Midnight cowboy và cách ứng xử với những nguyên tắc của Phim cao bồi miền Tây

Nghệ thuật ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của con người. Bởi vậy, muốn được công chúng đón nhận, nó phải tuân theo những chuẩn mực nhất định. Những chuẩn mực này không phải do một cá nhân hay một tổ chức nào đó đặt ra mà thông qua hệ thống kinh nghiệm về các tác phẩm trước đó, người ta rút ra nhận định chung về những yếu tố thường được ưa thích, thường gây ra được khoái cảm thẩm mĩ cho khán giả, tạo ra cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc”, hay những qui ước mà các tác giả đi sau thường tự giác tuân theo. Tuy nhiên, nghệ thuật cũng là lĩnh vực của sự sáng tạo. Tác phẩm điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung, sẽ chết nếu như nó hoàn toàn rập khuôn những tác phẩm đi trước. Hơn nữa, “tác phẩm nghệ thuật có thể tạo ra những qui ước mới”.  Những tác phẩm cách tân đầu tiên có thể bị xem là kì quặc, thậm chí quái dị vì nó từ chối tuân theo những tiêu chuẩn mà ta mong đợi. Tuy nhiên, chính “những hệ thống mới được cung cấp bởi những tác phẩm không bình thường như vậy có thể tự làm phong phú những quy ước và vì thế lại tạo ra những mong đợi mới” (Film art, tr.81). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tìm hiểu cách ứng xử với những nguyên tắc thể loại trong phim Midnight cowboy.

“Mỗi tác phẩm phải là một khám phá về nội dung và một phát minh về hình thức” (Leonit Leonov). Bởi vậy, “trong nghệ thuật, hoàn toàn không có những nguyên tắc về hình thức mà toàn bộ các nghệ sĩ cần phải tuân theo” (Film art, tr.90)


Poster phim Cao bồi nửa đêm

Midnight cowboy, ngay ở tên gọi, đã báo hiệu chịu ảnh hưởng của phim miền Tây. Tuy nhiên, đây không phải là sự tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc vàng của thể loại phim cao bồi mà song song với sự tuân thủ chính là sự phá vỡ những quy ước đó.

Phim cao bồi, như chúng ta đã biết, thường dựa trên các bài hát, tiểu thuyết dân dã và các màn trình diễn của miền Tây hoang dã để phác họa về vùng đất này. Nhân vật chính của nó thường là những người chăn bò, những tay súng đánh thuê, những người sống ngoài vòng pháp luật và các tộc người Mĩ bản địa. Trong Midnight cowboy, hành trình của nhân vật chính cũng là hành trình đi từ Texas- thành phố phía Đông sang New York- thành phố phía Tây và Joe Buck ngay từ đầu phim, trước khi bắt đầu cuộc hành trình, đã luôn nhấn mạnh vào địa thế phía Tây ấy của New York. Về hình thức, Joe Buck cũng ăn mặc theo đúng cách của những gã cao bồi: quần Jean, mũ phớt. Toàn bộ dáng vẻ của diễn viên toát lên vẻ phóng túng của một cao bồi chính hiệu. Về bản chất, Joe Buck cũng là một người lang thang sống ngoài vòng pháp luật. Như vậy, xét về mặt bối cảnh và nhân vật, đây chính là những điểm tuân thủ nguyên tắc thể loại.

Về kĩ thuật quay phim, Midnight cowboy thường sử dụng lối quay toàn cảnh ở góc máy rộng, lột tả cái mênh mông của khung cảnh. Đây chính là nguyên tắc về góc máy và cỡ cảnh của phim cao bồi.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tuân thủ quy ước thể loại như trên lại tồn tại rất nhiều những điểm phá cách.

Joe Buck, nhân vật chính, không thực sự là một gã cao bồi. Anh ta không đi chăn bò, cũng không phải một tay đánh thuê với tài nghệ bắn súng cừ khôi như chúng ta thường gặp trong các bộ phim cao bồi nổi tiếng. Anh ta không ra tay nghĩa hiệp để cứu giúp cộng đồng trong cơn nguy khốn, cũng không có một mối tình lãng mạn với một cô gái điếm cao thượng. Joe Buck chỉ là một anh chàng rửa bát thuê quyết từ bỏ công việc nhàm chán của mình để đến New York lập nghiệp, cố gắng đóng vai một gã cao bồi để thu hút các quý bà giàu có. Anh chiến đấu với cộng đồng người thành phố không phải nhờ tài nghệ bắn súng hay đấu kiếm mà bằng chính bản năng giống đực của mình. Nếu như phim cao bồi thường ca ngợi tinh thần nghĩa hiệp của những chàng chăn bò và sự cao thượng của các cô gái điếm vốn bị người đời khinh rẻ thì Joe Buck chính là hai trong một: vừa là một gã cao bồi lang thang vừa là một gã điếm trai. Vẻ đẹp tâm hồn của Joe Buck không nằm ở tinh thần phóng khoáng, trượng nghĩa như một anh hùng mà chính ở phần người bình dị (sự ga lăng với phụ nữ, sự nhân hậu không nỡ dồn kẻ khốn khó vào bước đường cùng). Tình yêu nam nữ ở Joe Buck được thay thế bằng tình bạn sâu nặng, và phần nào đó, là tình yêu, giữa Buck và cậu bạn trai ốm yếu Ratso. Có lẽ vì thế mà Midnight cowboy thường được xem là bộ phim mở đầu cho một thể loại mới: gay western (phim miền tây đồng tính).

Xét về bối cảnh, Joe Buck cũng không xuất hiện trong không gian mênh mông vắng vẻ của những đồng cỏ miền Tây mà xuất hiện trên cái nền rộng lớn, tấp nập người xe và những tòa nhà chọc trời của New York. Không gian chủ đạo trong phim không phải là thảo nguyên bao la với nhữg túp lều nhỏ thưa thớt mà là không gian những căn buồng khách sạn, gầm nhà ga và căn nhà ổ chuột tồi tàn của Ratso.

Xét về mặt chủ đề, nếu như trong phim cao bồi miền Tây truyền thống, chủ đề trung tâm thường là cuộc xung đột giữa trật tự văn minh và vùng biên giới không pháp luật thì chủ đề của Midnight cowboy chính là cuộc xung đột giữa phần nhân tính mong manh với vô vàn các nguy cơ sa ngã trong một xã hội bị đồng tiền và dục vọng của con người chi phối. Đây không phải là bản hùng ca ca ngợi sự vươn mình của những người sống bên lề của xã hội văn minh, có thiên hướng tự nhiên nghiêng về công lí và sự lương thiện mà chính là sự phơi bày mặt traí của xã hội đô thị hiện đại, khi con người chạy theo các nhu cầu hưởng lạc có tính bản năng của giống nòi. Joe Buck vì đồng tiền mà sẵn sàng bán mình làm một gã trai bao, các quý bà bên ngoài lịch thiệp nhưng bên trong bị thiêu đốt bởi nhu cầu tình dục, Ratso vì tiền mà có thể lừa đảo và trộm cắp, những ông chủ, những cậu học sinh đồng tính tìm mọi cách để thoải mãn bản năng tính dục của mình. Tất cả tạo nên một bức tranh đáng ghê sợ về xã hội New York hào nhoáng mà đầy ung nhọt. Tuy nhiên, chất lạc quan vốn có của phim miền Tây vẫn lưu dấu ở chỗ đặt trong những tình huống éo le, tính thiện của con người cuối cùng vẫn thắng.

Cảnh trong phim Cao bồi nửa đêm


Kết thúc phim, khi vừa có cơ hội để đạt được mục tiêu cuả mình, bắt đầu có khách hàng thực sự, Joe Buck lại tự nguyện rời bỏ New York, cũng là từ bỏ những cơ hội kiếm tiền bấy lâu mơ ước, để đưa bạn mình đến Miami. Tình bạn với Ratso đã chiến thắng ham muốn tiền bạc của Joe. Khán giả tìm thấy niềm tin khi Joe nói với Ratso: Tớ sẽ đến sống ở đây (Miami) và tìm kiếm một công việc lao động bình thường. Như vậy, tình bạn với Ratso và phần nhân tính tốt đẹp trong Joe đã kéo anh khỏi vực thẳm của sự sa ngã. Vì vậy, mặc dù kết thúc phim không có một đám cưới giữa chàng cao bồi và một cô điếm cao thượng, không có việc gã cao bồi được tôn vinh như người hùng của cả cộng đồng như trong các phim cao bồi khác, mặc dù Ratso, người bạn, người tình của Joe chết trên xe bus, ta vẫn có thể coi đây là một dạng happy ending, tuy không phải là một happy ending tuyệt đối như nhiều bộ phim cao bồi khác .

Xét về cấu trúc, Midnight cowboy cũng vừa mang nét truyền thống, vừa có sự cách tân. Cấu trúc phổ biến của phim Hollywood cổ điển thường là một cá nhân nào đó có một ham muốn, một mục tiêu; ham muốn này bị ngăn cản bởi hoàn cảnh hoặc các nhân vật khác và nhân vật chính nỗ lực vượt qua vật cản để đạt được cái đích của mình. Trong Midnight cowboy, động cơ của phim cũng là ham muốn của Joe: đến New York để tìm kiếm cuộc sống an nhàn, giàu có dựa vào khả năng quyến rũ phụ nữ của anh ta. Joe cũng liên tục gặp các vật cản : vật cản 1: sự thờ ơ của tất cả mọi người, vật cản 2: gặp người phụ nữ già muốn ân ái với Joe nhưng cuối cùng Joe không những không được trả tiền mà lại bị đòi tiền, vật cản 3: gặp cậu học sinh bị bệnh đồng tính nhưng lại bị cậu đó quỵt tiền, vật cản 4: bị Ratso lừa nốt mấy đồng xu còn lại, vật cản 5: qua môi giới gặp được vị khách đầu tiên nhưng đó lại là một gã điên, vật cản 6: tình cờ gặp lại Ratso và có cơ may đòi lại được tiền thì lại mủi lòng trước tình cảnh khốn khổ của Ratso, vật cản 6: gặp một quý bà dẵn lòng trả tiền để được cùng Joe ân ái thì Joe lại bất lực vì quá mệt mỏi, vật cản 7: làm thỏa mãn được quý bà và được giới thiệu nhiều khách hàng thì Ratso ốm nặng và phải đành bỏ việc,… Vật cản lớn nhất, xuyên suốt toàn bộ hành trình này chính là lòng tốt của Joe. Cậu không đủ tàn nhẫn, không đủ lạnh lùng để có thể thành một tay du đãng thực sự. Nước mắt của người phụ nữ già, nước mắt của cậu học sinh đồng tính khi cậu bé nói về mẹ, sự khốn khổ của Ratso, tất cả khiến Joe động lòng và không thể lấy được những đồng tiền mà lẽ ra là của cậu. Tình thương với Ratso cũng khiến Joe từ bỏ bao cơ hội làm ăn đầy hứa hẹn. Có thể nói, chính lòng tốt, phần tính thiện trong con người Joe đã ngăn cản cậu đạt được cái đích của mình, cũng là ngăn cản cậu khỏi trượt vào sự sa ngã. Cuối cùng, Joe đã tự mình từ bỏ cái đích ban đầu. Đây chính là điểm khác biệt với cấu trúc của phim Hollywood cổ điển. Nhân vật không đạt được cái đích mình hướng đến từ đầu mà tự nguyện từ bỏ cái đích đó, trở thành một con người khác. Cấu trúc phim đã chuyển từ mô hình S- A- S (Situation 1- Action- Situation 2) sang A- S- A (Action 1- Situation- Action 2), nghĩa là chuyển từ kiểu: nhân vật tác động vào hoàn cảnh để thay đổi hoàn cảnh cho phù hợp với ham muốn của mình sang nhân vật tự biến đổi chính mình cho phù hợp với hoàn cảnh.

Xét về mặt cảnh quay, Midnight cowboy không có những cảnh quay theo quy ước trở thành chuẩn mực hóa của phim miền tây như: cuộc tấn công của người da đỏ vào các pháo đài hay những toa tàu, vụ cướp nhà băng hay các chuyến xe của những kẻ ngoài vòng pháp luật, những cuộc đọ súng nảy lửa trên những đường phố thị trấn ngầu bụi,… Thay vào đó là những cảnh sex được khai thác khá triệt để. Đây là một điểm mới so với điện ảnh giai đoạn trước. Truyền thống điện ảnh những năm trước đó chủ trương tránh khai thác quá sâu các vấn đề nhạy cảm như tình dục và bạo lực. Midnight cowboy, trái lại, lấy chính những cảnh sex để khai thác tâm trạng của nhân vật. Sex ở đây không tạo ra ham muốn mà gây hiệu ứng ghê tởm, thể hiện bi kịch của Joe.

Tóm lại, trên nhiều phương diện, Midnight cowboy đã thể hiện sự ứng xử linh hoạt với những nguyên tắc của thể loại, vừa tận dụng sức mạnh vốn có cảu thể loại, vừa mang đến một sắc điệu mới cho phim cao bồi, khiến nó tiến gần đến ranh giới của các phim tâm lí xã hội, mang tính phản tỉnh sâu sắc, chứ không đơn thuần chỉ là một món giải trí cuối tuần.

Lê Thị Hồng Hạnh