Những áng văn bất hủ của nhân loại lên phim (Phần 2)

Chiến tranh và hoà bình phiên bản Liên Xô năm 1968

(TGĐA Online) - Một số áng văn tiêu biểu từ vô vàn các tác phẩm văn chương hay nhất của nhân loại, được yêu thích ở khắp nơi, đã từng được chuyển thể thành nhiều bản phim. Không ít bộ phim đã trở thành kiệt tác của điện ảnh thế giới, nổi tiếng không thua kém thậm trí có khi còn hơn cả nguyên tác.


Một số phim từ văn chương Nga

Chiến tranh và hòa bình (War and Peace) - tiểu thuyết của L.Tolstoy, đã được dàn dựng thành nhiều phim, đầu tiên là bản của Nga năm 1915. Bản phim đầu tiên bên ngoài Nga do Nhật dàn dựng năm 1947. Tiếp đến, bản của Mỹ hợp tác với Italia năm 1956, K.Vidor đạo diễn, có sự tham gia của Audrey Hepburn và Henry Fonda. Phim đoạt một giải Quả cầu vàng, được chỉ định 3 giải Oscar, và A.Hepburn dành giải BAFTA cho diễn viên Anh xuất sắc nhất. Năm 1965, Liên Xô sản xuất phim mới, công chiếu 1968, do Sergei Bondarchuk đạo diễn, và Lyudmila Savelyeva đóng Natasha Rostova, Vyacheslav Tikhonov đóng Andrei Bolkonsky. Phim dành giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất, giải Quả cầu vàng phim ngoài tiếng nước ngoài hay nhất, và nhiều giải khác. Năm 1972 Anh sản xuất phim truyền hình, và bản truyền hình tiếp theo dựng năm 2007 do Italia, Pháp, Đức, Nga và Ba Lan hợp tác.

Anna Karenina - tiểu thuyết của L.Tolstoy, dựng rất nhiều phim (bao gồm hơn 10 bộ phim lớn), cả các phiên bản của Argentina, Ấn Độ, Đức, Hungary, Anh…, một số là phim ballet. Bộ phim của Mỹ năm 1935 do C.Brown đạo diễn dành Cup Mussolini phim nước ngoài xuất sắc nhất Liên hoan phim Venice. Greta Garbo vai Anna dành giải diễn viên xuất sắc nhất của Nhóm các nhà phê bình phim New York. Phim lọt top 100 phim hay nhất Viện phim Mỹ. Phim 1967 của Liên Xô do Aleksandr Zarkhi đạo diễn và Tatyana Samojlova (nổi tiếng qua phim Khi đàn sếu bay qua) vai Anna Karenina, chất lượng tốt, được yêu cầu tham gia Liên hoan phim Cannes 1968, nhưng buổi chiếu bị hủy do tình trạng bạo động tại Pháp. Phim 1997 với Sophie Marceau đóng Anna của Mỹ khá nổi tiếng, và bản gần nhất của Nga dựng năm 2007 -2009, dành một giải Nika cho trang phục năm 2010. Sau phim truyền hình năm 2000, Anh làm phim nhựa (năm 2012) với sự tham gia của Keira Knightley.

Những linh hồn chết (Dead Souls) của nhà văn N.Gogol dựng thành phim lần đầu năm 1909, đến nay có ít nhất 6 phiên bản. Các bản dựng 1960, 1984 được nhiều khán giả đánh giá cao. Phiên bản truyền hình gần nhất sản xuất năm 2005 (Delo o myortvykh dushakh) dựa theo ba tác phẩm của Gogol: Những linh hồn chết, Quan thanh tra và Nhật kí của một người điên. Cuốn tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov (The Brothers Karamazov) của Fyodor M.Dostoevsky được 7 lần đưa lên phim, trong đó nổi tiếng nhất là phiên bản 1969 do Kirill Lavrov, Ivan Pyryev và Mikhail Ulyanov đạo diễn, được đề cử giải Oscar phim tiếng nước ngoài hay nhất. Năm 2008 CH Séc cùng với Ba Lan hợp tác dựng phim Gia đình Karamazov (Karamazovi), do Petr Zelenka đạo diễn, và phim đoạt Giải đặc biệt FIPRESCI của Ban giám khảo dành cho phim truyện xuất sắc nhất - Liên hoan phim Quốc tế Karlovy Vary lần thứ 43. Nga cũng dàn dựng bộ phim The Brothers Karamazov (12 tập) cùng năm.

Irina Alferova trong vai Daria phim Con đường đau khổ phim 1974-1977


Con đường đau khổ (The Road to Calvary) của nhà văn Xô viết A.Tolstoy được hai lần chuyển thể thành phim lớn các năm 1957-1959, 1974-1977. Phiên bản sau ngôi sao Irina Alferova vào vai chính Daria Dmitryevna Bulavina. Sông Đông êm đềm (And Quiet Flows the Don) của M. Sholokhov cũng được dựng thành 3 phim các năm 1930, 1957-1958 và 1992 của Liên Xô và Nga. Bản 1992 do Sergei Bondarchuk, đạo diễn phim Chiến tranh và hòa bình (1968) làm đạo diễn.

Thép đã tôi thế đấy! (How the Steel Was Tempered ) của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky được chuyển thể thành 5 bộ phim lớn. Bản gần nhất của Liên Xô năm 1973, sau có bản của Nam Tư (1988). Phim của Trung Quốc (1999, hợp tác với Ukraine) do Hàn Cương đạo diễn dành nhiều giải thưởng của nước này trong đó có giải Kim Ưng cho phim truyện dài tập xuất sắc nhất. Tiểu thuyết Và nơi đây bình minh yên tĩnh (The Dawns Here Are Quiet) của Boris Vasilyev được chuyển thể thành phim năm 1972 rất thành công (dành nhiều giải trong đó giải phim hay nhất tại Liên hoan phim toàn liên bang năm 1973, một giải tại Liên hoan phim Venice 1972, được đề cử một giải Oscar), tiếp đó được dựng phim của Trung Quốc- Nga (2005), và phim truyền hình Nga năm 2008.

Bác sỹ Zhivago (Doctor Zhivago) của nhà văn Boris Pasternak được dựng thành phim các năm 1959 (phim truyền hình Brazil), 1965 (Hollywood và Italia hợp tác), 2002 (ITV-Anh, được đề cử 3 giải BAFTA) và 2006 (Mosfilm – Nga) cùng một số phim ca nhạc. Bản phim 1965 do David Lean đạo diễn dành 5 giải Oscar, lọt danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ. Lolita, tiểu thuyết của Vladimir Vladimirovich Nabokov cũng hai lần dựng phim (1962, 1997) và hai lần chuyển thành phim hoạt hình năm 1984-1985.

Một số phim từ văn chương Pháp


Những người khốn khổ (Les Misérables) của Victor Hugo được chuyển thể trên dưới 50 bộ phim, nhiều bản thành công. Các bản dựng năm 1934 (Pháp) và 1935 (Mỹ) đều nổi tiếng. Bản phim của Mỹ năm 1939 được đề cử 2 giải Oscar. Phiên bản gần nhất của Pháp vào năm 1995 do Claude Lelouch viết kịch bản và đạo diễn. Mỹ và Đức hợp tác ra phiên bản sau đó năm 1998. Năm 2000 đến lượt Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ cùng hợp tác sản xuất bộ phim tiếp theo, Josée Dayan đạo diễn với ngôi sao Gérard Depardieu đóng Jean Valjean. Năm 2007 Nhật hoàn thiện phim hoạt hình Les Misérables: Shōjo Cosette, trong khi đạo diễn Anh Tom Hooper năm nay tuyên bố dựng một phim ca nhạc, dự kiến hoàn thiện năm 2013.

Phim Những người khốn khổ phiên bản năm 2000


Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) của Victor Hugo được chuyển thể thành nhiều bộ phim của Pháp, Mỹ, Anh, Australia, đầu tiên là Notre-Dame de Paris của Pháp phiên bản 1911, tiếp đến phiên bản 1923 của Mỹ khá nổi tiếng. Phim tiếp theo của Mỹ dựng năm 1939 (Thằng gù nhà thờ Đức Bà -The Hunchback of Notre Dame) được đề cử 2 giải Oscar. Bộ phim màu đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết do Pháp dàn dựng năm 1956, với ngôi sao Gina Lollobrigida đóng Esmeralda. Các bản phim nổi bật khác là của Mỹ -Anh sản xuất năm 1982 có sự tham gia của Anthony Hopkins, Derek Jacobi; và phim hoạt hình The Hunchback of Notre Dame của Walt Disney năm 1996 (phần hai dựng 2002), đoạt một số giải thưởng lớn.

Hiện có hơn 100 phim và phim truyền hình dàn dựng từ các tiểu thuyết (hầu hết tập hợp trong bộ Tấn trò đời) của H.Balzac. Phần lớn các phim dựng từ thập niên 1990, phim nhựa gần nhất là La Maison Nucingen năm 2008 do Pháp, Rumani và Chilê hợp tác. Tiểu thuyết Lão Goriot (Le Père Goriot) đến nay có 5 bản phim, trong đó một bản của Mỹ, bản gần nhất do Pháp dựng năm 2004. Tiểu thuyết Miếng da lừa (La Peau de chagrin) có 6 bản phim (1 bản của Mỹ), gần nhất là phiên bản truyền hình 2010 do Pháp- Bỉ hợp tác.

Ba chàng lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires) của A.Dumas cha được dàn dựng lên tới hàng trăm phim, phim truyền hình và hoạt hình, đầu tiên là phim Pháp năm 1903 và gần nhất là phim 3D của Mỹ, Đức, Anh, Pháp hợp tác, dự kiến công chiếu 14.10.2011. Bản phim trước đó sản xuất năm 2005 (D'Artagnan et les trois mousquetaires) của Pháp hợp tác với Canada, Anh, CH Séc. Phiên bản phim ca nhạc Liên Xô năm 1978 (d'Artanyan i tri mushketera) dàn dựng rất thành công, và sau này Nga cho sản xuất ba bộ phim chủ đề này, gần nhất năm 2009 với cái tên The Return of the Musketeers, or The Treasures of Cardinal Mazarin. Phim hoạt hình của Tây Ban Nha và Nhật (D'Artacan y los tres mosqueperros) năm 1981 cũng thành công lớn

Bá tước Monte Cristo (Le Comte de Monte Cristo), một tiểu thuyết nổi tiếng khác của A.Dumas cũng được dàn dựng thành hàng chục bộ phim, sớm nhất là phim câm của Pháp năm 1908. Bộ phim mới nhất là phim hoạt hình của Nhật, năm 2004-2005 có tên Gankutsuou: The Count of Monte Cristo, do Mahiro Maeda đạo diễn. Bản phim mới nhất của Pháp là phim truyền hình sản xuất năm 1998 có sự tham gia của Gérard Depardieu. Sau đó phiên bản Anh, Mỹ, Ailen sản xuất do Kevin Reynolds đạo diễn năm 2002 đã thu về gần 75,4 triệu USD (chi phí có 35 triệu USD). Trà hoa nữ (La Dame aux camélias) là tiểu thuyết nổi tiếng của A.Dumas con, cũng được dựng thành hơn chục bộ phim. Các phiên bản thành công nhất là của Mỹ năm 1936 (Camille) được đề cử một giải Oscar và dành hai giải của Nhóm các nhà bình luận phim New York, và phim do Pháp- Italia hợp tác năm 1981. Năm 2007 một phim hài (Camille) cũng được Mỹ dàn dựng.

Nhiều kịch của Molière dựng thành phim. Anh chàng ghét đời (Giả đạo đức -Le Misanthrope) dựng 10 phim, gần nhất năm 2000. Thằng Tartuffe (Le Tartuffe ou l’Imposteur) được Đức, Pháp, Mỹ, Anh sản xuất nhiều phim trong đó phim Đức sản xuất năm 1926 rất nổi tiếng. Phim mới nhất do Pháp sản xuất năm 2007. Lão hà tiện (L'Avare) được dựng 7 phim, gần nhất năm 1980 và 2007. Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois gentilhomme) dựng 8 phim, gần nhất 2009. Phim Dom Juan năm 1998 (dựng lại bản năm 1965 của Pháp, Bỉ, Canada hợp tác) theo hài kịch của Molière do Jacques Weber viết kịch bản và đạo diễn, có sự tham gia của Penélope Cruz và Emmanuelle Béart, được đề cử một giải César.

Tình sử Angélique (Angélique, Marquise des Anges) do Anne và Serge Golon viết gồm 13 cuốn được dàn dựng thành phim rất ăn khách do Pháp hợp tác với Tây Đức, Italia sản xuất, Bernard Borderie đạo diễn và Michèle Mercier đóng Angélique Sancé de Monteloup. Loạt phim gồm các bộ Angélique, Marquise des Anges (1964), Merveilleuse Angélique (1965), Angelica and the King (1966), Indomptable Angélique (1967), Angélique et le sultan (1968). Không gia đình (Sans Famille) - tiểu thuyết nổi tiếng của Hector Malot, được dựng thành phim nhiều thể loại, với sự tham gia của nhiều quốc gia, nổi bật phim của Pháp, Liên Xô (1984) và Nhật Bản. Bản phim hoạt hình mới của Nhật (Remi, Nobody's Girl) dựng năm 1996-1997 có một số biến đổi so với nguyên tác, dài 26 tập, khá nổi tiếng. Phim mới nhất của Pháp dựng năm 2000, hợp tác với Đan Mạch và CH Séc.

Các cuốn truyện khoa học viễn tưởng của Jules Verne nổi tiếng: Hai vạn dặm dưới biển (Vingt mille lieues sous les mers), hay Cuộc thám hiểm trong lòng đất (Voyage au centre de la Terre) đều được dựng trên 10 bộ phim (cả phim hoạt hình), và Tám mươi ngày vòng quanh thế giới (Le tour du monde en quatre-vingts jours) được dựng 7 phim. Hồi ký Người tù khổ sai (Papillon) do Henri Charrièse viết cũng được dựng thành phim (Mỹ, Pháp -do F.Schaffner đạo diễn), sản xuất năm 1973, được đề cử một giải Oscar, một giải Quả cầu vàng. Tiểu thuyết L'Amant de lady Chatterley của D.Lawrence gây tranh cãi một thời cũng được dựng 7 phim (cả phim Ấn Độ, Anh, Séc phỏng theo), bản 2006 (Lady Chatterley) của Pháp dành 5 giải César trong đó giải phim hay nhất (2007), và giải Louis Delluc. Cùng năm, Anh cũng ra phim The Chatterley Affair.

Một số phim từ văn chương Tây Ban Nha

Tiểu thuyết Don Quixote của Miguel de Cervantes đã được dựng thành 10 bộ phim, trong đó có 2 bản của Liên Xô (1957, tham gia Liên hoan phim Cannes cùng năm và bản phim hài 1965 với tên Don Quixote's Children), một bản của Trung Quốc- Hồng Kông (phim 3D năm 2010, A Cam đạo diễn). Bản phim 1933 do Anh, Đức và Pháp hợp tác được xem là thành công lớn. Phim ca nhạc do Mỹ và Italia sản xuất năm 1972 với tên Man of La Mancha được đề cử một giải Oscar, hai giải Quả cầu vàng. Phim truyền hình Mỹ năm 2000 cũng dàn dựng khá thành công. Dự án phim The Man Who Killed Don Quixote của Tây Ban Nha và Anh do Terry Gilliam đạo diễn bắt tay làm từ năm 2000, sau một thời gian ngừng lại, đã tái khởi động năm 2009.

Phim Don Quixote phiên bản năm 2000


Nhân vật Don Juan do T.Molina xây dựng từ kịch El burlador de Sevilla y convidado de piedra, sau được nhiều người ứng tác, đã được dựng gần trăm bộ phim, nổi bật nhất là phim Adventures of Don Juan (Mỹ- 1948) dành một giải Oscar.

Một số phim từ văn chương Trung Quốc


Các tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng đều đã được dàn dựng thành nhiều bộ phim. Phim Tây Du Ký đầu tiên dựng năm 1958, đến nay đã có 16 bản. Hồng Lâu Mộng bản phim điện ảnh đầu tiên dựng năm 1944, có chất lượng nhất là bản năm 1989 do Tạ Thiết Ly, Triệu Nguyên đạo diễn, dành 4 giải Kim Kê năm 1990 (trong đó có giải đạo diễn xuất sắc nhất), 1 giải Bách Hoa cùng năm và diễn viên Đào Tuệ Mẫn về vị trí thứ hai giải nữ diễn viên xuất sắc nhất. Phim truyền hình Hồng Lâu Mộng đầu tiên dựng năm 1975. Trong số các bản phim nhựa phỏng theo nội dung Tam Quốc, phim Đại chiến Xích Bích của Ngô Vũ Sâm và Tam Quốc chi kiến long tá giáp (Three Kingdoms: Resurrection of the Dragon) do Lý Nhân Cảng đạo diễn phát hành năm 2008 đáng chú ý hơn cả.

Truyện vừa AQ chính truyện của Lỗ Tấn được dựng phim năm 1981, tham gia Liên hoan phim Cannes năm 1982. Kịch Lôi vũ của Tào Ngu được chuyển thể thành hai bản phim năm 1984 và 1997 (phim truyền hình). Phim Mãn thành tận đới Hoàng Kim Giáp do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, dựng năm 2006 phỏng theo Lôi vũ, nhưng bối cảnh phim là thời Hậu Đường thuộc Ngũ Đại Thập Quốc, đoạt được 4 giải Kim Tượng. Tiểu thuyết Cao lương đỏ của Mạc Ngôn được Trương Nghệ Mưu chuyển thể, dành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1994.



Chu Tử Nguyệt