Ngọn đèn biển ấy không tắt

Chúng tôi sống giữa hai đèo

(TGĐA) - Trong những thập kỷ 50 – 60 – 70 của thế kỷ trước, điện ảnh tài liệu đã có nhiều đóng góp lớn vào thành tựu chung của điện ảnh Việt Nam. Góp vào những gương mặt của thế hệ các nhà điện ảnh tài liệu đó, bên cạnh lớp đàn anh đi trước còn có nhiều nhà làm phim tài liệu như: Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Xã Hội, Trần Quý Lục, Trần Thế Dân, Lưu Xuân Thư, Trần Văn Thuỷ, Đào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích, Lâm Quang Ngọc, Nguyễn Sỹ Chung…Mỗi người một vẻ, bằng tài năng và sức lực của mình họ đã làm ra những tác phẩm điện ảnh tài liệu phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Thế hệ ấy là thế hệ vàng của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Trong những nghệ sĩ làm nên thế hệ ấy có Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Thanh An.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh An sinh ngày 25/12/1934 tại làng Bích La Nam, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra trên một vùng đất hẹp, có nơi núi giáp biển, mùa đông lạnh giá, mùa hạ nóng bức, nắng cháy da với những cơn gió Lào. Bình - Trị - Thiên trở nên là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam. Người dân Quảng Trị vẫn thường hát về quê hương mình một cách bi thương nhưng cũng hài hước:

Ấm no thỉnh thoảng, đói nghèo thường xuyên…

Tuy nhiên, Bình - Trị - Thiên lại là vùng đất Địa linh nhân kiệt, với nhiều sự kiện lớn, đầy hào hùng và bi thương của dân tộc Việt.

NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh An


Gia đình ông là một trong những gia đình nghèo khó ở làng Bích La Nam. Mồ côi cha khi ông 6 tuổi, ông sống cùng mẹ và em gái 2 tuổi. Năm 16 tuổi mẹ lại ốm rồi mất, Thanh An cùng em gái nhỏ rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sớm nếm trải cuộc sống cơ hàn, Thanh An đã nhọc nhằn bươn chải thay cha mẹ nuôi em. Từ trong cùng cực của đau khổ, ông đã giác ngộ cách mạng để từ rất sớm, ở tuổi 16, cậu thiếu niên Thanh An đã lên đường tham gia Vệ quốc đoàn. Trong hàng ngũ của Sư đoàn 325, người chiến sĩ trẻ Thanh An đã đi hết cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trong sự đùm bọc yêu thương của nhân dân vùng đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Những năm tháng chiến đấu giải phóng đồng bằng khu Ba vô cùng ác liệt, gian khổ nhưng bộ đội ta vẫn luôn lạc quan yêu đời, xây dựng đời sống tinh thần bằng những tiết mục vui nhộn tự biên tự diễn về cuộc đời người chiến sĩ. Với khiếu hài hước và sự thông minh lanh lợi, Thanh An đã trở thành cây văn nghệ “cấp đại đội”.

Hoà bình lập lại, Sư đoàn 325 được thành lập Đoàn văn công không chuyên, Thanh An được điều về Đoàn và năm 1958, khi đang làm Trưởng đoàn văn công sư đoàn, ông được cử đi học tại Trường Nhạc Việt Nam, học kèn. Tại đây, được sự dìu dắt của các nghệ sĩ bậc thầy và các chuyên gia nổi tiếng của Liên Xô, ông đã tốt nghiệp loại ưu và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

Tháng 10/1964, trong đợt đi thực tế lao động sản xuất cuốc cỏ chè ở Thái Ninh (Phú Thọ) cùng các văn nghệ sỹ do Bộ Văn hoá tổ chức, Thanh An có dịp làm quen với đạo diễn điện ảnh Huy Vân. Tiếp xúc và nói chuyện, nhận thấy “thầy kèn” Thanh An có nhiều tư chất của một đạo diễn điện ảnh như trí nhớ tốt, hiểu biết khá sâu sắc về văn hoá, lịch sử, có khả năng quan sát, phân tích và khái quát các vấn đề, lại có cách tư duy khúc chiết mà cũng rất mềm dẻo, có trải nghiệm cuộc sống cùng nhiều cảm xúc nên cuối đợt thực tế, Huy Vân xui ông sang học đạo diễn điện ảnh.

Với nhiều dịp tiếp xúc khác trong quan hệ sáng tác của mình, điện ảnh đã có một hấp lực khiến ông thấy không thể thiếu nó trong cuộc đời nghệ thuật và đời sống tinh thần của mình. Năm 1965 Thanh An đăng kí thi vào Trường Điện ảnh Việt Nam, khoá điện ảnh đặc biệt – Khóa Chống Mỹ cứu nước. Khóa học này có 28 người đầu đơn mà nhiều người trong số họ đã giữ những vị trí đáng trân trọng trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đó là những Trần Văn Thuỷ, Đào Trọng Khánh, Xuân Sơn, Sỹ Chung, Lâm Quang Ngọc…

NSND - Đạo diễn Thanh An trong một lần tới thăm Văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam
NSND - Đạo diễn Thanh An trong một lần tới thăm Văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam


Sau 2 năm học, tôt nghiệp loai giỏi, ông về làm việc tại Xí nghiệp phim Tài liệu - Thời sự Việt Nam, nay là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Năm 1989 ông được anh em Hội viên bầu vào Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, giữ cương vị Phó Tổng thư kí thường trực 2 khóa (1989 – 1995 và 1995 – 2000). Năm 1994 ông được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và năm 2001 được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân. Ông về hưu ở tuổi 71.

Trong 23 năm công tác tại Hãng phim Tài liệu đầu đàn này, Thanh An đã thể hiện mình như một nghệ sĩ đa tài. Khi ông là đạo diễn của những bộ phim tài liệu nhựa lớn, khi là tác giả kịch bản, viết lời bình, khi là cố vấn nghệ thuật, là biên tập phim, biên tập nhạc cho hàng trăm bộ phim tài liệu, thời sự…Một đời làm nghệ thuật, Thanh An đã có một gia tài trên 60 tác phẩm, phim dài nhất 9 cuốn, phim ngắn nhất 1 cuốn. Một con số thật thuyết phục.

Gắn bó tự thân với hiện thực đời sống và số phận của đất nước, dân tộc, Điện ảnh Tài liệu cách mạng đòi hỏi người nghệ sĩ cũng đồng thời là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá với ý thức sâu sắc về trách nhiệm công dân của mình trước đất nước, dân tộc và thời đại. Chúng ta có thể thấy sự kết hợp hài hòa ấy trong cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của NSND Thanh An, một trong những nhà làm phim tài liệu tiêu biểu. Bằng sự mẫn cảm của người sáng tác, sự thẩm thấu cẩn trọng chất liệu qua những tầng sâu tri thức và trải nghiệm sống phong phú, với khả năng tư duy khúc chiết và trí nhớ đặc biệt…đạo diễn Thanh An đã sáng tạo nên nhiều bộ phim tài liệu phản ánh sinh động hiện thực cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước của nhân dân ta trong thời kì chiến tranh, sự trăn trở đi lên và hướng thiện của con người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh khốc liệt. Những bộ phim tài liệu của ông được đánh giá cao về nội dung đề tài và nghệ thuật thể hiện trong thời kỳ này là Ngọn đèn cửa biển ( Cúp Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Á – Phi, Phnôm Pênh năm 1969, Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973 ); Vì độc lập tự do được thực hiện năm 1970 chào mừng 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Chúng em học đàn; Những bài ca từ chiến hào ( Giải Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3, 1975 ); Ước mơ về cây đay ( Giải BGK Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6, năm 1983 ); Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn; Hát Quan họ ( Bằng khen Hội Điện ảnh năm 1988 ) và Bài học về một con người ( Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8, năm 1988 ). Năm 1998 ông tham gia Hội thảo tại Mỹ với chủ đề “Cuộc chiến tranh Việt Mỹ và những hậu quả xã hội của nó”. Tại đây đã chiếu 2 bộ phim của ông: Ngọn đèn cửa biển Chúng em học đàn. Những khán giả Mỹ rất cảm động, Đài truyền hình Mỹ đã phỏng vấn đạo diễn và phát cả 2 phim đó trên truyền hình. Sau khi xem Chúng em học đàn, với cảm xúc của mình, Giám đốc Trung tâm Uyliam Joine là nhà thơ Kevin Bowen đã làm một bài thơ với tựa đề Thiên tài để ca ngợi những trẻ em Việt Nam được đào tạo âm nhạc trong bom đạn.

Năm 1989, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ III đã bầu đạo diễn Nguyễn Thanh An vào Ban Chấp hành Trung ương Hội và từ thời gian này ông chuyển sang chuyên trách công tác Hội với chức trách Phó Tổng thư ký thường trực trong 2 nhiệm kỳ, năm 1996 kiêm thêm Tổng Biên tập tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh. Đạo diễn Thanh An đã hết lòng hết sức với công tác Hội, góp phần tích cực để Hội trở nên mái nhà chung ấm cúng của anh chị em nghệ sĩ, cán bộ là hội viên. Phát huy vốn hiểu biết chuyên môn sâu sắc và rộng về các vấn đề kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hoá, xã hội, thời cuộc, với tư duy sắc sảo và khả năng lập luận thuyết phục, ông đã có nhiều đóng góp làm chuyển biến công tác Hội, đặc biệt trong việc cùng Ban Thư ký Hội tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách chấn hưng và phát triển nền điện ảnh dân tộc…qua đó làm nâng cao vị thế và uy tín của Hội.

Dù bận bịu công tác quản lý Hội, thời gian này ông vẫn làm phim tuy có ít hơn nhưng hai phim lớn ông thực hiện là những phim đã gặt hái những thành công mới. Phim Hồ Chi Minh với Trung Quốc: Giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11, năm 1996; Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam; Giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Phim 300 năm Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh: Giải Bông sen Bạc, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12, năm 1999; Giải B Hội Điện ảnh Việt Nam.

NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh An
NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh An

Từ một thiếu niên mồ côi, Thanh An tham gia Vệ quốc đoàn và trở thành anh bộ đội cụ Hồ. Với nỗ lực của mình, cùng sự giúp đỡ của nhiều người, ông trở thành “anh bộ đội làm nghệ thuật”, giảng viên của Trường Nhạc Việt Nam. Với tình yêu và đam mê điện ảnh, Thanh An chuyển sang học đạo diễn và là một trong số ít những đạo diễn phim tài liệu trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc.

Là người thông minh với trí nhớ rất tốt, đạo diễn Thanh An là người giỏi phát hiện vấn đề, lập ý nhanh. Không chỉ thông minh, sắc sảo với những hiểu biết về xã hội và nghề nghiệp, ông còn là người có quan niệm rõ ràng trong sáng tác. Và như trong cuốn “Nhà làm phim tài liệu Thanh An”, tác giả - đạo diễn Hoàng Trần Doãn đã nhận xét: “Cũng phải nhận rằng phim của Thanh An chưa khúc chiết bằng phim của Xã Hội, không giầu chất thơ như phim của Đào Trọng Khánh. Bản thân Thanh An không kiên nhẫn như Lê Mạnh Thích, không có tài thu thập ý rồi cấu tứ, nâng cao và cấu trúc thành chương hồi như Trần Văn Thủy, nhưng phim của ông chân thực, giầu cảm xúc, nhân ái và có nhiều giai điệu đẹp của âm nhạc.”

Đầu những năm 80 ấy, chúng tôi như những đứa trẻ ùa về Hãng phim Tài liệu sau những năm tháng học trong trường Sân khấu và Điện ảnh.. Cũng thật may mắn cho chúng tôi khi được tiếp nối với một thế hệ vàng của Điện ảnh Tài liệu Việt Nam. Mỗi người mỗi tính cách nhưng đạo diễn Thanh An luôn là tâm điểm cho đám trẻ chúng tôi quây quần. Vào nghề cũng rất hồn nhiên, làm nghề cũng rất hồn nhiên, sức lao động thì không ai bì kịp. Ông có thể thức suốt đêm này tới đêm khác để viết lời bình cho những phim chính luận lớn. Và ông cũng rất “mải chơi”. Dù đang bận vội đến đâu nhưng ai cần bàn dựng ông nhường ngay, nhường ngay để lại có thời gian ngồi tán chuyện, những cuộc chuyện trò như không bao giờ dứt bởi chuyện của ông thường rất vui và hấp dẫn người nghe một cách kì lạ.

Tôi có cái may mắn là được làm với ông nhiều phim với tư cách quay phim. Cũng bởi vậy những quan niệm về sáng tác của ông trong phim tài liệu đã ảnh hưởng sâu trong tôi. Ông thường nói với chúng tôi: Phim truyện và phim tài liệu luôn tồn tại song song, một cái lấy tính chân thực làm trọng, một cái lấy cái tứ của sự hư cấu làm trọng. Cả hai loại hình đó thường xuyên bổ xung cho nhau là phim truyện luôn luôn học cách miêu tả cuộc sống một cách chân thực của phim tài liệu. Còn phim tài liệu luôn học cách miêu tả cuộc sống một cách khúc chiết của phim truyện…Ông còn đưa ra quan niệm: Đối với những người làm phim tài liệu, trước tiên phải có bản lĩnh, có bản lĩnh rồi mới đến tri thức và tài năng. Nhiều tác phẩm của ông đã mang đến cho người xem sự đồng cảm của ông trước sự thật, trước cuộc sống. Có lẽ đó chính là bản chất của điện ảnh tài liệu và những sự thật của ông đã tạo nên sự thống nhất trong nhận thức.

Với khả năng phát hiện vấn đề rất tốt nhưng những phim ông làm với những vấn đề ông đặt ra chưa bộc lộ được hết những điều ông đã nghĩ nhưng vẫn phải ghi nhận rằng, phim của ông là những bộ phim có giọng điệu riêng, dấu ấn tác giả thể hiện rất rõ mà nổi trội nhất đó là lối phản ánh chân thực cuộc sống theo cảm quan tinh tế của người nghệ sĩ vốn nhân hậu, trung thực và đắm say với nghề.

Nhớ lại hai năm học đạo diễn, Thanh An dành nhiều thời gian đi thực tế ở những nơi đầu sóng ngọn gió. Bài tập tốt nghiệp ông quay bằng phim 16mm nói về đảo đèn Long Châu, một cây đèn biển huyền thoại trong những năm đánh Mỹ. Với tác phẩm – bài tập tốt nghiệp đầu tay này Thanh An đã được Hội đồng chấm thi cấp bằng “loại ưu”. Những chất liệu ghi được về đảo đèn Long Châu và những cảm xúc đầu tiên ấy của ông sau này giúp ông sáng tạo tiếp thành bộ phim tài liệu lớn đầu tay và mang về những vinh quang đầu tiên, bộ phim có tựa đề Ngọn đèn cửa biển.

Ngọn đèn biển ấy đã sáng và sáng mãi, không bao giờ tắt.



Nguyễn Thước (5.2011)