Một giờ với nhà Việt Nam học Sokolov

(TGĐA) - Anatoli Sokolov là một nhà Việt nam học uy tín và hiếm hoi hiện nay ở Nga. Anh thường xuyên được mời tham dự các cuộc hội thảo quốc tế về Việt nam học trên thế giới và ở Việt Nam. Đặc biệt có hai lĩnh vực được anh quan tâm theo dõi từ nhiều năm nay đó là Văn học và Điện ảnh. Anh có nhiều bạn bè trong giới viết văn và làm phim ở nước ta. Nhân dịp sang Matxcova tham dự Liên hoan phim quốc tế vào cuối tháng 6 năm 2017 nhờ sự kết nối của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người đang sống và làm việc nhiều năm ở Nga, tôi tranh thủ gặp anh để trò chuyện. Trên đường đi đến nơi hẹn gặp, tôi đã chuẩn bị sẵn trong đầu một số câu hỏi. Xin thuật lại cuộc chuyện trò đó để bạn đọc hiểu thêm đôi chút về người bạn rất thân thiết của chúng ta mà bạn bè thường gọi bằng cái tên thân mật là: TÔLIA .

mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Liên hoan phim Matxcova 2017: Ấn tượng khó phai
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Ba nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên được trao tặng Huân chương Độc lập
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Hé lộ lý do thành công những bộ phim chiến tranh của NSND Đặng Nhật Minh
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Về một bộ phim không do nhà nước đặt hàng
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Vinh quang từ Amiens
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Thương nhớ đồng quê – Thương nhớ những thân phận người
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà Việt Nam học Sokolov

Xin anh cho biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với Tiếng Việt, văn hóa Việt rồi trở thành nhà Việt Nam học uy tín như ngày nay?

Khi tôi thi vào trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop khoa Phương Đông thì ở Việt nam đang diễn ra cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ. Hai từ Việt Nam xuất hiện khắp mọi nơi: Trên báo chí, trong các chương trình truyền hình, trong các phim tài liệu… Và dĩ nhiên từ cái đất nước xa xôi ở Đông Nam Á kia tỏa ra một vầng hào quang hào hùng pha lẫn lãng mạn. Những năm đó tôi còn biết rất ít về Việt Nam, chỉ qua một vài cuốn sách của các nhà báo Xô Viết và Ba Lan. Vì vậy trong tôi có một ước muốn tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam, lịch sử và văn hóa của nó. Có lẽ tất cả bối cảnh đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn của tôi là nghiên cứu về Việt Nam và tiếng Việt.

Công việc hiện nay của anh là gì? Anh đang nghiên cứu gì ?

Hiện nay tôi đang nghiên cứu rất nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến Việt Nam, trước hết là những vấn đề xã hội và văn hóa trong đó có văn học, hội họa và điện ảnh v.v… Với tư cách là một nhà nghiên cứu và là một con người tôi rất quan tâm đến cuộc sống của người Việt ở các nước khác nhau trên thế giới, họ giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếng Việt của mình như thế nào, họ xuất bản những sách gì? Họ làm những bộ phim gì? Cách đây không lâu, cùng các đồng nghiệp Việt Nam. tôi tham gia dịch ra tiếng Nga cuốn nhật ký của nữ Bác sỹ Đặng Thùy Trâm và Truyện Kiều - tác phẩm kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du. Tôi rất vui thấy hai cuốn sách đó được độc giả Nga đón nhận nồng nhiệt. Tôi cũng có kế hoạch dịch các tác phẩm Việt Nam khác nhưng muốn làm như vậy phải có sự hỗ trợ về tài chính vì hiện nay các nhà xuất bản sách ở Nga đều là của tư nhân.

Đội ngũ các nhà Việt Nam học ở Nga sau anh có đông không? Có ai tiếp tục con đường của anh không?

Tiếc rằng “Thời hoàng kim” của công việc nghiên cứu về Việt Nam ở nước chúng tôi thuộc về thời còn Liên bang Xô Viết. Bây giờ quan hệ giữa hai nước Nga và Việt Nam chủ yếu gắn liền với kinh tế, trong các lĩnh vực khác hết sức khiêm tốn. Ngày nay số người ở Nga chuyên nghiên cứu về Việt Nam là không đáng kể. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ra chọn những con đường khác không liên quan gì đến Việt Nam.

Anh tiếp xúc với điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên vào lúc nào? Anh có những kỷ niệm gì qua những lần tiếp xúc với các nhà làm phim Việt Nam, với các phim Việt Nam tại các kỳ Liên hoan phim Matxcova trước đây?

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với các nhà điện ảnh Việt Nam là vào những năm 70 khi tôi còn là sinh viên Đại học Tổng hợp MGU làm phiên dịch tại các kỳ Liên hoan phim quốc tế Matxcova. Dần dần công việc đó trở thành một nghề chuyên môn của tôi – đó là dịch cho các nhà điện ảnh Việt Nam sang Liên Xô dự các Liên hoan phim, gặp gỡ trao đổi công việc. Nhờ đó mà tôi có dịp gặp nhiều nhà hoạt động điện ảnh Việt Nam nổi tiếng, những người đặt nền móng cho nền điện ảnh dân tộc Việt Nam như Phạm Văn Khoa, Vũ Năng An, Hồng Nghi, Bùi Đình Hạc… cũng như nhiều nhà điện ảnh trẻ sau này đã làm ra những bộ phim truyện và tài liệu xuất sắc. Nhờ có họ tôi yêu điện ảnh Việt Nam rồi trở thành người chuyên nghiên cứu về lịch sử điện ảnh Việt nam.

Anh có theo rõi tình hình điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây không. Anh nhận định như thế nào về nền điện ảnh ấy?

Dĩ nhiên tôi cố gắng theo dõi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam ngày nay xem nó như thế nào qua Internet, đĩa CD. Nhưng tiếc rằng bây giờ rất hiếm khi được xem phim Việt Nam ở các rạp chiếu bóng, chỉ được xem khi ở Matxcova có tuần lễ phim Việt Nam mà không phải năm nào cũng có. Vì vậy tôi chỉ được xem một vài phim, nhiều phim quan trọng tôi không được xem vì không có đĩa CD và cũng không có trên Internet. Cảm tưởng chung của tôi là điện ảnh Việt Nam ngày nay là một nền điện ảnh thương mại giống như ở các nước khác trên thế giới. Nói chung hiện tượng đó là bình thường và tự nhiên. Nhưng có sự mất mát: đó là cái phong cách mà vì nó khán giả của nhiều nước trên thế giới yêu mến và đánh giá cao điện ảnh Việt Nam nay đã mất đi. Trước kia đó là những bộ phim bất kể thể lọai gì đều mang trong mình tinh thần ái quốc.

Được biết anh đang nghiên cứu điện ảnh Việt Nam thời kỳ trước năm 1945. Xin anh cho biết tại sao anh lại quan tâm đến giai đoạn này? Công trình này anh đã hoàn thành chưa và có ý định sẽ công bố ở đâu chưa?

Tôi quan tâm đến thời kỳ đầu thế kỷ XX vì chính lúc đó Việt Nam, xã hội Việt Nam bước vào con đường cách tân, có những sự tiếp xúc văn hóa tích cực giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài. Có những tư tưởng mới đến với xã hội và văn hóa Việt Nam. Chính thời kỳ đó xuất hiện nền kịch nói hiện đại, mỹ thuật mới, nhiều thể loại văn học mới và cũng là lúc xuất hiện điện ảnh từ những trò giải trí đơn giản cho đến nghệ thuật đích thực. Với tư cách là một nhà nghiên cứu tôi muốn biết quá trình hình thành và phát triển của điện ảnh ở Việt Nam, con đường thoát khỏi sự lệ thuộc thuộc địa để có một diện mạo dân tộc. Tôi đã viết một vài bài báo về vấn đề này và đang thu thập tài liệu cho công việc tiếp theo.

Từ ngày Liên bang Xô viết tan rã, LHP Matxcova cũng không có mối liên hệ gì với nền điện ảnh Việt Nam. Anh có biết lý do tại sao? Xin anh cho biết sự quan tâm của khán giả Nga đối với các phim Việt Nam trước đây và trong tuần phim Việt Nam vừa được tổ chức ở Matxcova cách đây không lâu?

Sau khi Liên Xô tan rã quan hệ điện ảnh giữa hai nước chúng ta cũng thay đổi. Trước hết ở Nga bây giờ có đến vài Hội điện ảnh với những cương lĩnh và quan điểm sáng tác khác nhau, với những khả năng kinh tế khác nhau. Hiện nay mọi liên hệ trong điện ảnh giữa hai nước chủ yếu thực hiện qua Bộ văn hóa Việt Nam và Nga bằng việc tổ chức các tuần phim Việt Nam và Nga ở hai nước. Ngày nay ở Nga cũng như ở Việt Nam khán giả có nhiều sự lựa chọn, họ có thể xem phim ở rạp, qua truyền hình, internet hay qua báo hình. Dù sao điện ảnh Việt Nam vẫn có thể tìm được khán giả của mình ở Nga, muốn vậy phải có sự nỗ lực và một lòng mong muốn. Khán giả Nga bây giờ muốn biết Việt Nam đang sống và phát triển ra sao, người Việt Nam đang gặp những vấn đề gì trong cuộc sống cùng nhiều chuyện khác nữa...

mot gio voi nha viet nam hoc sokolov
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà Việt Nam học Sokolov trao đổi trong không khí thân tình.

Được biết, anh cũng là người theo rõi sát sao tình hình sáng tác văn học Việt Nam, giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Nga. Xin anh cho biết độc giả Nga nghĩ gì về nền văn học này? Họ đánh giá nó như thế nào?

Văn học Việt Nam hôm nay thực tế không được biết đến ở Nga. Như tôi đã nói nhờ sự hỗ trợ về tài chính của một vài doanh nhân người Việt nên vừa qua đã xuất bản được cuốn nhật ký của nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm và truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du bằng tiếng Nga. Trong khuôn khổ của chương trình dịch sách văn học từ tiếng nước ngoài sang tiếng Nga theo chỉ thị của Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đã xuất bản được hai cuốn sách Việt Nam: Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng và tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn đương đại Việt Nam.

Anh cho biết thêm về chương trình dịch các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Nga. Như anh nói Việt Nam có 2 cuốn. Hai cuốn này do Hội nhà văn Việt Nam đề xuất hay do phía Nga quyết định?

Tôi biết rất ít về chương trình này. Nhà dịch thuật kiêm nhà thơ Thúy Toàn chỉ đạo chương trình này tại Việt Nam và biết rõ mọi chi tiết. Các sách đó do các dịch giả Việt Nam dịch và được một nhà xuất bản ở Matxcova in. Tiếc rằng không rõ chúng được in với số lượng bao nhiêu và có thể tìm chúng ở đâu? Theo tôi phía Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để quảng bá văn học của mình ra bên ngoài như các nước Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc hay một nước nhỏ như Hungary đã làm. Dĩ nhiên cần phải lưu ý rằng ở Nga hiện nay việc xuất bản sách là của tư nhân, lấy mục đích thương mại là chính.

Anh cho biết đánh giá của anh về vai trò của Tự lực văn đoàn đối với văn hoc Việt Nam. Lý do tại sao trong một thời gian ngắn mà văn học thơ ca Việt Nam phát triển như vậy?

Như trên tôi đã nói, những thập kỷ đầu của thế kỷ XX xã hội và văn hóa Việt Nam phát triển rất có hiệu quả trong đó có văn học. Phong trào Tự lực văn đoàn đã để lại một dấu ấn rõ rệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong các tác phẩm của các nhà văn đó có sự tự do sáng tạo, có sự tìm tòi những hình thức nghệ thuật và lòng mong muốn không bó hẹp trong những khuôn khổ quen thuộc của văn học truyền thống. Các tác giả của Tự lực văn đoàn biết chiếm lĩnh nhanh chóng tình cảm của độc giả bởi vì họ suy nghĩ và sống đúng như thế hệ trẻ của nước họ. Ngoài ra cần lưu ý đến một sự thật là trong những điều kiện cách tân của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ nên văn học Việt Nam phát triển hết sức nhanh chóng, có thể nói với tốc độ hối hả…

Trong văn học Việt Nam giai đoạn nào anh quan tâm nhất, và vì sao?

Tôi rất quan tâm đến văn học Việt Nam hiện đại mặc dù khó đánh giá nó vì thiếu thông tin, thiếu sách. Trước đây mỗi lần sang Việt Nam tôi cố gắng mua thật nhiều sách, nhưng bây giờ những chuyến đi như vậy càng thưa dần. Các bạn Việt Nam đôi khi gửi cho tôi những tiểu thuyết và cuốn truyện mới xuất bản. Nhưng tạm thời tôi chưa thấy có tác phẩm nào đặc sắc trong văn học Việt Nam đương đại để có thể hấp dẫn các độc giả Nga. Tôi vẫn nghĩ trong văn học Việt Nam thể loại mạnh nhất là truyện ngắn. Do đó cần dịch và in cho đọc giả Nga trước hết là các tuyển tập truyện ngắn của các tác giả Việt Nam. Tôi hy vọng tình hình sẽ thay đổi và những mối liên hệ của chúng ta trong văn học cũng như điện ảnh sẽ trở nên năng động và hiệu quả hơn.

"Từ lần trước gặp anh tại LHP Matxcova năm 1997 đến nay vừa đúng 20 năm. Tôi rất mừng sau 20 năm gặp lại thấy anh vẫn khỏe mạnh, vẫn làm việc không mệt mỏi, không có gì thay đổi… lại được trò chuyện với anh về mọi chuyện liên quan đến điện ảnh và văn học Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng từng nói với tôi: Hiếm có người bạn Nga nào yêu mến và thủy chung với Việt Nam như anh Sokolov. Xin cám ơn Tôlia về những tình cảm đó. Cám ơn anh về cuộc trò chuyện hôm nay. Tôi còn muốn ngồi lâu hơn với anh nhưng đành phải chia tay vì còn phải trở về xem các phim trong chương trình phim Châu Á của Liên hoan phim Matxcova để chấm giải NETPAC (Giải của Mạng lưới xúc tiến điện ảnh Châu Á). Mong được gặp lại anh một ngày gần đây ở Matxcova hay ở Hà Nội!" - Đạo diễn Đặng Nhật Minh
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Liên hoan phim Matxcova 2017: Ấn tượng khó phai
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Ba nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên được trao tặng Huân chương Độc lập
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Hé lộ lý do thành công những bộ phim chiến tranh của NSND Đặng Nhật Minh
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Về một bộ phim không do nhà nước đặt hàng
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Vinh quang từ Amiens
mot gio voi nha viet nam hoc sokolov Thương nhớ đồng quê – Thương nhớ những thân phận người

Đạo diễn Đặng Nhật Minh