Lỗi hệ thống hỏng, không thể có phim hay

Các đài truyền hình này đều có dây chuyền sản xuất kịch bản,  đội ngũ đạo diễn và các thành phần khác trong đoàn làm phim hoàn chỉnh. Đặc biệt, các khóa đào tạo diễn viên của họ cũng mở thường xuyên và đạt hiệu quả cao. Và mỗi đài đều có tiêu chí sản xuất phim của mình. Chẳng hạn như MBS có thế mạnh về sản xuất phim cổ trang, hay KBS làm nhiều phim thần tượng.  Và làm phim gì đi chăng nữa thì hầu hết các đài truyền hình Hàn Quốc, cả nhà nước lẫn tư nhân, đều hướng tới một lợi ích cao nhất, đó là đồng tâm hiệp lực quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra nước ngoài bằng phương tiện phim truyền hình.

(TGĐA) - Tham khảo hệ thống sản xuất phim của các đài truyền hình Hàn Quốc như KBS, SBS hay MBC, người ta nhìn thấy quy trình sản xuất phim của họ được vận hành rất khoa học.


Tương tự như Hàn Quốc, hệ thống sản xuất phim truyền hình của Hồng Kông, cụ thể là các đài TVA và TVB cũng liên tục hoàn thiện quy trình sản xuất phim của mình, nhằm phục vụ cho hàng triệu khán giản người Hoa trên toàn thế giới.

Nhiều quan chức và các nhà làm phim Việt Nam đã được tham quan các đài này, nhưng hầu như họ chỉ biết ca ngợi, khâm phục chứ không thể tác động gì đến việc sản xuất phim truyền hình ở nước mình.

Vì sao vậy?

Cái khác nhau căn bản là hệ thống sản xuất phim của ta khác họ. Chúng ta có một đài TV trung ương và hơn 60 đài TV địa phương, nhưng chỉ có 2 đài có bộ phận sản xuất phim truyền hình. Đó là VTV và HTV (ở TP Hồ Chí Minh). Còn HTV ở Hà Nội sản xuất không đều. Còn các đài truyền hình cáp thì không có đài nào có thể làm được phim TV, dù chỉ là phim TV một tập. Hầu hết đều thi nhau chiếu phim TV Hàn Quốc, Trung Quốc.

(Sắp tới 4 cái phim tài liệu thuộc dạng khám phá của ta sắp được chiếu trên kênh Discovery, các báo đài đã thi nhau reo mừng. Trong khi đó, các đài của ta, từ trung ương đến địa phương, toàn chiếu (hầu như quảng cáo không công) các phim nước ngoài, có báo nước ngoài nào hoan hô đâu!)

So sánh hệ thống sản xuất phim truyền hình của ta với Hàn Quốc và Hồng Kông để thấy một điều, các đài TV của ta hầu như chỉ đảm bảo nhận đầu ra (chiếu phim).Còn đầu vào (sản xuất phim), đã có các hãng phim tư nhân lo.

Thế nào là một hãng phim tư nhân?

Hầu hết các hãng phim tư nhân ở nước ta đều có chung những điểm sau

- Không có bộ phận sản xuất kịch bản chuyên nghiệp.

- Không có các đạo diễn chuyên nghiệp.

- Không có các diễn viên.

- Không có hệ thống thiết bị, máy móc.

- Không có bộ phận làm hậu kỳ.

Nhưng tất cả đều vẫn thi nhau sản xuất phim. Ông Nguyễn Hồ, cựu giám đốc hãng phim TFS nói: “Hiện nay ở Sài Gòn, mỗi ngày có tới 9-10 đoàn phim đang quay.” Đạo diễn Nguyễn Quang, vừa từ Đà Lạt về cho biết: “Quanh chợ Đà Lạt nhỏ như vậy mà có tới 4 đoàn phim đang hoạt động”. Một đạo diễn khá nổi tiếng (xin được giấu tên) nhận xét: “Trong các phim truyền hình của ta, không có phim nào được gọi là phim, mà tất cả đều na ná như phim”. Bởi trong một phim của anh ta, có cảnh một thanh niên trèo lên đồi cát, anh ta phải quay diễn viên cứ trèo lên lại tụt xuống, lại ngã, lại bò, lại tụt... tất cả đến 5 phút phim. Cảnh này ngoài đời, con nít trèo 30 giây là xong, nhưng trong phim, anh thanh niên phải trèo đến 5 phút. “Nhà sản xuất yêu cầu thế để kéo dài phim” – đạo diễn giải thích.

Ngoài 5 điểm “Không” ở trên, các hãng phim tư nhân còn giống nhau ở mấy điểm không khác nữa như:

- Đều không có tiền

- Đều phải tranh nhau “lobby”nhà đài mới được xếp giờ chiếu.

Hầu như tất cả các hãng phim tư nhân khi bắt tay vào sản xuất phim đều phải vay tiền ngân hàng. Mỗi lần vay đều phải “bôi trơn” nhiều cửa, chịu lãi suất cao. Điều đó dẫn đến áp lực nhà sản xuất buộc các đoàn phim phải quay càng nhanh càng tốt. Khi phim làm xong rồi, họ lại phải “chạy” giờ chiếu, ngày chiếu. Rồi lại phải tính tỉ lệ ăn chia quảng cáo với nhà đài nữa. Nếu hãng phim tư nhân nào hợp tác được với công ty quảng cáo thì phần quảng cáo sẽ được các công ty này lo. Tỷ lệ ăn chia quảng cáo phần lớn do nhà đài thu cả. Các hãng phim tư nhân và công ty quảng cáo chỉ được hưởng phần trăm cố định như thỏa thuận. Người viết đã được chứng kiến cảnh một nữ giám đốc hãng phim tư nhân van nài đầu tư lại cho việc tái sản xuất bằng cách chi cho các em diễn viên ít tiền trang điểm nhưng nhà đài vẫn lắc đầu.

Chính vì thế, để tiết kiệm, các hãng phim tư nhân,các nhà làm phim có sáng kiến dùng cây nhà lá vườn để làm phim. Biên kịch: người nhà; đạo diễn: người quen; hóa trang: người nhà; diễn viên: người quen; dựng cảnh: người quen; đạo cụ: người nhà v.v và v.v... Câu trả lời vì sao phim ta chỉ “na ná như phim” một phần cũng ở đây.

Thế nội dung phim, ai quan tâm?

Không ai quan tâm hết. Tất cả đều sáng tác theo kiểu tự phát. Một dạo rộ lên phim đề tài tuổi teen. Thế là các hãng rủ nhau cùng làm. Lại một dạo rộ lên phim mẹ chồng nàng dâu như Trung Quốc làm. Rồi lại đổ xô làm phim về nông thôn, về gái quê lên thành phố... Ai định hướng cho các nhà sản xuất này? Một nữ giám đốc hồn nhiên: “Nghe nói thị trường sẽ lên cơn sốt đề tài này”.


Còn chất lượng thì sao?

Xin nói thật, không ai quan tâm đến chất lượng cả. Đạo diễn mới chưa làm phim bao giờ lẫn đạo diễn 70 tuổi, đạo diễn gạo cội, giải thưởng quốc gia, danh hiệu đầy mình v.v... tất cả đều được đánh đồng như nhau bởi cùng ra một chợ như nhau. (Tuy vậy đạo diễn có số má được trả nhiều hơn). Nhà đài không cần biết phim này của ai, do ai đạo diễn. Chiếu được vào giờ ngon lành là do các mối quan hệ.

Hệ thống sản xuất phim TV của ta hiện nay được vận hành như vậy. Không có ai có kinh nghiệm làm phim sao cho hay nhưng ai cũng có kinh nghiệm chụp giựt, kinh nghiệm bớt xén, chen nhau “bôi trơn”. Bởi tất cả đều không rút kinh nghiệm từ bài học phim mì ăn liền chết yếu dạo những năm 90 của thế kỷ trước. Chắc chắn phim TV dài tập của ta sẽ chỉ từ ... dở trở xuống mà thôi./


Đoàn Tuấn