NSND Hoàng Dũng: Tôi không có nhiều tiền đến mức tiêu để “thấy vui là được”

Phần lớn các nghệ sĩ hiện nay không thể sống bằng đồng lương nghệ thuật. Để có một cuộc sống khá giả và đầy đủ, anh đã phải xoay sở như thế nào?

(TGĐA) - Tôi nghĩ rằng khi nào con người ta có rất nhiều tiền thì cách chi tiêu cũng có sự thay đổi vì sẽ bớt tính toán hơn. Còn như tôi bây giờ thì vẫn luôn phải tính toán.


Như nhiều bạn bè đồng nghiệp, tôi cũng phải tranh thủ lúc thời gian rảnh rỗi để tham gia vào những công việc khác như đóng phim hoặc làm các chương trình truyền hình… Trước đây, gia đình tôi đã từng có một khoảng thời gian dài mở cửa hàng quần áo trẻ em. Chúng tôi có thuận lợi vì lúc lấy hoặc bán hàng, khách nhiều khi cũng vì quý mến nên đến với mình. Nhưng sau đó vì không có điều kiện để tiếp tục kinh doanh quần áo nên khi chị gái của vợ tôi có một cửa hàng buôn bán xe máy rủ vợ tôi kết hợp bán thêm phụ tùng xe máy, tôi đã chuyển sang công việc này. Tuy thu nhập không cao như hồi còn buôn bán quần áo nhưng cũng phần nào giúp trang trải các sinh hoạt trong gia đình. Với nghệ sĩ thì bên cạnh chữ "nghệ" còn có chữ "sĩ" nên nhiều khi tiêu cũng hơi hoang so với khả năng kinh tế của mình. Vì thế, lúc nào nghệ sĩ cũng ở trong trạng thái không dư dật, chưa kể mỗi lần đi làm một chương trình nào đó, khoản catse nhận được cũng không đủ để mua phục trang.

Hiện nay, mọi giá trị đều có sự thay đổi theo thời gian, trong đó có khái niệm về đồng tiền. Vậy theo anh, đồng tiền ngày hôm nay được nhìn nhận từ một người nghệ sĩ, nó mang ý nghĩa như thế nào?

Lương nghệ sĩ cũng như tất cả các cán bộ công nhân viên chức khác. Tiền bồi dưỡng vẫn có, nhưng chỉ là con số rất ít ỏi, thậm chí không bằng tiền bồi dưỡng trong một đêm diễn. Thêm vào đó, cũng là một chương trình nhưng khi biểu diễn cho các nơi khác thì được trả gấp 10 đến 20 lần nên nhiều khi chúng tôi nghĩ không có thước đo về đồng tiền. Đấy là tôi còn chưa kể có những chương trình đi làm vì nghề hoặc vì sự quý mến nể nang bạn bè thì làm xong cũng không muốn lấy tiền.

Trong một tháng, anh chi tiêu bao nhiêu % trong tổng thu nhập của mình. Trong đó khoản nào chiếm phần đầu tư nhiều nhất?

Tháng nào tôi làm ngoài nhiều hơn thì vợ sẽ bớt phải chi một khoản và coi như khoản thu nhập của vợ tháng đó sẽ là nguồn tích lũy. Tuy nhiên, hiện tại, tôi chỉ có thể nhận những vai diễn ngắn nhưng nếu không phải vai dài hơi thì thù lao cũng bị hạn chế. Nói chung, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Khoản chi nhiều nhất hàng tháng cho cá nhân mình là tiền mua thuốc lá và trước đây là… chơi bài. Nhưng nói vậy chứ chi phí cho thú vui chơi bài không đáng kể vì nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Anh có bao giờ tiêu tiền theo kiểu “thấy vui là được”?

Tôi không có nhiều tiền đến mức tiêu để “thấy vui là được”. Tôi nghĩ rằng khi nào con người ta có rất nhiều tiền thì cách chi tiêu cũng có sự thay đổi vì sẽ bớt tính toán hơn. Còn như tôi bây giờ thì vẫn luôn phải tính toán.

Lúc buồn nhiều người chọn cách tiêu tiền để giải tỏa, còn anh?

Buồn mà không có tiền thì lấy đâu ra tiền để giải tỏa. Người nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm và đa cảm, cũng rất hay buồn, hay vui một cách thất thường. Tôi chẳng bao giờ dùng tiền để mua vui hay giải tỏa bớt nỗi buồn.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng nếu đã có một vị trí nào đó thì không thích ngồi ăn ở những chỗ bình dân, anh thì sao?

Tôi không quan niệm như vậy. Tôi vẫn ăn ở những chỗ như thế, miễn là không phải ngồi bệt dưới lòng đường. Ở Việt Nam, đôi khi những gánh hàng rong mà có ghế ngồi đàng hoàng ở một vỉa hè tương đối sạch sẽ thì mọi người vẫn ngồi ăn. Nghệ sĩ cũng chỉ là những người bình thường, tôi luôn thích tìm những sự giản dị trong cuộc sống, không tạo ra những vỏ bọc là nghệ sĩ phải thế này thế kia.

Thế còn chuyện nghệ sĩ là phải dùng ô tô xịn và nhiều đồ hàng hiệu thì sao?

Nếu điều kiện cho phép thì chắc chắn không phải chỉ nghệ sĩ mới thích như vậy đâu. Hơn nữa, nghệ sĩ luôn muốn làm mới mình trước khán giả. Tôi cũng đã có lần từng chi đến 2 tháng lương để mua một cái áo và điều đó làm cho mình phấn chấn hơn. Vì chữ “sĩ” bao giờ cũng lớn hơn chữ “nghệ” mà!

Nếu bây giờ có một món tiền lớn, anh sẽ làm gì đầu tiên...?

Bạn hãy cho tôi một con số cụ thể thì tôi mới có một ý nghĩ cụ thể. Nếu món tiền lớn chỉ đủ mua một chiếc xe máy thì tôi sẽ nghĩ tầm từ chiếc xe máy trở xuống. Hoặc nếu đủ tiền mua một chiếc ô tô thì tôi lại nghĩ tầm từ chiếc xe ô tô trở xuống. Còn nếu món tiền đó có thể mua được nửa thành phố này thì tôi sẽ nghĩ khác đi nữa (cười!)... Nói vậy, nhưng tôi không phải là người có khát khao quá lớn trong việc phải nhịn ăn nhịn uống, phấn đấu cày cuốc để mua sắm bằng được những đồ dùng tiện nghi trong gia đình, chỉ những món đồ nào thật cần thiết thì mới cần mua.

Anh có đồng ý rằng quyền lực của một người là được thể hiện qua việc tiêu tiền?

Một số người khi có nhiều tiền thì sẽ tự tin hơn trong việc sai khiến người khác. Sự tự tin ấy sẽ được thể hiện tùy theo văn hóa của từng người.

Kim Anh