LHP Cannes lần thứ 68: Cành cọ vàng… nhạt

(TGĐA) - Sau khi giải thưởng cao quý được trao cho bộ phim Dheepan, kể về dân nhập cư da màu tại Pháp, giới phê bình đánh giá Cannes lần thứ 68 là một trong những mùa Liên hoan phim nhạt nhòa. Buổi họp báo sau đó hé lộ nhiều thông tin giật lùi và vẽ lại hình ảnh ít ai hình dung về một trong những sự kiện điện ảnh được mong đợi nhất năm.

BGK_LHP_Cannes_ln_th_68

BGK LHP Cannes lần thứ 68

Làm BGK thật khó, đâu phải chuyện đùa…

Lễ bế mạc mở đầu bằng những tràng vỗ tay lác đác và tiếng hô vang bất ngờ khi Chronic được xướng lên với giải Kịch bản hay nhất dành cho cuốn phim của Michel Franco – một đạo diễn gốc Mexico đang hành nghề tại Mĩ. Đây là lần đầu tiên Michel có phim lọt vào vòng tranh giải chính thức, tuy nhiên không như mong đợi, Chronic bị chỉ trích vì chưa lột tả được những day dứt nội tâm người cao tuổi, chưa kể phần kết phim càng làm kéo dài sự ngao ngán. Ba năm trước, Michel cũng lập “thành tích” tương tự với After Lucia tuy không được khen ngợi nhưng vẫn đem về giải thưởng trong khuôn khổ Un Certain Regard (Một góc nhìn khác). Chronic chiến thắng nằm ngoài dự đoán của toàn bộ những khán giả theo dõi Cannes từ ngày khai mạc đến khi bế mạc LHP, chỉ đến khi họ thấy anh xuất hiện trên thảm đỏ Lễ bế mạc thì những lời đồn mới bắt đầu xuất hiện. Trong buổi họp báo, hai thành viên Ban giam kháo là Xavier Dolan – đạo diễn trẻ mới ngoài 20 tuổi và tài tử Jake Gyllenhaal chia sẻ, họ ấn tượng và thích Chronic cũng như diễn xuất của Tim Roth – một diễn viên lão thành Hollywood. Làn sóng tranh cãi nổ ra trên các diễn đàn, nơi người hâm mộ khá bất ngờ vì cho rằng gu thưởng thức phim ảnh của hai chàng trai đỏm dáng trong thành viên BGK này có vấn đề. Đơn cử, trên tất cả các bảng xếp hạng uy tín của các phóng viên điện ảnh, Chronic nhận được bình chọn khá thấp, thậm chí có cả điểm “zero”. Đây không phải lần đầu tiên BGK và nhà phê bình ở Cannes xảy ra xung đột. Còn nhớ Holy Motors của năm 2012, chất huyễn hoặc gây ám ảnh tuyệt đối cho người xem và rồi tất cả đều ngỡ ngàng khi BGK chẳng trao bất kì giải nào, dù là giải Kỹ thuật, cho bộ phim này.

Jacques-Audiard_nhn_gii_Cnh_c_Vng_phim_hay_nht

Jacques - Audiard nhận giải Cành cọ Vàng phim hay nhất

Một chỉ trích khác cũng chĩa mũi dùi về phía BGK, đó là họ đã tách cặp đôi ăn ý Cate Blanchett và Rooney Mara (thủ vai đôi tình nhân đồng tính trong Carol) cho giải Ảnh hậu. Người hâm mộ khá tức giận khi BGK trao cho Rooney Mara và một nữ diễn viên khác, người Pháp, là Emmanuelle Bercot trong bộ phim hài vô vị Mon Roi (của nữ đạo diễn hiện đang bị chê là xuống tay nghề - Maïwenn). Mon Roi có điểm số thấp thứ nhì toàn bộ LHP năm nay, nhiều trang phim còn chấm 1 điểm và nói rằng phim hài “cười không nổi”. Xét về tình, Emmanuelle Bercot đóng phim đã lâu nhưng ít ai biết đến, do đó việc BGK trao giải cho chị để tạo sự chú ý cũng là điều đáng trân trọng. Xét về lý, cặp đôi Cate Blanchett và Rooney Mara được đánh giá rất cao, và họ cùng là vai chính, nên trao giải người này và không có người kia thì hoàn toàn kì cục. Ngay cả BGK trong buổi họp báo cũng trả lời qua loa về cách thức bình chọn cho hạng mục này. Nếu nói như các blogger thì Cate Blanchett không cần đến Cannes vì đã quá nổi tiếng, và Rooney Mara thì vừa còn trẻ vừa đang có nỗ lực hết mình, nên cần được nhắc tới với một giải thưởng danh giá, thì đúng như chưa đủ. Một phim quá kém như Mon Roi cộng với một vai hài không nhiều biến chuyển nội tâm của Emmanuelle Bercot khiến giới truyền thông bày tỏ sự thất vọng ra mặt với dàn BGK lập lờ và không đồng đều của năm nay. Trước Lễ bế mạc hai ngày, thành viên BGK - Xavier Dolan cố tình tiết lộ năm nay anh sẽ tranh đấu cho một vai diễn nữ mà anh yêu thích, dân tình nghĩ ngay đến Margherita Buy trong My Mother vì cả Buy và bộ phim của Nanni Moretti (người đã giành giải Cành cọ vàng năm 2001) đều được đánh giá cao. Trong phim, Margherita vào vai bà mẹ sống những ngày khắc khoải lo âu cho sự nghiệp làm phim của mình, đồng thời chống chọi với bệnh tật… qua góc nhìn của người con trai. Nếu nhìn vào lịch sử làm phim ngắn ngủi của Xavier Dolan, mối quan hệ mẹ con luôn là điều mà anh khai thác sâu, và hình ảnh người mẹ luôn được khắc họa đậm nét. Chính vì sự tương đồng mà người ta kỳ vọng Xavier sẽ đấu tranh cho Margherita Buy thay vì để giải thưởng diễn xuất về tay người khác.

o_din_Hu_Hiu_Hin_nhn_gii_o_din_xut_sc_nht

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền nhận giải Đạo diễn xuất sắc

Tranh cãi cuối cùng thuộc về châu Á, khi cả ba phim tham gia chính thức là Mountains May Depart, The AssassinOur Little Sister đều nhận được đánh giá khả quan nhưng chỉ duy nhất một phim có giải. The Assassin mang về cho nhà làm phim lỗi lạc Hầu Hiếu Hiền (người Đài Loan gốc Trung Quốc) giải Đạo diễn xuất sắc, dù trước đó hầu hết các chuyên gia phân tích đều dự đoán The Assassin phải mang về Cành cọ vàng. Bộ phim 25 năm mới thực hiện của họ Hầu có kinh phí 15 triệu USD, khá cao so với mặt bằng các phim tiếng Hoa nói chung, hơn nữa, sau 7 năm vật lộn kinh phí đầu tư, ông cùng ê-kíp mới hoàn thành 100 phút phim. Bỏ qua tranh cãi nảy lửa về xung đột nguồn gốc giữa Trung Quốc và Đài Loan trên phần chú thích xuất xứ phim,The Assassin vẫn làm mưa làm gió trên mạng xã hội kể từ hôm công chiếu đêm ngày 21 tháng 5. Đây là lần đầu tiên, một phim của Hầu Hiếu Hiền gây chú ý đến vậy, bởi trong hơn 20 năm hành nghề, các phim của ông dù rất hay nhưng khó xem bởi tình tiết chậm, ít thoại… The Assassin được báo chí phương Tây ca ngợi như một tuyệt tác, gây dựng lại thể loại phim kungfu vốn đã quá quen với trò nhào lộn, bay nhảy đầy ảo tưởng trước đây. Bằng ngôn ngữ rất riêng, không thỏa hiệp, The Assassin là bài thơ đẹp, trữ tình và không kém phần kịch tính. Chính vì tạo ra cơn mưa lời khen, để rồi sau đó không thể ra về với giải thưởng danh giá nhất, khiến truyền thông “bằng mặt không bằng lòng” ngay tại buổi họp báo với BGK, đến nỗi có người chê dàn Hội đồng năm nay không ai hiểu gì về phim võ hiệp và họ “ái ngại khi phải trao giải Cành cọ vàng”. Kể ra không sai, vì chẳng có thành viên châu Á nào trong dàn BGK, không những thế BGK chỉ toàn là những diễn viên, đạo diễn đương đại chuyên làm phim hành động, kinh dị…cho nên rõ ràng The Assassin không có lợi thế. Tuy nhiên, bộ phim vẫn sẽ lên đường đến Mỹ thông qua nhà phát hành Well Go USA trong thời gian tới. Lúc đó, nếu The Assassin có doanh thu đậm, BGK ở Cannes năm nay chắc chắn sẽ bị đánh giá thấp một lần nữa.

Phim_The_assassin

Cảnh trong phim Assassin

Dĩ hòa vi quý?

Dheepan - bộ phim thứ 7, cũng là tác phẩm thứ 4 của Jacques Audiard tham gia LHP Cannes. Nên nếu nói như truyền thông Pháp rằng Jacques đã chờ đợi Cành cọ vàng quá lâu thì chưa chuẩn xác. Trong danh sách tranh giải, những Giả Chương Kha, Hầu Hiếu Hiền hay Hirokazu Koreeda – ba đạo diễn châu Á đều là các nhà làm phim chờ đợi giải thưởng cao quý từ lâu. Jacques Audiard từng được ví như “cục cưng” của Ảnh đàn Pháp nhưng sự thật thì các phim của ông, gần nhất là Rust and Bone, chỉ được đánh giá ở mức trung bình khá. Ngôn ngữ quốc tế hóa là điểm cộng cho Jacques và tính Hollywood trong các kết thúc phim gần như giúp ông nắm phần thắng cao hơn những đối thủ còn lại. Nhưng Dheepan không lọt nổi Top 3 của những trang bình luận phim, cũng như điểm rating đều chỉ dừng lại ở 2.5/4 sao (tương đương 6/10). Có chăng, nhờ vào thành viên BGK năm nay mà lợi thế nghiêng hẳn về Jacques. Đơn cử là Sophie Marceau trong một buổi phỏng vấn đã chia sẻ chị thích những phim có ngôn ngữ toàn cầu hóa, mà nói trắng ra là trong 19 phim tranh giải thì chỉ có Jacques Audiard đạt được yêu cầu đó. Hơn nữa, Sophie Marceau là diễn viên kiêm đạo diễn người Pháp, và là thành viên quan trọng thứ nhì sau Chủ tịch BGK, không lý do gì chị lại bác bỏ chuyện một phim cùng quê lên ngôi. Nghệ sỹ da màu Rokia Traoré cũng có các phức cảm gần như tương tự, cô đánh giá cao các phim mô tả sự thật về xã hội, thích các thước phim giống như tài liệu – không hoa mỹ, màu mè… Rõ ràng, Dheepan sở hữu những gì mà Rokia sẽ đấu tranh đến phút cuối. Dheepan xoay quanh một người đàn ông da màu cùng tên, trên hành trình đi tìm tự do, bất đắc dĩ anh phải nhận một phụ nữ 25-26 tuổi làm vợ và một đứa bé gái 9 tuổi làm con, đồng thời phải nương tự vào nhau mà sinh tồn… Nếu xét về câu chuyện, cuốn phim của Jacques Audiard rất hứa hẹn, nhưng sau buổi chiếu hôm 21, nhiều người thất vọng bởi phong cách của Jacques vẫn không có gì xuất sắc so những phim anh đã từng thực hiện. Chủ tịch BGK - anh em đạo diễn Coens không phát biểu gì nhiều với lựa chọn của mình, có vẻ như họ cũng nhận thấy sự phản đối lộ rõ trên khuôn mặt của những nhà báo hôm qua. Phong cách làm phim của Coens thường là black-comedy (hài châm biếm) và nếu để ý thì cả hai anh em họ đều thích những cuốn phim giật gân kiểu Roman Polanski hay thể loại trào phúng – điều hơi hiếm hoi trong các phim tranh giải năm nay, kể cả Son of Saul (giành Giải thưởng lớn) kể về cuộc thảm sát diệt chủng của phát xít Đức. Vậy là sau Blue is the Warmest Color năm 2013, Pháp lại giành chiến thắng, cũng với một Hội đồng BGK mà đứng đầu là đạo diễn Hollywood!

the_assassin_2

Thư Kỳ trong phim The Assassin

Đã từ rất lâu, người ta vẫn mãi thắc mắc về mối quan hệ giữa Cannes và Hollywood, bất kể khởi điểm của nó khác nhau và chỉ giống nhau ở điều duy nhất: sự hào nhoáng của thảm đỏ với hàng trăm ngôi sao lớn nhỏ. Có người đã ví rằng, dần dần, Cannes càng lộ ra nó như giải Oscar thứ hai, kéo dài hai tuần, bên bờ biển xinh đẹp sở hữu những cây cọ sừng sững. Cannes lần thứ 68 thể hiện khao khát cháy bỏng trong mưu cầu kinh tế, khi chấp nhận mọi chỉ trích để tạo ra tai tiếng với các điều luật ngớ ngẩn trên thảm đỏ như cấm đi giày bệt, cấm chụp ảnh tự sướng… Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh, điều người hâm mộ nhận thấy rõ nhất là Thierry Fremaux dần lộ rõ ông là “tay trong” của Hollywood như bài báo mà Variety phân tích cách nay ba năm. Thierry Fremaux vốn là giám đốc tuyển lựa phim, và chúng ta đã biết, chất lượng các phim Anh ngữ năm nay (đặc biệt là phim với các diễn viên Hollywood) tồi tệ như thế nào. Ngoại trừ Carol, những Sea of Trees, Sicario, Louder Than Bombs, The Lobster, Youth hay Macbeth đều gây thất vọng vì chất lượng không tương xứng với dàn sao “khủng” có mặt. Tệ hại nhất trong những cái tên này là Sea of Trees – một phim tâm lý rùng rợn của Gus Van Sant, đạo diễn chuyên trị các phim đồng tính. Sea of Trees kể về một người đàn ông đến khu rừng tự sát ở Nhật để kết liễu đời mình, lộ rõ những khuyết điểm trong phần biên kịch, dẫn đến cái kết khiến khán giả hụt hẫng. Với điểm số thấp nhất cùng những chỉ trích gay gắt, thậm chí người ta còn lo ngại cho sự nghiệp của Gus và nam tài tử Matthew McConaughey! Trong khi, The Lobster – bộ phim giành giải BGK dường như là điều dễ dự đoán. Bộ phim quy tụ những diễn viên hạng A của Hollywood, mà trong số đó, có nhiều mối quan hệ công ăn việc làm với thành viên BGK nên không có gì lạ khi nó mang về phần thưởng an ủi.

BGK_nm_nay_b_ch_trch_l_km_cht_lng

BGK năm nay bị chỉ trích là kém chất lượng

Năm nay, nhiều tiếng nói độc đáo thú vị của các nhà làm phim độc lập như Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan), Brillante Mendoza (Philippines), Miguel Gomes (Bồ Đào Nha)… đã bị Thierry Fremaux từ chối ngay từ vòng loại (ông đã chê ra mặt – tin hành lang), dẫn đến việc họ chỉ tham gia vào những hạng mục phụ của LHP năm nay. Thế nhưng những bộ phim của họ như Cemetery of Splendour, Taklub, Arabian Nights lại được gọi là “xuất sắc” và góp phần biến kịch bản dàn dựng của Thierry Fremaux trở nên dở tệ! Một LHP “trá hình” giữa Pháp và Hollywood đã thật sự xảy ra năm nay, đúng như ý nguyện của Thierry, chỉ có điều ông không ngờ phim Pháp bị chửi không thương tiếc và BGK toàn Hollywood (hoặc đang hoạt động tại Mỹ) vẫn “cắn răng” trao giải. Không chỉ Mon Roi chẳng có nổi lời khen mà lại có giải, bốn phim Pháp tranh giải đều từ trung bình khá cho đến rất dở, riêng The Measure of a Man giành giải Ảnh đế có phần chính xác (cần nhớ phim không lọt nổi Top 5 bình chọn của tất cả các trang đánh giá ở Cannes). Còn Marguerite & Julien, Valley of Love đều được ví như “chiến binh uể oải”, đại diện không tương xứng cho vị trí quan trọng của danh sách đề cử, nếu so với những phim xuất sắc được nhắc đến ở phần trên.

Vậy là sau năm 2006 với Cành cọ vàng “buồn ngủ” cho một phim của Anh Quốc thì nay, Cannes tiếp tục hứng chịu sự đả kích của dư luận, với một đêm trao giải gây thất vọng một cách bất ngờ. “Lộn xộn, lạc quẻ, không thành tâm…” là nhưng câu bình luận xuất hiện từ khắp các diễn đàn đến twitter, facebook một lần nữa khiến cho người hâm mộ càng thêm ngờ vực vào tính minh bạch cũng như độ tin cậy của một trong những LHP Quốc tế lớn nhất.

Kết quả LHP Cannes lần thứ 68:

Cành cọ vàng: Dheepan (Jacques Audiard, Pháp)

Giải thưởng lớn: Son of Saul (Laszlo Nemes, Hungary)

Đạo diễn xuất sắc: Hầu Hiếu Hiền, The Assassin (Đài Loan)

Nam diễn viên xuất sắc: Vincent Lindon, The Measure of a Man (Pháp)

Nữ diễn viên xuất sắc: Emmanuelle Bercot, phim Mon roi (Pháp) / Rooney Mara, phim Carol (Anh)

Giải của hội đồng giám khảo: Yorgos Lanthimos, The Lobster (Hy Lạp - Ireland - Anh -Hà Lan - Pháp)

Kịch bản xuất sắc: Michel Franco, phim Chronic (Mexico-Pháp)

Cành cọ vàng danh dự: Agnes Varda