Khuyến khích thế nào để cùng có trách nhiệm

(TGĐA) - Phim là một sản phẩm đặc biệt. Để có được một bộ phim tốt cần sự tham gia của rất nhiều người với những chuyên môn khác nhau. Đó là những người giám đốc sản xuất, biên kịch, biên tập, đạo diễn, quay phim, diễn viên. Âm thanh, kỹ thuật… cùng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ sản xuất phim ngày càng tiên tiến và hiện đại.

50_nm_qua_in_nh_Vit_Nam__c_nhiu_tc_phm__li_du_n_trong_lng_cng_chng

60 năm qua, Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng

Các nhà quản lý điện ảnh cùng đội ngũ nghệ sỹ điện ảnh hôm nay cũng đã trải qua thực tiễn sản xuất và sáng tác và cũng được thừa hưởng những thành tựu và kinh nghiêm của những thế hệ đi trước. 50 năm, kể từ khi chúng ta có bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông là khoảng thời gian đủ để nhìn nhận đánh giá những gì đã làm được và những gì còn đang ở phía trước nền điện ảnh nước nhà.

Những điều kiện thuận lợi góp phần làm nên thành tựu của điện ảnh Việt Nam những giai đoạn trước, của thời kỳ bao cấp đã qua rồi. Hiện tại, điện ảnh Việt nam phải đối mặt với cơ chế thị trường, trong xu hướng mở cửa để hòa nhập với thế giới. Nghĩa là khó khăn nhiều hơn trong quá trình sáng tạo, sản xuất một bộ phim và quá trình đưa bộ phim tới khán giả.

Cơ chế thị trường với bản chất là cạnh tranh. Cạnh tranh khốc liệt. Khán giả ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn để giải trí. Họ có thể ngồi ở nhà bật ti vi thưởng thức các chương trình ca nhạc, thể thao, phim ảnh của tất cả các kênh trong nước và ngoài nước, hoặc đến rạp để xem các phim bom tấn của điện ảnh Mỹ, Trung Quốc...v.v

Nền điện ảnh non trẻ của chúng ta phải làm gì trước thách thức trên? Đó là một câu hỏi lớn cho các cấp quản lý và các nghệ sỹ điện ảnh.

Ai cùng hiểu “khuyến khích sáng tác” là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp quản lý văn hóa điện ảnh. Còn trách nhiệm sáng tạo, làm ra những bộ phim có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao đương nhiên là của các nghệ sỹ.

Để phát triển một nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc trong đó điện ảnh chiếm một vị trí quan trong thì Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương khuyến khích phát triển, tạo điều kiện để điện ảnh trở thành vũ khí quan trọng nhất trên mặt trận văn hóa tư tưởng như Lê Nin đã dạy. Nhưng trên thực tế hôm nay, trước những biến chuyển của cơ chế, xã hội, để cụ thể hóa những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển điện ảnh của chúng ta, theo tôi còn lúng túng, còn chậm, còn bị động để khuyến khích sáng tác và phát triển điện ảnh.

Ai cũng biết là cơ chế tài trợ làm phim của nhà nước cho điện ảnh là cần thiết và quan trọng. Nhưng sử dụng nguồn kinh phí ấy như thế nào cho có hiệu quả trực tiếp cho sáng tác làm nên chất lượng cho bộ phim thì quả là còn nhiều vấn đề.

Cầm một kịch bản ưng ý trên tay đạo diễn nào cũng nung nấu một bộ phim tâm đắc. Nhưng những gì người đạo diễn cùng eekip làm phim phải đối mặt trong quá trình thực hiện bộ phim làm sự nung nấu cũng nguôi ngoai dần và sự thỏa hiệu là không tránh khỏi. Làm thế nào để bộ phim hướng tới những giá trị nghệ thuật, tư tưởng và giải trí cao, hướng tới khán giả, làm cho khán giả phải háo hức chờ đợi. Đó luôn là nỗi trăn trở của tất cả những người quản lý và những nghệ sỹ.

Lin_hoan_phim_Quc_gia_l_dp__cc_ngh_s_in_nh_c_khuyn_khch_v_th_hin_tnh_trch_nhim_ca_mnh

Liên hoan phim Quốc gia là dịp để các nghệ sĩ điện ảnh được khuyến khích và thể hiện trách nhiệm của mình

Tôi cũng biết rằng trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý điện ảnh từ bao cấp sang thị trường phải có thời gian. Chúng ta đã xây dựng luật điện ảnh nhưng để luật vào đời sống phải cụ thể hóa, chi tiết hóa, tạo điều kiện nhiều nữa cho điện ảnh phát triển.

Hai danh thủ bóng đá Anh là Rooney và Beckham đã rất vui khi bộ phim bom tấn Avatar thắng lớn về doanh thu, bởi hai danh thủ trên đã đầu tư tài chính vào bộ phim và khoản đầu tư vào phim này là chưa bị đánh thuế. Đây cũng là một chi tiết để ta tham khảo nhằm khuyến khích các nguồn tài chính đầu tư vào điện ảnh. Các chính sách thuế đối với các hoạt động sản xuất và quảng bá phim trong nước phải được ưu đãi. Bởi nó là một sản phẩm văn hóa đặc thù. Đời sống của các nghệ sỹ làm phim phải được chăm sóc nhiều hơn, cụ thể hơn về mức thu nhập, chế độ nhuận bút, các ưu đãi về thuế thu nhập và các đãi ngộ khác…v.v.

Trong giai đoạn vừa qua, điện ảnh cũng đã được nhà nước quan tâm đầu tư. Nhưng sự đầu tư đó chủ yếu nhằm vào thiết bị kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. Sự quan tâm đầu tư vào con người làm nghề còn ít. Một thực trạng đang diễn ra là nguồn nhân lực làm điện ảnh đang rất mỏng. Sự cạnh tranh sử dụng nguồn nhân lực đó giữa điện ảnh và truyền hình, cùng các hãng phim tư nhân là khó tránh. Và môi trường cạnh tranh trên vừa là thuận lợi vừa là thách thức trách nhiệm của các nghệ sỹ và quản lý điện ảnh.

Theo nhận định chung của dư luận là ở thời điểm hiện tại, văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh thiếu vắng những tác phẩm phản ánh tích cực có sức lay động, cuốn hút mạnh mẽ khán giả bởi những vấn đề thời đại.

Phim_Thien_menh_anh_hung_nhn_gii_Cnh_diu_Vng_ti_L_trao_gii_Cnh_diu_2012

Phim Thiên mệnh anh hùng nhận giải Cánh diều Vàng tại Lễ trao giải Cánh diều 2012

Có phải khâu duyệt kịch bản, duyệt phim của chúng ta quá ngặt nghèo? Các nhà biên kịch, đạo diễn ngại đụng đến những vấn đề nhạy cảm? Các Hãng phim cầu toàn tìm đến những kịch bản có nội dung ít gai góc, để bảo vệ nồi cơm và thanh danh của hãng. Có thể như vậy!

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phản ánh hiện thực của dân tộc bằng điện ảnh hôm nay có cái khó hơn ngày trước. Đơn giản bởi trước kia, ta tốt địch xấu khá rõ ràng, xây dựng hình tượng màn ảnh có nhiều yếu tố, giá trị dễ đồng thuận. Còn hôm nay, khán giả đến với điện ảnh mang tâm trí và nhận thức thẩm mỹ đã thay đổi. Công chúng đòi hỏi ở điện ảnh nước nhà có nhiều phim hơn, có nhiều tác phẩm được đầu tư, công sức, trí tuệ hơn. Đề cập đến những vấn đề xã hội mà họ quan tâm. Các nhà biên kịch, đạo diễn cùng đoàn làm phim phải là ekip phẫu thuật tài ba bóc tách, lý giải, đặt ra những vấn đề mới, phát hiện ra những giá trị nhân văn mới, giá trị thẩm mỹ mới bằng một ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ, giàu thuyết phục. Để làm được nhiệm vụ trên, không những cần trách nhiệm, lòng dũng cảm mà còn là tài năng nữa.

Điện ảnh tư nhân xuất hiện đã có những tín hiệu khởi sắc. Nó sẽ là một thành tố để điện ảnh Việt Nam sớm hội nhập và trở nên chuyên nghiệp. Đội ngũ những người làm điện ảnh sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn và sáng tạo. Cơ chế của điện ảnh tư nhân sẽ có điều kiện giải quyết tốt khâu hạ tầng. Đó là động lực để kích thích sáng tạo và trách nhiệm của nghệ sỹ, và tiêu chuẩn kỹ thuật của bộ phim sẽ được quan tâm đầy đủ.

Và chắc chắn 90% bộ phim sẽ ra rạp đến với đông đảo công chúng. Đây cũng là một động lực mạnh mẽ để kích thích sáng tạo đầy trách nhiệm của ekip làm phim. Cũng có người e ngại các hãng phim tư nhân sẽ làm ăn dạng phim thị trường, phục vụ nhu cầu đơn thuần giải trí. Điều này đúng trong giai đoạn hiện tại. Trong tương lai gần để phát triển. Các hãng cũng sẽ phải hướng tới những vấn đề xã hội sâu sắc mang tính thời đại. Tôi tin là các hãng phim tư nhân cũng biết rõ điều đó. Hàng ngày, người xem Việt dán mắt vào màn hình ti vi thưởng thức những sản phẩm của Hollywood trên kênh truyền hình Cap – HBO hay Cinemax. Nội dung đề tài các phim này vô cùng phong phú, đa dạng về tình yêu, tiền bạc, quyền lực, cảnh sát biển, cuộc chiến ở Irag, ở Nigeria… rất hấp dẫn. Người Mỹ có tuyền truyền qua phim ảnh không? Một trăm phần trăm là có và người xem chấp nhận.

Hi_tho_Khuyn_khch_sng_tc_v_trch_nhim__khuyn_khch_rt_nhiu_ngh_s_tip_tc_cng_hin_cho_s_nghip_sng_tc

Hội thảo Khuyến khích sáng tác và trách nhiệm đã khuyến khích rất nhiều nghệ sỹ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp sáng tác

Bác Hồ cũng từng nhận định như thế khi trao nhiệm vụ gây dựng phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Pháp cho cụ Hoàng Đạo Thúy. Bác nói: “Cụ cần bao nhiêu người, tôi sẽ điều một nửa nhân viên văn phòng chính phủ sang giúp. Cần bao nhiêu tiền, tôi sẽ ký. Với điều kiện một năm phải có phong trào, tuyên truyền giỏi, hơn Mỹ càng tốt”.

Điện ảnh Việt Nam muốn có được những thành tựu trong giai đoạn tiếp nối này cần một sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa có tính chiến lược của nhà nước, của các đoàn thể xã hội, của các doanh nhân và của đông đảo công chúng.

Đạo diễn Minh Trí