PGS. TS Trần Luân Kim: “Cần xây dựng một nền nếp thẩm định tác phẩm và công trình điện ảnh”

(TGĐA) - LTS: Một tháng sau khi Lễ trao giải được tổ chức, Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ công luận. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, có không ít lời than phiền về chất lượng và cách thức chấm giải Cánh diều. Trong số này, tạp chí Thế giới điện ảnh đăng tải loạt bài có tính chất trao đổi, chia sẻ xung quanh giải thưởng Cánh diều 2012 để bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này.

PGS.TS Trần Luân Kim là trưởng Ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh giải thưởng Cánh diều 2012. Đảm nhận trách nhiệm đầu tàu ở hạng mục được dư luận đặc biệt quan tâm và “bị thắc mắc” nhiều nhất kể từ đêm trao giải ngày 9/3, ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.

PGS-TS_Tran_Luan_Kim

Chất lượng phim tham gia giải Cánh Diều năm 2012 phản ánh điều gì về bức tranh điện ảnh Việt Nam hiện nay và ông có nhận xét gì về mặt bằng phim truyện năm nay qua giải Cánh Diều?

Qua 11 tác phẩm dự giải Cánh Diều năm 2012, chúng ta đã có dịp ngắm lại bức tranh gần như toàn cảnh của phim truyện nước nhà năm vừa qua. Nét biểu hiện rõ nhất, thể hiện ở ý chí của nhiều tác giả, là họ đã cố giữ vững và vượt lên trên thành tựu phát triển mà điện ảnh nước nhà đã đạt được trong những năm gần đây. Ngoại trừ vài phim yếu kém rõ rệt, đa phần số phim còn lại cho thấy sự kỳ công nhất định của các tác giả trong quá trình sáng tác và chế tác. Một số câu chuyện phim có cấu trúc khá chặt chẽ, cao trào xung đột được tác tạo hợp lý, nhân vật được xây dựng khá đa dạng - có thân phận và cá tính rõ nét. Mặt khác, nghệ thuật và kỹ thuật đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, dàn cảnh, thu hình, tạo hiệu quả đặc biệt, diễn xuất…..nói chung, đều được chăm chút kỹ lưỡng; thể hiện rõ nét dấu ấn tâm huyết và tính chuyên nghiệp của các tác giả. Một số phim trong số đó vượt lên, bước đầu tạo được phong cách thể hiện riêng, có sức lan tỏa và sức hút nhất định. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, có thể vui mừng nhận thấy rằng, phim truyện năm qua, với sự góp sức của các lực lượng khác nhau, đã đạt tiến bộ, hình thành một mặt bằng chất lượng thể hiện khá, tương đối phù hợp với đòi hỏi thưởng thức đương thời.

Dù vậy, nhìn từ góc độ khác, theo tôi vẫn cần được các tác giả chú trọng cải đổi nhiều hơn nữa, theo hướng quan tâm khai thác những vấn đề về con người cùng xã hội được đông đảo công chúng mong đợi, biểu đạt hài hòa nội dung với hình thức thể hiện, cũng như kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố giải trí bổ ích với giá trị thông tin,chiều sâu nghệ thuật mà không bị cuốn hút quá đà vào những thủ thuật câu khách thiếu thẩm mỹ, như bạo lực vô nhân tính hoặc sex phản cảm.

Din_vin_Hunh_ng_v_inh_Y_Nhung_nhn_gii_Nam_N_din_vin_chnh_xut_sc_nht_Cnh_diu_2012

Diễn viên Huỳnh Đông và Đinh Y Nhung nhận giải Nam Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Cánh diều 2012

Trong quá trình xem phim và chấm điểm, Hội đồng Giám khảo đã làm việc như thế nào và vì sao đã trao Cánh Diều Vàng cho phim Thiên mệnh anh hùng?

Hội đồng đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến lần lượt của từng thành viên về tất cả các phim; sau đó là quá trình phân tích, trao đổi chung để làm sáng rõ mọi vấn đề và chi tiết đối với từng phim. Trên cơ sở nhận thức rõ ràng từ ý kiến cá nhân và tập thể, từng ủy viên Hội đồng tự chủ cho điểm vào phiếu kín và nộp cho Ban Tổ chức. Qúa trình này tuân theo quy chế làm việc của giải Cánh Diều. Còn lý do Thiên mệnh anh hùng được chọn trao giải Cánh Diều? Đơn giản là vì tác phẩm này nhận được sự nhất trí hoàn toàn của toàn thể Hội đồng Giám khảo. Vì sao ư ? Trước hết, vì câu chuyện phim đã được khai thác một cách khéo léo, thông minh từ nguồn tư liệu lịch sử khá bộn bề; chỉ bằng những chi tiết nhỏ đã dựng nên quang cảnh và bầu không khí đặc trưng của một thuở lịch sử, tạo ra sức thuyết phục. Tiếp đến, bộ phim được dựng nên với bộ mặt lịch sử hùng tráng, đầy khí thế, phù hợp với đề tài và thể loại được chọn. Nội dung và hình thức tác phẩm được kết hợp hài hòa, bộc lộ rõ nét tính chất hiện đại cùng sắc màu dân tộc trong nghệ thuật thể hiện. Qua phim, thấy rõ trình độ tay nghề vững vàng, khả năng xử lý chuyên nghiệp và khá sắc sảo các tình huống mang tính kịch trong hầu hết các khâu tác nghiệp như đạo diễn, thu hình, dựng cảnh, võ thuật, diễn xuất….Bộ phim được dàn dựng công phu với nhiều cảnh quy mô lớn, tạo ra những toàn cảnh hùng vĩ, phù hợp với khung cảnh câu chuyện. Khuôn hình nói chung giữ được cân đối, sử dụng linh hoạt và hợp lý các cỡ cảnh, trong đó cảnh cận và đặc tả được khai thác đúng chỗ, làm nổi bật ý nghĩa của tình tiết. Mạch dựng khá thông suốt, tạo nhịp điệu phù hợp với thể loại lịch sử võ thuật. Mặt khác, hình tượng tác phẩm được nêu bật do đạt hiệu quả cao trong việc kết hợp hài hòa hình ảnh với âm thanh. Tóm lại, Thiên mệnh anh hùng nổi trội nhất trong các phim dự giải Cánh Diều vừa qua, xứng đáng được nhận giải vàng.

Ông nhận xét gì về 3 bộ phim do các Hãng phim Nhà nước sản xuất tham dự giải Cánh diều năm nay là: Cát nóng, Đam mê Lạc lối?

poster_lac_loi_1

Poster phim Lạc lối

Tôi nghĩ, thực tế cho thấy là đã đến lúc không cần phân biệt phim được sản xuất bởi Hãng nào, Nhà nước hay ngoài Nhà nước. Bởi lẽ, yếu tố đó không còn giữ ý nghĩa quyết định trong thời điểm này nữa. Từ nay trở đi, nên xem xét thành quả sáng tạo từ chính tác phẩm cùng tác giả của nó mà thôi. Rõ ràng, tình trạng chung của phim truyện hiện nay là ít có phim đạt hoàn chỉnh toàn diện. Do đó, cũng như những phim khác, ba phim này rơi vào trạng thái vừa có điểm thành công, lại vừa có điểm hạn chế. Thành công và hạn chế của mỗi phim bộc lộ ở khía những cạnh và mức độ khác nhau. Nói chung, ba phim trên có đề tài cấp thời, gắn với cuộc sống. Mỗi phim triển khai diễn đạt ngôn ngữ theo một lối riêng, đều cố gắng tìm tòi chi tiết và tập trung xây dựng nhân vật theo hướng điển hình hóa cá thể, tùy vào trạng huống cụ thể của mỗi phim. Tuy nhiên ở những mức độ khác nhau, các phim này vướng vào một hạn chế chung là chưa thoát ra khỏi quán tính của phương pháp, lề lối và phong cách thể hiện đã cũ: tự tạo ra khuôn mẫu và ẩn mình trong đó. Trong khi hiện nay mọi thứ đã thay đổi cơ bản, đòi hỏi phải có phương thức biểu hiện mới, miêu thuật trực diện, xoáy sâu, hoạt bát, sinh động với nhịp điệu cách tân phù hợp… Do vậy, dư luận chưa thõa mãn với các phim trên, đòi hỏi phải cải tiến, hoàn thiện hơn nữa quá trình sáng tác - chế tác tác phẩm cho phù hợp với nhu cầu hiện tại của cuộc sống, là điều dễ hiểu.

Thiên mệnh anh hùng nhận giải Cánh diều Vàng có tính thuyết phục đối với dư luận, nhưng các giải khác dành phim những phim như: Lạc lối, Scandal – Bí mật thảm đỏ, Cát nóng, Lấy chồng người ta lại bị có “ý kiến. Xin ông giải thích điều này?

Như tôi đã nói ở trên, ngoài Thiên mệnh anh hùng, các phim khác đều chưa hoàn thiện, còn hạn chế ở các mức độ khác nhau. Chính vì lẽ đó mà các phim này đã nhận những giải thấp hơn. Cụ thể, với phim Lạc lối (giải Cánh diều Bạc), ta thấy tác giả đề cập câu chuyện quen thuộc đời thường bằng lối thuật kể chân tình, bình dị, không cao giọng nhưng khá thấm thía về quan hệ con người và lẽ sống, tỏ rõ khát vọng cứu vớt những thân phận lầm lỗi, mang ý nghĩa nhân văn rõ rệt. Phim được diễn đạt thông suốt, kết hợp đúng mức nội dung với hình thức thể hiện; tuy nhiên bộ phim còn bị gò bó trong phương pháp diễn đạt đã cũ; lại bị dàn trải chi tiết trên diện rộng, khiến rơi vào tản mạng, dài dòng. Với Scandal – Bí mật thảm đỏ, bộ phim hướng tới mặt trái của thế giới ngưới mẫu. Ý Linh và Trà My tranh nhau bằng mọi giá để trở thành minh tinh số một trên sàn diễn. Cuộc tranh tài bằng mọi thủ đoạn ác độc của hai kiều nữ đã biến họ thành nạn nhân, trả giá bằng cả mạng sống. Câu chuyện phim gióng tiếng chuông cảnh báo về hậu quả của lòng tham vô độ. Giọng điệu của tác giả khá là sắc sảo, được cất lên một cách quyết liệt, bài bản. Song tiếc thay, câu chuyện đã bị đẩy sang hướng cực đoan, tạo xung đột thảm khốc thiếu thuyết phục, đặt cái ác không mamg tính đặc trưng riêng của nghề nghiệp người mẫu-- mà là hành động sát phạt thông thường của bất cứ ai, vào vị trí độc tôn; khiến ý nghĩa nhân văn cũng như giá trị chân thực của tác phẩm bị hạ thấp. Trong khi đó, Cát nóng cố cất to lời cảnh báo về tệ xâm hại môi trường trong trạng huống đầu tư ồ ạt. Cảnh quay được chăm chút kỹ, trong đó có các cảnh quay dưới mặt nước biển…Tác giả sử dụng thủ pháp tượng trưng để biểu lộ ý tưởng, như một tìm tòi quen thuộc của Lê Hoàng. Nhược điểm chính của tác phẩm là đã cố tình trộn lẫn vào chung một trạng huống-- mà thiếu tính toán hiệu quả thực tế, giữa cái hiện thực với cái biểu tượng, giữa cái thực chất với cái giả ảo, khiến thực hư lẫn lộn một cách thiếu nghệ thuật, làm cho câu chuyện phim trở nên giả tạo. Cuối cùng, Lấy chồng người ta là câu chuyện khoét sâu mối quan hệ và xung đột phức tạp, gay cấn giữa đôi vợ chồng hiếm muộn với người đàn ông bí mật gieo con cho người vợ. Người vợ tưởng sẽ đem lại hạnh phúc cho chồng sau khi có được mụn con, nào ngờ xung đột xảy ra triền miên và ngày càng gay gắt, dẫn đến cái chết cho cả hai người đàn ông, để lại người đàn bà tuyệt vọng với đứa con thơ dại. Tác giả đã khéo léo khai thác tối đa mối xung đột về quyền lợi và khác biệt tính cách giữa các nhân vật, tạo ra dòng biểu đạt tâm lý khá sâu sắc. Trong một không gian hẹp, tác giả triển khai các chi tiết đắt giá bằng kỷ thuật thể hiện chuyên nghiệp. Tiếc rắng câu chuyện đã kết thúc trong bi kịch tuyệt vọng, bởi sự cố chấp không thể cứu vãn của nhân vật, vùi lấp ý nghĩa nhân văn mà lẽ ra, nếu được xử lý cao tay, tác phẩm có cơ đạt tới thành công trọn vẹn.

Canh_trong_phim_Scandal_Bi_mat_tham_do

Cảnh trong phim Scandal - Bí mật thảm đỏ

Một cách khái quát, các phim nói trên, ngoài những hạn chế vừa nêu, đều cho thấy có sự cố gắng tìm tòi và đã đạt thành công nhất định trong nghệ thuật cũng như kỹ thuật thể hiện ngôn ngữ điện ảnh hiện đại.

Ở góc độ cá nhân, ông có thể chia sẻ trải nghiệm “nỗi khổ” của người chấm giải thưởng Cánh diều nói riêng và giải thưởng về điện ảnh nói chung ở nước ta? Ông phải chịu áp lực và gánh nặng gì khi đảm nhận trọng trách này?

Dư luận về giải thưởng ở ta thường đa chiều và sôi nổi. Điều đó chứa đựng khía cạnh tích cực là chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối với giải thưởng. Tôi cho rằng, những người nhận nhiệm vụ chấm giải phim cũng đồng thời phải chấp nhận những “nỗi khổ” không tránh khỏi, song đã là công việc thì đó là chuyện thường tình, làm riết cũng quen. Công việc của giám khảo, như ai cũng biết, là phải trách nhiệm, lương tâm, vô tư, công bằng, vì lợi ích chung. Nếu thực hiện tốt và được đồng cảm rộng rãi thì mọi việc trôi chảy, còn nếu có thành viên nào đó không tự giác thực hiện trọn vẹn các tiêu chí trên, thì sẽ tạo ra một trong những lý do gây bức xúc dư luận. Dĩ nhiên, dư luận mà tôi đế cập ở đây là dư luận khách quan, vô tư, mang tính xây dựng. Chúng ta cần xây dựng một nền nếp thẩm định tác phẩm và công trình điện ảnh khoa học, đạt chất lượng cao, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động điện ảnh nước nhà phát triển nhanh và đúng hướng.

Chân thành cảm ơn ông!