Ngọn cỏ gió đùa: Cái tình, cái nghĩa đậm chất Nam Bộ

(TGĐA Online) - Đây là một bộ phim mà anh khá tâm đắc trong gần 10 bộ phim mà đạo diễn - NSƯT Hồ Ngọc Xum chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Chính cái tình, cái nghĩa rất riêng của người dân Nam Bộ đã luôn là chất xúc tác để khơi nguồn cảm hứng cho anh thực hiện dòng phim này. Phim dài 45 tập, do TFS sản xuất phát sóng lúc 17g30 hàng ngày trên HTV9 từ ngày 04/8/2013.

Le_Van_Do_va_Lua

Câu chuyện xảy ra ở miền Nam, đầu thế kỷ 20, thời kỳ thế lực thực dân và tư tưởng phong kiến thống trị xã hội. Chính vì vậy mà thân phận người dân cứ như ngọn cỏ trước những cơn gió đùa. Tuy nhiên Ngọn cỏ gió đùa mà nhà văn Hồ Biểu Chánh xây dựng đã đạt đến tính triết lý nhân sinh sâu sắc, các nhân vật trong câu chuyện của ông phải ngập ngụa, chông chênh trên dòng đời khổ hạnh để cuối cùng tìm đến với con đường chính đạo và tỏa sáng nhân cách làm người.

Từ một làng quê nghèo bị nạn đói hoành hành. Để cứu gia đình, Lê Văn Đó (tuổi đôi mươi, thật thà, chất phác) đánh liều đột nhập nhà Bá Hộ Cao ăn cắp nồi cháo heo để cả nhà chống đói. Việc trộm thất bại, Đó bị kết án 10 năm tù. Không chịu nổi cảnh bất công, Đó vượt ngục, nhưng không thành, án chồng án, chung thân, đày đi Côn Đảo. Ở Côn Đảo, Đó làm quen với Dương Thể Hùng - một giang hồ hảo hớn tiếng tăm lừng lẫy. Cũng trong thời gian này Đó nhận được tin cô Lụa (hôn thê) bị Bá Hộ Cao làm nhục, đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Khi hay tin dữ, Đó và nhóm Thể Hùng tổ chức vượt ngục về đất liền nhằm hỏi tội Bá Hộ Cao. Cuộc vượt ngục thành công nhưng việc báo thù thì bất thành. Thể Hùng và Đó cùng vài huynh đệ khác trốn thoát trong sự truy bắt ráo riết của nhà cầm quyến. Một đêm mưa gió, Đó lạc vào một ngôi chùa trong tình trạng tồi tệ và được hòa thượng Chánh Tâm cứu sống. Nửa đêm, khi đã được ăn no, mặc ấm, Đó đánh cắp bộ bình trà quí bằng ngọc lựu của hòa thượng rồi bỏ trốn. Sáng hôm sau Đó bị bắt đưa trở lại chùa để hòa thượng Chánh Tâm xác nhận tang vật. Không ngờ hòa thượng bảo rằng, bộ bình trà chính do ông tặng cho Đó. Nghĩa cử này của hòa thượng đã đánh thức nhân tâm của Đó. Từ đó Đó biến thành con người khác hẳn. Được hòa thượng dạy dỗ và giúp vốn, Đó về Cần Đước mua trang trại, xây dưỡng đường nuôi người nghèo, cơ nhỡ (trong đó có vợ chồng Bá Hộ Cao bị phá sản). Đó lấy tên Chánh Tâm, trở thành một “quí ông”, nhân vật Đó, tên tù khổ sai vượt ngục đang bị truy nã gắt gao thì không còn ai biết.

MAI_PHUONG_vai_LUA_va_cha

Gắn với nhân vật Đó như hình với bóng là tên Đội Kỳ (giữa hai người có nhiều ân oán). Khi trở thành ông chủ Chánh Tâm, Đội Kỳ cũng ngờ ngợ đó chính là Lê Văn Đó, nhưng không dám làm gì vì các mối quan hệ của Chánh Tâm quá lớn. Dù vậy Đội Kỳ vẫn âm thầm theo dõi… Khi nhà cầm quyền thông báo đã bắt được tên Lê Văn Đó tù vượt ngục (bắt oan), Đội Kỳ mới thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên sau khi biết có người bị bắt oan và sẽ chịu tội thay mình, Chánh Tâm ăn không ngon, ngủ không yên... Cuối cùng thì ông phải hành xử như một con người ngay thẳng là đứng ra nhận mình chính là Lê Văn Đó- như hình ảnh một Jean Valjean (trong Những người khốn khổ), minh oan cho một người vô tội trước sự ngạc nhiên tột cùng của Đội Kỳ...

Bối cảnh của phim là một số tỉnh ở miền Tây và Đà Lạt gần như tái hiện được dấu ấn và thời gian xưa rất mộc mạc của tính cách và người dân Nam Bộ. Phim đong đầy những thông tin ý nghĩa để người xem càng hiểu thêm văn hóa xưa, con người xưa…qua diễn xuất khá tinh tế của dàn diễn viên đậm phong cách Nam Bộ.

Đạo diễn: NSƯT Hồ Ngọc Xum

Biên kịch: Võ Đắc Dự

Biên tập: Nguyễn Trọng Nghĩa

Giám đốc hình ảnh: NSƯT Bùi Vi Nghi

Họa sỹ thiết kế: Nguyễn Minh Đương

Âm nhạc: Ngọc Sơn

Diễn viên: Ngọc Hùng, Mai Phương, Trí Quang, Lê Quốc Nam,Thanh Hiền, Kim Huyền, Uyên Thảo, Phương Bằng, Thế Tâm…

Hồng Liên.