Người nổi tiếng và những cú sốc... tình bạn

Chuyện đôi bạn họ Trịnh

Thấy mặt của bạn nhọ, lẽ thông thường ai cũng bảo "Mày lau mặt đi, ở đây này. Hay để tao lau cho!". Nếu không, sẽ chỉ có mình và bạn mình biết nhọ thế nào, yên chuyện.


Với người nổi tiếng, chẳng may thân thể, mặt mày lấm lem mà bạn không thủ thỉ "cậu có nhọ" hay giúp bạn lau đi bằng cách nay hay cách khác, có khi lại trở thành một "xì - căng - đan" to đùng trong thiên hạ.

Trịnh Công Sơn cùng các họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung và nhạc sĩ Văn Cao (năm 1987)

Có lẽlường trước những phản ứng dữ dội từ dư luận nên họa sĩ Trịnh Cung đã mào đầu khi viết bài gây sốc "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị", rằng: "Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá".

Nhiều người ưa suy xét chuyện tư cách, đạo đức để đánh giá con người thay vì nhìn vào sản phẩm lao động để đánh giá tài năng có thể vẫn sẽ nói: Ông Trịnh Cung đã "chôn" suốt 30 năm sao không "chôn" luôn cho chặt. Nay người cũ đã về với bao la thì nói ra những điều đó, nếu có, có thay đổi được không? (Trong khi đó, sau "cú sốc" của bài viết kia, một số người trong cuộc, những nhân chứng được nêu đã chính thức lên tiếng phủ nhận hoặc khẳng định là không chính xác).

Với những người suy xét lý tính hơn, nghe câu chuyện này, sẽ bảo rằng: không thể nhìn vào đây để đánh giá về đạo đức, tư cách của hai người bạn mà hãy nhìn cách ông ta sống, việc ông ta làm suốt bao năm. Người ta chỉ xét xem liệu kết quả cuối cùng của câu chuyện về "tham vọng chính trị" được kể ra ấy sẽ đem đến tác dụng gì, cho ai - người viết, người "bị" nhắc đến tên, bạn đọc hay rút cuộc chỉ là những hiệu ứng xấu cho tất cả các phía?

Việc ông họa sĩ, vì tình cảm trước đây, từng lấy tên hiệu của mình là Trịnh Cung từ tên thật là Nguyễn Văn Liễu không phải là chi tiết quá hệ trọng để quy kết về tư cách, vì chuyện gì ra chuyện đó. Còn Trịnh Công Sơn, để trở thành nhạc sĩ thực sự sống trong lòng bao người như hôm nay thì chắc chắn đã trải qua bao chông gai, nhọc nhằn, với đủ hỉ nộ ái ố cuộc đời. Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn được nghe nói về mình - cả khen và chê - chắc cũng chỉ cười xòa (?).

Người nhà cố nhạc sĩ, trong thực tế, cũng đã bộc lộ thái độ không quá gay gắt kiểu "Ai bảo ông chê anh tôi xấu?!" khi trong một cuộc phỏng vấn, cô Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của tác giả "Hãy yêu nhau đi" nói: "Cuộc sống và tác phẩm âm nhạc của anh Sơn đã nói lên tất cả. Viết bài về một người bạn đã qua đời, gia đình nghĩ nên để quý khán giả tự phán đoán".

Khi những mối thâm tình được kể

Mối quan hệ thân tình giữa nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Vân Long (Ảnh: Tiền Phong)

Không phải với những người nổi tiếng, bậc vĩ nhân đã qua đời thì những câu chuyện về họ không được sưu tập và kể lại. Ví như giáo sư văn học nọ trong cuốn hồi ký của mình vẫn vạch áo cho mọi người xem... những chuyện trần trụi đến giật mình về các văn nhân, nghệ sĩ bạn mình, đã... khuất từ lâu rồi! Có người cho rằng đó là hành động vừa "hạ bệ thần tượng" vừa tự... "vuốt ve bản thân".

Nhà văn Tô Hoài trong những cuốn như "Cát bụi chân ai", "Tự truyện", "Chiều chiều"... cũng lột tả không ít chuyện thâm cung bí sử của những nhà văn, nhà thơ có người nay đã mất. Qua đó, độc giả có thêm góc nhìn về chân dung văn học của họ.

Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa qua cuốn "Chân dung và đối thoại" gây xôn xao một dạo đã phác họa chân dung đời thường, những chi tiết "hậu trường" mà chỉ khi là bạn bè thân thiết của nhau mới "tóm" được. Còn diễn viên Lê Vân đã từng đưa không ít liều "thuốc đắng" vào cuốn tự truyện "Lê Vân - yêu và sống", trong đó có cả phơi bày bản thân và chuyện gia đình. Chỉ khác là Trần Đăng Khoa, Lê Vân kể chuyện khi những nhân vật được kể đều có thể suy xét, lắng nghe và đủ điều kiện đồng tình hay phản bác.

Những người bạn nổi tiếng chơi với nhau và "phác họa chân dung" của nhau có tác dụng như một tài liệu tham khảo về những người có ảnh hưởng rộng đến xã hội. "Sự thật" ở đây được nhìn dưới lăng kính của một người và những gì được kể hoàn toàn có thể được "tô hồng" hay "bôi đen".

Điều khiến dư luận xửng sốt, xôn xao khi những mối quan hệ thâm tình được đem ra kể chỉ là do người ta vẫn quen nghĩ lâu nay đã là bạn bè thì lẽ thường tình, người ta xức nước hoa, "make - up" cho nhau thay vì bôi thêm mày vẽ thêm ria lên mặt nhau.

Khi điều bất thường xảy ra thì chắc chắn rằng người kể hoặc là dũng cảm, hoặc là... cần có những câu chuyện truyền kỳ để kể và không thể thiếu vắng những căn nguyên sâu xa của nó. Thông tin một chiều như thế đặt công chúng đứng giữa giữa lằn ranh đúng - sai mỏng manh bất định.

Giới showbiz: "bạn" hay "bè"?

Những trò chơi tập thể đầy tình thần... đoàn kết trong Ngày hội Ca sĩ Singer"s Day

Từ câu chuyện tình bạn giữa Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn lại nhớ đến bao nghệ sĩ, ca sĩ hàng "sao" lâu nay đã đem nhiều câu chuyện về mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp giữa mình với người anh, người bạn, người thầy và cả người tình Trịnh Công Sơn ra kể.

Có những mối quan hệ dễ gây tò mò nhưng khó kiểm chứng vẫn bị đặt một dấu hỏi to đùng bên cạnh, có phải là "thấy người sang bắt quàng làm họ" mà chẳng quan tâm đến điều quan trọng hơn là những người đó hát bài của nhạc sĩ họ Trịnh có hay không, có thể hiện được cái tình như những câu chuyện họ kể.

Cũng có những người làm bạn cùng người nổi tiếng, cùng xây dựng một mối quan hệ thân thiết, gắn bó như tri âm - tri kỷ, là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhau. Dẫu vậy, họ giữ mối quan hệ đó rất âm thầm, ít khi nói ra và họ chỉ "bắc loa" khi cần làm chứng, góp ý thẳng điều đúng - sai, hay - dở hoặc minh định cho lúc có "xì - căng - đan" to, nhỏ.

Kết quả của tình bạn giữa người nổi tiếng trong giới show-biz là nhiều khi tạo nên những êkíp, những ban - nhóm... có thể đi chung một chặng đường dài và cũng có thể sớm đường ai nấy đi, từ "bạn" chỉ còn là "bè", phân thành phe cánh.

Thế nên, những "ngôi sao" có lẽ sẽ vất vả hơn "người thường" trong việc gạt bỏ tị hiềm, để cùng giữ gìn tình bằng hữu, tình đồng nghiệp tốt đẹp dành cho nhau, sao cho gây thiện cảm nhiều hơn trước công chúng.

TheoTuần Việt Nam