Không chỉ là trường quay!

Diện mạo mới cho Cổ Loa

(TGĐA) - Dự án Phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa dù mới chỉ hoàn thành bước 1 nhưng đã và đang là tín hiệu đáng mừng cho một nền điện ảnh khát trường quay như hiện nay. Hơn 100 tỷ nguồn vốn đầu tư được rót không phải là nhiều nhưng nếu so sánh với ngân quỹ 400 tỷ cho cả Bộ VN-TT&DL trong năm 2008 (trong đó Văn hóa là 200 tỷ) mới thấy quyết tâm cũng như sự quan tâm dành cho điện ảnh lớn đến thế nào…

Thiếu trường quay là vấn đề lớn nhất, được nói đến nhiều nhất trong suốt 10 năm đổ lại đây của giới làm phim. Bất tiện do việc thiếu trường quay mang lại thế nào thì ai cũng hiểu và càng thấm thía hơn khi những kịch bản có ý tưởng ngược thời gian lại một chút chứ chưa nói đến “cuống cuồng” như đợt phim lịch sử vừa rồi. Vá víu, ngược xuôi không yên, người làm phim tốc mặt tối mày mà lo ngay ngáy phim không “thuần Việt”. Bối cảnh trong nước thì đỏ con mắt mới tìm được thì lại dính ngay vụ scandal “xúc phạm chốn tôn nghiêm” như bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ. Đâu đâu cũng nói chuyện trường quay, trong Nam, các nhà làm phim cũng “tự cung tự cấp”với một số trường quay như của công ty Trí Việt, Hãng phim Nguyễn Chánh Tín…; ngoài Bắc thì tiên phong là VFC với dự án 700m cho một phim Những người độc thân vui vẻ nhưng cũng chỉ loanh quanh trong những bối cảnh nội, dành cho thể loại Sitcom. Buồn một nỗi, thiếu là thế mà cứ nói đến trường quay Cổ Loa là lắc đầu. Cũng phải thôi, được xây dựng từ những năm 1960 với sự giúp đỡ của Nga và Đức, cũng có những bộ phim nổi tiếng như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu…được dựng ở đây nhưng hơn 30 năm bỏ hoang, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nó đã hoang tàn đổ nát lắm rồi.

Năm 2001, dự án phục dựng trường quay Cổ Loa gần như đã được thực hiện với mốc hoàn thành là năm 2005 nhưng vấp phải bất đồng khá lớn của các nhà làm phim về địa điểm, kinh phí cũng như ưu tiên cho dự án nào hơn. Nhiều ý kiến cho rằng địa hình Cổ Loa đơn giản, chỉ có thể đáp ứng được những bối cảnh đồng bằng còn những bối cảnh phức tạp như rừng, núi, suối... thì lại phải tìm kiếm cảnh ở chỗ khác. Bởi vậy, trường quay dã ngoại phù hợp nhất phải là vùng Lương Sơn - Xuân Mai. Khu vực này có địa thế thiên nhiên đa dạng, núi non hiểm trở, rừng cây nguyên sinh, sông suối, hang động thơ mộng cùng những vùng đồi lớn, nhỏ trải dài nằm hai bên quốc lộ, thuận tiện cho sự vận chuyển và khá phù hợp với các bộ phim lịch sử...Bên cạnh đó, vấn đề trường quay nội cũng có thể khắc phục được với hai trường quay cũ của Hãng phim truyện Việt Nam.

Mô hình tổng dự án trường quay Cổ Loa


Nhưng với quyết tâm lớn, năm 2003, dưới sự ủng hộ của Cục điện ảnh và Bộ VHTT, BGĐ Trường quay Cổ Loa được thành lập vỏn vẹn chỉ có 3 người (hiện nay là 70 người). Ông Nguyễn Văn Nhiêm – GĐ trường quay Cổ Loa khi dẫn chúng tôi tham quan quanh trường quay cho biết: “Lúc chúng tôi mới về đây, hoang tàn lắm, như một khu rừng, thi thoảng bắt được rắn hổ mang là chuyện bình thường…”. 5 năm xây dựng dự án, một lòng cho niềm tin để cuối cùng, ngày 10/10/2008, Trường quay Cổ Loa chính thức được phê duyệt Phục hồi, nâng cấp, cải tạo đợt I với con số đầu tư chính thức là hơn 100 tỷ (106.151.000.000 đồng) dành cho các hạng mục: Xây dựng trường quay nội 400m vuông; Nhà hòa âm; Nhà công vụ; Phá dỡ giải phóng đền bù mặt bằng và Thiết bị phục vụ trường quay, cơ sở hạ tầng. Cho đến thời điểm đầu năm 2011, theo ông Nhiêm thì với 80 tỷ vốn rót về ban đầu, căn bản bước một đã được hoàn thành, số tiền còn lại (hơn 20 tỷ) sẽ chi dùng để hoàn thành nốt Nhà thu thanh.

Với số tiền đầu tư bước I, Trường quay Cổ Loa đã khoác lên mình một diện mạo khác. Cơ sở hạ tầng, vật chất khang trang, ngoài làm việc, trường quay Cổ Loa còn có chỗ ăn nghỉ phục vụ các đoàn làm phim, thậm chí có cả phòng Vip. Bước đầu họ đã có một số điểm cơ bản thu hút các nhà làm phim. Trong năm 2010, hai đoàn làm phim là Thái sư Trần Thủ ĐộHuyền sử thiên đô đã phục dựng lại nhiều bối cảnh ở đây. Ngoài ra, một số công ty quảng cáo cũng bắt đầu tìm đến.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm (bên phải) giới thiệu về dự án trường quay Cổ Loa với ông Đinh Trọng Tuấn - Tổng Biên tập T/c Thế giới Điện ảnh
Ông Nguyễn Văn Nhiêm (bên phải) giới thiệu về dự án trường quay Cổ Loa với ông Đinh Trọng Tuấn - Tổng Biên tập T/c Thế giới Điện ảnh


Ông Nhiêm cho biết: “Dự án dài hơi của chúng tôi trình lên trên là xây dựng trường quay Cổ Loa trên toàn bộ quỹ đất hơn 50 hecta với số vốn đầu tư từ 3000-5000 tỷ. Đây mới chỉ là bước đầu được triển khai trên con số 15 hecta. Ngoài ra, Cổ Loa sẽ có những trường quay vệ tinh với nhiều bối cảnh biển, núi, nông thôn… phục vụ các đoàn làm phim nhưng chủ yếu bối cảnh chính vẫn là ở đây”. Nếu đúng như các bước của dự án thì Trường quay Cổ Loa sẽ có 9 trường quay nội với diện tích nhỏ nhất là 400m vuông, lớn nhất là 2000m vuông bao gồm cả trường quay dưới nước và 2 trường quay ngoại với bối cảnh Thành cổ Thăng Long, Phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó là trang thiết bị, khu kỹ thuật sản xuất hậu kỳ cũng được khép kín và quy chuẩn. Trường quay Cổ Loa đáp ứng được nhiều đoàn phim cùng tham gia trong một thời điểm và có thể đạt công xuất 30-35 phim truyện nhựa/1 năm. Theo ông, con số kinh phí ông đưa ra là quá thấp so với mặt bằng chung của thế giới, đơn cử như ở Indonesia, một trường quay tư nhân với quỹ đất nhỏ hơn rất nhiều đã rơi vào khoảng 10.000 tỷ.

Ông Nhiêm cũng cho biết, theo khảo sát, trường quay Cổ Loa thực sự là một điểm đến thuận lợi. “Trường quay Cổ Loa lấy mô hình Hàn Quốc để tham khảo nhưng lại rút được một kinh nghiệm quý báu. Trường quay của họ cách Seul 65km là một sai lầm và sau 10 năm họ buộc phải quay về thành phố vì chi phí sản xuất, caste cho diễn viên sẽ rất cao nếu phải di chuyển xa. Ở trung tâm thì không có điều kiện, cách khoảng 15-20km như Cổ Loa là con số lý tưởng. Ngoài ra, để phục dựng những cảnh Thăng Long xưa, Cổ Loa có lợi thế hơn nhiều so với các địa điểm ở vùng trung du khác”.

Trường quay Cổ Loa hôm nay với cơ sở hạ tầng khang trang
Trường quay Cổ Loa hôm nay với cơ sở hạ tầng khang trang


Hỏi về giá cả thuê trường quay, trang thiết bị cho các đoàn làm phim, ông Nhiêm cho biết: “Hiện nay, Cổ Loa đang thu chi phí nhẹ với các đoàn làm phim. Thời điểm hiện tại thì giá thành khó cụ thể, bởi trường quay vừa hoàn thành và hai bộ phim vừa qua đều làm phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long. Chúng tôi đang xây dựng khung giá bởi vì ngoài dịch vụ thì đây là nhiệm vụ chính trị của trường quay Cổ Loa khi được nhà nước đầu tư”. Cũng theo ông, ở Hà Nội, giá thành thuê đất hiện nay khoảng 100m vuông thì rơi vào 3 triệu/1 ngày nhưng ở Cổ Loa thì đơn giá ưu đãi hơn để thu hút ban đầu nhưng cũng không thể quá rẻ để tái sản xuất. Trường hợp thuê 1 ngày cũng khác 1 tháng…. Trường quay Cổ Loa cũng tham khảo giá cả theo hạng mục như ở Hoành Điếm và Vô Tích để xây khung giá cho phù hợp ví dụ như thuê đất mấy ngàn mét còn rẻ hơn thuê một cái nhà đủ đồ, thuê khách sạn ở rẻ hơn thuê một nhà ông bán thuốc để quay….

Ưu tiên số một của trường quay Cổ Loa vẫn là những phim lịch sử bởi đó chính là nhiệm vụ chính của mình.

Không chỉ là trường quay

Đầu tiên là du lịch trường quay như các trường quay Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm. Muốn được như vậy, ngoài kích cầu điện ảnh thì trường quay Cổ Loa phải xây dựng, phục dựng, giữ lại nhưng bối cảnh lịch sử mà các đoàn làm phim để lại. Với dự án xây dựng Phố cổ Hà Nội, Thành cổ Thăng Long thì việc thu hút khách tham quan vẫn nằm ở tương lai xa. Gần hơn trong thời điểm này là phối hợp với cụm di tích Cổ Loa cũng như xây dựng một trung tâm văn hóa, giải trí với các cụm rạp phục vụ khu vực phía Bắc sông Hồng này. Ngoài ra, Cổ Loa cũng hướng tới kéo khách du lịch tham quan phim trường, thăm thú các đoàn làm phim làm việc. Ông Nhiêm hồ hởi khoe, trong thời gian đầu với những bối cảnh của hai bộ phim Thái sư Trần Thủ ĐộHuyền sử thiên đô để lại cũng đã có nhiều bạn trẻ xin vào tham quan, nhiều đôi vào chụp ảnh cưới…Điều đó chứng tỏ họ quan tâm tới lịch sử, tới bối cảnh Việt Nam. Đó là tín hiệu mừng cho tiềm năng du lịch sau này. Sắp tới, trường quay Cổ Loa sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho từng hạng mục phục vụ quay phim và du lịch như khu ẩm thực, phố cổ, làng cổ, phòng chiếu phim cũng như thành lập phòng maketting kết hợp với một số công ty lữ hành để kéo khách đến với loaij hình du lịch mới này.

Bối cảnh phim Huyền sử thiên đô ở trường quay Cổ Loa
Bối cảnh cổng thành phim Huyền sử thiên đô ở trường quay Cổ Loa


Tham vọng lớn hơn của trường quay Cổ Loa chính là trở thành một nơi đào tạo nhân lực điện ảnh cũng như trung tâm công nghệ trang thiết bị điện ảnh của Việt Nam. Ông Nhiêm cho biết: “Nếu nói về đào tạo những thành phần phụ, công nhân kỹ thuật cho điện ảnh thì cả nước Việt Nam chưa có nơi nào làm việc này chính quy như người làm ánh sáng, kỹ sư điện của điện ảnh, công nhân kỹ thuật hình, công nhân trường quay như ray, cẩu, khói lửa, đạo cụ (toàn truyền dạy). Đây chính là điều mà chúng tôi muốn thực hiện. Chúng tôi sẽ đào tạo theo chuẩn quốc tế, sẽ cấp chứng chỉ hành nghề, có trình độ đào tạo quốc tế. được trên phê duyệt dạng đào tạo Academy. Đây là việc mà chúng tôi muốn phối hợp với trường ĐH Sân khấu & điện ảnh để thực hiện. Còn về âm thanh, tôi có thể khẳng định cả nước Việt Nam chưa có cơ sở âm thanh nào đảm bảo hoàn chỉnh đồng bộ chuẩn và đủ quy trình công nghệ của một nhà thu thanh. Các xưởng phim, trung tâm kỹ thuật có hệ thống âm thanh đã được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu có hiệu quả nhưng đến thời điểm này, chỗ thì thiếu phòng dựng tiếng, chỗ thì thiếu phòng tiếng động giả…. nói chung là thiếu đồng bộ công nghệ. Nơi mới nhất là Trung tâm kỹ thuật điện ảnh năm 2003 được đầu tư xong thì đến hiện nay cũng đã là 8 năm, mà theo luật khấu hao ở Việt Nam thì 7 năm là phải thanh lý. Nó hỏng hay không là việc khác. Nên tôi thấy, nếu đầu tư mới thì nên đầu tư tập trung cho một nơi. Như thế, tránh được thất thoát, tránh phải mang phim sang Thái Lan làm vừa tốn kém vừa không chủ động”.

Bối cảnh quán rượu phim Huyền sử thiên đô ở trường quay Cổ Loa
Bối cảnh quán rượu phim Huyền sử thiên đô ở trường quay Cổ Loa


Khi được hỏi về vấn đề nhân lực, có nghĩa là ai là người làm được khi mà rất nhiều máy móc của ta cũng được đầu tư về mà không có người làm, ông Nhiêm khẳng định: “Người làm không thiếu và tôi chắc chắn họ làm đạt trình độ quốc tế. vấn đề hiện nay là chúng ta thiếu “đồ chơi” – nói như anh em dân công nghệ điện ảnh. Còn nếu bảo không có thì ta thuê người nước ngoài có trình độ qua đây làm, dạy còn rẻ hơn là phải di chuyển. Quan trọng là chúng ta đủ cơ sở, đủ máy móc, phải đạt chuẩn để họ có thể làm”.


Gia Hoàng