Sống:

Như mọi khi...

(TGĐA) - Bạn bè tôi không nhiều người chung niềm yêu thương với Hà Nội. Họ là những người từ tỉnh thành khác, quốc gia khác đến ở lại trong thành phố của tôi, vĩnh viễn hoặc chỉ một thời gian ngắn. Họ là những người sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng rồi vì muôn vạn lý do, họ di cư đi Sài Gòn, Vũng Tàu hoặc sang tận Tokyo, Seoul, Paris, London, Berlin, Moscow, Sydney, New York… Họ, lại cũng là những người Hà Nội, nhưng hình như chưa từng rời khỏi biên giới, hoặc đã thảng đôi lần ghé thăm bờ sông Seine và chân cầu Cổng Vàng, mà cứ tức thời ao ước “Ôi sao cái nước Việt Nam…”. 

nhu moi khi Taj Mahal – Huyền thoại tình yêu
nhu moi khi Đi tìm hoàng tử thành Rome...
nhu moi khi Đừng dừng lại ở Pari
nhu moi khi Người bạn già gặp ở thành cổ Segovia
nhu moi khi

Người đến Hà Nội ở tạm, dường như chưa bao giờ thôi coi mình là khách và chưa bao giờ thấy những con đường quen hết xa lạ. Họ bảo tôi, một lời khiến hơi chạnh (có thể hơi quá lời sau vài lần bất mãn về mọi lề thói cửa quyền và cả ít nhiều đã bớt văn minh của Hà Thành): Hà Nội là của em, không phải của anh. Người rời xa Hà Nội đã lâu, dường chẳng còn lưu luyến gì thành phố này ngoài đường dây liên lạc duy nhất là vài người họ hàng và bạn bè thời xa lắc. Họ bảo họ không thể quen lại nơi này nữa, không thể quen thời tiết, sự thiếu văn minh, bụi bặm ô nhiễm và cả những tòa nhà đang muốn chọc trời, họ muốn những con đường thà cứ nhỏ tí xíu chật chội như xưa và những cánh đồng cứ mãi âm u bao kín nội thành; và rằng những lợi thế mà tôi nói khi sống ở quê hương chẳng còn nghĩa lý gì. Ở xứ người họ cũng có gia đình, bè bạn, cũng đi lễ chùa và làm nem mỗi mùa lễ Tết; họ có VTV4 để xem truyền hình bằng tiếng mẹ đẻ; họ cập nhật tin tức nước nhà hàng ngày qua đủ các loại báo điện tử; và ở nước nào cũng đầy rau muống, hành hoa, giò chả và cả phở. Có khác nào ở nhà, mà lại được hưởng thụ môi trường thanh sạch và phúc lợi tuyệt hảo. Nói đến vậy thì tôi đành im.

nhu moi khi

Nhưng riết rồi cũng tìm ra một thứ khiến họ im mà không thể phản biện. Ấy là nhà tôi ở khu Nghĩa Tân, xung quanh hàng ăn lóc nhóc đa dạng có thể so được với trên phố cổ. Tôi ăn quà vặt không nhiều nhưng cũng đủ thời gian để thử bằng ấy quán hàng. Và có một thứ dễ chịu, không phải chỉ là hàng ăn ngon, mà mỗi lần ghé quán, nếu nhằm khi mệt mỏi và căng thẳng vì công việc thì tôi ngồi phịch xuống ghế chẳng nói năng gì, mặt khó đăm đăm, tươi vui hơn thì tôi cất tiếng gọn “Như mọi khi”. Có lần đi với con gái vào hàng Vua tào phớ. Cô nàng cười ngất "Như mọi khi là thế nào hả mẹ?", rồi hồi hộp ngồi ngóng cái món “Như mọi khi” xem nó ra làm sao. Cậu bán hàng to cộ, mấy lần cộng tiền dăm chục đồng bạc mà đều trả nhầm, lúc thừa lúc thiếu, thế nhưng “Như mọi khi” thì nhớ như in, trịnh trọng bê ra một bát tào phớ kèm thạch trắng, nhiều hạt é, có đá bào, không nước cốt dừa.

nhu moi khi

Nhưng phần lớn các quán hàng ở Nghĩa Tân đều không cần chờ khách “Như mọi khi” phải mở miệng, chỉ cần lừ lừ đi vào mà ngồi chòm chõm, vài phút sau bà chủ quán bún ốc đã bê ra một bát thơm lừng mà lần đầu nói nguyên văn dễ hồ mỏi miệng: Một bát cua ốc, nhiều tía tô, có mắm tôm, không đậu không bò, ít bún, không cà chua, nhiều hành chần kỹ. Ấy còn cái hàng bún thang, bận nào mà đang vội quá đi qua dừng hai giây: Làm luôn một bát nhé, quay lại bây giờ. Vài phút sau quay lại đã thấy “Như mọi khi” đặt đúng bàn ấy, góc ấy, chỗ quay mặt ra đường, tránh chiếc quạt treo tường thốc vào mặt, bát còn nghi ngút khói với đủ yêu cầu: Gà nhiều da, nhiều nấm hương, có mắm tôm, hành phải để xuống dưới đáy bát và một chiếc bát con chễm chệ bên cạnh. Lúc ấy tủm tỉm cười trong bụng, khéo cái người yêu mình nhất, nhớ tính nết nhất cũng chẳng thuộc nổi “Như mọi khi” của mình.

nhu moi khi
Người Hà Nội cũng chẳng chuyên nghiệp đến mức họ cố gắng nhớ tên và sở thích của khách để làm cho dịch vụ của mình hoàn hảo. Tất cả chỉ là do tập quán và thói quen văn hóa. Người xứ này hay quan sát, nhớ lâu và đôi khi cái tật nhòm ngó lại trở thành một đặc tính đáng yêu. Nó khiến cho tình người giữa mối quan hệ cơ học trần trụi là người mua, kẻ bán trở nên bén rễ mỗi ngày như tình yêu nảy nở từ thời thơ ấu với mảnh đất quê hương. Giờ tôi ít còn vào những nhà hàng phở bò lấp lánh đèn sáng choang với bàn ghế sang trọng, nhân viên mặc đồng phục làm việc theo dây chuyền. Phục vụ sẽ nhanh hơn nhưng người ăn chưa chắc đã thấy thoải mái bằng bà hàng quen chỉ giao lưu bằng ánh mắt mà đã thuộc lòng “Như mọi khi”. Ấy đấy, thứ gì người xứ xa cũng mua được, kể cả phở ngon, chỉ cần có tiền là được, nhưng đâu nhẽ, mua được quán hàng quen. Tết năm nay, phố đông bỗng quạnh quẽ, chợt mất mấy ngày ngơ ngác, tìm đâu ra hàng quen như mọi khi.

Có bận phóng xe cách quán hàng tận 20 mét, mũ đội sùm sùm, kính đeo kín mắt, găng tay, khẩu trang bít bùng chẳng hở chút da thịt nào mà chủ quán đã cười tươi rói từ xa. Nghĩ nhỡ đâu có lần mình chỉ đi qua không định ghé ăn mà lại được nụ cười chào đón ấm áp thế thì cũng đành mà dừng lại, thôi không ăn món khác. Thực ra cái khẩu trang mà mình vẫn nghĩ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tự do và riêng tư, đề phòng những lúc ra đường đầu tóc rối bù, quần vặn lò xo, hay lầm bầm chửi bậy trong miệng cũng chẳng ai biết mình là ai xem ra vô tác dụng ở cái khu Nghĩa Tân này. Là cái bận dừng lại sạp báo (sạp báo không quen mấy do mới mua có hai lần), ấy mà cô hàng quen của họa sĩ Thành Chương (vì sáng nào cũng thấy ông hàng xóm ghé qua rồi cô tự động đưa cho cả chục tờ báo đã chuẩn bị sẵn) thản nhiên: Có lấy thêm tờ Gia đình & Xã hội không, sáng nay thấy bài phỏng vấn em trên ấy. “Như mọi khi” chết đứng. Ôi chao mọi khi mình vẫn tự hào về khả năng quan sát và suy luận logic có một không hai, cứ ngỡ chỉ nhà văn trinh thám mới có biệt tài ấy. Mình sượng trân cúi xuống nhìn xem có chiếc khuy nào cài lệch. Cớ sao mình bịt mặt đeo kính mũ đội sùm sụp chẳng quen chẳng thân mà cô ấy biết sáng nay mình trả lời phỏng vấn trên báo. Rõ là cô ta bắt ép mình nhận hàng quen để thành một khách “Như mọi khi” nữa giống Thành Chương.

nhu moi khi

Thế rồi mình có vô số hàng quen như thế, qua điện thoại thôi, ví dụ như bác sửa điều hòa mới 2 lần gặp mùa hè năm ngoái và một lần mùa hạ năm kia. Sao mà bác ta lại nhớ rõ phòng ốc của hàng trăm khách hàng đến vậy. Rồi anh sửa laptop, máy in, máy giặt, ngân hàng, xe taxi ra sân bay... cũng chỉ “Như mọi khi” là người ta nhớ liền. Chao ôi là mát lòng mát dạ. Đàn bà độc thân bây giờ đỡ phần tủi rằng nhà không có đàn ông phòng khi hỏng cái máy in, cháy cái bóng đèn, bởi chỉ một cú điện thoại thôi, “hàng quen” còn đến nhanh hơn cả một ông chồng đang mải bận họp tận một quận xa lắc. Đàn ông độc thân quen cơm hàng cháo chợ âu là cũng bớt chạnh lòng, bởi hàng quen thuộc tính nết còn hơn cả bà vợ ở nhà chuyên nấu món ngược gia vị.

nhu moi khi

Hôm rồi đọc cuốn “Người Mỹ” của tác giả Nicolai Zlobin thấy bảo tất cả thợ sửa ống nước, thợ điện, thợ cơ khí, thợ hàn đều đánh giá những lao động của mình theo tiêu chuẩn rất cao, vì muốn được hành nghề họ đều phải có giấy phép, giấy phép thì không phải ai cũng xin được. Giá thuê thợ do đó cao đến nỗi dân Mỹ thường phải mua dụng cụ về tích đầy gara để hỏng hóc ở đâu thì tự sửa lấy. Các chương trình truyền hình và tạp chí dạy cách sửa chữa đồ dùng trong nhà luôn bán chạy là vì thế. Nhưng không phải ai cũng có hoa tay và óc kỹ thuật nên sau khi “lợn lành chữa thành lợn què” lại nghiến răng điện thoại ra công ty thuê thợ với giá cắt cổ. Rõ khổ thân. Trong khi ở nhà mình, chỉ cần nhấc một cú điện thoại mà “Như mọi khi”. Trong sách văn hóa Mỹ, các tác giả cũng miêu tả mối quan hệ giữa người mua kẻ bán ở xứ cờ hoa chỉ đơn thuần là quan hệ thương mại chứ không bao hàm chút gì cá nhân trong đó. Người bán thì luôn nở nụ cười cơ học và nói những câu giống nhau như một cái máy với cả nghìn khách hàng: Chúc một ngày tốt lành/Cảm ơn đã tới mua hàng… Làm sao họ nhớ nổi bát bún ốc của bạn có những yêu cầu đặc biệt gì.

nhu moi khi Chẳng đơn giản khi làm người nổi tiếng

(TGĐA) - Thời thơ ấu, tôi đã từng mong ước một cách viển vông là ...

nhu moi khi Bài học về tự do, tôn trọng…

(TGĐA) - T ôi ở Mỹ, thi thoảng trường học của con gái lớn lại ...

nhu moi khi Thương người mất mát

(TGĐA) - Tôi ngẫm ra rằng, đàn bà nếu thực sự thương yêu nhau, sẽ ...

nhu moi khi Đàn bà nói xấu…đàn bà

(TGĐA) - Đàn bà gặp nhau thường hay làm gì? Đàn bà gặp là rủ ...

nhu moi khi Hôn nhân hay tự do?

(TGĐA) - Sáng chủ nhật, cứ 15 phút trên bảng tin Facebook cá nhân của ...

Di Li