Megastar bác bỏ cáo buộc của các doanh nghiệp chiếu phim

Trong buổi họp báo qua video conference, sáng 9/11 tại cả hai đầu TP HCM, Hà Nội, ông Brian Hall - chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar - cho biết, Megastar không đồng ý với bất cứ cáo buộc nào đưa ra trong Đơn khiếu nại và Bản giải trình bổ sung đơn khiếu nại mà bên nguyên đơn gửi tới Cục Quản lý Cạnh tranh.

Doanh nghiệp chiếu phim có 90% vốn nước ngoài khẳng định không có bất cứ vi phạm pháp luật nào. Tuy nhiên, đại diện pháp lý của bên khiếu nại cho rằng, Megastar đang đưa ra những thông tin sai lệch.


Ông Brian Hall, chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar. Anh: TL.
Ông Brian Hall - chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar - chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TL.

Theo đó, ông Brian Hall cho rằng, đối với cáo buộc Megastar đã cho tăng giá thuê phim một cách bất hợp lý, bên khiếu nại không chứng minh được thật sự có việc tăng giá thuê phim kể từ khi Megastar áp dụng chính sách Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem (Minimum per cap - MPC) là 25 nghìn đồng đối với phim chiếu vòng đầu (1 - 2 tuần chiếu đầu tiên) từ giữa năm 2009. Trong phần thông tin tham khảo về tiến trình vụ việc, Megastar cho biết vào ngày 17/9, trong Bản giải trình bổ sung Đơn khiếu nại gửi Cục Quản lý Cạnh tranh, bên khiếu nại đã đính chính và rút lại cáo buộc Megastar áp đặt giá vé tối thiểu cho khán giả. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Cố vấn luật cho các doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam trong vụ việc này - khẳng định, Cơ quan Quản lý Cạnh tranh phải có căn cứ xác thực mới tiến hành điều tra vụ việc. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa từng khiếu nại Megastar áp đặt giá vé xem phim tối thiểu cho khán giả mà tố cáo hành vi áp đặt giá thuê phim gây bất lợi cho doanh nghiệp chiếu phim. Như vậy, không có chuyện bên nguyên đơn rút lại cáo buộc.

Trả lời VnExpress, Megastar cho biết, chính sách MPC không phải do Megastar quyết định. Đây là kết quả sự cân nhắc giữa Megastar và các hãng phim do Megastar làm đại diện. Các doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam thì cho rằng, việc đưa ra chính sách này là ấn định giá bán lại tối thiểu. Nếu các studio nước ngoài làm việc này có nghĩa họ đang vi phạm luật cạnh tranh các nước. Trong hợp đồng giữa Megastar với các studio mà Megastar đệ trình Cục quản lý cạnh tranh, không có điều khoản nào chứng minh điều này. Megastar cho biết họ thỏa thuận với các studio qua mail nhưng theo các luật sư, khi thỏa thuận chưa hợp thức hóa bằng hợp đồng thì Megastar không có trách nhiệm thực hiện. Ông Sơn tỏ ra nghi ngờ, liệu có phải Megastar chính là người đưa ra chính sách và đang trên đường thỏa thuận với studio hay không vì nếu chính sách này thực thi, Megastar có lợi và studio cũng là người có lợi. Giữa Megastar và các studio là thỏa thuận ăn chia chứ không phải hình thức mua trọn gói. Với loại hình hợp đồng này, Megastar không thể viện cớ thua lỗ. Đồng thời, đây cũng là cách để Megastar khẳng định mình với các studio nước ngoài nhằm trở thành đại lý duy nhất của các studio Mỹ ở Việt Nam.

Đối với cáo buộc Megastar ép buộc khách hàng mua “hàng kèm” theo kiểu để có Transformers, doanh nghiệp thuê phim của Megastar phải lấy kèm phim hoạt hình Ice Age 3, ông Brian Hall khẳng định, Megastar chưa từng có chính sách phát hành kèm một bộ phim này với một bộ phim khác và Megastar “không có động lực, lợi ích hay chính sách nội bộ nào để thực hiện hành vi bị cáo buộc đó”. Tuy nhiên, phía Megastar thừa nhận: “có nhân viên ở vị trí không quan trọng đưa ra lời chào hàng với các doanh nghiệp về việc mua cùng lúc hai phim TransformersIce Age 3”.

Ông Brian Hall, chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar. Anh: TL.
Quang cảnh buổi họp báo tại TP HCM. Từ trái sang, bà Thanh Hà - phiên dịch, ông Brian Hall, ông Lee Eng Hee - tổng giám đốc Megastar, bà Phan Thị Lệ - phó chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar. Ảnh: TL.

Về cáo buộc “áp đặt điều kiện tiên quyết về hạn chế phát hành hàng hóa”, Megastar cho biết, họ yêu cầu các doanh nghiệp thuê phim phải chứng tỏ việc chiếu phim đạt điều kiện tốt nhất. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn biết phim của họ có được chiếu trong điều kiện đảm bảo hay không nên các thỏa thuận phòng chiếu, suất chiếu là điều bình thường, cần thiết trên toàn cầu. Các rạp chiếu được toàn quyền quyết định làm việc với đối tác nào, chiếu bộ phim nào, chiếu như thế nào. Nếu rạp không đủ khả năng chiếu phim Megastar thì họ lựa chọn hãng phân phối phim khác chứ không nên đổ lỗi cho Megastar. “Thật không công bằng cho Megastar nếu chúng tôi phải cam kết cung cấp phim cho họ mà họ không cam kết sẽ chiếu phim của chúng tôi như thế nào” - ông Brian Hall cho biết.

Phía các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, tất cả doanh nghiệp cho thuê phim đều có quyền quy định suất chiếu và số lượng phòng chiếu, nhưng Megastar đã lạm dụng điều này trong việc yêu cầu suất chiếu giờ vàng, tại những phòng tốt nhất mà không cho các doanh nghiệp Việt Nam có quyền linh động. Khi một bộ phim giảm sức hấp dẫn với khán giả, các rạp muốn chuyển phim sang phòng chiếu nhỏ hơn, hoặc chiếu vào những giờ bình thường, đảm bảo cân đối lịch chiếu các phim của những nhà phát hành phim khác hoặc phim Việt Nam có cùng thời gian phát hành. Điều này đã gián tiếp khống chế khả năng tổ chức chiếu của những phim không do Megastar phát hành và thông qua đó cũng làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhập khẩu phim và phát hành phim khác, cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phim trong nước.

Ông Brian Hall khẳng định với VnExpress, khi đưa ra chính sách MPC, họ đã cân nhắc tới khán giả có thu nhập thấp và trung bình tại Việt Nam. Ông đưa ra bằng chứng, nếu đi ngược thời gian 3 năm trước, tất cả các sản phẩm phim chiếu tại Việt Nam đều chiếu sau 12 - 16 tuần so với buổi công chiếu đầu tiên ở các thị trường phát triển như Mỹ. Hiện nay, khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức các bom tấn cùng thời điểm với khán giả Bắc Mỹ và châu Âu. Những khán giả bình dân có thể tiếp tục xem phim giá rẻ ở vòng ba tức là vòng đã bỏ chế độ MPC, thời gian chờ đợi được rút ngắn lại chỉ từ 4 - 5 tuần. Như vậy là khán giả Việt Nam đang được lợi ở tất cả các phân khúc thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, điều này sẽ tạo ra sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Ông Sơn đưa ra ý kiến, nên để cả người có thu nhập cao và thu nhập trung bình được xem phim cùng thời điểm, cái khác là những khán giả thu nhập cao được hưởng các dịch vụ tốt hơn theo mức giá tiền mà họ bỏ ra. “Chúng tôi đã đàm phán với phía Megastar gần một năm trời cũng vì mục đích này” - ông Sơn chia sẻ.

Trong Bản giải trình chi tiết ngày 6/11, bên Megastar đề xuất Cục Quản lý Cạnh tranh tuyên bố Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy) không đủ điều kiện là bên khiếu nại vì không có bằng chứng Galaxy có liên quan hay bị ảnh hưởng gì bởi các hành vi bên khiếu nại, đồng thời đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh ra quyết định rằng các cáo buộc của các bên khiếu nại là không có cơ sở và ngừng điều tra với Megastar. Đại diện cho các doanh nghiệp nộp đơn khẳng định rằng việc khiếu nại hoàn toàn dựa trên các quy định của pháp luật và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý. Cục Quản lý cạnh tranh đã thụ lý vụ việc và đang tiến hành điều tra ở giai đoạn điều tra chính thức nên vấn đề xác định tư cách khiếu nại đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thời điểm này, việc điều tra đã gần kết thúc (18/12). Phía Cục Quản lý Cạnh tranh cũng từ chối trả lời tất cả câu hỏi của báo chí về vụ kiện này.

Tóm tắt tiến trình vụ kiện:

Từ tháng 6/2009, Megastar bắt đầu thay đổi cơ chế ăn chia doanh thu bán vé và thực hiện việc áp đặt chính sách Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25 nghìn đồng (sau thuế).

Vào ngày 1/3, sáu doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Sài Gòn Điện ảnh (Cinebox Hòa Bình), Công ty cổ phần Điện ảnh 212 (Cinebox Lý Chính Thắng), Công ty cổ phần truyền thông Điện ảnh Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng Tám), Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (rạp Thanh Bình và Sông Phố) đồng loạt đệ đơn cầu cứu lên các ban ngành quản lý.

Ngày 17/3, sau quá trình hòa giải và thương lượng không thành công, sáu doanh nghiệp này tiếp tục gửi đơn khiếu nại tập thể lên Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương và được Cục Quản lý Cạnh tranh chấp nhận thụ lý vụ việc. Ngày 12/5, Cục Quản lý Cạnh tranh ra quyết định tiến hành điều tra sơ bộ đối với Megastar.

Chiều 21/5, Megastar đã gửi công văn yêu cầu sáu doanh nghiệp đến gặp vào ngày 25/5, với thời gian và địa điểm do Megastar ấn định. Đại diện các doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam cho rằng, hành động này của Megastar "thể hiện sự trịch thượng với tư thế là một ông lớn" vì thời gian thông báo trước quá ngắn (một ngày làm việc) và các doanh nghiệp lại ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Sáng 25/6, diễn ra cuộc họp ba bên tại Cục điện ảnh (Hoàng Hoa Thám - Hà Nội). Về phía các cơ quan quản lý nhà nước có Cục điện ảnh, Ban tuyên giáo trung ương, Vụ pháp chế của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Thanh tra Bộ. còn lại là đại diện Megastar và đại diện sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam.

Ngày 18/6, Cục Quản lý Cạnh tranh ra quyết định điều tra chính thức vụ việc. Hai doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng Tám) và Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai bị loại ra khỏi tư cách nguyên đơn do không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách MPC (không chiếu phim vòng 1 của Megastar) nhưng vẫn có tư cách các bên liên quan. Thời gian điều tra diễn ra trong vòng 6 tháng, kết thúc vào ngày 18/12.

Sau đó, dựa trên quyết định của Cục Quản lý Cạnh tranh, vụ việc có thể đưa ra xử tại Ủy ban Cạnh tranh.



Theo Vnexpress