Phan Nghiêm - Người xứng đáng được đề nghị trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh

(TGĐA) - Ông Phan Nghiêm nguyên là Phó Cục Trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam và Giám đốc Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim trong những năm (1964 – 1971) có thể được xem là người đặt nền móng cho kỹ thuật điện ảnh Việt Nam ngay từ những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trước khi có Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953 của Chủ Tich Hồ Chí Minh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, là ngày khai sinh ra ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Do có nhiều bệnh nên ông Phan Nghiêm đã mất sớm khi mới 52 tuổi. Chị Nguyễn Thị Hảo, vợ ông và các con nói chung đều không hiểu hết được những công việc ông đã làm nên rất khó khăn trong việc lập hồ sơ để nhà nước xét truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh.về khoa học kỹ thuật.

Tôi có may mắn được làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của ông trong những năm 1964-1971 nên viết bài này mong có sự hưởng ứng của những người đã từng làm việc với ông, biết về những công trình ông đã cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh Việt Nam nói chung và nền kỹ thuật điện ảnh Việt Nam nói riêng đặng có tiếng nói chung cùng với gia đình ông lập hồ sơ đề nghị nhà nước xét truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT. Chừng nào chưa làm được việc này một số cán bộ KHKT lâu năm chúng tôi rất băn khoăn.

IMG_9637

Ông tên thật là Nguyễn Văn Xuân, quê xã Yên Sở huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây (cũ), sinh năm 1926. Năm 1943 ông cùng với người em trai là Nguyễn Văn Thu (tức đạo diễn Hoàng Thái – Hãng phim TLKHTƯ) lên Hà Nội học ở Trường Kỹ nghệ thực hành và kiếm sống. Hai anh em trọ ở nhà sửa chữa đài Radio-Co ở phố Hàng Bông. Ông Phan Nghiêm biết sửa chữa đài và vô tuyến điện từ đây. Ông rất ham học hỏi, đã mua rất nhiều sách kỹ thuật bằng tiếng Anh, tiếng Pháp về đọc để tìm hiểu nguyên lý và cấu tạo của các thiết bị điện tử.

1. Những công trình trong những năm 1945 - 1954

A- Người phóng viên quay phim mặt trận đầu tiên ở miền Bắc.

Theo ông Hoàng Thái, năm 1945, ông Phan Nghiêm đã cùng với các ông Trần Kim Xuyến và Hoàng Thái xông vào Nhà Thông tin của Nhật. Đó là nơi sản xuất ảnh ở phía sau Nhà hát lớn bây giờ. Tại đây còn vương vãi vài chiếc máy quay máy chiếu cổ lỗ sĩ và những đồ vật này đã trở thành một trong những tài sản đầu tiên để lập ra Phòng Điện ảnh Nhiếp ảnh thuộc Nha Thông tin (sau này được đổi tên là Nha Tuyên truyền và Văn Nghệ vào tháng 7-1950).

Ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, trong khi mọi người di chuyển lên chiến khu Việt Bắc thì ông Phan Nghiêm tìm cách nán lại. Ông len lỏi trong thành phố, tiếp cận khu nhà Tiền (nhà máy in tiền, sau này là nhà in Tiến Bộ ở đường Nguyễn Thái Học) với chiếc máy ảnh của nhà và chiếc máy quay cổ Cinésept trong tay. Quay hết hai cuộn phim ông rút về chùa Trầm cùng Phòng Điện Nhiếp ảnh. Tại đây ông Hoàng Thái đã phóng một số ảnh có nội dung tố cáo tội ác giặc Pháp giết hại dã man nhân dân ta như rạch đầu nhà sư, xẻo vú các thiếu nữ… và được gửi đi các nơi để tuyên truyền. Năm 1948 ông tự lắp lấy máy vô tuyến điện đánh Moócxơ (để thay cho máy bị Pháp lấy mất) và đặt tên cho máy là XB2, để tưởng nhớ tên hai người bạn chiến đấu Trần Kim Xuyến và Nguyễn Hữu Bản, đã hy sinh trong trận chống càn của quân Pháp để bảo vệ máy móc và phim ảnh quay được.

Theo cố đạo diễn Vũ Phạm Từ, ông Phan Nghiêm chính là người phóng viên quay phim mặt trận đầu tiên ở miền Bắc. Năm 1950 trong trận mở màn Đông Khê của chiến dịch Biên giới chính ông là người bấm cú máy đầu tiên trên chiếc máy quay Pay-a Bô-lêch (Paillard Bolex), cùng với sự trợ lực của các ông Hoàng Thái, Hoàng Xưởng, đã ghi lại những hình ảnh bộ đội ta anh dũng tiến công vào đồn Đông Khê của giặc Pháp. Vì khi đó chưa có bộ phận in tráng ở trong nước nên phim của ông quay được phải mang sang tráng ở Hồng Kông. Khi trở về, ông đã dùng kính lúp soi để cắt, nối, dựng thành bộ phim Trận Đông Khê lịch sử. Tiếp theo ông đã quay bộ phim Trao đổi tù binh tại Thất Khê và tham gia quay các bộ phim Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II Đại hội Anh hùng chiến sí thi đua toàn quốc năm 1952.

B- Tác giả máy in tiếng quang học ở chiến khu Việt Bắc.

Từ trước năm 1952 các phim của ta sản xuất ở Khu 7, Khu 8, Khu 9 trong Nam và các phim về chiến dịch Biên giới, Đại hội Đảng lần thứ II ở ngoài Bắc đều là phim không có tiếng vì chưa có máy in đường tiếng quang học vào phim. Trong các buổi chiếu phim phải dùng micro đọc lời giải thích hình ảnh gọi là thuyết minh.

Với lòng quyết tâm phải làm thế nào để phim ta làm ra có đường tiếng, qua tìm tòi nghiên cứu sách vở, từ những vật liệu thô sơ như chiếc vỏ nhôm hộp đựng lương khô của lính Pháp, những con lăn kéo phim, những ống kính quang học cũ và những chi tiết khác tháo từ những chiếc máy quay máy chiếu cũ hỏng tích góp được từ lâu, ông đã chế tạo thành công chiếc máy in tiếng quang học “Tự Cường 1”, để in chuyển đường tiếng từ tính thành đường tiếng quang học trên phim.

Sự kiện phi thường này đã đưa kỹ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển sang một bước ngoặt trọng đại là từ những thước phim câm sang những bộ phim có âm thanh.. Đối với những ai sau này hiểu được nguyên lý về cơ học và điện tử của chiếc máy in tiếng quang học tinh vi như thế nào thì mới thấy được công lao và tài năng xuất chúng của nhà kỹ thuật đáng kính này của điện ảnh Việt Nam.

2. Xây dựng cơ sở kỹ thuật cho Xưởng phim Việt Nam

Sau thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, trở về Hà Nội ông là Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Trong thời kỳ chuẩn bị làm bộ phim truyện đầu tiên thì Xưởng phim Việt Nam ở 122 Hoàng Hoa Thám được CHDC Đức giúp đỡ xây dựng một dây chuyền kỹ thuật bao gồm các phân xưởng in tráng, thu thanh, các ban dựng phim, kỹ thuật hình, kỹ thuật tiếng, mỹ công kỹ xảo v.v..là cơ sở kỹ thuật hiện đại đầu tiên của điện ảnh Việt Nam mà sau này thuộc Xưởng phim Thời sự Tài liệu TW.

Năm 1957, ông Phan Nghiêm dẫn đầu một đoàn cán bộ kỹ thuật gồm các ông Ngô Bá Duyệt, Nguyễn Phụ Cấn, Cao Thành Nhơn, Trần Trung Khuynh, Hoàng Thái, Hoàng Thảo Văn (phiên dịch) sang CHDC Đức một năm để tiếp nhận và thực tập vận hành các thiết bị mà Đức sẽ trang bị cho phân xưởng thu thanh và in tráng của cơ sở nói trên.

Các thiết bị nhận viện trợ chủ yếu bao gồm các máy ghi âm băng từ, bàn hòa âm, máy chiếu Dresden, các máy in máy tráng Defa tráng phim 35 và 16 mm, máy in thu phóng 35/16 mm, máy in tiếng quang học v.v…trong đó bàn hòa âm và máy in tiếng quang học là do Liên Xô chế tạo. Số thiết bị trên chỉ có thể cải thiện công nghệ làm phim thời sự tài liệu, chưa đáp ứng được công nghệ làm phim truyện như thiếu các thiết bị ghi âm phim từ, hệ thống đồng bộ giữa hình và tiếng. Ông Phan Nghiêm và các cán bộ kỹ thuật khi ấy đã phải khắc phục nhiều khó khăn như cải tạo một máy in tiếng quang học cũ thành máy ghi âm phim từ 35 mm để có thể chạy đồng bộ với máy in tiếng quang học để in tiếng vào phim. Những công việc này đã giúp cho phần kỹ thuật của bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông ra đời hoàn hảo vào năm 1959.

3. Chế tạo các thiết bị để in tráng phim mầu

Ngày 14/9/1964, Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim được thành lập trên cơ sở các phân xưởng In tráng, Thu thanh của Xưởng phim Tài liệu Thời sự, ông được cử làm Giám đốc, các Phó giám đốc là các ông Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Tiến Phát và bà Nguyệt Anh.

Ngoài nhiệm vụ in tráng thu thanh cho tất cả các thể loại phim của các xưởng phim truyện, tài liệu thời sự và hoạt hình, Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim có hai nhiệm vụ đặc biêt là đẩy mạnh khâu tự trang tự chế thiết bị kỹ thuật và đào tạo nhân viên kỹ thuật để mở rộng năng lực sản xuất và chi viện máy móc gọn nhẹ cũng như nhân viên kỹ thuật cho Điện ảnh miền Nam.

Ông đã tập hợp được một đội ngũ rất đông các kỹ sư tốt nghiệp trong nước và nước ngoài trở về như:

+ Các kỹ sư tốt nghiệp từ CHDC Đức gồm các anh Lưu Trọng Hồng, Nguyễn Văn Mùi (đã mất), Nguyễn Văn Nhân, Trần Như Hồng, Huỳnh Quang Bùi, Đào Nam Phi, Lê Đăng Hạnh, Nguyễn Văn Thắng, Trần Hậu Thái, Nguyễn Gia Vinh, Vũ Khắc Trai, Nguyễn Minh Luân, Trần Việt Hưng (đã mất ).

+ Các kỹ sư tốt nghiệp từ Liên Xô gồm các anh Vũ Đức Bính, Lê Hữu Thám, Huỳnh Đức Chuyên và về muộn hơn là TS Trần Quang Ngọc.

+ Các kỹ sư tốt nghiệp trong nước gồm các anh Trịnh Minh, Nguyễn Khánh Hoà, Nguyễn Kim Cương.

Có thể nói chưa có cơ quan điện ảnh nào khi đó lại tập hợp được một đội ngũ kỹ sư đông đảo và được đào tạo cơ bản chuyên ngành như thế.

Ông bắt tay vào thiết kế chế tạo các máy in tráng để gia công in tráng phim mầu vì các thiết bị do CHDC Đức trang bị chỉ in tráng được phim đen trắng.

Toàn bộ ý tưởng tổng thể về các máy đều do ông Phan Nghiêm vẽ phác thảo như một Tổng công trình sư và ông giao cho các kỹ sư vẽ thể hiện từng phần theo chuyên môn cơ khí hay điện của mình. Nói khác đi ông là tác giả của các công trình này. Các kỹ sư Nguyễn Gia Vinh, Vũ Khắc Trai, Lê Đăng Hạnh, Lê Hữu Thám ..được giao thiết kế các chi tiết cơ khí. Tôi được giao thiết kế phần điện truyền động của máy.

Vào thời điểm đó vật liệu ở Việt Nam còn rất khó khăn. Ông đã nghĩ cách dùng loại gỗ chịu được axit và bazơ (hình như là gỗ nghiến) làm khung máy, các hồ thuốc là các ống PVC đường kính lớn 100 mm nên có thể làm rất nhiều hồ phù hợp với công nghệ tráng phim mầu. Bộ phận truyền động cơ khí dùng các moay ơ , xích lip xe đạp. Các con lăn dẫn phim dùng các tấm PVC dán ghép lại để tiện và phay. Các máy tráng này được Giám đốc Phan Nghiêm đặt tên là CT (Chiến Thắng) và AH (Anh Hùng).

Năm 1967 chính những bộ phim hoạt hình mầu đầu tiên Bài ca trên vách núi, Con sáo biết nói, Em làm thợ xây đã được tráng trên các máy CT-1 và CT-2 này mở ra một giai đoạn mới cho việc gia công in tráng phim mầu ở nước ta.

Nhằm chuyên môn hoá công việc nghiên cứu và chế tạo máy móc tự trang tự chế, năm 1970 ông đã thành lập Ban Thiết kế thử nghiệm kỹ thuật điện ảnh do chính ông kiêm Trưởng ban, kỹ sư Lưu Trọng Hồng (nay là TS Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh) là Phó ban nghiên cứu công nghệ hóa lý phim mầu, kỹ sư Nguyễn Kim Cương (Nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) là Phó ban thiết kế chế tạo. Một số kỹ sư được điều về Ban Thiết kế thử nghiệm kỹ thuật điện ảnh là các anh Nguyễn Gia Vinh, Vũ Khắc Trai, Lê Hữu Thám.

Bộ phận nghiên cứu công nghệ hóa lý phim mầu đã phối hợp với các kỹ sư ở Phân xưởng In tráng như các kỹ sư Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Văn Nhân, Huỳnh Quang Bùi, Nguyễn Văn Thắng, Trần Hậu Thái tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm để hoàn chỉnh công nghệ in tráng phim mầu.

Bộ phận thiết kế chế tạo, ngoài thiết kế chế tạo các máy in, máy tráng phim mầu, dưới sự chỉ đạo của ông Phan Nghiêm còn chế tạo các thiết bị phụ khác dùng cho sản xuất như bàn dán phim, bàn cắt mép phim, thiết bị ổn áp v.v….…. Để phục vụ cho công việc chế tạo có một số máy công cụ cơ bản như máy phay vạn năng, máy tiện, máy khoan v.v…do Trung Quốc viện trợ.

Bo_phim_hoat_hinh_mau_dau_tien_Con_sao_biet_noi_da_duoc_in_trang_tren_may_CT-1_va_CT-2_do_ong_Phan_Nghiem_phat_minh

Bộ phim hoạt hình màu đầu tiên Con sáo biết nói đã được in tráng trên máy CT-1 và CT-2 do ông Phan Nghiêm phát minh

4. Chế tạo các thiết bị làm phim gọn nhẹ gửi vào chi viện cho điện ảnh miền Nam.

Ngay từ năm 1961, những cán bộ miền Nam công tác trong ngành điện ảnh đã lần lượt trở về miền Nam chiến đấu trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có các ông Cao Thành Nhơn (Nguyễn Hiền) Trần Nhu, Trần Quý Lục v.v…

Ngày 12/9/1962 thì có Quyết định thành lập Xưởng phim Giải phóng do ông Nguyễn Hiền làm Giám đốc. Trụ sở của xưởng được xây dựng bằng tranh tre lá nứa tại khu vực Suối Cây ở chiến khu R thuộc tỉnh Tây Ninh. Bằng những phương tiện kỹ thuật thô sơ như tráng phim bằng khung gỗ, in phim bằng chiếc máy quay 16 mm cũ như thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, năm 1962 Xưởng phim Giải phóng đã có công ghi lại được hình ảnh lịch sử của Đại hội Mặt Trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam lần thứ nhất.

Năm 1971 trong số những người từ miền Bắc vào làm việc ở Xưởng phim Giải Phóng, có hai kỹ sư của Xưởng KTSXP là các anh Trần Như Hồng và Huỳnh Quang Bùi.

Nhu cầu tạo ra các thiết bị làm phim gọn nhẹ để có thể gửi vào chi viện cho Điện ảnh miền Nam được đặt ra.

Các máy in phim là các thiết bị tinh xảo, đòi hỏi kỹ thuật gia công có độ chính xác rất cao. Với trình độ chế tạo cơ khí ở Việt Nam lúc đó chưa thể làm được. Ông Phan Nghiêm đã nghĩ ra giải pháp kỹ thuật là sử dụng những chiếc máy quay và máy chiếu có sẵn cải biên thành máy in phim. Cụ thể, những máy in được cải biên mà tôi biết là:

A- Máy in phim 16 mm chạy bằng cót, in bằng ánh sáng trời.

Ông Phan Nghiêm dùng một máy quay 16 mm chạy bằng cót của Mỹ cải biên thành một máy in phim chạy bằng cót và in bằng ánh sáng trời, không phải dùng điện. Công việc này ông Phan Nghiêm giao cho TS Trần Quang Ngọc (nay là Nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật điện ảnh VN) khi đó mới tốt nghiệp ở Liên Xô về nước thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông.

B- Máy in phim cả hình và tiếng 16 mm

Ông Phan Nghiêm dùng máy chiếu lưu động TK-16 của CHDC Đức cải biên thành máy in cả hình và tiếng 16 mm. Các kỹ sư và hai công nhân giỏi khi đó là các anh Nguyễn Văn Tuân và Lê Nghiêm Tôn thực hiện những ý tưởng của ông. Máy in này được ông đặt tên là máy in TL-16 ( Tự Lực 16 ).

Cả hai máy này cùng một số thiết bị gọn nhẹ khác đã được gửi vào chi viện cho Điện ảnh miền Nam. (Đồng nghiệp nào biết thêm xin cung cấp thông tin cho Hội Điện ảnh ).

5. Đào tạo công nhân in tráng và thu thanh.

Về đào tạo ông đã mở được 4 khóa đào tạo công nhân in tráng, một lớp công nhân cơ khí và một lớp công nhân thu thanh. Những lớp công nhân kỹ thuật này được đào tạo rất kỹ và thực sự đã trở thành lực lượng chủ yếu trong các dây chuyền sản xuất in tráng thu thanh từ năm 1967 đến những năm cuối của TK 20, không chỉ cho các xưởng phim ở miền Bắc mà còn chi viện cho Điện ảnh miền Nam. Nhiều người sau này đã theo học tiếp đại học và trở thành các kỹ sư cơ điện, thu thanh và hóa lý phim ảnh.

Những năm tháng ở Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim có lẽ là những năm tháng ông rất vui vì ông được thực hiện ước mơ là nhà nghiên cứu chế tạo các thiết bị máy móc điện ảnh trong một điều kiện thuận lợi rất nhiều so với những ngày ở Chiến khu Việt Bắc, có một số máy móc công cụ và một đội ngũ kỹ sư mới tốt nghiệp, trẻ trung đầy nhiệt huyết, mỗi người thực hiện một phần công việc do ông trực tiếp giao như một Tổng công trình sư. Ngày ấy chúng tôi thường ước mơ một ngày nào đó Ban thiết kế thử nghiệm sẽ trở thành như Viện nghiên cứu Điện ảnh và Nhiếp ảnh toàn Liên bang (НИКФИ) trên đại lộ Lênin ở Matxcơva của Liên Xô.

Nhưng rất tiếc sức khỏe đã không cho phép ông được thực hiện ước mơ của mình lâu hơn nữa, những cơn hen phế quản, bệnh tim mạch và nhiều căn bệnh khác đã thực sự hành hạ ông. Năm 1971 ông thôi chức Giám đốc Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim để chuyên tâm đảm nhiệm cương vị Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam và ông mất ngày 8/12/1978 tại Hà Nội.

Sau đó Ban Thiết kế thử nghiệm kỹ thuật điện ảnh giải tán, các kỹ sư được đưa về Phòng kỹ thuật của xưởng. Một số kỹ sư khác của Xưởng KTSXP sau này chuyển sang các cơ quan khác trong ngành điện ảnh, ở cả miền Bắc và miền Nam. Nhiều người đã trưởng thành và thành đạt. Dù làm gì chúng tôi vẫn tự xem mình là những người học trò của ông Phan Nghiêm. Riêng tôi, ít năm sau được cử đi tu nghiệp Kỹ sư trưởng về Công nghệ sản xuất phim truyện ở Hãng phim truyện Defa CHDC Đức trong hai năm rồi về công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Nguyễn Kim Cương

(Nguyên GĐ Hãng phim truyện Việt Nam)