Nguyễn Như Phong – Nỗi niềm về những số phận

Cái duyên điện ảnh đã bén …

(TGĐA) - Nhà văn Nguyễn Như Phong, Phó tổng biên tập báo Công an nhân dân, phụ trách nội dung tờ Chuyên đề An ninh thế giới, tác giả kịch bản của loạt phim cảnh sát hình sự Cổ cồn trắng (2003), Bí mật những cuộc đời (2004), và vừa mới đây là Chạy án, trong đó kịch bản Bí mật những cuộc đời đã được trao giải B – Giải thưởng Văn học Vì an ninh tổ quốc 1999-2005.


Nhà văn Nguyễn Như Phong, Phó tổng biên tập báo Công an nhân dân, phụ trách nội dung tờ Chuyên đề An ninh thế giới, tác giả kịch bản của loạt phim cảnh sát hình sự Cổ cồn trắng (2003), Bí mật những cuộc đời (2004), và vừa mới đây là Chạy án, trong đó kịch bản Bí mật những cuộc đời đã được trao giải B – Giải thưởng Văn học Vì an ninh tổ quốc 1999-2005.

Nhà văn Nguyễn Như Phong

Như là một sự tình cờ, với một đề nghị nửa đùa nửa thật của biên tập Thuỳ Linh (phòng kịch bản của đài truyền hình Việt Nam), Nguyễn Như Phong đã dùng những vốn sống thực tế của mình trong lĩnh vực làm báo về mảng tội phạm để đưa vào các bộ phim tính gay cấn, sự tàn bạo và hơi thở dồn dập của những vụ án có thật. Nhưng nhìn lại khoảng ba chục năm về trước, mới thấy rằng cái duyên điện ảnh đã bén nơi chàng trai trẻ Nguyễn Như Phong (xin mạn phép được gọi nhà báo như vậy) đã từ rất lâu. Khi đó, thân phụ của Nguyễn Như Phong chơi thân với đạo diễn – NSND Huy Thành, và nhà báo của chúng ta đã đi theo đạo diễn Huy Thành làm công nhân ánh sáng, thư ký trường quay cho các bộ phim Vùng trời, Phía Bắc thủ đô. Những công việc cụ thể của việc đi theo đoàn phim lúc đó thực tế chỉ là nhắc diễn viên học thoại, hay ghi chép lại chi tiết từng cảnh quay, như chiếc áo diễn viên mặc màu gì, khuyên tai của diễn viên như thế nào, kim đồng hồ đeo tay đang chỉ số mấy, … khi dừng cảnh giúp cho đạo diễn không bị lệch “phô-rắc-co” (faute raccord). Nhưng người trợ lý cẩn thận và tỉ mẩn ấy đã được nhận xét là có khiếu làm sân khấu. Khi chuẩn bị tiếp tục đi theo bộ phim thứ ba Nguyễn Như Phong gia nhập quân ngũ và bỏ dở ước mơ thi vào khoa đạo diễn trường ĐH Sân Khấu - Điện ảnh.

Nhà văn Nguyễn Như Phong và cuộc gặp với tử tù Trần Nguyên Thủy

Nỗi đau của những cuộc gặp gỡ trong trại giam

Nhà báo Nguyễn Như Phong kể: Trong cuộc đời làm báo gần 30 năm của mình, tôi đã từng biết rất nhiều vụ án lớn như vụ Năm Cam, Mường Tè, Lã Thị Kim Oanh, Tân Trường Xanh, … Mỗi vụ án đều để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng nhưng tất cả tạo thành một cảm giác chung - đó là nỗi đau khi chứng kiến số phận những con người đã vì đồng tiền ma sa ngã để đánh mất chính cuộc đời mình.

Cụ thể trong vụ án Mường Tè, khi tôi vào trại giam để tiếp cận với Trần Hùng Sơn thì tôi nhận ra là tôi đã từng quen biết anh ta từ năm 1986. Khi đó Trần Hùng Sơn còn bán phở ở chợ Điện Biên. Đó là một lần tôi đi làm việc cùng với công an Điện Biên và được các đồng chí đưa đi ăn cơm. Tôi đã rất ấn tượng với một anh chủ quán có dáng người đậm chắc, hàm râu quai nón rậm và có vẻ ngoài như một diễn viên điện ảnh. Anh ta cũng biết tôi là người đã từng đi bộ lên Ngã ba biên giới nên bát phở làm cho tôi thường khá hơn những người khác. ở thời điểm những năm đó có được một bát phở, cho dù là phở thịt lợn chăng nữa thì cũng rất quí rồi. Cho đến năm 1998, khi vụ án Mường Tè bị phá, công an tỉnh Lai Châu bắt Trần Hùng Sơn, và khi gặp tôi trong trại giam, Sơn không nhận ra tôi, nhưng khi tôi nhắc lại chuyện năm 86 ở Điện Biên thì Sơn khóc và nói với một câu: “Giá như đời em cứ bán phở mãi như thế thì đã không đến nông nỗi như thế này”.

Vụ án Vũ Xuân Trường cũng là một vụ án gây cho tôi nhiều ấn tượng khi mà trong bảy đối tượng thi hành án thì tôi quen đến bốn người. Có những người như, như Vũ Phong Mã, đã từng cấp cho tôi từng phong lương khô khi tôi trên đường đi công tác ở Sơn La, như Bùi Danh Ca, cũng từng giúp đỡ tôi rất nhiều. Trên đường ra trường bắn, khi ấy là khoảng vào tháng 3, trời rất rét, Vũ Phong Mã có hỏi tôi một câu: “Anh có đi giày không, anh dùng tất sợi hay tất ni – lông, cho e xin đôi tất”. Tôi hỏi để làm gì thì anh ta nói là để cho người nhà khi mò xương là thấy luôn, đỡ phải tìm kiếm lâu. Tôi đã rất xúc động và không dám chứng kiến vụ xử bắn đó.

Lần thăm trại giam gần đây nhất là vụ án buôn ma tuý của Trần Nguyên Thuỷ vào năm 2005. Khi tôi vào trại giam để gặp Trần Nguyên Thủy thì thấy anh ra không bị khoá tay, khoá chân như những tử tù khác. Anh ta trông bình thường như là một người đang đi chơi vậy. Tôi có hỏi các cán bộ là làm sao lại như vậy vì những tử tù thường rất nguy hiểm và luôn tìm mọi cách để chạy trốn hoặc trả thù nên thường phải dùng các biện pháp để cảnh giác. Tôi đã nhận được câu trả lời rằng, Trần Nguyên Thuỷ giờ đây chỉ có một mong muốn là được chết sớm. Lương tâm anh ta đã thức tỉnh và tự anh cảm thấy rằng tội lỗi của mình chỉ có thể trả bằng cái chết. Khi tôi hỏi chuyện đời của Trần Nguyên Thuỷ thì anh ta đã khóc. Lúc đó anh ta còn hai đứa con trai, một đứa nghiện ma tuý coi như đã bỏ đi rồi. Trần Nguyên Thuỷ trao đứa con đó cho cán bộ công an trực tiếp chịu trách nhiệm hỏi cung anh ta để nhờ người cán bộ này cai quản. Có một trường hợp kỳ lạ là chi tiết này lại trùng hợp với chi tiết trong phim Bí mật những cuộc đời đã được chiếu trước đó hơn một năm. Khi phạm nhân Trần Hùng Lân được tin là bị án tử hình thì đã quỳ lạy trước người bạn công an của mình là Trần Quang Vũ và nói rằng: “Tao giao hết con cái cho mày trông nom, đây là tất cả những gì còn lại của tao”.

Trong căn phòng làm việc, vị nhà báo ngồi trầm ngâm lặng ngắm những chú cá vàng nhỏ xíu đang bơi vòng quanh trong bể cá kiểng. Không biết mấy chú cá kia có hiểu được những nỗi niềm của con người.

Tiểu Phương