Làm thế nào để phát triển rạp, phát triển phim Việt?

(TGĐA) - Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận phim ảnh của đông đảo quần chúng và nâng cao chất lượng giải trí của khán giả của các địa phương trên cả nước, việc cần có hệ thống rạp chiếu phim hiện đại tại các tỉnh, thành phố là vô cùng cần thiết...

PHẦN I: HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH - PHỔ BIẾN PHIM TẠI VIỆT NAM

Trong những năm trở lại đây, hoạt động phát hành – phổ biến phim tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Thị trường liên tục tăng trưởng hàng năm về cả số lượng khán giả và doanh thu, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường Điện ảnh phát triển năng động nhất khu vực. Trong giai đoạn 2008-2011, thị trường đã tăng gần 4 lần về doanh thu, số lượng khán giả đến rạp chiếu phim tại các thành phố lớn trong năm 2011 là hơn 11 triệu lượt. Dự kiến đến cuối năm nay, tổng doanh thu thị trường có thể vượt mốc 1,000 tỷ đồng.

Nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch và Cục Điện ảnh, số lượng phim phát hành hiện nay có thể nói cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khán giả Việt Nam. Hằng năm, các nhà phát hành mang đến với khán giả khoảng hơn 100 bộ phim ( trung bình mỗi tháng có khoảng 10 phim mới ra rạp ), trong đó chủ yếu vẫn là phim nước ngoài.

fbusfbus_1

Việc thu hút khán giả đến rạp như thế này vẫn là mong ước của các rạp địa phương

Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, phim Việt trên thị trường đã tăng cả số lượng và chất lượng, tuy vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối khiêm tốn so với phim ngoại. Đối với phim ngoại nói riêng, số lượng phim Mỹ vẫn chiếm đa số, tất cả những hãng phim (studio) lớn nhất Hollywood đều có đaị diện phát hành tại Việt Nam. Ngoài ra khán giả cũng được thưởng thức một số phim từ các nền Điện ảnh khác như Điện ảnh Hoa Ngữ, Hàn Quốc, Pháp và gần đây nhất là Thái Lan.

Bên cạnh những điểm tích cực đóng góp vào sự phát triển năng động của thị trường Điện ảnh những năm vừa qua, vẫn còn những hạn chế đang phần nào đó tác động đến sự phát triển của hoạt động phát hành - phổ biến phim tại Việt Nam.

PHẦN II: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thiếu rạp chiếu phim

Hiện nay, hoạt động phát hành - phổ biến phim tại Việt Nam vẫn chỉ tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn: TPHCM. Hà Nội. Hải phòng, Đà Nẵng, Biên Hòa, Nha Trang. Tại các thành phố này, khán giả có cơ hội tiếp cận gần hết các bộ phim đặc sắc của Việt Nam cũng như Thế giới. Với nỗ lực của các nhà phát hành, những bộ phim ngày càng đa dạng về thể loại được đưa về các rạp chiếu phim, từ những bom tấn hoành tráng đến những tác phẩm được đánh giá cao về nghệ thuật và đạt được nhiều giải thưởng danh giá trên Thế giới.

Tuy vậy, ở tất cả các tỉnh, thành phố khác, với hệ thống rạp chiếu phim

cũ không được đầu tư theo tiêu chuẩn, việc thu hút khán giả đến xem phim còn nhiều khó khăn. Tại các địa phương này, khán giả vẫn phải chấp nhận việc chỉ được xem một số lượng hạn chế các bộ phim và xem sau các thành phố lớn trung bình từ 1 đến 2 tháng. Điều này dẫn đến thực trạng là khán giả không mặn mà với việc đến rạp xem phim, trong khi thị trường các địa phương này vẫn đầy tiềm năng phát triển với hàng chục triệu dân.

fbusfbus_2

Phải có tiêu chuẩn kiểm duyệt và phân loại rõ ràng để tránh tình trạng phim nhập về mà không được chiếu như Hunger Games

Kiến nghị giải pháp

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận phim ảnh của đông đảo quần chúng và nâng cao chất lượng giải trí của khán giả của các địa phương trên cả nước, việc cần có hệ thống rạp chiếu phim hiện đại tại các tỉnh, thành phố là vô cùng cần thiết. Với việc đầu tư xây mới hoặc nâng cấp các rạp chiếu phim cũ, chúng tôi tin tưởng khán giả sẽ quay trở lại với Điện ảnh, góp phần phát triển hoạt động phát hành – phổ biến phim đồng bộ trên toàn quốc.

Ngoài ra, Việc hiện đại hóa các rạp chiếu phim cũng cần tính đến đầu tư các phòng chiếu số có thể trình chiếu phim 3D và Digital, vì xu hướng số hóa Điện ảnh sẽ nhanh chóng thay thế phim nhựa 35mm trong vài năm tới. Hơn nữa việc này cũng rút ngắn khoảng cách chất lượng thưởng thức Điện ảnh tại các địa phương so với các thành phố lớn, nơi khán giả đã rất quen thuộc với những định dạng phim hiện đại này.

Phim Việt đã có bước phát triển nhưng vẫn còn hạn chế

Trong một vài năm trở lại đây, các nhà làm phim Việt đã có những bước phát triển mạnh mẽ tạo sự chuyển biến và thay đổi hẳn bộ mặt của phim Việt chiếu rạp.Trong những năm 2011, có tổng cộng 12 phim Việt được phát hành tại các rạp. Hiện nay, phim Việt đều đặn ra rạp trong nhiều thời điểm và thu hút được hàng triệu lượt khán giả mỗi năm. Có thể nói, thị trường phim Việt đang ngày một khởi sắc với số lượng và thể loại ngày một đa dạng. Thêm vào đó, lực lượng nghệ sỹ Việt Kiều và nước ngoài cũng tham gia sản xuất phim Việt hết sức tích cực, góp phần quan trong vào việc nâng cao chất lượng phim mà mức độ cạnh tranh trên thị trường, Tuy nhiên, việc đưa phim Việt ra rạp có thể nói vẫn còn một số hạn chế.

Trước tiên, phải nói đến việc thiếu vắng những bộ phim do nhà nước sản xuất ngoài rạp chiếu phim. Mỗi năm, số lượng phim do nhà nước sản xuất ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, hầu hết những phim này đều không đạt doanh thu cao mà một phần là vì nội dung, phần khác là do công tác quảng bá chưa được đầu tư đầy đủ. Khác hẳn với một số phim tư nhân khi ra rạp luôn trở thành “ cơn sốt” đối với khán giả, phim Việt do nhà nước sản xuất chỉ trụ rạp trong thời gian rất ngắn vì không có khách.

Phim Việt vẫn còn yếu trong việc tương tác với các khán giả. Nếu như các nhà làm phim tư nhân đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá phim Việt, tạo điều kiện cho khán giả tương tác với phim bằng những hoạt động như giao lưu với đoàn làm phim, những cuộc thi sáng tạo về phim, những địa chỉ “fanpage” trên các mạng xã hội … thì chưa có ai nghĩ đến việc tạo ra một cộng đồng chung cho những khán giả yêu phim Việt có thể tương tác và đánh giá phim. Tại nhiều nước trước khi lựa chọn một bộ phim để xem ngoài rạp, khán giả có thể tham khảo về nội dung và đánh giá của nhiều người về phim một cách công khai (ví dụ qua những trang web như www. imdb.com, www.boxo fficemojo.com, www.rotenmatoes.com).

fbusfbus_3

Các nhà phát hành luôn cần đến sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh để có cơ chế thông thoáng trong việc quảng bá phim

Kiến nghị, giải pháp :

Với mục tiêu tiến tới một nền Điện ảnh Việt Nam phát triển, các nhà sản xuất và phát hành phim trong nước rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Cục Điện ảnh

Trước tiên chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề số lượng phim. Hiện nay các nhà làm phim tư nhân đang rất nỗ lực để tăng cường sản xuất phim, tuy nhiên nguồn lực tài chính của họ cũng có giới hạn nhất định. Nếu như các hãng phim nhà nước có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong việc phối hợp sản xuất hoặc tự sản xuất phim, chúng tôi tin tưởng số lượng phim Việt Nam được phát hành nâng cao đáng kể.

Bên cạnh đó, chất lượng của phim Việt Nam cũng là một vấn đề cần nhắc đến. Có thể nói trong một vài năm trở lại đây, với việc có ngày càng nhiều nhân lực từ nước ngoài (Việt Kiều hoặc người nước ngoài ) tham gia hoạt động sản xuất phim, chất lượng của một sô phim Việt đã có những bước chuyển biến tích cực. Để tiếp tục xu hướng này, Nhà nước cũng cần có những biện pháp thu hút hơn nữa nguồn nhân lực này, cũng như phối hợp với những hãng phim nước ngoài trong việc sản xuất phim để tranh thủ học hỏi kinh nghiệm và những công nghệ làm phim tiên tiến của họ.

Ngoài ra, nhằm nâng cao tính tương tác của phim Việt đối với khán giả, chúng tôi cũng đề nghị Cục Điện ảnh nghiên cứu xây dựng một trang web chính thức nhằm tạo một cộng đồng chung cho tất cả khán giả yêu phim, giúp họ có thể tham gia đánh giá và đóng góp ý tưởng cho sự phát triển chung của nền Điện ảnh Việt Nam.

Hoạt động quảng bá bị giới hạn

Thị trường Điện ảnh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên cạnh tranh gay gắt, các nhà phát hành phải liên tục đổi mới hoạt động quảng bá phim theo thị hiếu ngày càng cao của khán giả và thường xuyên đưa ra những hoạt động và kênh quảng bá mới theo xu hướng toàn cầu. Với quy định hiện hành của Bộ Tài chính giới hạn chi phí quảng cáo không vượt quá 10% chi phí giá vốn, hoạt động quảng bá phim đã phần nào gặp những khó khăn và hạn chế, các nhà phát hành buộc phải lựa chọn những phương thức nhất định để giới thiệu phim đến với khán giả. Trong khi đó, với đặc thù của lĩnh vực Điện ảnh, nhiều hãng phim lớn trên thế giới thậm chí còn đầu tư cho việc quảng bá một bộ phim lớn hơn cả ngân sách sản xuất của bộ phim đó.

fbusfbus_4

Đại diện hãng phim Thiên Ngân trong hội nghị về Phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam

Kiến nghị, giải pháp:

Trong bối cảnh thị trường Điện ảnh của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, hoạt động quảng bá phim cũng chịu sức ép mạnh mẽ cần phải đổi mới và áp dụng nhiều phương thức mới nhằm giới thiệu phim đến khán giả hiệu quả hơn. Vì vậy Rào cản về tỷ lệ quảng cáo đang khiến cho các nhà phát hành phim gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá phim, ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng khán giả tiếp cận được với những thông tin về các bộ phim được trình chiếu. Vì vậy, các nhà phát hành cũng rất cần đến sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh nhằm có được một cơ chế thông thoáng hơn trong việc quảng bá phim.

Bên cạnh đó, việc có được sự phối hợp tốt của các rạp chiếu phim với các nhà phát hành trong hoạt động quảng bá là vô cùng quan trọng. Ở nhiều thị trường Điện ảnh lớn trên Thế giới, những bộ phim thường được quảng cáo tại rạp rất sớm, thậm chí trước khi khởi chiếu từ 6-8 tháng đối với một bộ phim bom tấn. Vì vậy, chúng tôi muốn Cục Điện ảnh có thể nghiên cứu xây dựng Những quy chế về sự phối hợp giữa rạp và nhà phát hành nhằm giúp hoạt động quảng bá phim hiệu quả hơn.

Kiểm duyệt và phân loại phim còn hạn chế

Hiện nay, chúng ta chưa có hệ tiêu chuẩn nào về việc kiểm duyệt phim, xếp hạng duy nhất đang được áp dụng đối với một bộ phim là “ Nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi – NC 16”. Với tốc độ phát triển của thị trường hiện nay và với nhu cầu thưởng thức Điện ảnh ngày càng cao của khán giả ; các nhà phát hành đang nỗ lực mang đến khán gỉả nhiều bộ phim phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung và kỹ xảo. Điều này đòi hỏi cần phải có một hệ tiêu chuẩn kiểm dyệt và phân loại phim đầy đủ và rõ ràng. Đối với nhiều phim thị trường trên thế giới , khán giả đã quen với những hệ thống xếp hạng phim (Ví dụ như tại Mỹ - thị trường Điện ảnh lớn nhất Thế giới - các bộ phim được xếp hạng từ G, PG, PG13, R, NC17 theo thứ tự tăng dần về mức độ hạn chế phạm vi khán giả).

Một khó khăn khác đối với các nhà phát hành phim là lịch duyệt phim của Hội đồng duyệt phim – Cục Điện ảnh hiện nay còn hạn chế. Với lịch duyệt phim 2 ngày/tuần cố định hiện nay, các nhà phát hành có thể gặp khó khăn trong những thời điểm nhất định. Ngoài ra, hiện tất cả các phim đều đang được duyệt dưới định dạng duy nhất là phim nhựa 35mm cũng sẽ gây khó khăn cho các nhà phát hành. Với xu hướng chung trên toàn thế giới đang từng bước số hóa phim, các rạp chiếu phim đang càng ngày càng chuyển đổi phòng chiếu sang định dạng Digital nhiều hơn. Các hãng phim lớn trên Thế giới cũng như nhiều nhà sản xuất trong nước cũng đang khuyến khích chiếu phim dưới định dạng mới này.

Kiến nghị và giải pháp

Với đặc thù của hoạt động nhập khẩu và phát hành phim hiện nay, khi lịch phát hành tại Việt Nam đang được kéo sát với lịch phát hành tại Mỹ, việc nhập bản phim trước về để phục vụ kiểm duyệt khó có thể thực hiện sớm. Điều này dẫn đến việc các nhà phát hành gặp khó khăn trong việc đặt lịch duyệt phim với Hội đồng Duyệt phim Quốc gia. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Cục Điện ảnh xem xét đến việc thực hiện hoạt động duyệt phim linh hoạt hơn, tăng số buổi duyệt phim nhằm đáp ứng được việc phổ biến phim đến với khán giả ngày càng gần hơn với lịch phát hành tại nhiều thị trường lớn trên Thế giơi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị Cục Điện ảnh xem xét việc sớm áp dụng bổ sung duyệt phim bằng định dạng Digital nhằm đáp ứng xu thế chung của Điện ảnh thế giới.

Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân