Niềm vui bất ngờ của điện ảnh Việt Nam

Lúc làm phim, ông có nghĩ rằng sau này Bao giờ cho đến tháng 10 sẽ trở thành một điều gì đó đặc biệt?

(TGĐA) - Đặng Nhật Minh và Bao giờ cho đến tháng 10 đã làm sống dậy niềm tự hào mang tên Việt Nam trong làng điện ảnh khu vực. Thế giới điện ảnh làm cầu nối để NSND Đặng Nhật Minh và một số nghệ sĩ cùng chia sẻ niềm hạnh phúc này với người yêu nghệ thuật thứ bảy.


Chỉ có 18 bộ phim được lựa chọn trong khoảng thời gian tương đối dài (60 năm trở lại đây), danh mục Những bộ phim hay của châu Á do CNN tuyển lựa đã nói lên giá trị đích thực của những tác phẩm được xướng tên trong đó. Xuất hiện cùng với những đỉnh cao khác của điện ảnh Hoa ngữ như: Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ…

Nói chung khi làm phim tôi không hề nghĩ đến điều gì khác ngoài việc cố gắng hết mình để làm một bộ phim chân thật, chân thật với chính mình, không cao giọng (lên gân ) mà cũng không hạ giọng (chiều mị khán giả). Tôi làm phim Bao giờ cho đến tháng 10 trong những điều kiện kỹ thuật và vật chất vô cùng khó khăn, chỉ mong bộ phim hoàn thành đúng tiến độ sản xuất do Hãng phim đề ra, qua khâu duyệt trót lọt là mừng rồi , không dám nghĩ đến điều gì khác.

Để thế hệ trẻ và những người chưa có cơ hội xem phim dễ hình dung, ông hãy diễn giải mối liên hệ câu chuyện của Bao giờ cho đến tháng 10 với thời đại ngày nay?

Nếu các bạn trẻ ngày nay có dịp xem bộ phim này, tôi muốn các bạn lưu ý đến những tình cảm của thầy giáo Khang đối với chị Duyên, một phụ nữ có chồng là liệt sỹ. Những tình cảm này nảy sinh từ mối cảm thông với nỗi đau của người phụ nữ mất chồng, từ chỗ cảm phục sự chịu đựng của chị, cố dồn nén nỗi đau trong lòng để làm yên lòng người bố chồng đã già yếu. Cũng vì những tình cảm chân thành đó mà Khang bị nhà trường và dân làng dị nghị, bị thuyên chuyển đi trường khác. Nhưng người xem tin rằng rồi Khang sẽ trở về và Duyên cùng với con rồi sẽ hạnh phúc.

Xin các bạn lưu ý : câu thoại cuối cùng trong phim là câu Duyên hỏi thăm về Khang. Cô nói với cô giáo trẻ dạy con mình : Bao giờ có tin của anh ấy chị cho tôi biết. Tôi nghĩ bộ phim tuy nói về sự mất mát nhưng lại không bi lụy mà hứa hẹn một sự bù đắp hạnh phúc, gieo cho người xem một niềm hy vọng.

Nếu thời điểm này ông làm Bao giờ cho đến tháng 10 thì bộ phim sẽ khác-như-thế-nào so với dấu mốc nó ra đời cách đây ¼ thế kỉ?

Có một vài đoạn tôi sẽ làm kỹ hơn ( như chợ âm dương chẳng hạn), nhưng cái tươi mát chắc không bằng hồi đó, khi tôi mới hơn 40 tuổi.

Cùng với những khởi sắc của điện ảnh VN trong thời gian qua, sự kiện này tiếp tục khẳng định một điều Phim do người Việt Nam làm đã chiếm được sự chú ý của thế giới. Nhưng theo ông, để nó trở nên phổ cập và gây được ấn tượng hơn nữa thì cần phải mất bao nhiêu thời gian?

Tôi không dám khẳng định điều gì to tát nhân sự kiện này. Tôi chỉ nghĩ rằng hãy cứ chân thành làm hết sức mình đi rồi 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa cũng sẽ có người ghi nhận cho những cố gắng của mình.

Đạo diễn – NSND Hải Ninh:

Tôi vừa đọc tin này và cảm thấy rất vui. Bất cứ thành công nào của điện ảnh ảnh Việt Nam đều mang lại niềm vui cho ngành và những người làm nghề, mang về niềm vui cho đất nước. CNN là kênh truyền hình lớn, và phim của Việt Nam họ lựa chọn là điều rất tự hào. Nhưng có lẽ điều đáng kể hơn chính là sự kiện này khẳng định một điều: Đề tài hậu chiến và thân phận người phụ nữ đã có một sức sống và vị trí đặc biệt không chỉ với điện ảnh nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Tôi xin chúc mừng đạo diễn Đặng Nhật Minh và nền điện ảnh của chúng ta.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng:

Niềm vinh dự này trước hết thuộc về đạo diễn Đặng Nhật Minh và thành phần đoàn làm phim. Đó là sự kiện khiến chúng ta hết sức tự hào. Bộ phim ra đời tính đến nay đã được 1 khoảng thời gian khá dài. Bỏ qua những yếu tố thuộc về kĩ thuật làm phim vẫn còn yếu kém ở thời điểm đó, thì nó đã được đánh giá cao về giá trị nhân văn. Đây là phần thưởng cho những nỗ lực và tình yêu nghệ thuật của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Cho đến nay, ông vẫn không ngừng làm việc với một năng lượng dồi dào. Tôi nghĩ đó chính là động lực để lớp người đi sau như chúng tôi phấn đấu hơn nữa.

Diễn viên điện ảnh Hồng Ánh

Đón nhận sự kiện này, trong Ánh có cả niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui đến trước, Ánh nghĩ đó là sự ghi nhận cho sự phát triển và thành công của nền điện ảnh nước nhà cũng như cá nhân đạo diễn Đặng Nhật Minh. Còn Ánh thấy buồn bởi đó không phải là một tác phẩm gần đây mà là một bộ phim ra đời khi Ánh còn rất nhỏ. Phải chăng điều đó phản ánh một thực tế rằng điện ảnh Việt Nam hiện nay chưa tạo được dấu ấn bằng… ngày xưa, thời điểm cách đây vài chục năm. Đáng lí ra, trong điều kiện hiện nay với kĩ thuật làm phim tốt hơn, kinh phí đầu tư nhiều hơn thì chúng ta phải có những tác phẩm hay hơn. Ánh buồn là vì thế!

Vân Thảo

Bao giờ cho đến tháng 10

Năm sản xuất: 1984

Kịch bản và Đạo diễn: Đặng Nhật Minh

Diễn viên chính: Lê Vân, Nguyễn Hữu Mười

Các giải thưởng chính tại LHP Việt Nam lần thứ VII, 1985, Hà Nội:

Phim hay nhất (Bông sen Vàng), Đạo diễn xuất sắc nhất (Đặng Nhật Minh), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Nguyễn Hữu Mười), Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Lê Vân), Quay phim xuất sắc nhất (Nguyễn Mạnh Lân), Thiết kế mĩ thuật xuất sắc nhất (Nguyễn Văn Vi), Âm nhạc hay nhất (NS Phú Quang).

Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hawaii ( Mỹ ) năm 1985