Sống:

Phản xạ có điều kiện

(TGĐA) - Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, một học viên trong lớp tiếng Anh giao tiếp của tôi, được các bạn đồng môn yêu cầu hát bài Đàn chim Việt sau khi giờ học kết thúc. Tôi rất cảm động khi nghe bài hát này và cùng lúc ấy, hình ảnh con phố dài chạy vắt ngang sông Kỳ Cùng với những rặng núi tím ngắt đằng xa lại hiển hiện ngay trước mắt. Chẳng phải tôi lẩm cẩm lẫn lộn sông Kỳ Cùng với sông Gấm, động Tam Thanh với đồi Yên Thế mà chỉ vì những năm đầu thập niên 90, gia đình tôi mở một tiệm ảnh trên Lạng Sơn, và nghỉ hè thì tôi được lên thăm bố mẹ. Và trong ba tháng hè của năm học lớp 7, tôi sống giữa cái thị xã vùng biên giới ấy và nghe khoảng vài trăm lượt bài Đàn chim Việt mỗi ngày…

phan xa co dieu kien Người dại cứ làm đám cưới!?
phan xa co dieu kien Khi đàn ông muốn chia tay
phan xa co dieu kien Bài học về tự do, tôn trọng…
phan xa co dieu kien

Thị xã Lạng Sơn thời đó chỉ có một con phố chính rất dài là phố Trần Đăng Ninh với những dãy nhà buồn tẻ và cổ lỗ. Phía đầu này, ngay lối vào thành phố là cây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, cũng buồn tẻ không kém với dòng nước nâu không phải đỏ không phải vàng, phía đầu kia là đường lên chợ Đồng Đăng và ngay bên kia dãy phố, xa xa sau chợ Kỳ Lừa là dãy núi tối sẫm mà ban đêm tôi rất sợ. Cha tôi thuê phòng ngoài của một người địa phương có nhà ngay mặt phố chính để kinh doanh, và thuê phòng giữa của một bà góa chồng ngay sát vách để mẹ con tôi làm chỗ ngủ. Cha mẹ tôi bận tối ngày vì dường như khách của cả thị xã đều đổ về để chụp ảnh và tráng rửa ảnh. Vậy là lịch trình trong ngày của tôi trong suốt ba tháng hè ấy là sáng ngủ dậy, dẫn đứa em gái 4 tuổi sang quán bánh cuốn xế bên ăn sáng, rồi đi ra đi vào nhặt bó rau muống cạn, múc vài gầu nước giếng phụ mẹ là đã đến giờ ăn trưa. Buổi chiều tôi mang bộ quần áo thứ hai ra giặt và tắm gội bằng nước giếng. Ăn tối xong thì đi ngủ sớm.

Ngoài ngày Chủ nhật được đi chợ chơi thì sáu ngày còn lại là cả nỗi kinh hoàng. Tôi là kẻ chưa bao giờ chịu đựng được sự nhàm chán, và ở cái thị xã ấy, vào thời điểm ấy, tôi không có bạn bè, không điện thoại, không truyền hình, không phim ảnh, không sách báo, không internet (đương nhiên), tất cả kèm theo cái nỗi đói thông tin, đói giải trí. Thú vui hàng ngày duy nhất của tôi là lúc ánh mặt trời đã khuất dần sau những mỏm núi không rõ màu phía bên kia đường, tôi lại trèo lên chiếc giường con là chỗ ngủ của cha tôi ở tít gian trong, một “căn phòng” bé tí chỉ có ba bức tường bao, phần còn lại lộ thiên trông ra sân. Cha tôi có một chiếc máy cát xét và hai băng cát xét duy nhất. Một băng guitar Vô Thường và một băng nhạc tiền chiến. Chiều nào hai cái băng Marxell cũ kỹ ấy cũng tua đi tua lại ra rả, hết La Paloma rồi lại đến Suối Mơ, Đàn chim Việt … Tôi nghe đi nghe lại không biết chán, tổng cộng cũng ngót vài trăm lượt. “Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ôi lũ chim giang hồ. Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô.” Tôi nghĩ tới phiên chợ Kỳ Lừa ngày Chủ nhật. “Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành. Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh.” Tôi lại mơ về cái rạp Tháng Tám đầy nhóc những khuôn mặt đẹp đẽ của Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh trên màn bạc. “Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca. Cánh nhạn vào mây thiết tha. Lưu luyến một trời xa.” Mẹ tôi gắt lên rằng, liệu mà dẫn em đi rửa chân thay quần áo, còn ngồi đấy mà nghe nhạc.

phan xa co dieu kien

Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác Đàn chim Việt khi nghĩ đến (hay nhìn thấy) những đàn chim lạng cánh trong ánh hoàng hôn trên đồi Yên Thế. Một người say mê nhạc tiền chiến nào đó giống nhà thơ Nguyễn Quang Hưng có lẽ thường nghe Đàn chim Việt qua một chiếc máy hát đĩa than cổ trong phòng khách đầy đủ tiện nghi với cửa sổ trông ra những tiệm hàng đông đúc trên phố phường Hà Nội. Hình ảnh hiện ra trước mắt họ khi giai điệu của Đàn chim Việt cất lên sẽ chẳng giống tôi, khi mà chiều nào trong ba cái tháng hè khó quên đó tôi cũng chỉ bật Đàn chim Việt ở đúng vị trí ấy, vào đúng khoảnh khắc ấy. Khi mà khói chiều từ mấy cái bếp than củi của đại gia đình nhà chủ sẽ bay lên để phục vụ cho nồi rau muống luộc, chảo thịt ba chỉ rang cháy cạnh và mấy món dưa xào. Khi mà mẹ tôi cũng trong bộ phin nõn tất bật đi ra đi vào với cái gầu múc nước giếng (không) trong văn vắt. Khi mà cha tôi thi thoảng lại nhễ nhại mồ hôi chạy vào “phòng” lục mấy thùng đựng vật tư ảnh dưới gầm giường để tìm kiếm một thứ gì đó mà khách đang cần. Và ngoài kia, là con phố nhập nhoạng chạy dài giữa sông và núi, đơn điệu như những chuỗi ngày nối ngày đơn điệu của tôi giữa một kỳ nghỉ không thể quên trong hồi ức.

phan xa co dieu kien
Ngày hôm qua có người nói với tôi rằng tình cờ vừa nghe cái bản nhạc gì gì ấy ở một nơi đông đúc người và ngay lập tức hình dung ra khuôn mặt rất vuông vắn của tôi. Là vì cái bài Sway của ban nhạc The pussycat dolls được tôi cài làm nhạc chờ điện thoại đã vài năm nay. May mắn thay, mỗi khi nghe Sway réo rắt, tôi không nghĩ ra thêm một xưởng sản xuất bia lậu hay một ông bạn mặt dài nào nữa mà chỉ tràn ngập hình ảnh những đôi chân gấp gáp trong điệu vũ chachacha sôi động.

Kỳ lạ như thế, người ta nói rằng “khi mà ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc sẽ lên tiếng”, nhưng đôi khi cả ngôn từ và âm điệu của giai phẩm cũng không phản ánh đúng hình ảnh thực của nó. Con gái tôi giờ đang tập đàn piano. Cứ mỗi lần cô nàng dạo vài nốt đầu của bản Thư gửi Elise (Fur Elise) thì cả nhà tôi lại sợ chết khiếp. Thậm chí có lần mẹ tôi còn thốt lên “Thôi cháu đừng đàn bài này nữa, bà sợ lắm”. Con gái tôi dừng đàn ngạc nhiên. Nó tưởng mình đàn rất tệ. Ôi chao ôi, không phải thế con gái ạ. Chỉ vì cái nhạc phẩm bất hủ của Bethoven đã được mẹ sử dụng làm “nhạc ngủ” cho con hồi mới lọt lòng. Con gái tôi là đứa trẻ khó tính, khó nuôi, khó ngủ. Trước khi ngủ nó thường khóc ngằn ngặt một hồi lâu đến phát nhức óc. Mỗi khi ru con ngủ, tôi thường bế trên tay đi đi lại lại quanh nhà. Và đĩa nhạc cổ điển được bật lên thay vì Bèo dạt mây trôi, Ru con, Lý chiều chiều…, những lúc tôi đã hát hết hơi hết sức mà nó không chịu nằm im. Vậy là Thư gửi Elise, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Phiên chợ Ba Tư cứ thế mà trộn lẫn với tiếng trẻ con khóc, tiếng ời ời phụ họa của những người ru phụ trong một trưa mùa hè nắng gắt. Ru một tiếng thì con bé ngủ được nửa tiếng. Nó ngủ như chiêm bao. Khi tỉnh dậy tiếp tục lịch trình ọ ẹ lúc khóc lúc cười, quần thảo những khuôn mặt người đã mệt lả vì tã lót. Trong suốt nửa năm trời, tình khúc Elise cứ diễn tiến như thế sáng trưa chiều tối, ám vào đầu óc tất cả những người liên quan đến công việc trông nom cục cưng quý báu của tôi. Cứ theo logic này thì có lẽ một nàng thiếu nữ mỗi lần nghe bản nhạc lại đỏ mặt nhớ đến ánh nến trong quán cà phê ghế bành ấm áp, khi nàng ngồi đối diện người tình mà lắng nghe giai điệu thánh thót đắm say của Thư gửi Elise trong dòng âm thanh chảy tràn trên phím dương cầm huyền hoặc. Một ông lão tám mươi nghe Thư gửi Elise sẽ nghẹn cổ vì uất ức khi tình địch của mình sáu mươi năm về trước là một nhạc công dương cầm có hạng, và chỉ vì nàng Elise mà ông đã mất trắng người trong mộng. Còn tôi, mỗi lần nghe những khúc nhạc của Bethoven lại chỉ nghĩ đến sữa bột, tã lót, bô chậu và tiếng khóc trẻ con không dứt. (Ôi nàng Elise xinh đẹp, mối tình bí ẩn và tuyệt vọng của một thiên tài, hãy xá lỗi vì tôi đã liên tưởng những giai điệu của nàng với tã lót).

phan xa co dieu kien

Và cứ như thế, khi người ta nghe giai điệu Lambada của ban nhạc Kaoma thì trong đầu hiện ra ngay những rặng dừa và bãi cát óng vàng miền nhiệt đới, những đôi chân rám nắng dài bất tận, còn tôi nghĩ tới mảnh sân đọng đầy những vũng nước bẩn thải ra từ một xưởng tư nhân sản xuất bia lậu. Khi nghe bản Xa em kỷ niệm, người ta sẽ liên tưởng tới hình ảnh người đàn ông điển trai đau khổ vì tình đang phóng xe máy điên cuồng trên xa lộ lộng gió, còn tôi nghĩ ngay đến một cậu bạn cũ có khuôn mặt dài một cách đặc biệt chỉ vì lần nào cả nhóm đi hát karaoke cậu cũng hát độc nhất có một bài, bằng tông giọng ngang phè độc nhất vô nhị khiến người nghe phát nản. Và người ta nghe Pintame hẳn muốn lao đến một sàn nhảy bên bể bơi để nóng bỏng cùng vũ điệu Merengue, còn tôi thấy đau nhói trong tim khi nghĩ đến chiếc điện thoại LG rất sành điệu đã từng bị đạo tặc cướp mất trong một lần súng sính trên đường đi dự tiệc…

Di Li