hoạt hình của khán giả nhiều khi bị ảnh hưởng bởi phim Mỹ đang chiếu tràn lan ngoài rạp. Đây chính là mấu chốt gây khó cho hoạt hình Việt Nam hiện nay: Thiếu nơi trình chiếu phim. Theo đạo diễn Hà Bắc thì “cần có những LHP Quốc tế về Hoạt hình như LHP phim Tài Liệu và nếu chúng ta cũng tổ chức chuyên nghiệp thì cơ hội cho hoạt hình cũng sáng hơn, các nhà đầu tư cũng mạnh dạn đầu tư, cơ hội cho hoạt hình Việt Nam tiếp cận với thế giới cũng mở ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có đội ngũ biết làm phim hoạt hình, có lòng yêu nghề và có thể sống bằng nghề! Kết thúc bài tham luận, đạo diễn Hà Bắc khẳng định cần phải tạo ra nền tảng đổng bộ trong đó có cả những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực phát hành thì hoạt hình Việt Nam sẽ phát triển hơn!

Giám đốc Hãng phim Tài liệu KHTƯ, bà Nguyễn Thị Tuyết nêu kinh nghiệm của mảng điện ảnh tài liệu sau những lần tổ chức LHP Tài liệu quốc tế. Bà Tuyết cho rằng, tình yêu của khán giả đối với phim tài liệu không hề nhỏ và hãng phim cũng đã biết được cách làm thế nào đưa phim tài liệu đến với khán giả cũng như giới thiệu phim Tài liệu Việt Nam ra nước ngoài, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất

Là khách mời tham dự Hội thảo Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim, đại diện của tập đoàn CJ, Hàn Quốc đánh giá tiềm năng của điện ảnh Việt Nam như sau: “Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển, nhưng các bạn sẽ có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn. Đìều quan trọng là sự chi viện và giúp đỡ của chính phủ thông qua các kỹ thuật mới và các tài năng làm phim ở Việt Nam. CJ cũng tiết lộ sẽ hợp tác với các công ty làm phim ở Việt Nam vào năm tới để sản xuất 3 bộ phim.

Tùy viên nghe nhìn đại sứ quán pháp gợi ý về cách thức điều hành hoạt động của điện ảnh của chính phủ Pháp như sau: Các đài TH ở Pháp muốn hoạt động phải có giấy phép và trong giấy phép có cam kết chiếu phim tài liệu, phim truyện, hoạt hình. Với các kênh truyền hình trả tiền thì yêu cầu phải chiếu 60% phim của châu Âu và trong số 60 % đó phải có 40% phim của Pháp. Nếu là kênh TH tự do không trả tiền thì phải chiếu 120 giờ có nội dung chương trình. Với các kênh truyền hình có thu tiền, phải trả 60 – 80% tiền thu được để tái sản xuất các chương trình trong đó 3,2 % số tiền danh để làm phim chiếu rạp trước sau đó chiếu trên TH. Trong số các kênh của Pháp có nhiều kênh có chính sách đặc biệt: đầu tư 21% thu nhập cho hoạt động sản xuất phim mới và đây là kênh trả tiền.

Minh Nguyệt