Làm biên kịch đâu có khó!

(TGĐA) - Có hàng trăm, hàng nghìn người đăng ký học biên kịch mỗi năm ở các trường học. Một nửa số ấy từ bỏ ngành học của mình trước khi tốt nghiệp. Chỉ 1/10 số sinh viên tốt nghiệp có khả năng tìm được công việc phù hợp với ngành mình đang học. Tại sao ngành nghề này đào thải kinh khủng như vậy mà vẫn có những người dám đánh đổi tất cả để theo đuổi công việc này? Thế nhưng Denny Martin Flinn, một nhà sản xuất giàu kinh nghiệm của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ lại khẳng định làm nghề này không khó. Vì sao lại như vậy? Hãy thử xem những bí quyết ông đã tổng kết dành cho những biên kịch chuyên nghiệp là gì qua cuốn sách “How (not) to write a screenplay?”.

Nếu các nhà văn thường đòi hỏi tài năng thiên bẩm thì nhà biên kịch đòi hỏi sự nỗ lực để rèn luyện kỹ năng nhiều hơn, trong đó, một phần quan trọng (với nhiều trường hợp là yếu tố quyết định) là cách ứng xử của biên kịch trong đời sống công xưởng Hollywood. Không thể phủ nhận bạn chỉ là một mắt xích trong dây chuyền khép kín của ngành nghề này. Tôi không phải là biên kịch nhưng qua nhiều năm thực hiện công việc của mình, chứng kiến những học ngành này thành công và cả thất bại, tôi thấy rõ nhà biên kịch cần phải chuẩn bị cho mình nhiều hơn những kiến thức được học ở trường. Có những đặc điểm tôi luôn thấy ở những người đã tồn tại – dấu hiệu thành công đầu tiên của địa hạt khắc nghiệt này. Những mẹo nhỏ ứng xử đơn giản ấy bao gồm:

Không bao giờ tranh cãi

Đừng nên dùng tài hùng biện của mình để nói những câu kiểu như “tôi không tranh cãi chỉ hay thảo luận”; “tôi biết ý ông là thế nhưng tôi muốn...”; “ông chưa hề nói đến việc đó” ... Cần bình tĩnh lắng nghe bất cứ điều gì trong cuộc họp, cũng đừng cố gắng chứng minh ai đó là sai. Đối phương có thể im lặng lúc đó, nhưng người phải chịu trận là bạn lúc nghiệm thu kịch bản.

Gật đầu và mỉm cười

Cần theo đuổi quan điểm của mình một cách mềm mỏng và nhã nhặn nhất. Thái độ dễ chịu sẽ khiến những người xung quanh muốn tham gia câu chuyện của bạn, sẽ có thêm nhiều ý tưởng hay hoặc chí ít thì cũng có thêm người đồng tình với cách xử lý câu chuyện của bạn, con đường đưa kịch bản thành phim sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Denny_Martin_Flinn

Denny Martin

Đừng chỉ dùng ngôn ngữ của bạn

Điều đó có thể hiểu là bạn nên theo cách nói chuyện của nhà sản xuất, đạo diễn để tìm được tiếng nói chung. Cá tính hay lối hành văn độc đáo không có ích lắm ở các emaill trao đổi. Càng đừng cố gắng theo đuổi phong cách diễn đạt nhất nhất của mình khi nói chuyện với nhà sản xuất, bạn sẽ trở thành một kẻ lập dị không hơn không kém.

Tuyệt đối không cướp diễn đàn

Mềm mỏng, hoạt bát, sáng tạo nhưng nói quá nhiều cũng là một thảm họa. Cần chấp nhận thực tế: bạn chỉ là người hiện thực hóa những mong muốn của nhà sản xuất bằng một câu chuyện chứ không phải là vị thánh của những ý tưởng làm thay đổi thế giới, các thành phần khác chỉ là tông đồ thực hiện. Hãy để cho nhà sản nói, thậm chí là thuyết trình về mong muốn của họ trước khi bạn thực sự làm gì.

Ăn mặc rực rỡ là việc của ngôi sao

Hãy đến các buổi họp với vẻ ngoài thanh nhã và lối hành xử đáng tin cậy. Tuy nhiên, vẻ ngoài tươm tất không có nghĩa là quá xa hoa hay nổi bật không cần thiết. Phong cách bạn cần thể hiện là của một nghệ sỹ sáng tác, một người viết chứ không phải một ngôi sao biểu diễn. Càng đừng cố sành điệu hợp mốt hơn nhà sản xuất, bạn sẽ khiến họ để ý đến mình theo cách hơi khó chịu đấy.

Đạo diễn là bạn, không phải kẻ thù

...hay ít nhất cũng là người để bạn muốn chia sẻ, ngưỡng mộ thay vì cứ há mồm ra là nói “tay đó chẳng ra gì”. Hãy cố gắng xem hoặc tìm hiểu về tất cả những gì người đạo diễn đồng hành cùng với bạn đã làm trước khi dự án này bắt đầu. Bạn, chính bạn cần học cách thích nghi hơn là chờ đợi một thái độ dễ chịu từ đạo diễn, như vậy, khi có được bạn sẽ càng thấy thích thú và hứng khởi. Trong trường hợp không có, bạn vẫn phải tìm cách để người ấy hiểu và làm việc chung với mình.

Sẵn sàng để làm việc nhóm

Dù có hàng tá ý tưởng hay cả xấp kịch bản đã viết sẵn, bạn phải chuẩn bị tinh thần để gặp gỡ và làm việc chung với những người cùng cương vị, thậm chí là những người tập sự. Đôi khi, ý tưởng hay và lối viết hấp dẫn có thể đến từ bất cứ ai. Không cần “giấu nghề” khi đã chung nhóm. Hãy tuân thủ sự phân công của trưởng nhóm – đại diện nhà sản xuất. Còn nếu bạn đã là trưởng nhóm thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều: hiểu mỗi biên kịch trong nhóm như nhân vật của bạn và đặt họ vào đúng vị trí, chờ đợi sản phẩm và điều phối nhẹ nhàng. Hãy nhớ, nhẹ nhàng, vì không ai trong nghề này không có cá tính mạnh mẽ, việc thúc ép hay xúc phạm chỉ thổi bùng mâu thuẫn thôi.

christoph-silber-b32bdef1412be3a7

Christoph silber

Đừng bao giờ hẹn hò với diễn viên

Nếu bạn không muốn bị đưa vào danh sách đen của nhà sản xuất thì cứ việc.

Đôi khi bạn thấy chàng tài tử đẹp trai, nữ minh tinh quyến rũ - những người hóa thân thành công vào những nhân vật của bạn mới tuyệt vời làm sao, Hoặc may mắn hơn, ngay trước khi bắt đầu công việc thực sự, bạn nhìn thấy họ và thực sự hiểu rằng nhân vật của mình sẽ đi đến cuối câu chuyện theo cách nào. Song điều đó không có nghĩa bạn cố biến họ thành người tình hay người truyền cảm hứng. Mà có điều đó trong tâm tưởng chăng nữa, hãy giữ kín trong lòng. Những người lộng lẫy ấy không hợp với bạn, vì họ quá bận rộn với công việc diễn xuất, họ cao giá hay thú vị hơn họ là vợ/chồng/bạn tình của chính nhà đầu tư/nhà sản xuất của dự án. Không hay để tranh giành theo cách đó đâu.

Đừng tham gia vào quá trình casting

Bạn nên biết mình là ai. Những miêu tả kỹ càng trong kịch bản của bạn đủ để nhà sản xuất và đạo diễn biết mình phải làm gì rồi. Đừng cố tỏ vẻ hiểu biết hay quyền lực của mình ở những phần việc không phải của bạn. Nếu chưa hiểu điều này, hãy đọc lại điều trên một lần nữa.

Chăm chỉ du lịch tiệc tùng

Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế đúng là như vậy.

Ngoài những lúc phải chạy deadline, hãy tham gia càng nhiều sự kiện (được mời thì quá tốt rồi), các lớp học bồi dưỡng (dù nhiều khi về chuyên môn không thực sự cần lắm), những chuyến du lịch (mạo hiểm càng tốt), các buổi thử vai (ở vai trò người đến cast nhé)

Bạn có thể kết thân với một đạo diễn, một người dựng phim và nhất là một nhà sản xuất nào đó. Hãy sống càng nhiều cuộc đời khác nhau càng tốt, nhưng đừng có khoe khoang bằng hình ảnh hay bình luận ác ý về ai đó, trừ khi bạn muốn trở thành ngôi sao.

Bạn thấy đấy, làm biên kịch đâu có khó!

Mỹ Trang (dịch và tổng hợp)