Nhà văn Hà Phạm Phú: Phải có một quan niệm sáng tác sáng rõ

(TGĐA) - Vượt qua bến Thượng Hải dựng lại quãng đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) giai đoạn 1933-1934, khi Người từ Hồng Kông qua Ma Cao đến Thượng Hải để tìm đường đi Liên Xô, nối lại liên lạc với Quốc tế cộng sản. Đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Là một trong những tác giả chấp bút viết kịch bản cho bộ phim, nhà văn Hà Phạm Phú nhớ lại quãng thời gian nhiều kỷ niệm và đầy ý nghĩa khi cùng đồng nghiệp xây dựng thành công kịch bản phim Vượt qua bến Thượng Hải.

Din_vin_Minh_Hi_vai_Nguyn_i_Quc_trong_phim

Diễn viên Minh Hải vai Nguyễn Ái Quốc trong phim Vượt qua bến Thượng Hải

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là những trang lịch sử truyền kì nối tiếp nhau, rất đáng được khám phá. Dựng lại những trang hoạt động cách mạng của Người là khát khao sáng tạo của không ít văn nghệ sĩ. Đầu những năm 1990, nhà văn Hà Phạm Phú đã viết kịch bản tài liệu Bác Hồ ở Vân Nam, sau đó với sự hỗ trợ của Hãng phim dân tộc Vân Nam, sản xuất bộ phim này, từ đó ông cũng rút ra nhiều kinh nghiệm quí báu đồng thời tạo dựng được mối quan hệ hợp tác. Đó cũng là tiền đề để sau này, Hãng phim Hội Nhà văn hợp tác với Hãng phim Châu Giang thực hiện dự án phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông.

Ngay từ khi thiết kế dự án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, những người viết kịch bản đã nghĩ đến một sê-ri phim về cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc. Đề cương Vượt qua bến Thượng Hải (lúc đầu được mang tên Vượt qua ba bể) đã được hình thành. Sự thành công của phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã cho các tác giả niềm tin để hoàn thành đề cương chi tiết, trên cơ sở đó xúc tiến việc viết kịch bản phim Vượt qua bến Thượng Hải. Thực tế đó là một quá trình chuẩn bị lâu dài.

Hình tượng Bác Hồ luôn là đề tài lớn thôi thúc các nhà làm phim sáng tạo nhưng để thực hiện điều này cũng không hề đơn giản, làm thế nào để bộ phim thể hiện được chân thực, sinh động nhất hình ảnh giản dị nhưng rất đỗi cao quý của Người. Nhà văn Hà Phạm Phú kể rằng ông đã cùng đồng nghiệp dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu biên niên tiểu sử Nguyễn Ái Quốc, đọc lại những trang tư liệu, xem lại những bộ phim tài liệu và phim truyện về Người, cảm xúc đầu tiên ấy là sự khâm phục, kính trọng một con người. MỘT CON NGƯỜI được lịch sử lựa chọn, đào luyện thành một lãnh tụ thiên tài. Ở Nguyễn Ái Quốc nổi bật lên là lòng yêu nước nồng nàn, là trí tuệ trác việt, là sự am hiểu văn hóa ở tầm nhân loại. Người là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Copy_of_Copy_of_Ha_Pham_Phu

Nhà văn Hà Phạm Phú

Bắt tay viết kịch bản bộ phim này, các tác giả kịch bản đã bàn bạc, thống nhất xây dựng hình tượng Nguyễn Ái Quốc như MỘT CON NGƯỜI, cố gắng soi rọi từ nhiều góc nhìn: tình đồng chí, tình bạn, tình yêu cũng như trong các mối quan hệ với đồng bào, dân tộc, giai cấp, bạn bè quốc tế và kẻ thù.

Tiết lộ thêm một chi tiết, nhà văn Hà Phạm Phú kể rằng, sau vụ án Hồng Kông (phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông) Nguyễn Ái Quốc bị mất liên lạc với Quốc tế cộng sản, hoàn cảnh của Người vô cùng bi đát. Trong biên niên tiểu sử và các ghi chép về Người dường như bị bỏ trắng. Sự thiếu vắng đó lại là mảnh đất tốt cho điện ảnh khai phá. Đó cũng là lí do để ông cùng đồng nghiệp thiết kế kịch bản này.

Mặc dù đã rất tỉ mỉ, thận trọng tìm kiếm thu thập tài liệu về Bác trước khi xây dựng kịch bản nhưng nhà văn Hà Phạm Phú phải công nhận ông đã phải đối mặt với không ít thử thách. Đầu tiên đó là phải vượt qua những khuôn mẫu tuyên truyền, những định kiến đã ăn sâu vào tâm trí người xem, đặc biệt là tâm lí “thánh hóa”. Sau đó là thoát khỏi lối minh họa lịch sử, nhân vật khô cứng, không hồn cốt, máu thịt. Nhân vật chính trong Vượt qua bến Thượng Hải là lãnh tụ Hồ Chí Minh, làm sao phải là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật của các tác giả phim, là một con người nhưng là con người Hồ Chí Minh mà người xem đã từng nghe kể, đã từng biết, đã từng gặp mặt và vô cùng yêu kính.

Khó khăn lớn khi viết kịch bản phim về một quãng đời hoạt động của lãnh tụ, trong giai đoạn mà sử sách gần như để trắng, lại xảy ra cách xa chúng ta hơn nửa thế kỉ. Hiển nhiên trong kho tư liệu mênh mông của Việt Nam và thế giới, người làm phim phải biết cách tìm ra những tư liệu có ích cho mình. Nhưng khó khăn nhất không phải là tư liệu. Cái chính là làm sao từ khối tư liệu về Nguyễn Ái Quốc, về lịch sử đảng CSVN, về đảng CSTQ, về Quốc tế cộng sản cùng tư liệu về các nhân vật lịch sử đương thời (Tống Khánh Linh, Cuturie, Lỗ Tấn…) tìm ra được đường dây kết nối phù hợp với bối cảnh lịch sử, tinh thần lịch sử trên cái nền văn hóa địa phương. Vì vậy, người viết không chỉ với tư cách là nhà văn, mà còn phải là nhà sử học, nhà văn hóa, nhà dân tộc học v.v. Những kiến thức ấy người viết phải tự trang bị cho mình.

Cnh_trong_phim_Vt_qua_bn_Thng_Hi

Cảnh trong phim Vượt qua bến Thượng Hải

Là một người cầm bút đã lâu năm, với những trải nghiệm thực tế của mình, nhà văn Hà Phạm Phú đã rút ra không ít kinh nghiệm để xây dựng kịch bản. Ông chia sẻ, trước khi cầm bút, phải tự tin vào bản thân mình trên cơ sở có vốn sống (trực tiếp và gián tiếp) dày dặn và vốn hiểu biết phong phú. Sau đó phải có một quan niệm sáng tác sáng rõ.

Về quan niệm sáng tác, ông cũng cho rằng, một tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử nói chung, một bộ phim truyện lịch sử nói riêng không phải để minh họa lịch sử mà phải là một khám phá, một phát hiện về lịch sử, chuyển tải một tư tưởng, một thông điệp đối với người xem đương đại.

Vượt qua bến Thượng Hải sau khi công chiếu đã được đông đảo người xem đón nhận, bộ phim đóng góp vào kho tàng điện ảnh cách mạng, làm phong phú thêm những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một cách rất chân thành, dưới góc độ của người viết kịch bản cho bộ phim, Hà Phạm Phú không ngần ngại cho rằng “Tác phẩm điện ảnh là thành quả sáng tạo của một tập thể: nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mĩ thuật, phục trang, đạo cụ, âm nhạc… Dĩ nhiên đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính. Việc biến một bộ phim trên giấy thành một tác phẩm hoàn chỉnh của nghệ thuật thứ bảy phụ thuộc vào cảm quan sáng tạo của đạo diễn. Tôi cho rằng các tác giả của phim đã làm khá tốt, đáng được khen ngợi. Tuy nhiên nếu đạo diễn không quá sa đà vào việc tạo dựng sự hấp dẫn bằng các pha hành động mà tập trung miêu tả cuộc đấu trí từ đó làm nổi bật hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì có lẽ sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.”

Phương Hà