Những bức họa chiến tranh giữa thời bình

Trên màn ảnh, người Hàn Quốc từng tham vọng gây dấu ấn như người Nhật trong trận Trân Châu cảng. Họ cũng từng ghen tỵ với thành công của cuộc chiến ở miền nam Việt Nam thập niên 70. Sau cùng, để tự nghiền ngẫm về những chiến công của mình, gợi nhớ những nỗi đau trong quá khứ, điện ảnh Hàn Quốc lựa chọn hướng đi mới, không đợi chờ ngoại lực, họ tái hiện chân dung cuộc chiến bằng chính nội lực của mình. Hàng loạt những bức họa chiến tranh đặc sắc ra đời giữa thời bình, khi Hàn Quốc vươn lên thành một con rồng châu Á.

(TGĐA) - Không nổi tiếng như Chiến tranh thế giới thứ 2, cũng không gây choáng ngợp như cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chiến tranh ở Hàn Quốc chỉ xuất hiện vừa phải trên bản đồ chiến tranh thế giới.


Chính vì vậy, những bộ phim chiến tranh nổi tiếng của điện ảnh Mỹ, ngoại trừ The Bridges at Toky-Ri, với sự xuất hiện của ngôi sao Grace Kelly khai thác đề tài chiến tranh Hàn Quốc, còn hầu hết các nhà làm phim nước ngoài không tỏ ra mặn mà với cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên giai đoạn những năm 40 đầy khủng hoảng.

Nổ phát súng đầu tiên

Từ thập niên 50, điện ảnh Hàn Quốc đã dành nhiều quan tâm đến cuộc nội chiến của mình. Sự can thiệp và dàn xếp của quân lực Mỹ tại bán đảo Triều Tiên cũng là mảng đề tài được chú ý. Bên cạnh đó, những âm ưu nguy hiểm, những trận đánh ngầm táo bạo giữa Triều Tiên – Nhật Bản cũng tạo cảm hứng sáng tác cho rất nhiều đạo diễn.

Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 13.2.1999, khi bộ phim Swiri của đạo diễn Kang Jae Kyu xuất hiện, những trận đánh lớn mới tràn lên khắp màn ảnh xứ Hàn.

Swiri không nhiều đại cảnh, chỉ là câu chuyện xúc động của đội biệt kích Bắc Hàn và một vài nhân viên an ninh tình báo Hàn Quốc. Những cuộc chạm trán, những màn nổ súng và cả những day dứt của lính biệt động trên hai đầu chiến tuyến, trở thành phát súng mở màn cho dòng phim chiến tranh Hàn Quốc từ đầu những năm 2000.

Giấc mơ phim chiến tranh hoành tráng

Chiến tranh Việt Nam và sự chia cách với Bắc Triều Tiên là hai lãnh địa đặc biệt để điện ảnh Hàn Quốc khai thác. Cho đến năm 2009, điện ảnh Hàn Quốc đã bước một bước dài đáng kể, và chiến tranh là một trong những mảng đề tài đặc biệt quan trọng, gặt hái nhiều thành công.

Năm 2004, siêu phẩm Cờ bay phấp phới của đạo diễn Kang Jae Kyu, với sự tham gia của hai ngôi sao Jang Dong Gun, Won Bin đã bắn trúng hai mục đích, trở thành tác phẩm chiến tranh ăn khách và lôi cuốn nhất mọi thời đại. Một triệu khán giả đã đến rạp để xem Cờ bay phấp phới trong ngày công chiếu đầu tiên. Nếu năm 1999, Swiri được khẳng định là tác phẩm điện ảnh mở màn cho Trào lưu Hàn Quốc, thu hút hơn 6 triệu khán giả, thì năm 2004, với 12 triệu lượt người xem, Cờ bay phấp phới đã tung hô giấc mơ phim chiến tranh hoành tráng, giúp người Hàn Quốc thỏa mãn khao khát của mình.

Sau năm 2004, điện ảnh Hàn Quốc tỏ ra tự tin hơn, thấy mình có năng lực đặc biệt về phim chiến tranh hành động. Những tác phẩm như Con ma, Cơn bão…cũng khai thác nhiều cuộc chiến ngầm và từ lúc này, trung tâm điện ảnh Chungmuro của Seoul tuyên bố, với điện ảnh Hàn Quốc, chiến tranh luôn là một bữa tiệc thịnh soạn. Các nghệ sĩ của họ, trở thành những đầu bếp tài năng, lúc nào cũng mang lại những món ăn tuyệt vời, ấn tượng nhất.

Những họa phẩm chiến tranh

Không thể phủ nhận một điều, với người Hàn Quốc, những trận đánh, những cuộc bạo động và biểu tình trong quá khứ luôn để lại ấn tượng sâu sắc. Hầu hết sinh viên Khoa điện ảnh trường đại học Chungang, cái nôi đầu tiên của ngành điện ảnh Hàn Quốc đều khao khát có được cơ hội làm phim về chiến tranh. Họ thần tượng đàn anh Kang Jae Kyu, mê mẩn phim Cờ bay phấp phới. Vì vậy, để giúp các sinh viên chạm dần tay đến ước mơ, trong studio của trường chuẩn bị khá đầy đủ bối cảnh, đạo cụ, phục trang…về chiến sự, tuy với quy mô nhỏ nhưng không ít sinh viên đã lựa chọn vẽ những bức họa chiến tranh bằng tài năng và khát vọng của mình.

Màn ảnh nhỏ không có nhiều thuận lợi để khai thác mảng đề tài chiến tranh. Nhưng gần đây do thị hiếu khán giả nên các nhà đầu tư cũng muốn làm phim về đề tài này. Công ty Shin Young E&C đang nỗ lực chuẩn bị để vài tháng nữa một tác phẩm hoành tráng về cuộc chiến tại bán đảo Bắc Triều Tiên sẽ được bấm máy. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim khác thường xuyên để nhân vật có quá khứ từng tham chiến. Ký ức chiến tranh hiện về trong tâm tưởng, tuy mờ nhạt, đơn giản nhưng vẫn là hồi ức chiến tranh.

Năm 2009, điện ảnh Hàn Quốc kỳ vọng vào hai tác phẩm chiến tranh độc đáo của mình, với sự thu hút chính từ các nhân vật thiếu niên. Bộ phim Thiếu niên không khóc của đạo diễn Bea Hyung Joon, với sự tham gia của Lee Wan và Song Chang Ui, có kinh phí chế tác 35 triệu USD và phim 71, được đảm bảo bằng sự xuất hiện của hai Hot Boy Yoo Sang Ho, Kim Bum, làm về sự kiện 25.6.1950 chắc chắn sẽ không làm người xem thất vọng. Tuy nhiên, trên các diễn đàn người ta vẫn lo lắng, càng ngày phim chiến tranh Hàn Quốc càng được đầu tư nhiều hơn, gặp nhiều thuận lợi hơn nhưng liệu có thể có những thành công vang dội, vượt trội hơn Cờ bay phấp phới, tác phẩm chiến tranh ăn khách hàng đầu, và là phim đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng bình chọn tuyệt phẩm phim thành công của Hàn Quốc.

Yonsama Bea Yong Joon cũng có tham vọng làm phim về chiến tranh. Từ năm 2007, anh đã tuyên bố công ty Blue Stom (trực thuộc BOF của Bae Yong Joon ) sẽ thực hiện Christmas Cargo, một tác phẩm điện ảnh đắt giá, dự kiến kinh phí chế tác khoảng trên 40 triệu USD, thu hút sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước. Theo Be Yong Joon, Blue Stom sẽ phối hợp cùng Cine click Asia và Lion Roc của Mỹ để sản xuất. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện một sĩ quan quân đội Mỹ, bị bỏ lại giữa ngày Giáng sinh năm 1950 tại bán đảo Triều Tiên. Nếu Blue Stom được bảo đảm bằng tên tuổi và quan hệ của Bae Yong Joon, thì Cine click Asia tự hào là công ty phát hành có mạng lưới rộng khắp thế giới. Hãng phát hành này từng mang lại lượng khán giả hơn 13 triệu người cho tác phẩm Quái vật sông Hàn, giúp bộ phim bán cả tác quyền chế tác lại cho nước Mỹ. Không hề thua kém, Lion Roc Production gây ấn tượng với Điệp vụ bất khả thi và là nơi đưa tên tuổi đạo diễn Ngô Vũ Sâm vang danh thiên hạ. Đã lỡ hẹn người hâm mộ một năm, sắp tới, Christmas Cargo hy vọng sẽ sớm bấm máy, sau khi Blue Stom thương thảo hợp đồng thành công với một đạo diễn đã từng giành tượng Oscar.

Lối mòn vào những trận chiến

Chungmuro khẳng định, kế hoạch 10 năm của điện ảnh Hàn Quốc vẫn dành những vị trí quan trọng cho phim chiến tranh. Đề tài được quan tâm nhất, vẫn là cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam thập niên 60, 70 và câu chuyện chưa có hồi kết với Bắc Hàn.

Cho đến nay, Hàn Quốc đã làm một số phim lấy bối cảnh ở Việt Nam như Tạm biệt sông Ba, Chiến tranh trắng, Huy hiệu trắng, Sunny, R-point, Classic..Trong số những tác phẩm này, không khí ở miền Trung và miền Nam Việt Nam giai đoạn từ 1961 – 1973 được tái hiện chưa thật chuẩn xác. Một phần do hạn chế về sự dàn dựng bối cảnh, việc tìm hiểu chất liệu thật từ cuộc sống chưa tốt, chủ yếu dựa vào tài liệu đã đăng tải, hoặc qua một số lời kể phiến diện nên kết quả hình ảnh trên phim không mang đến giá trị hiện thực. Khán giả Hàn Quốc thích xem phim về chiến tranh Việt Nam, vì trong thâm tâm họ chia thành hai luồng cảm giác. Một là day dứt với quá khứ, thấy mình có lỗi. Phần còn lại là mong được chia sẻ, rằng chúng tôi cũng là nạn nhân, trong một cuộc đối đầu sinh tử, không thể nào tránh khỏi những giằng xé để bảo vệ mạng sống và khát vọng trở về…

Đáng tiếc, những phim sang quay tại Việt Nam, hoặc chỉ lấy cảm hứng từ chiến trường Việt Nam đều chưa đạt được thành công như ý. Hai bộ phim Chiến tranh trắng, R-point bị chỉ trích kịch liệt. Còn Sunny, Rayban không làm bật lên phong cách, hương vị Việt mà chỉ hờ hững dựa vào bối cảnh ở Việt Nam để kể những câu chuyện của mình.

Chiến tranh Việt Nam vẫn là đề tài hấp dẫn, nhưng đường đến đây chỉ là những lối mòn, thiếu sáng tạo và hạn chế cả phần đầu tư. Một trong những lý do để có sự hạn chế, là những người làm phim chiến tranh Hàn Quốc chưa hiểu nên không muốn tìm con đường mới để quay lại chính đất nước Việt Nam.

Khác với sự cũ kỹ, nghèo nàn của dòng phim về chiến tranh Việt Nam, phim về những bức xúc giữa hai miền Nam – Bắc ngày một lôi cuốn hơn. Khởi đầu bằng Swiri, sau đó là Khu vực chung DMZ sản xuất năm 2000 của đạo diễn Park Chan Wook đã mang đến một cách nhìn mới về mảng đề tài này. Sau đó, khoảng trên 20 bộ phim như Bản đồ Hàn Quốc, Cơn bão, Giấc mơ xanh…cũng lấy cảm hứng sáng tác từ đề tài phân chia Nam – Bắc. Những câu chuyện xoay quanh vĩ tuyến 18, địa danh Bàn môn điếm hay hàng loạt âm mưu bạo động, những mất mát, đau thương được đưa lên màn ảnh, gây xúc động và cả thế giới bắt đầu phải quan tâm nhiều hơn đến bán đảo Triều Tiên, thông qua những bộ phim này.

Thống kê tại Hàn Quốc cho thấy, 43% khán giả thích xem phim hành động, đặc biệt những phim tái hiện lại chiến tranh, bạo động, biểu tình… Ký ức chiến tranh, thời kỳ bạo loạn và khát vọng hòa bình vẫn luôn tồn tại trong tâm thức của người Hàn Quốc. Ngày hôm nay, nỗi đau chia cắt vẫn còn, hàng chục triệu nạn nhân của cuộc chiến vẫn hàng ngày đau đáu nghĩ về những mất mát, chia ly. Hiện thực gần gũi, giấc mơ ấp ủ từng giờ và điện ảnh Hàn Quốc đã tìm được chỗ đứng trên ảnh đàn quốc tế cũng từ những tác phẩm như chuyển tải tâm sự, mơ giấc mơ thống nhất của mình….

Đặng Thiếu Ngân