NSND Trần Thế Dân: “Cuộc đời đã cho tôi nhiều ưu ái”

(TGĐA) - Tôi đến thăm NSND Trần Thế Dân tại nhà riêng vào một buổi chiều với cái nắng hanh hanh. Nơi ông sống tuy là căn hộ tầng 1 của khu tập thể Nguyễn Công Trứ nhưng lại mang dáng vẻ của một ngôi nhà vườn với không gian yên tĩnh, thoáng mát hiếm thấy nơi phố thị ồn ào… Mở cửa đón tôi với diện mạo tươi cười,phong thái nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng, tôi mừng vì sức khỏe của ông sau 3 lần tai biến giờ đã khá hơn rất nhiều…

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai Người quay phim trên núi Đăk Sao
nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai
NSND Trần Thế Dân thời trẻ

Khi thấy tôi ngỏ ý muốn viết một bài chân dung về ông, NSND Trần Thế Dân sẵn lòng chia sẻ. Câu chuyện ông kể tôi nghe về con đường đưa ông đến với Nghệ thuật thứ bảy để rồi sống trọn đời với nó thật thú vị, chân thành, cởi mở khiến tôi càng hiểu và trân quý ông hơn.

NSND Trần Thế Dân sinh ra trong một gia đình trí thức, ông nội là nhà giáo có tiếng ở Hải Dương, còn cha ông làm báo, sau công tác ở Ban Tuyên giáo Trung ương. Thuở nhỏ, ông học trường Tân Trào (Tuyên Quang), đến lớp 3 được cơ quan của bố chọn gửi đi học ở khu học xá Trung Quốc – một trường sơ tán của Việt Nam, học tiếng Việt nhưng ăn cơm Trung Quốc. Khi đó mới 10 tuổi, cậu bé Trần Thế Dân đã cùng đoàn học sinh tản cư đi bộ suốt 7 tuần từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên, qua Bằng Tường rồi lên tàu hỏa đến Nam Ninh – Trung Quốc. Lớp 7, ông lại về nước học trường Chu Văn An. Năm 1960, ông được nhà nước cho đi học nước ngoài, là người yêu thích nghệ thuật nên thay vì sang Đức học Kỹ thuật, Trần Thế Dân theo học lớp quay phim tại Học viện Điện ảnh tại Bắc Kinh – Trung Quốc. 1964 về nước, liền sau đó năm 1965, ông tham gia bộ phim đầu tiên với vai trò phó quay phim cho đạo diễn Nguyễn Khánh Dư trong phim tài liệu Biển lửa. Bằng máy quay phim tốc độ cao của Trung Quốc, với kiến thức được đào tạo bài bản ở Học viện điện ảnh Bắc Kinh, chàng trai trẻ Trần Thế Dân khi ấy hăng hái thực hiện toàn bộ những cảnh kỹ xảo đánh biển, đánh sân bay Cát Bi của bộ đội ta.

Năm 1966, khi chuẩn bị làm phim Muối trong hạt muối, Trần Thế Dân được gọi đi B – vào chiến trường miền Nam với nhiệm vụ phóng viên chiến trường của Ban thống nhất Trung ương – thuộc biên chế dân chính Khu ủy khu 5. Mặc dù thuộc khối dân chính nhưng nhiệm vụ chính của phóng viên chiến trường vẫn là đi vào các trận đánh để phản ánh thời sự chiến tranh.

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai
NQP Trần Thế Dân (phải) trên đường ra chiến dịch

Một chi tiết thú vị được ông chia sẻ, đó là vì “cái tai điếc” mà suýt nữa ông được phong anh hùng. Thời gian đầu mới vào chiến trường, ông không biết mình chỉ còn thính lực một bên tai. Tất cả mọi âm thanh khi ấy đều chỉ nghe bằng tai trái, cứ ngỡ bên phải là an toàn nên địch bắn ông vẫn không ngần ngại, cầm máy quay xông tới. Mọi người ai cũng nể phục, thậm chí từ Khu ủy đến Trung đoàn còn nhận xét ông có tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm, làm gương cho bộ đội. Sau này, năm 1968, khi biết tình trạng thính lực của ông kém, không thể ra trận, khu ủy khu 5 quyết định điều động Trần Thế Dân trở ra Bắc. Tự nhận vì “sĩ diện tiểu tư sản”, vào chiến trường mấy năm nhưng chưa quay được gì nhiều, ông nhất quyết không ra Bắc mà xin lênTây Nguyên, nơi rừng núi ít súng đạn hơn, hy vọng sẽ làm được điều gì đó có ý nghĩa.

Những ân tình với Tây Nguyên huyền thoại

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai
Cảnh trong phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao

Không biết tự khi nào, Trần Thế Dân đã say mê tìm hiểu những điều thú vị, hấp dẫn về giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại. Ông thích tính trữ tình của sử thi Tây Nguyên, những ngọn núi lớn cao vút, những tảng đá thô kệch nhưng lại mang chất thơ riêng đầy mê hoặc. Có lẽ giữa ông và Tây Nguyên đã có một cái duyên định mệnh, một sợi dây vô hình kết nối đưa ông đặt chân tới mảnh đất này để rồi mở ra những thành công đầu tiên trong sự nghiệp…

Một lần tới dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của tỉnh Kon Tum trên núi Ngọc Lĩnh, Trần Thế Dân vô tình được nghe về thành tích của tổ du kích A Cứu bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Vậy là trong đầu ông nảy ra ý định làm phim về Tây Nguyên với chất trường ca hào hùng, bay bổng. Ngày ấy, đi cùng ông từ chiến trường khu 5 lên Tây Nguyên có đồng nghiệp – nhà quay phim chiến trường người Chăm Gia Lai - Kpay Y Vang. Hai người quyết tâm đến bằng được Đăk Sao để tìm gặp tổ A Cứu. Con đường họ vượt qua vô cùng khó khăn, phải leo qua những dốc núi thẳng đứng, có cảm giác người đi trước như dẫm lên đầu người đi sau. Có đoạn đang leo bỗng nghe tiếng động cơ máy bay gầm rú, nhìn xuống thấy “3 con ma thần sấm” vừa đi oanh tạc ở đâu về. Đó cũng là lần đầu tiên họ thấy lưng máy bay sơn rằn ri như những con châu chấu ma. Bất giác nhìn lên phía Tây, Trần Thế Dân thấy quầng mặt trời to, sương muối buổi chiều khiến mặt trời khuếch tán như một quả cầu lửa, ông lập tức nghĩ ngay đến hình ảnh Đăm San đi tìm nữ thần Mặt Trời và liên tưởng đến sức mạnh diệu kỳ của người dân Tây Nguyên. Đặt ba lô lên đỉnh dốc, ông quay sang bảo với Kbay Yvang: “Có phim rồi! Để đi đến hạnh phúc của mình, người Tây Nguyên không biết còn bao nhiêu lần nữa phải “đạp cho được con châu chấu voi, con ma thần sấm, con giặc nhà trời của không lực Hoa Kỳ…”

Ý tưởng đó càng khiến ông và đồng nghiệp quyết tâm trèo đèo lội suối tìm bằng được tổ quay phim A Cứu, thực hiện bộ phim ấp ủ với tên gọi ban đầu Đăm San đi tìm nữ thần mặt trời. Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ như họ nghĩ. Tìm thấy tổ du kích A Cứu nhưng để quay được cảnh họ bắn máy bay địch không hề đơn giản. Vốn là người nệ thực, muốn có được những cảnh quay chân thực giá trị, Trần Thế Dân cùng Kbay Yvang và tổ A Cứu đã phải phục một tháng rưỡi, đốt lửa, căng vải dù trắng xóa sườn núi để dụ máy bay nhưng vẫn không quay được cảnh mong muốn.

Không có cảnh bắn nhau súng đạn đùng đoàng nhưng bù lại trong phim, ông quay được cảnh người dân Tây Nguyên đi khiêng xác máy bay chất xung quanh cây nêu rồi nhảy múa ăn mừng, đón nhận huân chương – một nghi lễ trước đó chỉ diễn ra khi họ bắt được thú rừng. Sau khi ăn thịt, người ta thường lấy tất cả bộ xương đầu thú đó cắm lên mái nhà. Trong phim của Trần Thế Dân còn có một chi tiết rất “đắt”, cảnh quay ông đội lên đầu thú một cái mũ phi công Mỹ với ý nghĩa coi những tên phi công Mỹ chỉ như những con thú. Cũng chính vì ý nghĩa này, bộ phim được đổi từ tên cũ Đam san đi tìm nữ thần mặt trời thành Những người săn thú trên núi Đăk Sao....

Cảnh các già làng Ê Đê bắn máy bay bằng những chiếc nỏ rất lớn, ngồi trên đất dùng chân đạp, sải cánh cung rồi bắn máy bay. Bắn không được, họ trèo lên đọt cây cao bắn, hết mũi tên, người trên cây dùng búi tóc hứng lấy mũi tên một người dưới đất bắn lên để tiếp tục bắn máy bay địch. Những câu chuyện như vậy cứ hun đúc, tạo cho bộ phim chất trữ tình, bay bổng đậm nét sử thi Tây Nguyên.

Điều quan trọng bên cạnh chất trữ tình, Những người săn thú trên núi Đăk Sao còn mang tính chất chính trị, với nội dung tư tưởng, tuyên truyền rất cao, thể hiện tinh thần dám chiến đấu, dám đánh Mỹ của người dân Tây Nguyên. Một xã đội trưởng du kích để giải phóng tư tưởng không sợ Mỹ cho đồng bào đã cầm cái gậy gỗ để tra ngô trên rẫy, chọc trên mặt đất rất nhiều lỗ, tra ngô xuống đúng kiểu thả bom và nói rằng: “ Không sợ bom đạn Mỹ, nó thả nhiều bom như một bãi ngô thế này nhưng đồng bào thấy đấy, không có mấy hạt ngô rơi trúng lỗ, máy bay giặc còn oanh tạc, đồng bào cứ đào hầm trú ẩn thì sẽ tránh được đạn bom”.

Trường đoạn này trong phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao được cấp trên yêu cầu chiếu đi chiếu lại nhiều lần khắp Tây Nguyên để biểu dương tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ, họ dám đối đầu với vũ khí hiện đại, dám đánh Mỹ và tin tưởng sẽ có ngày chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai
Cảnh trong phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao

Những người săn thú trên núi Đăk Sao đã được Bộ Văn hóa, Ban Thống nhất Trung ương khi ấy chọn đi dự thi LHP quốc tế Matxcova 1971. Được tin đó, nhà quay phim Trần Thế Dân sau khi quay xong đã trực tiếp đem phim ra Bắc. Đôi chân khi ấy đã quen đồi quen núi, tự cõng phim, một ngày hai chặng, ông đi băng băng ra Bắc, khẩn trương dựng phim trong vòng 10 ngày để kịp đi dự LHP.

NSND Trần Thế Dân còn nhớ như in cảm giác hồi hộp khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Ban đầu, dựng xong Những người săn thú trên núi Đăk Sao, ông rất tự tin. Vậy mà sang đến Matxcova, được ngồi xem bộ phim Lũy Thép Vĩnh Linh của đạo diễn Ngọc Quỳnh, bản thân ông thú thật đã vô cùng “ khiếp sợ” trước khối lượng những hình ảnh chiến tranh quá lớn, khốc liệt của bộ phim. Khán giả Nga ngồi xem cũng vô cùng kinh ngạc và cảm động. Mất niềm tin, ông nghĩ: “Phim mình thua mất rồi”. Buổi cuối ở LHP, ông hoàn toàn bất ngờ nghe đồng nghiệp thông báo “Phim của Dân đạt huy chương Vàng cùng Lũy thép Vĩnh Linh rồi”. Những người săn thú trên núi Đăk Sao đã được đánh giá cao ở chất thơ, chất trữ tình phản ánh một cuộc chiến tranh của những người dân chỉ bằng vũ khí thô sơ lạc hậu với một đế quốc hùng mạnh hiện đại. Cuộc đấu tranh khốc liệt được miêu tả bằng chất thơ, chất trữ tình đã khiến cho Ban giám khảo LHP hoàn toàn bị thuyết phục.

Mặc dù không phải là bộ phim duy nhất trong sự nghiệp điện ảnh nhưng Những người săn thú trên núi Đăk Sao đã trở thành một bộ phim để đời, mang dấu ấn cá nhân của NSND Trần Thế Dân.

Có được thành công của Những người săn thú trên núi Đăk Sao, NSND Trần Thế Dân luôn nhắc đến vai trò quan trọng của nhà quay phim người Chăm Gia Lai - Kbay Y Vang - người cùng ông thực hiện những cảnh quay chân thực của bộ phim. Ông bảo đời ông may mắn gặp được anh, một người bạn vô cùng thân thiết, gắn bó từ ngày còn ở chiến trường khu 5, học lớp quay phim chiến trường, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi suốt những năm tháng ở Tây Nguyên. Kbay săn bắn giỏi, thông thạo rừng núi cũng như cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên. săn bắn giỏi. Không cần giao liên chỉ đường, anh có thể đi trong rừng, leo lên ngọn cây nhìn xung quanh biết đồn địch ở đâu và tìm được đường lách đi qua, tránh được hòn tên mũi đạn của địch. Qua suối, anh nhảy một mạch xuống rồi bơi sang bên kia bờ như con nhái, khi nổi lên hai tay hai con cá, mồm ngậm một con. “Sống trong rừng nhưng Kbay cho tôi một cuộc sống rất sướng, hôm nào cũng có thức ăn, chỉ cần nhóm bếp lửa thổi nồi cơm là anh ấy đã lặn ở dưới suối mang lên một hũ đầy cá. Hôm nay ăn cá, ngày mai ăn lợn rừng….”

Một nhà quay phim đầy chất trữ tình, lãng mạn

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai
NSND Trần Thế Dân thời trẻ

Năm 1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường, Trần Thế Dân ra Hà Nội, là Hệ trưởng Hệ Sáng tác – trường Điện ảnh Việt Nam. Thời gian ở trường, năm 1974, cũng nhờ thành công từ Những người săn thú trên núi Đăk Sao, ông có cơ may được đạo diễn Hải Ninh mời quay phim chính cho bộ phim Em bé Hà Nội. Vốn được đào tạo bài bản quay phim truyện, cộng thêm đã có giải quay phim nhựa khiến ông càng tự tin hơn, quyết tâm sẽ thử hết các “ngón nghề” trong Em bé Hà Nội. Thời đó làm phim trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, máy móc thô sơ, Trần Thế Dân lại được nhận một chiếc máy quay phim hỏng. Máy quay mờ đến mức không nhìn rõ nét mặt người, ông chỉ có thể nhìn màu áo diễn viên mà quay theo… Trong cái rủi có cái may, chính những nhược điểm đó của máy quay mà ông đã có được những cảnh quay đạt hiệu ứng cao khi kết hợp với những cảnh sử dụng tư liệu. Tận dụng bối cảnh thật còn nguyên vẹn sau trận bom, ông chắt lọc những gì tiêu biểu và cô đọng nhất thu vào ống kính của mình. .. Đôi mắt dáo dác đen láy của cô bé Ngọc Hà trong đổ nát, tiếng gọi da diết, chiếc lồng chim trên nền nhà cũ, búp bê nhựa cháy xém bên vành nôi, khói hương nghi ngút bên vành khăn tang trắng… xen kẽ bên những cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Hà Nội, cảnh bắt giặc lái… vừa có sức ám ảnh người xem rất sâu sắc, vừa khiến khán giả như đang hiện diện ngay tại thời điểm đau thương này… Đạo diễn Hải Ninh vô cùng hài lòng.

Là một nhà quay phim từng kinh qua cả hai thể loại tài liệu và phim truyện, NSND Trần Thế Dân luôn tâm niệm về mặt lý thuyết, phim phải chân thực và bám sát cuộc sống nhưng lĩnh hội một cách đầy đủ hơn, phim là nghệ thuật nên không thể trần trụi như khi người ta phản ánh máy móc đơn giản mà phải luôn tìm cho nó một dấu ấn của nghệ thuật. Dù đó là phim khoa học tài liệu hay là bất cứ phim gì thì trước hết đó phải là tác phẩm nghệ thuật, phải bong lên vẻ đẹp của nghệ thuật….

Bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao đã thành công bởi dù là phim phản ánh chiến tranh, hiện thực cuộc sống chiến đấu nhưng vẫn tập trung phản ánh bằng chất huyền ảo, hơi huyền thoại, bảng lảng của trường ca Tây Nguyên.

Nếu thể loại tài liệu đem tới cho ông cảm hứng sáng tác mới, phong phú, tươi rói của nghệ thuật bởi các cảnh quay tự nhiên, những hoạt động liên tục thay đổi nhưng phải phụ thuộc đề tài thì phim truyện lại giúp ông có khả năng sáng tạo, chau chuốt trong từng khuôn hình, từng nét mặt, cử chỉ động tác của người diễn viên. NSND Trần Thế Dân có tiếng là người quay chân dung diễn viên trong phim rất đẹp. Để quay cảnh chân dung diễn viên Trà Giang ngồi đánh máy chữ bài xã luận “chiến đấu với B52” trong phim Em bé Hà Nội, ông đã mất cả buổi sáng, chăm chút từng cái rèm cửa, từng sợi tóc bay, từng chút ánh sáng bởi toàn bộ tính chiến đấu của bài xã luận chỉ thể hiện qua ánh mắt, ánh sáng, qua chân dung nhân vật.

Trên cương vị người Thày, ông luôn quan niệm: “Dạy kiến thức một phần, quan trọng là truyền cảm xúc sáng tạo, tư duy cho học sinh trong sáng tác”.

Một thầy giáo, một nhà quản lý đầy tâm huyết

Gắn bó với công tác giảng dạy tại trường Điện ảnh Việt Nam – nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội suốt 20 năm từ 1972 đến 1992, NSND Trần Thế Dân từng là Hệ trưởng Hệ sáng tác Trường Điện ảnh Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Nhiều thế hệ học trò của ông đã trở thành những nhà làm phim tài ba như NSND Nguyễn Thước, quay phim Đinh Anh Dũng, đạo diễn Lê Hoàng, Hoàng Tấn Phát, Vũ Chính, Lưu Quỳ….Với họ, ông không những là một người Thày, mà còn như một người Cha, người Anh, người đồng nghiệp. Không đơn thuần là dạy Nghề, quan trọng hơn, ông đã truyền cảm hứng sáng tác, khơi gợi cảm xúc, hướng họ đến những xúc cảm của Chân, Thiện, Mỹ…

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai
NSND Trân Thê Dân

NSND Trần Thế Dân cũng chính là người biên soạn Chương trình đại học bảo vệ trước Bộ Văn hóa, Bộ Đại học để đưa lớp Quay phim khóa đầu tiên lên đại học, làm tiền để cho sự ra đời của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh sau này.

Năm 1992, ông về công tác tại Cục Điện ảnh. Trên cương vị Cục phó thường trực Cục Điện ảnh Việt Nam, ông đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Điện ảnh nước nhà, trong đó điển hình là chương trình hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng thành công chương trình Điện ảnh chiều thứ Bảy…

Đảm nhận vai trò phó Tổng thư ký thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 2000 đến 2007, ông luôn quan tâm đến sự đoàn kết vui vẻ, hoạt động nghề nghiệp, quyền lợi của anh em hội viên. Từ nhu cầu được học hỏi của lớp trẻ - những người chưa có điều kiện được đào tạo, ông đã quan tâm thành lập Trung tâm hỗ trợ tài năng trẻ điện ảnh TPD trên cơ sở sự tài trợ đầu tư của quỹ Ford, từ đó đã đào tạo được một số tác giả trẻ, ươm mầm cho điện ảnh Việt Nam; tổ chức các Liên hoan phim ngắn…

Viết về chân dung một con người mà chỉ gói gọn trong một bài viết, hơn nữa lại là thế hệ hậu sinh, tôi không nghĩ mình có thể nói hết về con người NSND Trần Thế Dân. Gần gũi, khiêm nhường là những gì tôi nhận thấy ở ông trong suốt cuộc trò chuyện. Ông luôn nhắc nhở tôi đừng viết gì quá bởi ông không có gì đặc biệt. Với phương châm sống ôn hòa, đoàn kết, vui vẻ, luôn quan tâm đến mọi người, đến giờ, ông tự nhận mình đã làm tròn vai, hết mình trên những cương vị công tác.

***

Một số tác phẩm tiêu biểu của NSND Trần Thế Dân: Phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao (Đạo diễn – biên kịch – Quay phim) – Bông sen Vàng LHPVN lần II, 1973 – Huy chương Vàng LHP quốc tế Matxcova, 1971. Phim tài liệu Trở về buôn rẫy - Bông sen Bạc LHPVN lần II, 1973 Phim tài liệu Và mưa đã xóa nhòa dấu vết (đạo diễn); Bóng mát rừng dừa (đạo diễn) – Giải Đặc biệt của Hội Điện ảnh VN tại LHP VN lần thứ IV, 1977 Quay phim chính cho các phim truyện nhựa: Em bé Hà Nội (1975), Tự thú trước bình minh (1977); Ám ảnh (Giải kỹ thuật tại LHPVN lần VIII, 1988); Canh bạc (1990); Hãy tha thứ cho em (1992)… cùng một số phim Video như Đời mưa gió; Nơi tình yêu đã chết; Chuyện tình của biển… Ông còn là tác giả kịch bản phim Y Hnua (1979).

Năm 1993: được tặng Danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.

Năm 2001: được tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ và, đứng sau thành công của NSND Trần Thế Dân không thể không nói tới người vợ hiền của ông. Suốt thời tuổi trẻ, bà chăm sóc dạy dỗ con cái, vun vén gia đình để chồng yên tâm công tác, chia sẻ với ông vui buồn trong từng bước đường sự nghiệp. Và cũng khá lâu kể từ ngày sức khỏe của NSND Trần Thế Dân giảm sút vì căn bệnh tai biến do tiểu đường, anh em đồng nghiệp trong làng điện ảnh dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh bà chở ông bằng xe máy đi khắp nơi, khi thì đi khám, lúc lại lên Hội Điện ảnh, đi gặp mặt bạn bè… “Bà ấy vừa là bạn đời, vừa như y tá, là thư ký cuộc đời, đã hỗ trợ tôi tới mức làm bất kể việc gì, kể cả đi đứng mà không có bà ấy là tôi mất tự tin...”

Giờ đây, khi đã ở tuổi 76, NSND Trần Thế Dân đang có một cuộc sống viên mãn bên vợ con gia đình. Các con ông đều học hành giỏi giang và thành đạt. Cả cuộc đời chiêm nghiệm, ông tự nhận mình là người may mắn. Chúc cho ông thật nhiều sức khỏe, sống lâu với con cháu, vui hưởng tuổi già.

nsnd tran the dan cuoc doi da cho toi nhieu uu ai Người quay phim trên núi Đăk Sao

(TGĐA) - Năm 1971, bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk ...

Phương Hà