Những dấu vết in thành đường thư

Từ An-lung-viêng về đến Trung đoàn mất gần 100 cây số. Không biết hai chiến sĩ thông tin đó là ai? Lúc đấy, tôi đang là lính thông tin vô tuyến của tiểu đoàn. Liên lạc về Trung đoàn, tôi biết được tên những người đồng đội đã hy sinh của mình.

(TGĐA) - Lại nói về chuyến thư nghiệt ngã ấy. Nhiều lá thư bị dính máu quá nhiều hoặc bị bắn quá nát, dính bết vào nhau. Anh em phải lựa, bóc từng lá một. Chính ủy Trung đoàn của chúng tôi đã ra lệnh hủy những lá thư quá nát đó đi, chỉ chọn những lá thư nào khả dĩ còn đọc được mới phát cho anh em.


Năm 1981, tiểu đoàn 8 chúng tôi đang đóng quân tại An-lung-viêng thì nhận được tin hai chiến sĩ quân bưu của Trung đoàn 29 hy sinh. Trên đường gửi thư về đơn vị, hai anh lọt vào ổ phục kích của địch. Mặc dù bị thương rất nặng, hai anh vẫn nổ súng bắn trả quân địch, buộc chúng phải tháo chạy. Dù hy sinh, hai anh vẫn không để thư từ và vũ khí rơi vào tay quân thù.

Cảnh trong phim Đường thư

Tuần sau, chúng tôi nhận được thư. Những lá thư thấm máu hai đồng đội của chúng tôi. Những lá thư bị trúng đạn quân thù. Nhiều thư vừa thấm máu, vừa bị đạn bắn nát. Nét chứ quăn trên những mảnh giấy xoắn như lò xo. Rất khó đọc. Nhưng chúng tôi bồi hồi cất những lá thư đó làm kỷ niệm. Bản thân tôi cũng nhận được hai lá thư trong đợt này. Một lá thư của bố tôi. Lá kia của người yêu. Tôi cứ nhìn trân trân vết máu và vết đạn trên thư. Hiện lên trên vết thương rỉ máu ấy là hình ảnh đồng đội tôi đang gùi thư, bỗng trúng đạn. Các anh đang bò lết, cố gùi những ba lô thư trên lưng về đơn vị.

Lính thông tin chúng tôi gồm các bộ phận hữu tuyến, vô tuyến và quân bưu. Và lính thông tin ở đơn vị chiến đấu như chúng tôi đã hy sinh rất nhiều.

Tôi nhớ, đêm đầu tiên đến chiến trường. Rất khát nước, tôi mò đến chỗ có ánh đèn. Ở đó tôi gặp một anh y sĩ đang trong cơn sốt rét. Thực ra, đó là một bộ xương đang ngồi thì đứng lên. Tóc lơ thơ, mặt hốc hác, hai mắt trắng dã, trũng sâu, quá gầy yếu. Tôi hỏi anh làm gì. Anh nói anh là y sĩ. Tôi hỏi quê. Anh đáp quê anh Hải Dương. Anh hỏi tôi là lính gì. Tôi đáp: Thông tin. “Lính thông tin hả? – Anh chỉ tay ra góc xa – lại mà xem hai xác lính thông tin bọc trong nilông kia kìa. Hôm qua đi nối dây bị địch phục đấy. Chúng chặt thành ba khúc. Mang ra đường phơi. Quân mình vừa đi lấy xác về đấy!”. Tôi nhìn hai cái xác trắng nhờ trong đêm. Không dám lại gần xem. Tôi xin ngụm nước rồi về đơn vị.

Chúng tôi đâu có muốn làm lính thông tin. Khi vào chiến trường, tôi ước mơ được vào đơn vị pháo lớn. Dạo đó, tôi thích bái hát có câu “Pháo anh lên đồi cao. Nã vào đầu giặc Mỹ. Bục giảng dưới hầm sâu. Em cũng là chiến sĩ”.Bạn gái tôi đang là sinh viên sư phạm Hà Nội. Khi được phân làm lính thông tin, tôi đã buồn đến ứa nước mắt. Đến nỗi Hạm, một người bạn là sinh viên Bách Khoa đã phải an ủi tôi. Sau này, Hạm cũng hy sinh. Còn tôi, vừa phải học mật mã, vừa phải đi vác đạn pháo. Có đêm tôi vác hai quả cối 120 mm. Mỗi quả to như con lợn, nặng 22 kg, chưa kể liều phóng cũng nặng đến vài ký nữa. Vác đi mấy cây số, trèo đèo lội suối trong rừng, sụn cả lưng. Nhưng sự lãng mạn của tuổi trẻ đâu ngã được ước mơ.

Và sau đó, cuộc chiến thật ác liệt. Lính thông tin đơn vị tôi hy sinh nhiều. Tôi nhớ Tân, một chàng trai Hà Nội, nhà ở gần chùa Hai Bà. Hình ảnh Tân kê trung liên RBD giữa đồng bắn giặc. Tân trúng đạn. Lưng nát bét. Máu rỉ ra và khô dưới nắng hè. Rồi ruồi nhặng bay đến đậu, đẻ trứng vào vết thương. Tân vừa đau vừa ngứa, bắt chúng tôi gãi. Tay tôi vừa phải bốc từng vốc trứng ruồi khỏi vết thương của Tân vừa gãi cho Tân. Lòng tôi đau thắt lại khi nghe Tân nói tỉnh bơ: “Thôi, ông bà già tao được cái thẻ chen ngang rồi”. “Thẻ chen ngang’ nghĩa là thẻ liệt sĩ. Khi mua hàng mậu dịch thì không phải xếp hàng. Đêm đó, quãng 10 giờ đêm, Tân ra đi.

Cảnh trong phim Đường thư

Tôi nhớ An, một chàng trai trắng trẻo, thư sinh, cũng hy sinh. Nhà An ở phố Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Chúng tôi thân nhau như anh em một nhà, chia nhau từng thứ nhỏ nhất. Đêm trước lúc hy sinh, An còn nhờ tôi viết thư cho chị gái.

Rồi bao nhiêu đồng đội của tôi không về nữa.

Lại nói về chuyến thư nghiệt ngã ấy. Nhiều lá thư bị dính máu quá nhiều hoặc bị bắn quá nát, dính bết vào nhau. Anh em phải lựa, bóc từng lá một. Chính ủy Trung đoàn của chúng tôi đã ra lệnh hủy những lá thư quá nát đó đi, chỉ chọn những lá thư nào khả dĩ còn đọc được mới phát cho anh em. Tất cả những người lính đơn vị tôi, khi nghe lệnh này, đều không tán thành quan điểm của thủ trưởng. Ông sợ chúng tôi dao động khi nhận lá thư ấy. Còn chúng tôi thì ngược lại.

Tất cả những chuyện trên tôi không quên được. Năm 2003, nhân Cục điện ảnh mở cuộc thi viết kịch bản, tôi xâu chuỗi lại những sự việc của bạn bè tôi, của đơn vị tôi, viết câu chuyện Đường thư. Câu chuyện đơn giản kể về hai chiến sĩ quân bưu mang thư lên đơn vị. Vượt qua nhiều thử thách, cuối cùng hai anh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Trong kịch bản còn có trường đoạn hai anh vượt qua sông. Do chủ quan đội mũ cối, một anh suýt bị sặc nước, nước suýt cuốn trôi. Họ cần phải leo núi, bám dây rừng mà leo lên đỉnh núi. Họ còn phải vượt qua đầm lầy đầy rắn, dưới là đạn xéo của quân thù… Song do kinh phí có hạn, các trường đoạn này phải bỏ đi. Cũng vì một số lý do nhạy cảm, đơn vị sản xuất đề nghị chúng tôi lùi thời gian lại thời chống Mỹ. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, quay phim Vũ Đức Tùng và các diễn viên Quốc Tuấn, Tuấn Tú, Lưu Hà cùng tập thể đoàn làm phim đã lao động cật lực, nhiệt tình, say mê, cống hiến cho khán giả một bộ phim mà họ đã làm hết sức mình. Tôi xin được nói lời cảm ơn chân thành đến tất cả đoàn phim Đương thư.

Với người lính nơi trận mạc chỉ có lá thư là tài sản đáng kể. Và bao nhiêu người đã viết rất hay về những lá thư. Thơ Nguyễn Trãi có câu “Tình thư một bức phong còn kín”. Hay như Xuân Diệu bồi hồi “Anh chỉ có một tình thư thứ nhất/ Anh xin trao và gửi tặng em đây”. Chế Lan Viên cảm động trước Thư mùa lũ. Và những chiều biên giới, bên chiến hào, đồng đội tôi vẫn hát nghêu ngao: “Thư của lính, ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay” rồi lại “Vì quê nghèo xa quá/ Không có người đưa thư/ Anh biết rằng âu lo”. Và chúng tôi sau này được xem những phim như Mối tình qua những bức thư (phim truyện Nga) và Những lá thư thời chiến (Phim tài liệu Mỹ). Và cái tên Đường thư, nhiều người cứ tưởng đó là Thư pháp thơ Đường. Thực ra, đó là một ý trong câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của anh Duật, nhưng có hai khổ thơ nhạc sĩ không lấy vào bài hát. Một trong hai khổ ấy có câu “Đông sang Tây không phải đường thư/ Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo”. Xin cảm ơn anh Duật, một người anh đáng kính của thế hệ chúng tôi.

Đoàn Tuấn