Phim chiến tranh từ các góc nhìn

Đạo diễn Hải Ninh

(TGĐA) - Cái quan trọng là trong mỗi giai đoạn thì mình cần phải thể hiện chiến tranh như thế nào? Cách kể chuyện ra sao?... vì trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì nhận định của con người cũng thay đổi, do đó cách kể chuyện cũng cần phải thay đổi.


Các đạo diễn còn hứng thú với đề tài chiến tranh không?

Đạo diễn Khắc Lợi

Tôi vừa bỏ không làm 3, 4 phim chiến tranh, vì sức khỏe yếu và tôi cũng sợ làm phim chiến tranh lắm rồi! Rất nguy hiểm và dễ gây tai nạn. Phim Tiếng cồng định mệnh của tôi đã có mấy cậu diễn viên bị bắn ra khỏi xe tăng, lửa bốc cháy đầy người. Làm phim chiến tranh sơ ý một chút là xảy ra tai nạn. Nếu còn sức khỏe thì có thể tôi vẫn muốn làm nhưng lúc đó chắc phải rất cẩn thận. Lần đầu tiên tôi làm phim chiến tranh Trên đường thắng lợi, cảnh bội đội đánh vào đồi A1 đã có một người chết vì đạn thật. Trước đó chúng tôi đã phát cho mọi người đạn giả và kiểm tra kỹ, nhưng không hiểu sao một người lại có đạn thật và đã làm chết người. Cảnh kéo pháo ở Tuyên Quang trong phim này cũng có ba người chết. Làm phim chiến tranh rất nguy hiểm, một đạo diễn Liên Xô nói với tôi rằng như vậy còn ít, khi họ làm phim tài liệu đã thiệt mạng cả chục người.

Đạo diễn Hải Ninh

Làm phim chiến tranh với tôi không hẳn là hứng thú mà còn là nghĩa vụ công dân. Khi nào đất nước có kẻ thù thì tôi làm phim chiến tranh. Trong chiến tranh tôi làm phimVĩ tuyến 17 ngày và đêm, hoà bình tôi làm Mối tình đầu (phim bụi đời). Tôi nghĩ chiến tranh có nhiều dạng, chiến tranh tâm lý cũng là chiến tranh. Tất nhiên làm dạng nào cũng phải có hào hứng.

Đạo diễn Đào Bá Sơn

Đạo diễn Đào Bá Sơn

Cái quan trọng là trong mỗi giai đoạn thì mình cần phải thể hiện chiến tranh như thế nào? Cách kể chuyện ra sao?... vì trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì nhận định của con người cũng thay đổi, do đó cách kể chuyện cũng cần phải thay đổi.

Người tạo ra thành công của một phim về đề tài chiến tranh trước hết phải có tình yêu tha thiết với cuộc sống, chuộng hòa bình và có khát vọng cộng thêm lối dẫn dắt câu chuyện phù hợp với nhịp thở của thời đại. Kịch bản về chiến tranh phải cần có con người hiểu biết về chiến tranh hoặc có sự tìm hiểu thật thấu đáo về chiến tranh, đó là yếu tố cốt lõi tạo ra một kịch bản hay và cũng là yếu tố chính tạo nên thành công cho phim.

So với trước kia thì điều kiện làm phim ngày nay tốt hơn rất nhiều, tuy nhiên, không phải phim nào về chiến tranh cũng đạt được hiệu quả mong muốn, ngoài tài năng thì vấn đề kinh phí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phim, làm phim chiến tranh rất tốn kém, nhất là dựng cảnh khỏi lửa, bom đạn… điện ảnh ta còn nghèo nên ngoài các hãng phim nhà nước ra thì không một hãng phim tư nhân nào dám đầu tư cho thể loại phim này, họ ngại chi tiền đầu tư, sợ tốn kem, sợ phim không thành công… tuy nhiên, không phải cứ nhất thiết phải có khỏi lửa, bom đạn… mới tạo thành một phim về chiến tranh.

Các đạo diễn nghĩ gì khi khán giả chê phim không thật?

Đạo diễn Khắc Lợi

Đã là phim chiến tranh thì ta hay tây đều phải có quả nổ, nhưng ta lại không có bộ phận khói lửa, chúng ta ném quả pháo bằng giấy chập. Về nội dung, phim của ta vẫn theo quan niệm cũ – ta thắng địch thua nên hình ảnh bộ đội của ta không chân thật. Như phim Apocalypse Now (Ngày tận thế), hay phim Platoon (Trung đội), họ làm rất thật hình ảnh người lính của họ, những thất vọng, chản nản, sợ hãi. Thực ra trước chiến tranh người nào cũng sợ chết nhưng làm thế nào để cho thấy người lính vẫn phải tiến lên chiến đấu.

Chúng ta không biết khai thác gây ra bế tắc. Lịch sử như trầm tích, khai thác rất khó. Tôi nghĩ phải có sự quan tâm thích đáng cho mảng đề tài này thì phim mới hay được. Hiện nay chúng ta có vẻ đang bỏ rơi dòng phim chiến tranh. Theo tôi vấn đề đào tạo rất quan trọng, Hàn Quốc chục năm trước họ còn chưa có gì, hiện giờ lại vùng lên, ta phải hiểu tại sao họ lại làm được như vậy. Lịch sử có trăm ngàn góc độ, trong khi ta mới chỉ nhìn được vài góc.

Khán giả không thích phim chiến tranh Việt Nam vì sao?

Họa sĩ Phạm Quốc Trung

Đúng là phim chiến tranh Việt Nam không thật. Khán giả ít khi phân biệt phim nhựa và phim truyền hình. Trong khi phim nhựa thì không phải ai cũng được xem, còn phim truyền hình thì do kinh phí ít, thời gian hạn hẹp nên cái gì cũng bị đơn giản hóa. Nhiều khi phải lấy những người đạo cụ trẻ đi làm, họ không có kinh nghiệm và có còn làm cho bối cảnh sai lệch với lịch sử.

Họa sĩ Phạm Quang Vĩnh

Phim chiến tranh của ta sạch sẽ quá cũng là một trong những yếu tố làm mất sự chân thật. Kinh phí làm phim chiến tranh cần rất lớn nhưng ta đổ đồng phim chiến tranh với như phim hiện đại, kinh phí không chênh nhau là bao. Trừ những phim có tài trợ, còn phim nhà nước thì tiền không nhiều. Một cảnh bom cần 20 quả nổ nhưng ông chủ nhiệm đoàn phim bảo chỉ cần 2 quả thôi, như vậy thì bảo sao phim Việt Nam không thật. Ngày trước làm phim rất vô tư, không ai nghĩ đến tiền bạc. Phim Đường về quê mẹ, chỉ cần đề đạt là cần đánh ba quả đồi và được cấp đủ những thứ cần. Tôi chưa thấy phim nào dùng nhiều quả nổ như phim này. Chúng tôi đã phải chuẩn bị cảnh đó trong một tháng, 1 xe ôtô dây nổ, bảng điều khiển thì không phải loại thông thường mà dùng cả một cái máy nổ, rồi số quả nổ để nổ 2 lần liên tiếp vì quay 2 đúp.

Phim không thật là tại các nhà thiết kế bối cảnh?

Họa sĩ Phạm Quốc Trung

Họa sĩ Phạm Quốc Trung

Cũng có lý do ở người thiết kế bối cảnh, quần áo sạch sẽ quá, những khiếm khuyết do không để ý. Làm phim chiến tranh có rất nhiều vấn đề. Có lần tôi phải cho nổ rất nhiều than chỉ để tạo một bối cảnh nhem nhuốc mờ mịt trước khi vào một cảnh quay. Người thiết kế bối cảnh nếu không quyết liệt làm đến tận cùng thì sau này sẽ cảm thấy hối tiếc.

Họa sĩ Phạm Quang Vĩnh

Nói đến làm phim chiến tranh ai cũng ngại: đề tài không hấp dẫn, tốn tiền, nguy hiểm. Nguy hiểm do làm việc không khoa học cho dù ta cũng có đội ngũ khói lửa. Nhưng ở nước ngoài, đó là những kỹ sư, rồi rất nhiều máy móc để tính toán sơ đồ, bản vẽ cụ thể cho mỗi cảnh cháy nổ. Còn ở mình có khi là mấy anh bộ đội chuyển ngành, gọi là có kinh nghiệm, chỉ bàn miệng với nhau, chỉ làm theo kinh nghiệm dân gian chứ không có công thức khoa học. Nước ngoài hiện nay đã có loại quả nổ không gây nguy hiểm, còn ta vẫn dùng loại quả nổ bằng thuốc nổ TNT.

Các đạo diễn nghĩ sao về các phim chiến tranh của một số đạo diễn trẻ gần đây?

Đạo diễn Khắc Lợi

Các đạo diễn trẻ có cách nhìn nhận về chiến tranh ở những khía cạnh khác với chúng tôi. Lớp trẻ thường tập trung khai thác mảng tình cảm cá nhân như bộ phim Sinh mệnh gần đây. Điều đó rất đáng hoan nghênh.

Đạo diễn Hải Ninh

Họ làm về đề tài hậu chiến tôi cho là xuất sắc. Lớp đạo diễn trẻ có cách nhìn khác lạ, nhưng họ không được đầu tư, mài giũa. Chưa có cơ sở tư nhân nào giám bỏ kinh phí cho phim chiến tranh nên nhà nước phải nhìn nhận ra lớp đạo diễn trẻ để đầu tư cho thích đáng.

Thúy Phương – Yến Thi

(thực hiện)