Làng ở trong phố

Thành phố phát triển nhanh khủng khiếp

(TGĐA) - Cứ bận nào gặp một người nước ngoài, y rằng tôi lại hỏi một câu mà bản thân mình đã biết rõ câu trả lời “Anh/chị thấy Hà Nội thế nào?” – “Thành phố của các bạn phát triển nhanh khủng khiếp”. Mới đầu tôi vô cùng ngạc nhiên khi những du khách đến từ các cường quốc như Anh, Mỹ, Đức… lại cứ luôn miệng cho rằng họ kinh ngạc về tốc độ phát triển thành phố của chúng ta. Sau, để ý điều ấy, mới thấy rằng quả đôi lúc, chính ta cũng kinh ngạc về sự phát triển và biến đổi của ta.

Có lần, tôi tình cờ nhìn thấy bức tranh sơn dầu vẽ Khải hoàn môn và một góc đại lộ Champs-Elysees trong nhà một người bạn. Góc dưới đề 1918. Quang cảnh trong bức tranh vẫn giống hệt như lần đầu tiên tôi đặt chân lên đại lộ Champs-Elysees vào năm 2002, vẫn những quán cà phê vỉa hè có ụ hoa quây bằng gỗ trắng, vẫn cột điện ấy, góc phố ấy, chẳng có gì thay đổi. Thành phố của họ, trải qua hàng thế kỷ vẫn hầu như nguyên vẹn như thế. Song thành phố của chúng ta thì thay đổi hàng ngày. Tháng trước chưa đến phố ấy, tháng này đã lại thấy một chiếc cầu đi bộ bắc ngang qua đường. Rồi thỉnh thoảng lại thấy mọc lên một con đường mới, một cầu vượt mới, một tòa nhà mới, một khu đô thị mới. Lắm lúc đi trong thành phố nhà mình mà cứ ngạc nhiên, bỡ ngỡ như vừa đi tham quan nơi khác.

Tuy nhiên, vì chúng ta cứ “mới” hàng ngày nhưng lại không quan tâm đến tổng thể nên nhiều khu vực trong thành phố, không gian bị vụn ra một cách kỳ quặc. Ngoài khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào… còn lưu giữ được những hình ảnh kiến trúc đậm chất Việt với mái ngói âm dương nâu trầm, cửa gỗ ghép; hay những khu vực vẫn bảo tồn kiến trúc Đông Dương như phố Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Thiền Quang, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo…; rồi khu đô thị mới Mỹ Đình kiến trúc khá đồng bộ kiểu các thành phố trẻ Singapore, Seoul, Bắc Kinh… còn thì phần lớn phố xá đua nhau chen chúc với nhà hình ống. Sau những cuộc giải tỏa mặt bằng, các hộ dân được ra mặt đường đều tranh nhau tự “làm đẹp” cho mình. Quả là nhà nào cũng đẹp, kiến trúc trăm kiểu cầu kỳ hiện đại với những nguyên vật liệu đắt tiền. Song nếu xếp những cái đẹp đó cạnh nhau sẽ không khác gì một phòng khách có đèn chùm kiểu Pháp, tủ tường kiểu Nhật và bàn nước khảm trai gỗ gụ.

H_Ni_-_Lng_trong_ph._Tranh__qu_Bc_Hi

Tranh đá quý Bắc Hải

Làng trong phố và phố trong làng

Đô thị hóa là một quá trình chung tự nhiên ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, cứ tỏa ra dần dần và thôn tính phần nhiều các làng quê ở khu vực lân cận. Và cái “vòi đô thị” vô hình ấy còn cuốn theo phố về làng. Nhiều ngôi làng bây giờ không còn nguyên vẹn là cây tre, bến nước, mái đình nữa mà bê tông có mặt ở khắp mọi nơi. Song đô thị hóa ở Việt Nam đã để lại một pha trộn thực sự thú vị. Chúng ta vẫn còn nhiều ngôi làng trong lòng thành phố mà có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại được sở hữu đặc thù ấy. Những khu Tây Hồ, Thụy Khê, Láng, Cổ Nhuế… vẫn duy trì đặc tính làng với cổng đình, vườn tược và ao nước. Nếu như đang đi trên một con lộ rộng năm sáu làn đường ở khu Trung Hòa Nhân Chính và tấp vào một ngõ nhỏ cách chừng cây số thôi, ẳt sẽ thấy không gian tĩnh hẳn. Từ mặt phố Cầu Giấy san sát shop thời trang, rẽ dăm trăm mét là vào làng Vòng. Làng Vòng nay không còn mấy người làm cốm, thay vào đó nhà nghỉ và quán karaoke mọc tua tủa. Nhưng năm hai mùa, cốm vẫn được nổi lửa trong những chiếc chảo khổng lồ. Nhà làm cốm vẫn giữ cốt làng như cả trăm năm trước, chẳng buồn xây thêm tầng để lắp máy lạnh. Bếp vẫn cứ ám khói đen, kho cứ dành để trấu và cối đá nằm giữa gian gạch thơm mùi cốm non. Người trong Làng – Phố vẫn giữ lại đôi chút nếp sinh hoạt cũ như từ nhiều thế kỷ trước. Thậm chí người bên ngoài chuyển vào đây sinh sống, hay chỉ đến thăm nhà người quen thôi, cũng phải tự nhiên mà thay đổi cung cách thường ngày. Họ vẫn sẽ quan sát lẫn nhau (thói quen mà người thành phố đã bỏ quên sau nhiều thập niên bị cuốn theo guồng đô thị), vẫn sẽ chào hỏi từ đầu làng đến cuối làng, vẫn sẽ hỏi han một người khách lạ có vẻ đang loay hoay tìm nhà rồi người nọ truyền người kia dò bằng được địa chỉ cho khách. Nếp làng vẫn như vậy. Lạ lắm. Trong khi chỉ cách đó vài cây số, những khu chung cư vài chục tầng ken nhau kìn kịt và con người sống trong những hộp diêm khổng lồ ấy chỉ còn đường dây giao tiếp duy nhất là cầu thang máy và gara chung. An ninh không được đảm bảo bằng tai mắt hàng xóm láng giềng mà bằng hàng chục chiếc camera lạnh lùng lắp dưới sảnh vào. Hàng xóm láng giềng ngăn cách nhau bằng những cánh cửa gỗ nâu dày cộp có gắn mắt thần. Người cùng tầng sống cạnh nhau hàng năm trời đôi khi nhìn nhau ngoài đường cũng chỉ thấy quen quen.

Thnh_ph_cc_bn_ang_pht_trin_nhanh_khng_khip

Một đời sống đường phố - Streetlife