Phim chiến tranh - đã làm thì đừng giật gấu vá vai!

Phim Mãi mãi tuổi 20: Cần thêm khoảng 4 tỷ Vốn là tâm huyết của tác giả Hoàng Nhuận Cầm, tên kịch bản gốc là Mùi cỏ cháy. Nhưng vào tay Lưu Trọng Ninh, đạo diễn này lại thích cái tựa Mãi mãi tuổi 20. Chuyện của Thạc, hay Đặng Thùy Trâm khi vào phim sẽ là chuyện về một thế hệ, chứ không phải câu chuyện của cá nhân con người nào đó nữa - đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự - "So với Đừng đốt, quy mô của phim Mãi mãi tuổi 20 không kém. Thậm chí, bối cảnh khó kiếm hơn; dựng tốn kém hơn. Việc dựng lại cảnh Hà Nội những năm 70 thế kỷ trước bị bom tàn phá thực sự là “thách đố” trong điều kiện chúng ta không có trường quay; kinh phí làm phim eo hẹp và Hà Nội thì thay đổi hàng ngày”. Cũng theo ông Ninh, kinh phí tạm đủ để làm Mãi mãi tuổi 20 có chất lượng là khoảng 10 tỷ đồng. Bản dự toán được trình lên nhưng chỉ được duyệt khoảng 6 tỷ đồng và tiền thực cấp là 70% của số kinh phí được duyệt, tương ứng khoảng hơn 4 tỷ đồng. Số tiền này còn bị trừ đầu, trừ đuôi, nào là trả lương, khấu hao máy móc, quản lý phí cho đơn vị sản xuất... vào phim chẳng còn bao nhiêu.

Thời điểm này, có ít nhất 3 dự án phim về đề tài chiến tranh đã “cầm quyết định sản xuất”. Nhưng, chỉ 1 trong 3 dự án là đạo diễn thấy hào hứng. Còn lại, vừa triển khai vừa lo, thậm chí chưa nghĩ ra cách… “sẽ làm thế nào?”.



Thực hiện cảnh quay kỹ xảo mô hình máy bay trong phim Sinh mệnh


Chuyện “biết rồi” nhưng “cứ phải nói” vì theo ông Ninh - “Bất công quá. Cũng là phim đề tài chiến tranh, chất lượng kịch bản cũng ngang nhau, nhưng phim A vào được khu “đặt hàng” thì rủng rỉnh hơn chục tỷ. Phim B lọt xuống bảng trợ giá... thì chỉ được khoảng 1/3. Phía duyệt kinh phí không tính đến quy mô của phim; không tính đến sự khó khăn về bối cảnh... Họ duyệt theo phút phim, theo cảm tính nhiều hơn là sự thấu hiểu, đồng cảm trên cơ sở các tính toán khoa học, sát với thực tế sản xuất. Vì thế, có thể nói, kinh phí để sản xuất Mãi mãi tuổi 20 quá thấp. Chúng tôi cần thêm khoảng 3-4 tỷ nữa. Tôi cũng đã nghĩ nát nước rồi. Loại đề tài chiến tranh xin tài trợ của nước ngoài là rất khó, thậm chí không khả thi. Vì thế, chỉ còn cách “kêu” và xin Nhà nước cho thêm. Nếu không được thì đành phải làm theo kiểu ít tiền. Giải pháp là cố nghĩ để tìm ra một cách kể thuyết phục mà không tốn kém. Nhưng quả thật là rất khó”.

Phim Nếu anh còn được sống: Làm hồ sơ xin tiền Hàn Quốc

Kịch bản của Việt Linh, được duyệt từ 3 năm trước, đầu năm 2009, Cục Điện ảnh quyết định giao cho đạo diễn Lê Ngọc Linh vì đạo diễn Việt Linh không thể “gánh” dự án vì lý do sức khỏe.


Phim Đường thư


Hào hứng vì kịch bản hấp dẫn nhưng đạo diễn Lê Ngọc Linh cũng đối diện với cả núi khó khăn nếu thực hiện dự án này. Anh kể: “Đây là dự án phim mà vấn đề thể hiện không đơn giản. Bên cạnh mảng chiến tranh phải chi khá tốn tiền cho bối cảnh bom, đạn, là mảng bối cảnh cần đến nhiều kỹ xảo như cuộc sống nơi cõi âm; bến đò âm dương v.v... Thông điệp mà bộ phim đưa ra là mọi người phải có trách nhiệm với cuộc sống hiện tại, để sau này không phải ân hận ở thế giới bên kia.

Với sự phức tạp của câu chuyện, hình thức thể hiện không đơn giản, cộng với những cái khó của phim chiến tranh, số tiền hơn 3 tỷ đồng được cấp là không đủ. Với quy mô phim hiện tại, chúng tôi cần khoảng 10 tỷ đồng. Hiện tại đơn vị sản xuất (Hãng phim Truyện 1) đã làm hồ sơ gửi sang Hàn Quốc xin hỗ trợ kinh phí. Hồ sơ gửi đã lâu nhưng chưa có hồi âm.

“Nếu không xin thêm tiền được, chắc đơn vị sản xuất và đạo diễn sẽ phải ngồi lại với Cục Điện ảnh để tìm giải pháp khác. Giải pháp dễ thấy là cắt cúp các bối cảnh phức tạp; tiết giảm các cảnh chiến tranh; hạn chế tối đa kỹ xảo... Và nếu vậy, khó mà có phim chất lượng” - Lê Ngọc Linh lo lắng.

Nên thế nào với phim đề tài chiến tranh?

Trong số 3 đạo diễn nhận phim chiến tranh thời điểm này, Bùi Tuấn Dũng thuộc “số may”. Dũng bảo: “Những người viết huyền thoại là phim Nhà nước đặt hàng. Tổng dự toán phim đang làm, khoảng 15 tỷ đồng. Nói chung, tôi không phải lo chạy thêm tiền; chỉ phải nghĩ cách làm thế nào để phim có chất lượng”.

Nhìn vào tâm lý thoải mái của đạo diễn phim Những người viết huyền thoại, có nhiều ý kiến cho rằng, đối với loại đề tài chiến tranh, điện ảnh Việt nên cân nhắc thật kỹ khi quyết định một dự án. Bởi lẽ, với điều kiện hiện nay của điện ảnh Việt, phim làm về đề tài này chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền nên cần phải chọn lựa những kịch bản thật hay, đầu tư thật đích đáng, thay cho việc đầu tư dàn trải cho 3-4 phim. Phim có hay mới có người xem, mục đích tuyên truyền ở các thành phố, thị xã mới đạt được (chứ không phải là chiếu miễn phí ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa); mới gây được tiếng vang ở các LHP quốc tế và vào được các rạp ngoại.

Về điều này, đạo diễn Lê Ngọc Linh khẳng định: “Chiến tranh là đề tài cũ. Nếu vẫn làm theo một lối mòn như trước đây, không có gì mới trong câu chuyện, trong thủ pháp dàn dựng; quy mô bối cảnh; không có những hiệu ứng hình ảnh đặc biệt... thì không nên làm nữa. Vì có làm cũng không ai muốn xem, tốn tiền, lãng phí. Với những kịch bản hấp dẫn, những dự án đáng phải làm để tuyên truyền thì phải đầu tư thích đáng để đạo diễn, cũng như các nghệ sĩ toàn tâm dốc sức vào phim mà không phải lo đến chuyện “bớt cái này, xén cái kia; giật chỗ kia vá vào chỗ nọ...”.

Đồng tình với ý kiến của ông Linh, nhiều đạo diễn cho biết, bây giờ rất ít đạo diễn muốn nhận phim chiến tranh, đặc biệt là những người đã có tên tuổi. Đơn giản, vì kịch bản phần nhiều không hấp dẫn; đã thế đầu tư lại ít, khó có thể làm hay, sẽ khiến các vị có tên tuổi bị mất uy tín.

Theo Thể thao Văn hoá