Hướng tới kỷ niệm 55 năm thành lập Điện ảnh Quân Đội nhân dân (17/8/1960 – 17/8/2015): Sự tiếp nối của một thế hệ hào hùng

(TGĐA) - Ngày 17/8/1960, cách đây vừa tròn 55 năm, “Đoàn điện ảnh Quân đội” thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời. Việc Đoàn điện ảnh Quân đội ra đời lúc ấy đã làm phong phú, sinh động thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, công tác giáo dục chính trị tư tưởng của quân đội thêm một mũi nhọn xung kích. Những chàng trai màu xanh áo lính lần lượt tiếp bước ra chiến trường, với chiếc máy quay trên tay, ghi lại những thước phim hào hùng của dân tộc, tiếp bước sức mạnh cho thế hệ sau. Những thước phim, đôi khi đánh đổi bằng máu và cả chính mạng sống của những người tiên phong nơi mặt trận.

B_trng_BQP_Phng_Quang_Thanh_thm_v_lm_vic_vi_AQ

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm và làm việc với ĐAQĐ

Hào hùng thời kháng chiến

Ngay từ năm 1963, khi trang thiết bị và kinh nghiệm của một Đoàn điện ảnh Quân đội còn thiếu thốn nhưng đã có những cán bộ sáng tác được cấp trên bí mật cử vào Nam, đó là những nhân tố sau này hình thành lực lượng Điện ảnh B2 tức Xưởng phim Quân Giải phóng.

Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ Quốc tế và bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, đội ngũ làm phim của ĐAQĐ nhân dân đã lên đường và bám sát chiến trường cùng người chiến sỹ trên tuyến đầu nơi ác liệt của khói lửa chiến tranh. Tất cả đội ngũ sáng tác cùng chiếc máy quay và khẩu súng vượt qua mưa bom bão đạn để ghi lại những thước phim chân thực và sinh động ở khắp các chiến hào...

Nhiều bộ phim Tài liệu ra đời rất kịp thời, mang hơi thở nóng bỏng của mặt trận. Để sau này, không ít những bộ phim đã giành được những giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan phim trong nước và Quốc tế. Đó là những thước phim thấm máu và đánh đổi bằng cả sinh mạng của thế hệ nghệ sĩ ĐAQĐ trong chiến tranh. Đã có tới 30 phóng viên của Điện ảnh Quân đội ngã xuống trên các chiến hào để có được những thước phim vô giá, hàng chục đồng chí khác bị thương hoặc vẫn mang trong cơ thể di chứng của chiến tranh.

Lp_o_to_6_cng_nhn_my_chiu_u_tin_cho_in_nh_Qun_i__i_C_thng_4-1952

Lớp đào tạo 6 công nhân máy chiếu đầu tiên cho điện ảnh Quân đội ở Đồi Cọ tháng 4/1952

Từ một lực lượng còn non về nghiệp vụ, máy móc phương tiện thiếu thốn, chuyên môn kỹ thuật thô sơ… đến nay, ĐAQĐND đã trở thành một đơn vị sản xuất phim tổng hợp với ba xưởng hợp thành, đó là: Xưởng phim tài liệu,Xưởng phim khoa học quân sự và Xưởng phim truyện; với một đội ngũ nghệ sỹ sáng tác, đội ngũ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cơ bản. Đây có thể coi là sự trưởng thành vượt bậc, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo và nghệ sỹ Điện ảnh quân đội suốt 55 năm qua, mà nền tảng là sự thừa hưởng phẩm chất cao quý của một quân đội anh hùng, một dân tộc anh hùng.

55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vào những mốc son, những bước ngoặt trọng đại của lịch sử chiến tranh cách mạng, các tác phẩm của Điện ảnh Quân đội đều đã phản ánh nhanh, nhạy, kịp thời ghi dấu, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền tư tưởng của Đảng và Quân đội rộng rãi trong nhân dân cả nước và bạn bè Quốc tế. Hình hiệu ngôi sao toả ánh hào quang của Điện ảnh Quân đội là hình ảnh thân yêu, gần gũi, là niềm tin trong đời sống tinh thần của đồng bào, chiến sỹ cả nước lúc bấy giờ. Với phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, những Nghệ sỹ - chiến sỹ Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã không quản hy sinh gian khổ, từ trong khói lửa đạn bom đã ghi được hàng chục vạn thước phim tư liệu quý giá. Những thước phim ấy đã trở thành chứng nhân lịch sử, trở thành một phần lịch sử văn hoá dân tộc, thành tài sản tinh thần vô giá của lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Cũng từ những thước phim ám khói đạn bom ấy, những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng đã làm lay động lòng người, góp phần to lớn vào việc giáo dục, định hướng chính trị của Đảng, Quân đội trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần to lớn vào sự phát triển nền Điện ảnh cách mạng nước nhà.

Bằng phẩm chất nghệ sỹ - chiến sĩ, bằng những tác phẩm Điện ảnh xuất sắc đã được ghi nhận, và sự đóng góp xứng đáng cho nền Điện ảnh Cách mạng, Điện ảnh Quân đội đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước và Quân đội phong tặng danh hiệu cao quý: “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Quay_phim_thim_truyn_t_lnh

Ekip quay phim truyện Đất lành

Dấu gạch nối đậm nét thời bình

Làm văn hóa nghệ thuật và báo chí nhưng đồng thời cũng là một người lính nên Điện ảnh QĐND luôn giữ cho mình được một định hướng đúng đắn về chính trị. Bên cạnh những bộ phim tài liệu thế mạnh về người lính, những bộ phim truyện của Điện ảnh QĐND cũng không kém phần sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao, ngoài nâng cao giá trị thưởng thức còn góp phần giáo dục thẩm mỹ, xây dựng nhân cách, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong bối cảnh hiện nay.

Tiếp bước thế hệ đi trước, những nhà làm phim trẻ thế hệ sau này vẫn tiếp tục có mặt ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phản ánh công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ đầy gian khổ và hy sinh. Mặc dù điều kiện kinh tế thị trường gặp không ít những khó khăn nhưng Điện ảnh QĐND vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong sáng tác nhằm tái hiện, khắc hoạ hình ảnh cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

on_lm_phim_Nhng_ngi_gi_bin

Đoàn làm phim Những người giữ biển

Những năm gần đây Điện ảnh QĐND tiếp tục có nhiều bộ phim để lại ấn tượng trong lòng công chúng và đạt các giải thưởng cao như: Phim Tài liệu Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc, Những người giữ biển, Suốt đời học Bác… và phim truyện 13 bến nước.... Năm 2015, Điện ảnh QĐND sản xuất bộ phim Tài liệu nhựa 30/4 - Ngày thống nhất và chuẩn bị cho ra mắt bộ phim truyện nhựa Người trở về nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong 55 xây dựng chiến đấu trưởng thành, do yêu cầu nhiệm vụ mỗi giai đoạn lịch sử, Điện ảnh Quân đội có ba lần đổi tên. Năm 1973 từ Đoàn làm phim Quân đội thành Xưởng phim Quân đội; năm 1987 đổi thành Xí nghiệp phim Quân đội; năm 1993 đổi thành Điện ảnh Quân đội nhân dân .

Mặc dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng lớp lớp thế hệ nghệ sỹ Điện ảnh QĐND luôn kế thừa phát huy truyền thống của một đơn vị làm phim chuyên nghiệp và danh hiệu đơn vị anh hùng LLVT nhân dân.

Th_h_tr_in_n_qun_i_ang_lm_phim_Cn_mi_mi

Thế hệ trẻ Điện ản quân đội đang làm phim Còn mãi mãi

Điện ảnh Quân đội nhân dân & những dấu mốc đáng nhớ

- Đã sản xuất hơn 10 ngàn bộ phim các loại

- Đã quay hàng chục vạn mét phim tư liệu

Liệt sĩ của điện ảnh quân đội qua các thời kỳ: 30 liệt sĩ

Hy sinh chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc: 16 liệt sĩ

Hy sinh tại mật trận B2 : 13 liệt sĩ

Hy sinh trong thời bình : 01 liệt sĩ

Những phần thưởng cao quý

Được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân 1990

02 Huân chương Quân công hạng nhì năm 1980; 1984

03 Huân chương Chiến công hạng nhất năm 1968; 1970; 1997

01 Huân chương Lao động hạng nhất năm 1990

01 Huân chương Chiến công hạng ba năm 1995

01 Huân chương Nhà nước Cămpuchia năm 1991

01 Huân chương ITSALA Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1991

01 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2010

Và nhiều phần thưởng cao quý khác

Giải thưởng trong nước:

-Liên hoan phim Việt Nam:

33 giải Bông sen vàng

44 giải Bông sen Bạc

- Giải Cánh diều – Hội Điện ảnh Việt Nam có 30 giải.

- Giải Báo chí Quốc gia có 16 giải

- Liên hoan phim Môi trường toàn quốc có 5 giải

- Giải Bộ Quốc phòng có 23 giải

- Và các giải thưởng khác

Giải thưởng Quốc tế:

16 Bồ câu vàng, Bồ câu Bạc Giải A và Bằng khen.

Những danh hiệu Nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng

NSND: 04 Đồng chí

NSƯT: 26 Đồng chí.

Gia Sơn