“Lumière và đồng nghiệp” - một cuộc chơi điện ảnh

Quá trình làm phim bằng chiếc máy “Cinematograph” này giống như một cuộc chơi của điện ảnh, mà người chơi là các đạo diễn.

(TGĐA) - “Lumière và đồng nghiệp” (Lumière and company) là tên một bộ phim tài liệu dài gần 90 phút, được làm vào năm 1995, nhân kỷ niệm 100 năm ngày anh em Lumière phát minh ra máy quay phim đầu tiên.


40 đạo diễn tên tuổi trên khắp thế giới đã được mời tham gia làm phim bằng chiếc máy quay của anh em Lumière, với các điều kiện kỹ thuật như ở năm 1895. Bộ phim này được thực hiện với ý tưởng kịch bản ban đầu của Philippe Poulet và do hai đạo diễn Theodoros Angelopoulos và Vicente Aranda thực hiện.

Poster phim Lumiere and company

1. Các đạo diễn tham gia:

Gabriel Axel (Đan Mạch); Theodoros Angeloulos (Hi Lạp); Vicente Aranda (Tây Ban Nha); Merzak Allouache (Algeria); John Boorman (Anh); Bigas Luna (Tây Ban Nha); Youssef Chahine (Ai Cập); Alain Corneau (Pháp); Costa Gavras (Pháp); Raymond Depardon (Pháp); Francis Girod (Pháp); Peter Greenaway (Đức); Michael Haneke (Đức); Lasse Hallstrom (Thuỵ Điển); Hugh Hudson (người Anh, sống ở Hiroshima - Nhật Bản); Idrissa Ouedraogo (Burkina Faso); James Ivory (Pháp); Ismael Merchant (Pháp); Gaston Kabore (Burkina Faso); Abbas Kiarostami (Iran); Cedric Klapisch (Pháp); Andrei Konchalovsky (Nga); David Lynch (Mỹ); Patrice Leconte (Pháp); Claude Lelouch (Pháp); Claude Miller (Pháp); Lucian Pintilie (Romania); Arthur Penn (người Mỹ, sống ở Nam Phi); Jacques Rivette (Pháp); Jerry Schatzberg (Mỹ); Spike Lee (Mỹ); Helma Sanders (Pháp); Fernando Trueba (Tây Ban Nha); Nadine Trintignant (Pháp); Liv Ullmann (Na Uy); Jaco Van Dormael (Bỉ); Regis Wargnier (Pháp); Wim Wenders (Đức); Zhang Yimou (Trung Quốc); Kiju Yoshida (Nhật Bản).

Đạo diễn Alain Corneau

2. Luật chơi

Có 3 nguyên tắc phải tuân thủ khi tham gia:

- Phim không được dài quá 52 giây;

- Không được có âm thanh đồng bộ;

- Không được quá 3 cảnh quay.

Có 3 câu hỏi chung được đặt ra cho các đạo diễn:

- Vì sao ông/bà lại nhận lời tham gia làm phim bằng máy quay của anh em Lumière?

- Vì sao ông/bà làm phim?

- Phim ảnh liệu có còn sống mãi?

Đạo diễn Andrei Konchalovsky

3. Các đạo diễn làm phim gì?

40 đoạn phim ngắn của các đạo diễn được thực hiện ở rất nhiều bối cảnh khác nhau:

Athens (Hi Lạp); Barcelona (Tây Ban Nha); Berlin (Đức); Brussels (Bỉ); Cairo (Ai Cập); Dublin (Ai len); Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc); Hiroshima (Nhật Bản); New York (Mỹ); Paris, Versailles (Pháp); Romania; Stockholm (Thuỵ Điển); Zaragoza (Tây Ban Nha); Quagadougou (Burkina Faso); Johannesburg (Nam Phi).

Rất khó để kể hết những đoạn phim mà các đạo diễn đã thực hiện từ chiếc máy quay nhà Lumière với việc tuân thủ 3 nguyên tắc đã nói ở trên. Việc làm một đoạn phim không quá 52 giây và chỉ được có tối đa ba cảnh quả thực là một thách đố đối với nhiều người, nhưng cũng là cơ hội để các đạo diễn thể hiện khả năng sáng tạo xuất chúng của mình. Chỉ trong 52 giây phim, mỗi đạo diễn đã thể hiện một phong cách riêng, kể những câu chuyện khác nhau, để lại những ấn tượng đáng kể. Nói như đạo diễn người Nga - Andrei Konchalovsky: “Khi bạn chỉ có 1 phút hoặc thậm chí là 50 giây, thì thời gian quả thực là rất quý giá.”

Các đạo diễn đều thể hiện những phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ta vẫn có thể thấy được một vài điểm chung trong các phim cực ngắn được quay. Khá nhiều phim được thực hiện dưới hình thức quay một cảnh một đoàn làm phim, hoặc một máy quay khác đang thực hiện một cảnh quay khác trên phim trường. Một số đạo diễn cố gắng kể một câu chuyện tương đối hoàn chỉnh, như Idrissa Ouedraogo kể về hai vợ chồng người da đen đang đùa nghịch bên bờ sông thì bỏ chạy vì có một con cá sấu tiến lại, hoá ra là một người bạn đeo đầu và da cá sấu để trêu chọc họ; một số khác thì chỉ quay một cảnh dưới dạng phim tài liệu, như Hugh Hudson quay đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima, một nhóm học sinh tiểu học chạy vào đặt hoa, trong khi đó đài phát thanh đọc một bản tin về việc ném bom này; số khác thì lại xây dựng một cảnh đặc biệt nào đó nhằm để lại ấn tượng, tạo cảm giác, chẳng hạn Andrei Konchalovsky quay xác một con chó bị chết, có ruồi và giòi bâu đầy ở bụng hay Bigas Luna quay cảnh một phụ nữ gần như khoả thân ngồi trên cánh đồng mới cày thành luống, cho con bú.

Máy quay của anh em nhà Lumiere

Một vài điểm nhấn

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất phải kể đến đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) với cảnh quay một đôi nam nữ với trang phục đời Thanh trên Vạn Lý Trường Thành, một người múa, một người kéo nhị. Rồi bỗng nhiên họ cởi phăng trang phục cổ trang đó, chuyển thành trang phục góc cạnh kiểu rock, đồng thời chơi ghi ta và nhảy theo kiểu rock, cuối cùng họ bỏ chạy về phía xa…

Phim ngắn nhất trong số 40 phim, thậm chí ko đủ 52 giây là của đạo diễn người Pháp Jacques Rivette, mang tên “An advanture of Ninon” (Một cuộc phiêu lưu của Ninon). Một phim gây ấn tượng khác là của Alain Corneau với cảnh một cô gái Ấn Độ nhảy múa trước ống kính, khi cô xoay vòng thì váy áo đổi màu liên tục theo kiểu tô màu vào phim ở thời kỳ những năm 30 của thế kỷ 20.

Phim của Peter Greenaway và David Lynch cũng khá ấn tượng, nhưng lại vi phạm vào nguyên tắc không vượt quá 3 cảnh. Peter quay chớp một số cảnh ở một bảo tàng, còn David Lynch để cảnh chuyển liên tiếp trong một vụ án mạng.

4. Trả lời câu hỏi:

Mỗi đạo diễn tham gia phim đều phải trả lời 3 câu hỏi đã được nêu ở đầu bài viết, chúng ta cùng điểm qua một số câu trả lời ấn tượng của các đạo diễn với từng câu hỏi tương ứng.

(1) Vì sao ông/bà nhận lời tham gia làm phim từ máy quay của Lumiere?

- Gabriel Axel: Tôi nghĩ khi một đạo diễn nghe thấy từ “giới hạn”, anh ta sẽ thấy xúc động và hồi hộp vì đó thực sự là một thách thức.

- Claude Lelouch: Thứ nhất, tôi là người dễ tính, sau đó là vì anh em Lumiere.

- Jacques Rivette: Tôi chưa bao giờ được xem bên trong chiếc máy quay đầu tiên này, và tôi muốn khám phá nó, nếu một đạo diễn có thể hoặc ai đó có thể yêu cầu anh ta.

- David Lynch: Tôi rất vinh dự khi được làm một phim từ chiếc máy quay phim đầu tiên này.

- Jerry Schatzberg: Tất nhiên là không phải vì tiền.

- Idrissa Ouedraogo: Vì danh tiếng

- Fernando Trueba: Tôi thích làm phim kiểu này, với một chiếc máy quay đơn giản và rất đẹp, được sử dụng máy quay của anh em Lumiere đối với tôi là một đặc ân.

- Hugh Hudson: Để nhớ một phần quá khứ, để nhớ Hiroshima.

- Cedric Klapisch: Tôi nghĩ máy quay phim của Lumière là một di vật, là một cái gì đó thiêng liêng (nguyên văn: khăn của Thánh). Một số người có nhiều tôn giáo khác nhau, tôn giáo của tôi là điện ảnh, vì vậy tôi muốn làm phim với chiếc máy quay này.

- Alain Corneau: Trước hết là để tự hài lòng, giống như mỗi khi ta thích điều gì đó. Khi mà tôi có cơ hội được làm phim ở Ấn Độ thì tôi không cần phải cân nhắc đến lần thứ hai.

- Merchant Ivory (2 người là James Ivory và Ismael Merchant): Khám phá công việc của anh em Lumiere cả trăm năm trước, là một việc hết sức thú vị, và chúng tôi tin điện ảnh sẽ không thể chết.

Mỗi đạo diễn có một lý do khác nhau, thậm chí có người còn không có lý do gì, nhưng quả thực ý tưởng mời các đạo diễn làm phim cực ngắn bằng chiếc máy quay đầu tiên được phát minh bởi anh em Lumière là một ý tưởng tuyệt vời. Và có lẽ con số 40 đạo diễn tham gia là một con số bị hạn chế, nếu không chắc hẳn số lượng các đạo diễn muốn tham gia phải lớn hơn rất nhiều.

Philippe Poulet

(2) Vì sao ông/bà làm phim?

Có rất nhiều lý do để bất cứ ai có thể bắt tay vào làm một bộ phim. Vậy với các đạo diễn tên tuổi, nguyên nhân nào đưa họ tới với sự nghiệp phim ảnh?

- Claude Miller: Tôi làm phim là vì tôi muốn được yêu.

- Merzak Allouache: Vì tôi thích sự lật đổ, sự phá vỡ.

- Hugh Hudson: Để học thêm điều gì đó về phim ảnh, và về cuộc sống.

- Gabriel Axel: Để tách biệt âm thanh và âm nhạc, nối liền chúng với từ 2 đến 5 cảnh quay, thật là tuyệt diệu. Vấn đề là: Kể câu chuyện theo cách của điện ảnh.

- Raymond Depardon: Tôi không nghĩ về điều đó, tôi giữ nó cho mình.

- Wim Wender: Bởi vì tôi không có việc gì khác để làm.

- Regis Wargnier: Để sống.

- Patrice Leconte: Tôi thích ngắm nhìn mọi vật, hoặc tưởng tượng về mọi vật, và đưa chúng vào khung hình. Tôi đóng khung những gì tôi có trong đầu, vì vậy việc tôi thích làm nhất chính là làm phim.

- Youssef Chahine: Làm phim đem lại cho tôi cảm giác say mê thật tuyệt vời.

- John Boorman: Nó làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa, và giống như là một chất gây nghiện, tôi không biết làm thế nào để dừng lại.

- Abbas Kiarostami: Phim làm cho tôi cảm thấy dễ chịu, nhưng tôi cũng không nghiêm trọng hoá nó. Phim ảnh giống như cái sân chơi của tôi khi còn nhỏ.

- Costa Gavras: Tôi không biết, và tôi cũng không muốn biết. Thật tuyệt vời khi tôi được thấy khán giả xem phim của mình.

- Alain Corneau: Tôi nghĩ có một chút ám ảnh, ám ảnh khi ta mất đi lý trí, khi ta không thể hiện được chúng, ta làm phim để thử xem tại sao.

- Michael Haneke: Không bao giờ nên hỏi một con rết vì sao nó lại bò, hoặc liệu nó có bị ngã hay không.

- Lucian Pintilie: Tôi làm phim là để sống, đó là một cách rất hiệu quả, tôi không biết cách nào khác để sống ngoài làm phim.

- Lasse Hallstrom: Tôi làm phim để chiêu đãi mọi người.

- Arthur Penn: Tôi làm phim vì đó là công việc tôi yêu thích nhất.

- David Lynch: Tôi thích làm phim bởi vì tôi muốn đi tới các thế giới khác, tôi thích bị lạc trong những thế giới khác đó. Phim đối với tôi là một thứ thật tuyệt diệu, là cái gì đó huyền bí, như là giấc mơ ở trong bóng tối, thật tuyệt vời khi được lạc vào thế giới phim ảnh.

Đạo diễn Theodoros Angeloulos

(3) Phim ảnh liệu có còn sống mãi?

Điện ảnh ra đời và phát triển rất nhanh chóng. Là môn nghệ thuật thứ 7, nhưng chẳng mấy chốc, nó đã phát triển mạnh và vượt qua tất cả các môn nghệ thuật khác ra đời trước đó cả vài trăm năm. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là điện ảnh liệu rồi có bị biến mất, hay liệu có còn sống mãi?

- Michael Haneke: Tất nhiên phim ảnh cũng sẽ chết, giống như bất cứ thứ gì.

- Gaston Kabore: Cùng với sự tồn tại của hình ảnh và trí nhớ, con người cũng luôn muốn lưu lại những hình ảnh và ký ức vào đâu đó, những câu chuyện sẽ không bao giờ chết.

- David Lynch: Phim ảnh sẽ luôn có điều kiện tốt để phát triển cùng với con người, bởi vậy nó sẽ không bao giờ chết.

- Fernando Trueba: Điện ảnh có thể đã già hoặc đang già đi, nhưng đôi khi người già lại có sức hấp dẫn hơn nhiều tuổi trẻ.

- Hugh Hudson: Điện ảnh sẽ chết nếu bạn để cho nó chết.

- Patrice Leconte: Sự vĩnh cửu cho tôi sự phiền muộn, điện ảnh là cái chết, tốt nhất là chúng ta nên thưởng thức những gì chết.

- Kiju Yoshida: Khi được sinh ra thì tức là đã chết rồi. Một ngày nào đó điện ảnh cũng sẽ chết.

- Raymond Depardon: Tôi không tin điện ảnh sẽ chết, tôi nghĩ nó sẽ càng phát triển trong tương lai, điện ảnh thật thú vị.

- Cedric Klapisch: Tôi nghĩ là điện ảnh rồi sẽ chết, và đó là một điều tốt.

- Peter Greenaway: Tôi nghĩ điện ảnh cũng sẽ chết, khi mà rất nhiều thứ khác đã chết.

- Arthur Penn: Nếu chúng ta còn sống thì điện ảnh còn sống, nếu chúng ta chết thì điện ảnh cũng sẽ chết.

Đạo diễn Vicente Aranda

5. Thay cho lời kết

Trong phạm vi một bài viết mang nhiều tính giới thiệu, người viết không có tham vọng trình bày được hết tất cả nội dung các đoạn phim cũng như tất cả các câu trả lời của các vị đạo diễn. Chỉ hi vọng rằng những gì trình bày trong bài viết sẽ đem lại cho người đọc những khám phá thú vị.

Đạo diễn người Nhật - Kiju Yoshida phát biểu: “Ngày nay mọi người tin rằng điện ảnh có thể phản ánh được tất cả mọi sự kiện trên thế giới, thậm chí trong cả thế giới truyện tranh hay lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Trái lại, tôi tin rằng điện ảnh không thể nắm bắt được hết tất cả, đó là điều mà tôi muốn chứng tỏ với các bạn.”

Chúng ta hãy cũng có những câu trả lời của riêng mình dành cho các câu hỏi trên.

Lê Ngọc Tú