Phim cổ trang Trung Quốc và bí quyết thành công

(TGĐA) - Trải qua nhiều thập kỷ, phim cổ trang tiếp tục chứng minh sức hút trường tồn trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc. Lịch sử không còn là yếu tố được tôn trọng, dòng phim này khéo léo chiều lòng khán giả bằng khung cảnh hoành tráng, kỹ xảo đẹp mắt, dàn sao đình đám và quan trọng nhất là nội dung bắt kịp xu hướng giải trí đang thịnh hành.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong Diễn viên Ngô Xuân Cương: Duyên với cổ trang
phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong 'Như Ý truyện' và 'Ba Thanh truyện' chốt lịch chiếu hè 2018: Màn đọ rating căng thẳng nhất Hoa ngữ?

Sức hút trường tồn

Mùa hè 2018, truyền hình Trung Quốc đón nhận hai hiện tượng gây tiếng vang lớn mang tựa đề Diên Hi công lược Hậu cung Như Ý truyện. Ra mắt trực tuyến nối tiếp nhau, hai series cung đấu trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội, chi phối nhiều cung bậc cảm xúc của người xem. Nhiều cảnh phim, câu thoại được trích dẫn hoặc tạo cảm hứng cho những trào lưu chế ảnh hài hước. Theo chuyên trang xu hướng và số liệu tiêu dùng làng giải trí Vlinkage, tính đến ngày 2/9, Diên Hi công lược vẫn dẫn đầu lượng người xem của phim truyền hình mạng Trung Quốc, vượt mốc 245 triệu người, mặc dù phim đã đăng tải tập cuối trước đó một tuần.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Diên Hi công lược gợi cảm giác sang trọng

Theo sát ở vị trí thứ hai là Hậu cung Như Ý truyện với 195,5 triệu người. Không chỉ thắng lớn về phương diện thương mại, hai bộ phim xoay quanh câu chuyện tranh giành sủng ái chốn hậu cung thời vua Càn Long còn được đánh giá khá sáng giá về mặt chuyên môn. Trên trang bình luận phim Douban, Diên Hi công lược được chấm 7,2/10, còn Hậu cung Như Ý truyện nhận số điểm 7,3/10. Bộ phim này hiện mới phát sóng khoảng một phần ba, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thăng hạng về điểm số. Hai tác phẩm này còn được đón nhận nồng hậu tại Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong, Singapore… và một lần nữa đưa dòng phim cung đấu gây sốt trở lại tại thị trường phim Trung Quốc, từ sau bom tấn Hậu cung Chân Hoàn truyện phát sóng năm 2011.

Phim cổ trang vốn là thế mạnh và thương hiệu vàng của truyền hình Trung Quốc, đi trước nhiều quốc gia trong khu vực. Song thực tế, thể loại phim này chịu nhiều chèn ép tại chính đất nước sở tại. Trang Sohu cho hay, từ 2013, Cục Quản lý Điện ảnh Truyền hình Phát thanh Trung Quốc ban hành điều luật riêng cho phim truyền hình. Theo đó, số tập phim cổ trang lên sóng giờ vàng một tháng hoặc một năm không được vượt quá 15% tổng số tập phim truyền hình chiếu trên giờ vàng trong tháng hoặc năm. Riêng Hậu cung Như Ý truyện, trước khi chiếu trực tuyến, phim từng nhiều lần lùi lịch phát sóng vì quá dài (ban đầu dự kiến 99 tập), cộng thêm ải kiểm duyệt đầy nan giải.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Hậu cung Như Ý truyện là lần hiếm hoi Đổng Khiết đóng phản diện

Dù bị thắt chặt hạn chế như vậy, phim cổ trang Trung Quốc vẫn duy trì được lượng fans nhất định. Số liệu từ Sohu cho thấy, năm 2017, có hai phim cổ trang lọt top 10 phim sở hữu rating cao nhất màn ảnh nhỏ, cùng bốn phim cổ trang thuộc top 10 phim có lượng người xem trực tuyến cao nhất. Còn Ent Group thì chỉ ra, trong hai năm 2016 – 2017, hai phim Sở Kiều truyện (Triệu Lệ Dĩnh, Lâm Canh Tân đóng chính) và Tam sinh tam thế thập lý đào hoa (Dương Mịch, Triệu Hựu Đình đóng chính) vượt mốc 40 tỉ lượt khán giả.

Các minh chứng cụ thể khẳng định, lên sóng trực tuyến là hướng đi đúng đắn cho phim cổ trang Trung Quốc. Hơn nữa, truyền hình mạng ngày càng được ưa chuộng, hứa hẹn trở thành chủ lưu của lĩnh vực truyền thông – giải trí Trung Quốc trong tương lai.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Tam sinh tam thế thập lý đào hoa là một tựa phim được yêu thích năm 2017

Bóp méo lịch sử, ngôn tình lên ngôi

Vào thập niên 1980 – 1990, phim cổ trang Trung Quốc chủ yếu sản xuất phim chính sử, dã sử và phim chuyển thể từ tứ đại danh tác – Tây Du Ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Thủy hử. Những tác phẩm mang tính sáng tạo nhiều như Hoàn Châu cách cách của nữ văn sĩ Quỳnh Dao không nhiều. Riêng loạt phim dã sử thường được dàn dựng theo công thức: bảy phần sự thật lịch sử và ba phần hư cấu. Bước sang thế kỷ 21, nguồn vốn sản xuất phim của Trung Quốc ngày càng tăng, công nghệ làm phim được cải thiện rõ rệt, nhu cầu thưởng thức và yêu cầu thẩm mỹ của khán giả cũng khắt khe hơn, phim cổ trang khéo léo làm mới mình để đáp ứng thị hiếu công chúng. Dòng phim này dần phân tách thành nhiều thể loại nhỏ.

Mở màn bằng Tiên kiếm kỳ hiệp truyện (Hồ Ca, Lưu Diệc Phi, An Dĩ Hiên… đóng chính), dòng phim tiên hiệp phần nhiều được cải biên từ trò chơi điện tử, xoay quanh những cuộc chiến ân oán giang hồ. Phim cổ trang giả tưởng hướng tới các chuyện tình lâm li bi đát giữa người và tiên, hoặc kiến tạo một vương triều, thời đại không có thật như series Phù Dao hoàng hậu do nữ hoàng rating Dương Mịch đảm nhận vai chính.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Phù Dao hoàng hậu bị chê tơi tả, chỉ riêng cặp diễn viên chính Dương Mịch và Nguyễn Kinh Thiên vẫn đầy sức hút

Phim mưu quyền xoay quanh cuộc chiến tranh giành quyền uy, thế lực trong hoàng triều, nổi bật trong số này là Bộ bộ kinh tâm Cung tỏa tâm ngọc. Hai phim này đều mang yếu tố giả tưởng với chi tiết nữ chính là người của thế kỷ 21 vượt thời gian trở về quá khứ. Ăn khách nhất trong dòng phim cổ trang Trung Quốc là phim cung đấu, được truyền cảm hứng từ series kinh điển của đài TVB Thâm cung nội chiến, đạt đỉnh cao đầu tiên với Hậu cung Chân Hoàn truyện và được tiếp lửa bằng Lục Trinh truyền kỳ, Diên Hi công lược, Hậu cung Như Ý truyện…

Đặc điểm chung của phim mưu quyền và phim cung đấu là, hai kiểu phim này đều đặt trong bối cảnh vương triều phong kiến Trung Quốc, phần nhiều là thời đại nhà Thanh. Tuy nhiên, chất liệu hiện thực không hoàn toàn được bảo đảm. Báo People bình luận, lịch sử đơn thuần là lớp vỏ bên ngoài, vì phim cổ trang Trung Quốc chính xác là phim ngôn tình kể câu chuyện diễn ra ở thời đại cũ. Từ sử sách bước lên phim, các nhân vật nổi tiếng hầu như chỉ giữ lại danh tính, lai lịch, còn tính cách, tình yêu, cuộc đời của họ hoàn toàn được biến tấu tùy ngòi bút biên kịch.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Series Chân Hoàn truyện tạo tiếng vang đầu tiên cho dòng phim cung đấu Trung Quốc

Hai vị hoàng đế quen mặt nhất trong phim truyền hình, Ung Chính và Càn Long, trong mỗi phiên bản lại mang nét tính cách khác biệt và yêu thương những nữ nhân khác nhau. Trong Bộ bộ kinh tâm Cung tỏa tâm ngọc, Ung Chính đem lòng yêu cô gái đến từ thế kỷ 21 (Lưu Thi Thi và Dương Mịch đóng). Trong Hậu cung Chân Hoàn truyện, vị vua này lại hết mực sủng ái Chân Hoàn (Tôn Lệ thể hiện). Nam nhân được yêu mến bậc nhất trong phim Diên Hi công lược - Phó Hằng (Hứa Khải đóng) trong hiện thực không giữ mối tơ vương sâu nặng với Lệnh phi (Ngô Cẩn Ngôn đóng).

Trang Jianshu chỉ ra, đúng theo lịch sử, Chân Hoàn chỉ sinh cho vua Ung Chính duy nhất một người con là Hoằng Lịch (sau này là vua Càn Long). Khi chết, bà không được an táng cùng hoàng thượng, cho thấy Chân Hoàn thực sự cũng không quá đắc sủng. Trong khi đó, với Hậu cung Chân Hoàn truyện, Chân Hoàn (Tôn Lệ) sinh được hai người con và từng sảy thai hai lần, rất được nhà vua nâng niu. Còn trong Hậu cung Như Ý truyện, Chân Hoàn ở tuổi trung niên bức chết hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp, trở thành thái hậu duy nhất sau khi Ung Chính băng hà và Càn Long lên ngôi.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong

Trong Võ Mị Nương truyền kỳ, Đường Thái Tông sủng ái Võ Mị Nương (Phạm Băng Băng), thất sủng Từ Huệ phi (Trương Quân Ninh). Sau này, Huệ phi từ hiền phi trở nên độc ác. Thực tế, nhan sắc được Đường Thái Tông sủng ái nhất là Huệ phi, bà cũng được xưng tôn hiền phi sau khi qua đời. Về phần Võ Mị Nương, bà chỉ sinh con cho Đường Cao Tông, không sinh con cho Đường Thái Tông (cha của Đường Cao Tông) như trong phim.

Nhận xét về xu hướng làm phim “giả cổ” này của truyền hình Trung Quốc, tờ People nhận định, phim cổ trang hiện tại chỉ tập trung chuyện nữ nhân hậu cung tranh giành sủng ái, đánh mất yếu tố chân thực. Một phim cổ trang hay không cần thiết tái hiện quá tuyệt đối lịch sử, song phải thể hiện tính phóng chiếu đối với một phần sử sách, truyền đạt được tinh thần văn hóa truyền thống. Trang Guancha thì cho rằng, phim cung đấu tồn tại độc lập với phim lịch sử hay dã sử, không thể đòi hỏi dòng phim này tái hiện lịch sử chuẩn xác. Tuy nhiên, sự bùng nổ của dòng phim này dễ hình thành những nhầm lẫn trong tri thức của khán giả. Trong thời đại phim cổ trang hư cấu gây sốt, các chương trình phổ cập kiến thức lịch sử, phim tài liệu văn hóa càng không thể bị xem nhẹ.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Phim cổ trang hiện tại chỉ tập trung chuyện nữ nhân hậu cung tranh giành sủng ái, đánh mất yếu tố chân thực

Đông ngôi sao, hình ảnh đẹp, bắt xu hướng nhạy bén

Hội tụ nhiều đặc trưng của truyền hình Trung Quốc, phim cổ trang sở hữu kịch bản dài dòng, nhịp phim chậm chạp, tính liên kết yếu, nhiều tình tiết phi lý, sướt mướt, sến sẩm. Trang Wenming còn chỉ ra không ít chi tiết lặp đi lặp lại trong loạt phim này, chẳng hạn như chuyện tình người và tiên, nhân vật mất trí nhớ, đau lòng giữa trời tuyết, nụ hôn cuồng nhiệt… Chưa kể, nhiều phim tiên hiệp, giả tưởng còn trưng dụng bối cảnh, thiết kế tạo hình na ná nhau, gây cảm giác nhàm nhán, nghèo nàn ý tưởng. Nhiều “sạn” cơ bản như nhân viên đoàn phim điện thoại, quần áo, giầy dép, đồ dùng hiện đại lọt vào hình liên tục bị tìm ra. Bất chấp loạt nhược điểm kể trên, phim cổ trang Trung Quốc vẫn chinh phục người xem bằng hiệu quả thị giác và tâm lý.

Cơ hội thành công của bộ cuốn phim ít nhiều được định đoạt từ khi dự án khởi động, thông qua dàn diễn viên của phim. Khác với loạt phim lúc trước của nhà sản xuất Vu Chính, Diên Hi công lược hạn chế khai thác gương mặt mới, cân bằng việc lăng xê người trẻ và sử dụng nghệ sĩ thực lực.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Diễn xuất đỉnh cao của Xa Thi Mạn làm nên thành công cho Diên Hi công lược

Thêm nữa, các thông tin bên lề như Xa Thi Mạn từ chối bom tấn TVB Thâm cung kế, chủ động hạ giá catse để nhận vai Nhàn Phi càng giúp phim gây chú ý. Ít khi nhận phim truyền hình, hoa đán Châu Tấn trở thành điểm sáng tuyệt đối của Hậu cung Như Ý truyện.

Cú lột xác của “thánh nữ” Đổng Khiết trong vai phản diện hoàng hậu Phú Sát cũng là điều kích thích khán giả. Trong khi đó, sự hóa thân của Hoắc Kiến Hoa vào hình tượng vua Càn Long lại gây nhiều tranh cãi cả về diện mạo lẫn diễn xuất. Phù Dao hoàng hậu bị chỉ trích nặng nề vì dàn dựng sơ sài, đạo cụ nhựa gây cảm giác giả tạo, kém sang, nhưng sự xuất hiện của nữ hoàng rating Dương Mịch vẫn giữ cho phim một lượng khán giả trung thành. Đảm bảo lượng fans đông đảo sẵn sàng ủng hộ phim, các ngôi sao tên tuổi còn là khởi nguồn cho nhiều chủ đề hậu trường được bàn tán sôi nổi.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Phù Dao hoàng hậu để lộ nhiều đạo cụ nhựa rất giả tạo

Giữa bối cảnh nhiều dự án cổ trang liên tục sản xuất, chính sách phát sóng truyền hình lại quá eo hẹp, các phim cổ trang Trung Quốc đành nâng cao khả năng cạnh tranh bằng nguyên tác văn học nổi tiếng, dàn diễn viên hùng hậu, bối cảnh, phục trang hoành tráng. Riêng nhóm phim tiên hiệp, giả tưởng còn được đầu tư lớn vào kỹ xảo hình ảnh. Nhận đầu tư 300 triệu NDT, Diên Hi công lược là một trong các dự án đắt đỏ nhất của truyền hình Trung Quốc.

Phim tốn 92% số tiền sản xuất cho việc thiết kế bối cảnh và trang phục, đem đến hiệu quả thị giác vô cùng tuyệt vời. Bối cảnh Tử Cấm Thành được tái hiện trên phim trường Hoành Điếm, qua những góc máy tinh tế, đầy tính toán, làm nổi bật không khí cao sang nhưng cũng lạnh lẽo chốn hoàng cung. Trang phục, trang sức, lối trang điểm trong phim được ghi nhận là bám sát chuẩn mực thẩm mỹ của dân tộc Mãn Châu vào thế kỷ 18. Màu sắc phim trang nhã càng tôn lên vẻ sang trọng cho từng thước phim. Trang Wenming nói thêm, đạo cụ, phục trang có giá trên trời không phải chuyện hiếm có với các bộ phim cổ trang của xứ Trung.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong
Cuộc đời Chân Hoàn trong Chân Hoàn truyện mang nhiều khác biệt với thực tế

Các bộ phim thấm đẫm không khí lãng mạn qua từng tình huống, chi tiết, lời thoại. Bên cạnh đó, tính bi kịch cũng được đan xen liên tục, bởi thực tế cho thấy, càng bi kịch phim càng ăn khách, chi phối nhiều cảm xúc yêu thích, xót xa, tiếc nuối, tức giận trong lòng người xem. Số phận của các phi tần, diễn biến của cuộc đua tranh sủng hay kết cục của những mối tình ngang trái luôn diễn giải lan man, làm khán giả “bỏ thì thương, vương thì tội”, rốt cuộc thường vì tò mò mà theo dõi tới hết.

Một cách công tâm, phim cổ trang Trung Quốc hiện hữu nhiều điểm yếu. Tuy vậy không thể phủ nhận, sức hút của loại phim này chưa từng hạ nhiệt. Các đạo diễn nhà sản xuất luôn khôn khéo cài cắm nhiều yếu tố để chiếm được tình cảm của khán giả.

phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong Màn ảnh Hoa ngữ tháng 8: 'Như Ý truyện' không còn lỗi hẹn!
phim co trang trung quoc va bi quyet thanh cong Xa Thi Mạn nổi đình đám với vai phản diện trong phim 'Diên hy công lược'

Phong Kiều