Nhiều tiền có làm được phim hay?

Bộ phim Nụ hôn thần chết đầu tư gần 6 tỷ thu về 16 tỷ đồng, đoạt giải Cánh diều bạc 2007 cho phim, giải kịch bản hay nhất và diễn viên phụ xuất sắc... song quan trọng là số đông khán giả xem phim đều thỏa mãn về chất lượng của phim.

Lâu nay, khi một bộ phim làm ra không thu được lãi lớn hay không đạt hiệu quả nghệ thuật, các nhà làm phim thường "nại" lý do: Kinh phí hạn hẹp. Vì thiếu tiền nên không thuê được diễn viên ngôi sao, không dựng được bối cảnh hoành tráng.


Phim Dòng máu anh hùng (1,5 triệu USD) chiếu ở nước ngoài được bạn bè đồng nghiệp khen đáng giá bằng phim 15 triệu USD. Hai bộ phim trên đã chứng minh, không phải lúc nào lý do "tiền nào của nấy" cũng đúng với phim Việt.

finV1.jpg

Phim hay chưa hẳn vì nhiều tiền

Ai cũng biết có một số tiền khá lớn để đầu tư vào làm phim thì các nhà làm phim sẽ có điều kiện chăm chút cho tác phẩm của mình. Nhưng với phim Việt không phải lúc nào kinh phí và chất lượng phim cũng tỷ lệ thuận với nhau.

Trước khi Áo lụa Hà Đông hay Dòng máu anh hùng ra đời, điện ảnh Việt Nam đã từng có những bộ phim được nhà nước tài trợ kinh phí lớn như: Ký ức Điện Biên (13,5 tỷ), Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỷ), Hà Nội 12 ngày đêm (hơn 10 tỷ).

Bỏ qua chuyện doanh thu thực tế (khoảng vài trăm triệu, hay vài chục triệu) của các phim này khiêm tốn ra sao, chỉ riêng chất lượng phim có thể thấy ngay là không xứng tầm với kinh phí bỏ ra... Có nhà làm phim còn bật mí: "Vì tâm lý làm phim chiếu vào các dịp kỷ niệm theo đặt hàng của Nhà nước nên chỉ cần làm một phim "không có gì sai" là... vui vẻ cả làng".

Sau thành công tương đối về khán giả và chất lượng của các phim Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông... từng nảy sinh xu hướng "chạy đua" kinh phí làm phim. Một số đạo diễn, nhà sản xuất khoe làm phim "bao nhiêu tỷ đồng" như một cách PR cho phim.

Và khán giả nghe nói đến kinh phí làm phim "ngất ngưởng" là tò mò muốn xem "tiền nhiều liệu phim có hay hơn?". Chẳng hạn như bộ phim Sài Gòn nhật thực tuyên bố kinh phí làm phim 1,3 triệu USD song chất lượng phim thì quá kém. Nếu thực chất các nhà làm phim này phải tiêu tốn số tiền kia, hẳn họ đã chi quá nhiều vào cát xê cho đoàn làm phim đa quốc tịch chứ không phải vào phim.

Cuối năm ngoái, dự án phim Song long anh hùng tuyên bố "ầm ĩ" làm phim kinh phí 15 tỷ đồng nhưng gần một năm trôi qua chỉ là phim "nổ", dùng chiêu PR để thu hút các nhà đầu tư.

Suốt từ đầu năm 2008 đến nay, dự án làm phim Thái Tổ Lý Công Uẩn làm tốn giấy mực và thời gian của dư luận cũng bởi chuyện kinh phí (dự toán gần 200 tỷ đồng) và chất lượng phim (trục trặc ngay từ khâu kịch bản) có đồng thuận với nhau.

Bao nhiêu tiền để có phim hay?

Khó có câu trả lời chính xác, vì tùy theo từng thể loại phim, đề tài phim, mức độ cát xê cho đạo diễn - diễn viên hàng sao. Theo nhà sản xuất Phạm Nguyên (hãng Chánh Phương) thì mức đầu tư trung bình cho một phim dạng tâm lý tình cảm, xã hội... chỉ cần trên dưới 300.000 USD là đủ, vừa dễ thu hồi vốn, vừa thuận lợi khi chuyển sang phát hành DVD.

Tuy nhiên, Phạm Nguyên nhấn mạnh rằng với những phim dạng hành động hay kinh dị cần đại cảnh lớn, kỹ xảo và âm thanh làm thật kỹ thì cần đến con số 1,5 triệu USD trở lên...

Nếu lấy mức kinh phí tối thiểu 300.000 USD/phim, thì với những phim do Nhà nước tài trợ chỉ mới đủ 1/2, sau khi khấu trừ tiền trả lương cho cả hãng phim, "đổ" vào làm phim thực tế chỉ từ 70% - 80% kinh phí tài trợ.

Chuyện các nhà làm phim tài trợ kêu ca hay phải long đong tìm kiếm nguồn tài trợ thêm hoàn toàn có thể thông cảm. Cái "khó" do ít tiền đã đẩy những bộ phim sản xuất trong 1 - 2 năm gần đây như Vũ điệu tử thần, Hoài vũ trắng, Rừng đen... vào thế bí, không thực hiện được những đại cảnh chính làm nền cho cả bộ phim.

finV.jpg

Đến thời điểm này của năm 2008, hầu hết các dự án làm phim cỡ bự như Lửa phật (dự kiến 1,5 triệu USD) hay Tây Sơn hào kiệt (trên 10 tỷ đồng)... đều tạm gác lại, chuyển qua năm sau.

Kinh tế lạm phát, giá thành làm phim đều tăng từ 10 - 20% trong tất cả các khâu từ cát xê cho đến kỹ thuật. Phim Huyền thoại bất tử của hãng Phước Sang và Thần Đồng đang được xem là phim có kinh phí lớn nhất năm 2008 với mức 10 tỷ đồng.

Theo nhà sản xuất Phước Sang thì đây là giá làm phim đã "thắt lưng buộc bụng" sau khi chuyển hướng làm hậu kỳ sang Ấn Độ để giảm bớt chi phí, và có nhắm tới chuyện phát hành ở nước khác để gỡ vốn.

Tuy phim Nụ hôn thần chết thu về 16 tỷ đồng song hãng phim Thiên Ngân và HK Film chỉ đầu tư cho phim Giải cứu thần chết hơn chút đỉnh (trên 6 tỷ đồng), đồng thời tính phương án chia % lợi nhuận với đạo diễn và giảm bớt mời diễn viên hạng "sao" để thêm tiền đầu tư vào sản xuất phim.

Bộ phim chiếu Tết khác: Đẹp từng centimet của hãng BHD được "tiết lộ" kinh phí làm phim trong khoảng 4 - 5 tỷ đồng... Không đầu tư nhiều tiền làm phim so với phim của năm ngoái, song tất cả các nhà sản xuất phim chiếu Tết năm nay đều tin tưởng sẽ thắng lớn về chất lượng phim và doanh thu.

Câu hỏi cũ đặt ra "nếu tiền không tạo ra được những bộ phim hay, thì yếu tố nào mới quan trọng?" Xin thưa không yếu tố nào có thể thay được "con người". Để có một bộ phim Việt hay, trên thực tế khán giả vẫn trông mong vào tâm huyết và năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, các diễn viên.

Theo Thời trang trẻ