Người quay phim trên núi Đăk Sao

(TGĐA) - Năm 1971, bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao do NSND Trần Thế Dân biên kịch và đạo diễn đã mang vinh dự về cho điện ảnh tài liệu Việt Nam với giải thưởng Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Mát-xcơ-va và đây là lần thứ 2 điện ảnh tài liệu Việt Nam mang vinh dự này về cho đất nước. Sau đó, phim tiếp tục đoạt Bông sen vàng Giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần 2 (giai đoạn 1969 - 1972). Góp phần cho sự thành công của bộ phim này là những hình ảnh chân thực, sống động của nhà quay phim Kpar Y Vang - nguyên là phóng viên quay phim chiến trường công tác tại Điện ảnh Khu V những năm chống Mỹ cứu nước...

Vang_tr_li_cn_c_in_nh_K5_trong_chng_M_cng_ng_nghip__nh_Thanh_Hng_1123

Như con chim về núi...

NSND Trần Thế Dân nói rằng rừng đối với Y Vang rất quan trọng, ông luôn nhớ rừng. Sau ngày quê hương giải phóng, ông quay phim ở Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Khánh. Tái lập tỉnh Phú Yên năm 1989, ông làm công tác văn hóa một thời gian ở TP. Tuy Hòa rồi trở về với buôn làng sinh sống với đồng bào Ê đê tại xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhưng nỗi nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp luôn như một ám ảnh trong ông. Mỗi lần gặp anh em làm truyền hình ở tỉnh, ở huyện đến, ông lại hỏi thăm về những đồng chí, đồng nghiệp đã từng vào sinh ra tử để có được những thước phim tư liệu quí giá cho lịch sử điện ảnh tài liệu nước nhà.

Có một vùng đất mà mấy chục năm qua, Kpar Y Vang luôn đau đáu muốn một lần được trở lại. Đó là huyện 40 trong kháng chiến, bây giờ là huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Đó là nơi mà ông cùng NSND Trần Thế Dân làm nên bộ phim tài liệu nổi tiếng Những người săn thú trên núi Đak Sao. Ở đó, có những nhân vật trong phim của ông, những chiến sĩ trong Tổ du kích A Cứu, những người dân Đăk Sao đã cưu mang ông cùng đồng nghiệp trong những ngày tháng làm nên bộ phim lịch sử…

Kpa_Y_Vang

Bộ phim như một huyền thoại...

Kpar Y Vang kể lại: cơ duyên để ông cùng NSND Trần Thế Dân làm bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao là trong một lần đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua tại tỉnh Kon Tum, 2 ông nghe được câu chuyện về thành tích tổ du kích A Cứu bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Thế là 2 ông quyết định đến cho bằng được Đăk Sao để gặp gỡ những con người làm nên huyền thoại ấy...

Tu Mơ Rông là vùng thượng nguồn sông Ba, con sông lớn nhất miền Trung với núi non điệp trùng, dốc cao, thác sâu. Vượt qua nhiều ngọn núi dựng đứng, lúc nào NSND Trần Thế Dân cũng có cảm giác nhà quay phim Kpar Y Vang đang đạp trên đầu mình mới có thể tiến lên được nơi tổ du kích A Cứu có mặt. Đến 3-4 giờ chiều, họ mới tiếp cận được vị trí tổ du kích A Cứu đang đóng quân. Đúng lúc đó, 3 máy bay Mỹ ầm ầm quay về Đăk Sao sau một ngày oanh tạc đâu đó trên chiến trường Tây Nguyên. Lần đầu tiên NSND Trần Thế Dân và nhà quay phim Kpa Y Vang nhìn thấy máy bay giặc từ trên cao xuống, vị trí nó bay chỉ ngang sườn đồi, thấy rõ màu sơn xanh lá cỏ với những vệt rằn ri, khác với những lần trước dù nhìn bằng mắt hay nhìn qua ống kính máy quay từ dưới đất lên bầu trời, máy bay chỉ là một khối màu đen. Cũng vừa lúc đó, 2 ông nhìn về hướng Tây thì thấy mặt trời khổng lồ đỏ rực như quả cầu lửa vừa chen núi. NSND Trần Thế Dân nghĩ ngay đến hình ảnh Đăm San đi tìm Nữ thần Mặt trời và liên tưởng đến sức mạnh dịu kỳ của người dân Tây Nguyên. Ông nghĩ rằng để đi đến hạnh phúc của mình, người Tây nguyên không biết còn bao nhiêu lần nữa phải "đạp cho được con châu chấu voi, con ma thần tướng, con giặc nhà trời…". Thế là ý tưởng cho bộ phim được hình thành với tên gọi ban đầu ĐĂM SAN ĐI TÌM NỮ THẦN MẶT TRỜI.

Vang_tr_li_cn_c_in_nh_K5_trong_chng_M_cng_ng_nghip__nh_Thanh_Hng_

Kpar Y Vang trở lại căn cứ Điện ảnh K5 trong chống Mỹ cùng đồng nghiệp

Những hình ảnh biết nói...

Khi Mỹ ngụy mới dùng trực thăng oanh tạc Tây nguyên, nhiều già làng Ê đê đã dùng những chiếc nỏ rất lớn, ngồi trên đất dùng chân đạp, sải cánh cung rồi bắn máy bay. Bắn không được, họ trèo lên đọt cây cao bắn, hết mũi tên, người trên cây dùng búi tóc hứng lấy mũi tên một người dưới đất bắn lên để tiếp tục bắn máy bay địch. Một Xã đội trưởng ở Đăk Sao đả phá tư tưởng sợ máy bay Mỹ bằng một cách so sánh rất dễ hiểu: ông dùng cọc trỉa lỗ, rồi vãi ngô xuống mặt đất nhưng không mấy hạt rơi trúng vào lỗ thủng đã trỉa. Ông nói như đinh đóng cột, máy bay giặc còn oanh tạc, đồng bào cứ đào hầm trú ẩn thì sẽ tránh được đạn bom. Trường đoạn này trong phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao được Trung tướng Trần Độ, một nhà chính trị, quân sự Việt Nam bấy giờ yêu cầu chiếu đi chiếu lại nhiều lần khắp Tây nguyên để biểu dương tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây nguyên một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, sử dụng vũ khí thô sơ nhưng dám đối đầu với vũ khí hiện đại, dám đánh Mỹ và tin tưởng sẽ có ngày chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Hai nhà làm phim tài liệu kể lại: bấy giờ nguồn phim rất hạn chế, chủ yếu là để dành quay các trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Mấy tháng trời cùng ăn, cùng ở với tổ du kích A Cứu, hai nhà làm phim cũng đã ghi được nhiều hình ảnh quan trọng. Để có những hình ảnh chân thật, họ đã cùng Tổ du kích A Cứu đốt lửa tại một khu đồi trống, nấu cơm ban ngày – điều cấm kỵ trong chiến tranh - để “nhử” máy bay Mỹ đến, để có được những cảnh quay máy bay oanh tạc chân thật, sống động. NSND Trần Thế Dân cũng như nhiều đồng nghiệp Điện ảnh K5 đều công nhận nhà quay phim Kpar Y Vang có tài trèo cây, và bơi lặn như một con rái, từ bên này suối lặn sang bên kia suối, 2 tay ông có thể bắt được ngay 2 con cá, miệng còn ngậm thêm một con. NSND Trần Thế Dân nói những ngày làm phim với Kpar Y Vang là những ngày ông được ăn ngon miệng nhất nhờ tài săn bắt của Kpa Y Vang. NSND Trần Thế Dân bị nặng một tai, khó định hướng được đường đi nước bước mỗi lần có bom rơi, đạn nổ. Kpa Y Vang như cái tai thứ 2 cho ông. Chính vì thế, tình đồng chí, đồng nghiệp giữa 2 con người này như một sợi dây bền chặt, luôn gắn bó, khăng khít bên nhau. Và tất nhiên, bất kỳ cảnh quay nào đạo diễn yêu cầu, quay phim đều cố gắng thể hiện cho bằng được.

NSND_Trn_Th_Dn_v_Gii_thng_ca_b_phim_ca_2_ng__nh_Thanh_Hng_

NSND Trần Thế Dân và Giải thưởng của bộ phim

NSND_Nguyn_Thc_NSUT_Vng_Khnh_Lung_thm_nh_Y_Vang__nh_Thanh_Hng_

NSND Nguyễn Thước (ngoài cùng bên phải), NSƯT Vương Khánh Luông (ngoài cùng bên trái) thăm nhà Y Vang

Trở lại K5 ...

Sau 40 năm giải phóng miền Nam, nhờ những đồng nghiệp của Điện ảnh K5, nhà quay phim Kpa Y Vang mới có dịp trở lại căn cứ Nước Oa, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi đóng đô của các binh chủng thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5, trong đó có Điện ảnh K5. Còn nếu tính từ khi 2 tác giả hoàn thành bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao cho đến bây giờ thì đã gần một phần hai thế kỷ Kpa Y Vang mới trở lại vùng đất ông đã có những ngày tháng đồng cam cộng khổ với đồng chí đồng nghiệp. Có một điều ít ai ngờ, đây là lần đầu tiên Kpa Y Vang được xem trọn vẹn đứa con tinh thần của mình nhờ các đồng nghiệp mang từ Hà Nội vào. Vì những năm tháng chiến tranh, phần lớn phim quay xong phải đưa ra miền Bắc in tráng, dựng. Người quay phim ít được biết hình hài đứa con tinh thần của mình như thế nào, chỉ biết quay, quay để phục vụ nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ, quay càng nhiều hình ảnh cuộc chiến tranh ác liệt đang diễn ra tại miền Nam cho đồng bào miền Bắc, bạn bè quốc tế xem càng nhiều càng tốt.

Nhng_ngi_sn_th_trn_ni_ak_Sao

Xem Những người săn thú trên núi Đăk Sao, người xem dễ dàng cảm nhận được quyết tâm đánh giặc bằng vũ khí thô sơ, cái chất hào sảng và chất lãng mạng của người dân Tây Nguyên khi họ đã là người chiến thắng. Cánh máy bay Mỹ được dùng làm bảng cho học sinh viết chữ. Những câu thơ Máy bay thằng Mỹ rớt rồi, Rừng em lại thắm khung trời lại xanh đã một thời vang lên giữa núi rừng Kon Tum. Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, những nghi lễ truyền thống của đồng bào Đăk Sao vẫn được tổ chức. Nhưng thay vì những ché rượu cần, chất quanh cây nêu là xác của chiếc máy bay được bà con xem như một phẩm vật trong ngày hội mừng chiến thắng của làng... Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi xưa nay, hễ khi nào săn được con thú trong rừng, đồng bào Tây nguyên đều lấy xương găm quanh mái nhà, lấy đầu thú xếp ngay trong nhà như những chiến lợi phẩm. Những năm tháng chiến tranh có khác đi là xen với đầu thú, chính là những chiếc mũ sắt của lính Mỹ.

Nhng_ngi_sn_th_trn_ni_ak_Sao1

Phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao

Sau 10 ngày dựng xong, các tác giả vẫn không hài lòng vì phim thiếu nhiều cảnh dữ dội của chiến tranh. Thế là từ tên ban đầu Đăm San đi tìm nữ thần mặt trời, NSND Trần Thế Dân đã đổi tên phim thành Những người săn thú trên núi Đăk Sao. Trước khi được Bộ Văn hóa quyết định đưa bộ phim tham dự liên hoan phim quốc tế, có ý kiến cho rằng phim có nhiều hình ảnh lạc hậu. Nhưng cũng có ý kiến rằng: nhân vật trong phim tuy lạc hậu, đóng khố mà bắn rơi may bay Mỹ thì anh hùng rồi. Và chính cái chân chất của Tây Nguyên, những người làm phim đã thể hiện được sự lãng mạng, huyền thoại của những người chân trần đóng khố, chuyển đến bạn bè quốc tế một thông điệp rằng: người Tây Nguyên dám đánh Mỹ và thắng Mỹ dù vũ khí còn thô sơ, và chính điều đó đã mang lại chiếc huy chương vàng danh giá cho bộ phim. Những năm tháng công tác ở K5 Y Vang còn một kỷ niệm không thể nào quên là vinh dự được đồng hành cùng đoàn xe chở gỗ của đồng bào miền Nam, miền Trung gửi tặng để xây dựng lăng Bác khi Người qua đời. Trong số 106 anh em làm điện ảnh ở K5 ngày ấy, có tới 12 người ngã xuống ngoài chiến trường và trên các nẻo đường miền Trung khói lửa, không có ngày trở về, gặp lại người thân, đồng chí đồng nghiệp. Nhiều người đã cống hiến một phần xương máu và cơ thể của mình hoặc bị tàn phế suốt đời vì sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp điện ảnh Việt Nam nói riêng.

Kpa_Y_Vang_tr_li_phng_vn_VTV

Kpar Y Vang trả lời phỏng vấn VTV

Lại về với buôn làng...

Sau những ngày vui cùng đồng nghiệp tại Quảng Nam, nhà quay phim Kpa Y Vang lại trở về núi rừng miền Tây Phú Yên với bao công việc còn dang dở. Người vợ chịu thương chịu khó của ông, suốt đời lo cho ông từng miếng ăn, tấm áo trong những năm tháng chồng công tác xa nhà giờ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dành dụm ít tiền, cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp điện ảnh K5, ông tổ chức lễ bỏ mả cho vợ theo tập quán của đồng bào Ê đê, cầu mong bà yên lòng nơi chín suối. Cũng nhờ sự giúp đỡ nhiều lần của các đồng nghiệp điện ảnh K5, Kpa Y Vang đã dành dụm được ít tiền mua con bò, làm cái giếng nước, mua chiếc máy bơm để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống... Nhìn người thợ đang đẽo những cái tượng nhà mồ cho vợ, ông chợt nhớ đến chuyến công tác đặc biệt khi Kpa Y Vang vinh dự được giao nhiệm vụ đi theo đoàn xe chở gỗ của đồng bào miền Trung ra xây dựng lăng Bác Hồ. Bao năm qua, ông vẫn giữ bên mình tấm thẻ tác nghiệp cho chuyến quay phim đặc biệt đó như một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời cầm máy. Kpa Y Vang còn ấp ủ thực hiện một bộ phim tài liệu Tấm lòng miền Trung với Bác Hồ nhưng vì nhiều lý do nên ước mơ không thành....

Không riêng Kpa Y Vang, mà còn nhiều, rất nhiều những ấp ủ, những ý tưởng cho các bộ phim tài liệu giàu tính chân thực của điện ảnh K5 đã không thành hiện thực. Nhưng với hàng chục vạn mét phim tư liệu vô giá ghi chép được bằng mồ hôi, trí tuệ, lòng quả cảm lẫn xương máu của các nhà quay phim Điện ảnh K5 về cuộc sống chân thực của quân và dân miền Trung Tây nguyên những năm chống Mỹ thì mãi mãi sẽ được lịch sử trân trọng, ghi nhớ. Những người săn thú trên núi Đăk Sao sẽ sống mãi và là niềm tự hào của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Những người quay phim trên núi Đăk Sao cũng sẽ được bạn bè, đồng nghiệp muôn đời ghi nhớ, tôn vinh. Bởi họ đã sống hết mình với nghề, sống thủy chung với đồng chí, đồng nghiệp dù cho hoàn cảnh như thế nào.

Trần Thanh Hưng

(Ảnh: Thanh Hưng, Hải Hưng VTV và VTV PY)