Phim Ký sự truyền hình: 12 kinh nghiệm của đạo diễn - NSƯT Dư Kim Hoàng

(TGĐA) - Từng thành công qua các phim Trung Hoa du ký, Mê Kông ký sự và Ký sự sông Hằng, đạo diễn Dư Kim Hoàng (Dư Hoàng) rất chân thành chia sẻ về những kinh nghiệm khi làm phim Ký sự.

1. Trước hết chúng ta phải chuẩn bị đề cương, nhưng không cứng nhắc, bởi khi đi thực hiện luôn cần tạo yếu tố bất ngờ. Rất cần người đạo diễn phải ăn ý với người viết kịch bản, để có sự chuẩn bị trước về lộ trình mà đoàn sẽ đi qua. Những địa danh đó phải có nét độc đáo về văn hóa, di tích, lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực… đặc trưng cho vùng miền, để khi tới, đoàn phải nhờ ngay người địa phương giới thiệu và cùng thâm nhập với họ, hy vọng sẽ có những thước phim hấp dẫn. Rất cần người biên kịch, kiêm luôn viết lời bình để nắm bắt được những cảm xúc.

Bien_kich_Trn_c_Tun_tri_D_D_Hong_phi_trn_ng_lm_phim

Biên kịch Trần Đức Tuấn (trái) và ĐD Dư Hoàng (phải) trên đường làm phim

2. Với người quay phim, anh chính là “con mắt” của đạo diễn. Chỉ cần nhìn đạo diễn có biểu hiện thế nào là hiểu ngay ý đồ để quay, vì trên đường đi thường xuyên phải “lén” quay, khéo léo tiếp cận những đối tượng lạ. Người quay phim cũng phải chịu cực, kiên trì ôm máy suốt đường đi như ôm vũ khí trong tay, để khi có sự kiện lạ xuất hiện là phải bắt chộp ngay. Người đạo diễn cũng vậy, cố gắng mở mắt to mà quan sát, tránh không nên giao phó cho tài xế, mà cả đạo diễn và quay phim không được ngủ.

3. Mọi hoạt động của đoàn phim tránh sự lộ liễu, rầm rộ, ồn ào, thậm chí cần giấu kỹ máy quay. Chính vì vậy rất cần được trang bị máy quay thiện chiến, chuyên nghiệp, gọn nhẹ mới có thể bắt được từng hơi thở, sức sống trong từng khuôn hình sinh động. Nếu ta dàn dựng lại sẽ mất đi sức sống, sự hồn nhiên và nét tinh khôi của nó. Tuy nhiên, rất cần được kết hợp cài đặt tinh tế thêm phong cách sáng tác của dòng phim tài liệu, nhằm để tả, tìm hiểu, giả định hay đào sâu thêm những sự kiện, điểm nhấn chính để tăng phần sinh động.


Canh_dep_trong_phim_Mekong_k_s

Cảnh đẹp trong Mekong ký sự

4. Khi quay phải biết nương theo ánh sáng tự nhiên, càng ít sử dụng đèn càng tốt và tận dụng ánh sáng trời. Nếu là ban đêm, thì dùng ánh sáng đèn, thậm chí dùng đèn pin, đèn ô tô, giảm những bố quang chuyên nghiệp và không nên phô diễn chủ thể trong một khung hình. Thường một đoàn phim có hai máy quay để chủ động.

5. Tiếng động, phải thu trực tiếp được tiếng động con người, thiên nhiên, môi trường (nếu có chuyên gia âm thanh đi theo thì càng tốt để thu tiếng động hiện trường); Phim tài liệu, ký sự dứt khoát không cho phép đúp tiếng.

6. Cách phỏng vấn không nên hỏi nhiều, cần ngắn gọn, xoáy vào trọng tâm, không cần chau chuốt, có khi nói hơi láp ráp lại ra chất ký sự. Cách hỏi cũng như trả lời cần chân thật, mộc mạc, còn hay hơn viết lời bình.

on_phim_Mekong_k_s_trn_sng_Lan_Thng_-_Trung_Quc

Đoàn phim Mekong ký sự trên sông Lan Thương - Trung Quốc

7. Phim ký sự cần ghi lại những hình ảnh cuộc sống, con người mộc mạc, chân chất, bình dị, nhưng lại bộc lộ bên trong một sức sống tiềm ẩn, đó mới là ký sự chứ nếu dàn dựng lại là rơi vào thể loại tài liệu, có khi vô tình lâm vào hiện tượng bêu riếu văn hóa của những địa phương đó. Người làm phim ký sự ngoài tay nghề chuyên môn vững, rất cần tính đam mê, bền bỉ, xả thân giống như người đi săn mồi thiện chiến. Các thành phần trong đoàn cần coi như mình không phải là người làm phim, thì mới dễ khai thác những thước phim đắt giá. Đoàn nên càng ít người càng tốt, nhưng phải là dân nhà nghề, thiện chiến, đảm bảo các yêu cầu có thể như 3 trong 1, hay 2 trong 1. Nghĩa là người đạo diễn, kiêm quay phim; Quay phim kiêm kỹ thuật sửa chữa; Biên tập kiêm viết lời bình và MC và tài xế kiêm phụ quay.

Dao_dien_Du_Kim_Hoang_tu_quay_tren_duong_lam_phim_ky_su_1

Đạo diễn Dư Hoàng tự quay phim trên đường đi

8. Do những lúc rong ruổi trên xe quá mệt, ăn uống lại thất thường, dẫn tới sức khỏe giảm trên đường đi càng dài, nên rất cần tinh thần của tất cả đoàn phim phải bản lĩnh để tiếp tục nắm bắt cái lạ, cái đẹp. Điều này cũng cần một người chủ nhiệm để cân đối kinh phí để có chế độ ăn uống, bảo đảm sức khỏe cho anh em trong đoàn tới ngày cuối cùng của chuyến đi. Ngoài ra, một chủ nhiệm năng động, nhạy bén còn đáp ứng yêu cầu của đạo diễn, khi cần phải mua ngay tư liệu tại nước sở tại để bổ sung thêm hình ảnh, thông tin giá trị cho bộ phim.

9. Về kinh phí, nếu chúng ta tự lực được là thuận lợi nhất. Còn nếu do có nhà tài trợ hoặc đi quay theo con đường du lịch của nhà tài trợ, sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc nuôi cảm xúc sáng tác và thời gian khi quay.

o_din_D_Kim_Hong_cng_quay_phim_Hng_Chi_trong_chuyn_lm_phim_k_s

Đạo diễn Dư Kim Hoàng cùng quay phim Hồng Chi trong chuyến làm phim ký sự

10. Trong khâu dựng (hậu kỳ), đạo diễn cần nắm bắt, để chuyển tải cảm xúc từ khi quay. Cần tỉnh táo “nêm nếm” đúng liều lượng hình ảnh, cũng như chủ động tiết chế, kìm nén và đặt cảm xúc vào phân đoạn, hình ảnh nào cho đắt, hợp lý, tránh bệnh sa đà trong cảm xúc, phim sẽ lê thê.

11. Lời bình ký sự không có khuôn mẫu, mỗi người đều có cảm nhận riêng, nhưng khi viết phải bằng cảm xúc từ trái tim, tới trái tim, dễ gây ấn tượng, thuyết phục cho người nghe.

12. Cuối cùng là một quan điểm, sự nhận thức dứt khoát và phải thống nhất từ nhà sản xuất đến từng thành viên trong đoàn phim là không được xem chuyến đi thực hiện ký sự là chuyến đi tham quan, du lịch “làm chơi, nặng xem, khoái thưởng thức”. Mà hành trình của họ là luôn luôn phải dán mắt vào khung hình 3x4 trên chiếc máy quay, thì mới ra phim Ký sự được.

on_lm_phim_Mekong_k_s

Đoàn làm phim Mekong ký sự

Làm ký sự không hề dễ. Chúng ta luôn cần tỉnh táo, bản lĩnh, quyết đoán trong cảm xúc, vừa cảm, vừa tỉnh, vừa thực, vừa siêu thực, nhưng không thể thiếu đi chất lãng mạn rất nghề của người nghệ sĩ.

Hồng Liên